Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 10709/BGTVT-TTr | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Nguyễn Ngọc Đông |
Ngày ban hành: | 26/10/2020 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 26/10/2020 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giao thông |
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Số: 10709/BGTVT-TTr | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2020 |
Kính gửi: | - Thanh tra Bộ GTVT; |
Căn cứ Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31/5/2013 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải;
Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra;
Căn cứ Công văn số 1792/TTCP-KHTH ngày 19/10/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2021;
Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2021 như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Hoạt động thanh tra cần bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay; đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, chất lượng kết luận thanh tra; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây bức xúc trong đời sống xã hội, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan hoạt động thanh tra, nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Nghị quyết sổ 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
2. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế.
3. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM CÔNG TÁC THANH TRA HÀNH CHÍNH
1. Thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng.
2. Thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn tại một số doanh nghiệp.
3. Thanh tra công tác quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
4. Thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
5. Thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
6. Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
III. NỘI DUNG TRỌNG TÂM CÔNG TÁC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH
1. Lĩnh vực đường bộ: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh: Vận tải bằng xe ô tô (bao gồm cả hoạt động vận tải bằng xe 4 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện, hoạt động vận tải có sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải); dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe; dịch vụ kiểm định; công tác bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới; công tác quản lý, khai thác, bảo trì và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.
2. Lĩnh vực đường sắt: Thanh tra công tác quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường sắt và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; việc chấp hành các quy định trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt; công tác tổ chức chạy tàu; công tác phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, dịch vụ công ích; công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên đường sắt.
3. Lĩnh vực hàng không: Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật chuyên ngành hàng không về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và công tác năng định, cấp phép đối với phi công, kiểm soát viên không lưu; cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; dịch vụ hàng không của các hãng hàng không; dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không của các cảng hàng không; việc chấp hành quy định về khai thác tàu bay và bảo dưỡng tàu bay; việc chấp hành quy định về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; công tác bảo trì trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
4. Lĩnh vực hàng hải: Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về vận tải và hoạt động cảng biển; việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động của hoa tiêu hàng hải; việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động lai dắt hỗ trợ tàu biển; việc thực hiện cung ứng dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; việc chấp hành pháp luật trong công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng hải; việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo trì công trình hàng hải.
5. Lĩnh vực đường thủy nội địa: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo an toàn giao thông; về quản lý, bảo trì công trình đường thủy nội địa; việc thực hiện các quy định pháp luật về vận tải và quản lý cảng, bến thủy nội địa; công tác đào tạo, thi, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ GTVT căn cứ nhiệm vụ trọng tâm của ngành và đơn vị, định hướng chương trình, công tác thanh tra năm 2021 của Bộ GTVT khẩn trương tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu và xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2021 và gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 05/11/2020 để tổng hợp trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt theo quy định.
2. Thanh tra Sở GTVT các tỉnh, thành phố, Thanh tra Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai căn cứ yêu cầu quản lý về GTVT tại địa phương và định hướng chương trình, công tác thanh tra năm 2021 của Bộ GTVT để lập kế hoạch thanh tra, trình Giám đốc Sở GTVT phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2021 theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 57/2013/NĐ-CP.
3. Trong quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, Thủ trưởng các cơ quan thanh tra thường xuyên phối hợp để hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra; chú trọng thực hiện Nghị quyết 35/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng chính phủ, cụ thể:
- Kế hoạch thanh tra phải xác định rõ phạm vi, nội dung, đối tượng, thời gian dự kiến tiến hành thanh tra đúng theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP.
- Các cơ quan thanh tra chủ động và phối hợp chặt chẽ các đơn vị thuộc Kiểm toán Nhà nước để trao đổi, thống nhất xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán, theo đó, trong 01 năm kế hoạch, không được tiến hành thanh tra, kiểm toán cùng 01 nội dung tại 01 đối tượng cụ thể (cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp). Trường hợp không trùng về nội dung thì cơ quan, đơn vị được giao thực hiện kế hoạch thanh tra chủ động trao đổi, thống nhất, tránh chồng chéo về thời gian tiến hành thanh tra, kiểm toán.
4. Thủ trưởng các cơ quan thanh tra thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ và các quy định, quy chế, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Ngành Thanh tra, như: Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019, Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Thanh tra Chính phủ.
5. Giao Thanh tra Bộ là đầu mối, chủ trì rà soát, hướng dẫn việc đề xuất xây dựng, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các đơn vị đảm bảo đúng theo định hướng, phù hợp, hiệu quả. Tổng hợp, tham mưu trình Bộ trưởng ký ban hành kế hoạch thanh tra năm 2021 của Bộ GTVT theo quy định.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải |
Số hiệu: | 10709/BGTVT-TTr |
Loại văn bản: | Công văn |
Ngày ban hành: | 26/10/2020 |
Hiệu lực: | 26/10/2020 |
Lĩnh vực: | Giao thông |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Ngọc Đông |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |