Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 08/2001/CT-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Chỉ thị | Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 27/04/2001 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 27/04/2001 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giao thông |
CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 08/2001/CT-TTG
NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 2001 VỀ VIỆC TẬP TRUNG THỰC HIỆN
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM HẠN CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG
VÀ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG ÙN TẮC GIAO THÔNG
Trong thời gian qua, mặc dù các ngành, các địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp khẩn cấp để hạn chế tai nạn giao thông, nhưng số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong năm 2000 vẫn tăng đáng kể so với năm 1999 và chưa tạo được chuyển biến mạnh trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Để khắc phục có hiệu quả hơn nữa tình trạng gia tăng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, thực hiện Nghị quyết số 02/2001/NQ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2001 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 33/1999/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 1999 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thực hiện ngay những công việc sau:
1. Bộ Công an:
a) Cần tạo chuyển biến mạnh mẽ và duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết các vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý mọi hành vi vi phạm không chỉ với người điều khiển phương tiện cơ giới mà kể cả người điều khiển phương tiện thô sơ, người đi bộ. Lực lượng cảnh sát cần phối hợp chặt chẽ với thanh tra giao thông, thanh niên xung kích, các tổ tự quản, Mặt trận Tổ quốc, có kế hoạch triển khai rất cụ thể để sau một thời gian thực hiện Chỉ thị này tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông phải giảm hẳn.
b) Phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và thực hiện ngay các phương án tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến, chỉ dẫn giao thông ở các thành phố, thị xã và các tuyến giao thông quan trọng nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trước mắt cần áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
c) Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn bằng được nạn đua xe mô tô trái phép. Đồng thời, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành để có cơ sở pháp lý đấu tranh có hiệu quả chống nạn đua xe.
d) Ưu tiên trang bị các thiết bị phát hiện kịp thời lái xe say rượu bia sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác, để xử phạt nghiêm minh; tạm giữ giấy phép lái xe của những lái xe này và thông báo ngay cho cơ quan quản lý lái xe cùng phối hợp xử lý.
2. Bộ Giao thông vận tải:
a) Phối hợp với các cơ quan liên quan vận động tuyên truyền liên tục, rộng rãi mọi người đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng mũ bảo hiểm, hướng dẫn sản xuất các loại mũ bảo hiểm phù hợp với điều kiện Việt Nam, bảo đảm tháng 6 năm 2001 có đủ mũ cung cấp cho thị trường với giá cả ổn định. Trình Chính phủ các quy định pháp luật cần thiết để bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy.
Đôn đốc và tạo điều kiện cho các Bộ, ngành tổ chức cho cán bộ, công chức gương mẫu thực hiện trước việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy.
b) Tăng cường kiểm tra công tác kiểm định an toàn phương tiện, quy định cụ thể trách nhiệm của đăng kiểm viên, trạm trưởng và các cấp trong công tác kiểm định. Xử lý nghiêm cá nhân, cơ sở kiểm định vi phạm các quy trình kiểm định hoặc cho phép các phương tiện không đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật được lưu hành với bất kỳ lý do nào.
c) Ngành đường sắt cần rà soát, kiểm tra và đánh giá lại độ an toàn các tuyến đường sắt, đặc biệt là tại các điểm giao cắt với đường bộ, chủ động phối hợp với Bộ Công an xây dựng các biện pháp nhằm giảm tai nạn trên các tuyến đường sắt.
d) Tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả các biện pháp giải quyết các "điểm đen" đã thực hiện trong thời gian qua. Tiếp tục giải quyết các "điểm đen" trên các quốc lộ, các đoạn đường đèo dốc.
đ) Tổ chức tốt việc đào tạo, thi lấy giấy phép lái xe; thường xuyên kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe và kiên quyết thu hồi giấy phép đào tạo nếu cơ sở không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và có tiêu cực, xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, thi và cấp giấy phép lái xe.
e) Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính để các địa phương có thể xây dựng được các Trung tâm sát hạch tập trung, khuyến khích các địa phương đầu tư vào các Trung tâm sát hạch hiện đại.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương để tổ chức kiểm tra ở tất cả các trường việc đi xe mô tô, xe máy của học sinh. Nhà trường phải có trách nhiệm giáo dục và có biện pháp kiên quyết đối với những học sinh không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lứa tuổi và loại mô tô, xe máy được sử dụng. Đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, lực lượng cảnh sát trong việc giáo dục và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Nhà trường phải coi đây là một biện pháp giáo dục pháp luật quan trọng để tạo thói quen chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên.
Việc này phải hoàn thành trước khi kết thúc năm học 2000 - 2001 và áp dụng các biện pháp nhằm duy trì kết quả đạt được trong những năm học tiếp theo.
4. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chương trình phổ biến để các tầng lớp nhân dân hiểu biết các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của toàn dân. Chương trình này nên lồng ghép trong cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư mới" của Mặt trận Tổ quốc.
5. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương mở đợt tuyên truyền rộng rãi nội dung Chỉ thị này, phê phán gay gắt những người tham gia giao thông không chấp hành pháp luật, đồng thời phát hiện những hiện tượng tiêu cực, những hành vi sai trái của những người thi hành nhiệm vụ, phản ánh kịp thời trên công luận để các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
6. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở địa phương; kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ công trình giao thông. Uỷ ban nhân dân trích trong nguồn tiền xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông được phân bổ để tăng cường cho các lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm khẩn trương chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này, thường xuyên báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia thường xuyên đôn đốc các Bộ, các địa phương thực hiện và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị 08/2001/CT-TTg thực hiện hạn chế TNGT và khắc phục tình trạng giao thông
In lược đồCơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 08/2001/CT-TTg |
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Ngày ban hành: | 27/04/2001 |
Hiệu lực: | 27/04/2001 |
Lĩnh vực: | Giao thông |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!