hieuluat

Quyết định 1287/QĐ-TTg Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam quốc lộ 18

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:449 & 450 - 08/2011
    Số hiệu:1287/QĐ-TTgNgày đăng công báo:12/08/2011
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Hoàng Trung Hải
    Ngày ban hành:29/07/2011Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:29/07/2011Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Giao thông
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    ---------------------
    Số: 1287/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------------------
    Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2011
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 - VÙNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI,
    ĐOẠN PHÍA NAM QUỐC LỘ 18
    -----------------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2050;
    Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại tờ trình số 2841/TTr-BGTVT ngày 17 tháng 5 năm 2011 về Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội - đoạn phía Nam quốc lộ 18,
     
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
     
    Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam quốc lộ 18 với những nội dung chủ yếu sau:
    1. Mục tiêu quy hoạch:
    - Cụ thể hóa Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2008 trong đó xác định hướng tuyến, quy mô toàn tuyến và xác định các phân đoạn tuyến ưu tiên đầu tư để phân chia thành các dự án thành phần trên địa bàn các tỉnh, nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông các địa phương liên quan trong vùng Thủ đô Hà Nội.
    - Là cơ sở để xác định mốc giới để các địa phương triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan đến tuyến đường.
    - Liên kết các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả các tuyến đường này, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo dịch vụ vận tải chủ động và hiệu quả trong phát triển kinh tế khu vực.
    2. Nội dung quy hoạch:
    a) Phạm vi lập quy hoạch:
    Quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 14 quận, huyện, thành phố trực thuộc 03 tỉnh, thành phố:
    - Thành phố Hà Nội: Các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông.
    - Tỉnh Hưng Yên: Các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm.
    - Tỉnh Bắc Ninh: Các huyện Thuận Thành, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh.
    b) Hướng tuyến:
    - Điểm đầu tuyến: Tại lý trình khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội).
    - Điểm cuối tuyến: Tại khoảng Km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, thành phố Bắc Kinh, tỉnh Bắc Ninh).
    - Tổng chiều dài đoạn phía Nam quốc lộ 18 khoảng 98 km.
    - Hướng tuyến chi tiết của từng đoạn như sau:
    + Đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội: Từ đầu tuyến trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, tuyến đi theo hướng Tây - Nam giao quốc lộ 2 tại xã Thanh Xuân và tiếp tục qua khu đô thị mới Mê Linh, tuyến vượt sông Hồng tại vị trí cầu Hồng Hà (phía Bắc cầu tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía Nam cầu tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng); tuyến giao quốc lộ 32 tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức và cắt Đại lộ Thăng Long tại khoảng Km12 + 600 và giao cắt quốc lộ 6 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông), đi theo hướng Đông - Nam, giao quốc lộ 1A và đường Pháp Vân - Cầu Giẽ tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở tại vị trí cách phà Mễ Sở khoảng 01 km về phía thượng lưu. Chiều dài đoạn tuyến khoảng 56,5 km;
    + Đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên: Bắt đầu từ điểm giao quốc lộ 5 tại khoảng Km17+900 theo lý trình quốc lộ 5, vị trí cách trạm thu phí quốc lộ 5 khoảng 150m về phía Hà Nội và giao vượt qua đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tại khoảng giữa thôn Ngọc và ga Lạc Đạo, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, sau đó rẽ phải đi theo hướng Đông sang địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chiều dài đoạn tuyến khoảng 20,3km;
    + Đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh: Từ vị trí giáp ranh giữa tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh, tuyến đường đi theo hướng Đông qua xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành và rẽ trái giao quốc lộ 38 tại xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tiếp tục theo hướng Bắc vượt sông Đuống tại vị trí cách cầu Hồ (trên quốc lộ 38 hiện tại) khoảng 01 km về phía hạ lưu và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long tại xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chiều dài đoạn tuyến khoảng 21,2 km.
    c) Công trình trên tuyến:
    - Xây dựng 12 nút liên thông và xây dựng các cầu vượt trực thông, hầm chui để đảm bảo liên hệ giao thông hai bên đường được thuận lợi.
    - Xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh.
    d) Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật:
    - Đường cao tốc vành đai:
    + Quy mô: Mặt cắt ngang 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ mở rộng. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang 120m. Một số vị trí đặc biệt có thể thu hẹp phần dải dự trữ (chi tiết như Phụ lục I kèm theo quyết định này);
    + Tiêu chuẩn kỹ thuật: Đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729-97.
    - Đường song hành (đường gom): Quy mô 2 làn xe tiêu chuẩn TCVN 4054 - 05 hoặc TCXDVN 104 - 2007. Đường gom sẽ được đầu tư phân kỳ tùy theo nhu cầu vận tải, sự phát triển các đô thị hai bên và sẽ được tính toán, hoạch định cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư.
    đ) Diện tích chiếm đất:
    Diện tích đất chiếm dụng để xây dựng tuyến đường theo quy hoạch vào khoảng 1230 ha, trong đó diện tích đất chiếm dụng trên từng địa phương dự kiến như sau: thành phố Hà Nội khoảng 740 ha; tỉnh Hưng Yên khoảng 230 ha; tỉnh Bắc Ninh khoảng 260 ha.
    e) Tiến độ thực hiện:
    - Dựa trên cơ sở nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn vốn phân chia đoạn phía Nam quốc lộ 18 thành các dự án vận hành độc lập theo địa giới hành chính các tỉnh, các trục giao thông đã có để phát huy hiệu quả đầu tư. Tiến độ xây dựng của các dự án được chi tiết trong Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
    - Tùy thuộc tình hình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể trong từng giai đoạn có thể điều chỉnh tiến độ xây dựng của từng dự án cho phù hợp.
    g) Nguồn vốn đầu tư:
    - Nhu cầu vốn đầu tư đường Vành đai 4 đoạn phía Nam quốc lộ 18 khoảng 66.500 tỷ đồng (phần kinh phí này không bao gồm kinh phí xây dựng các cầu vượt trực thông của các tuyến đường đang lập quy hoạch và sẽ được đầu tư xây dựng theo nguồn vốn của dự án này).
    - Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA.
    - Nguồn vốn từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua.
    - Nguồn vốn huy động từ tư nhân.
    Điều 2. Tổ chức thực hiện
    1. Bộ Giao thông vận tải:
    - Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch theo chức năng của Nhà nước.
    - Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong giai đoạn vận hành, khai thác.
    - Chủ trì thẩm định hệ thống quản lý giao thông ITS để đảm bảo đồng bộ trên toàn tuyến.
    2. Các Bộ, ngành liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quá trình thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các Chiến lược, Quy hoạch và kế hoạch có liên quan.
    3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
    - Tổ chức quản lý quỹ đất, triển khai dự án thành phần có đủ điều kiện.
    - Trên cơ sở quy hoạch này, chủ động lập dự án và huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng.
    - Là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án triển khai đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), Hợp đồng Xây dựng - Khai thác - Chuyển giao (BOT), đầu tư đối tác Công - Tư (PPP).
    - Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình quản lý, khai thác đường Vành đai 4 trên địa bàn.
    - Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương phù hợp với các nội dung của quy hoạch này.
    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
    Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
     

    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
    - HĐND, UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và thành phố Hà Nội;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - UB Giám sát tài chính Quốc gia;
    - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: Văn thư, KTN (5b)
    KT. THỦ TƯỚNG
    PHÓ THỦ TƯỚNG




    Hoàng Trung Hải
     
    PHỤ LỤC I
    QUY MÔ MẶT CẮT NGANG
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)
    1. Các đoạn thông thường:

    + Phần xe chạy (6 làn cao tốc)
    = 2 x (3 x 3,75)
    = 22,5 m;
    + Dải phân cách giữa
    = 1 x 4,0
    = 4,0 m;
    + Dải dừng xe khẩn cấp
    = 2 x 3,0
    = 6,0 m;
    + Dải an toàn trong
    = 2 x 1,0
    = 2,0 m;
    + Dải an toàn ngoài
    = 2 x 0,75
    = 1,5 m;
    + Dải dự trữ mở rộng
    = 2 x 20,0
    = 40,0 m;
    + Đường gom hai bên
    = 2 x 12,0
    = 24,0 m;
    + Vỉa hè
    = 2 x 10,0
    = 20,0 m;
    Tổng cộng
    = 120m.
    2. Đoạn đi trùng đê tả Đáy mới:

    + Phần xe chạy
    = 2 x (3 x 3,75)
    = 22,5 m;
    + Dải phân cách giữa
    = 1 x 4,0
    = 4,0 m;
    + Dải dừng xe khẩn cấp
    = 2 x 3,0
    = 6,0 m;
    + Dải an toàn trong
    = 2 x 1,0
    = 2,0 m;
    + Dải an toàn ngoài
    = 2 x 0,75
    = 1,5 m;
    + Dải dự trữ mở rộng trái
    = 1 x 20,0
    = 20,0 m;
    + Đường gom bên trái
    = 1 x 12,0
    = 12,0 m;
    + Dải dự trữ mở rộng phải
    = 1 x 15,0
    = 15,0 m;
    + Đê và hành lang an toàn
    = 1 x 42,0
    = 42,0 m;
    Tổng cộng
    = 135 m.
    3. Các đoạn sử dụng cầu cạn và tường chắn:

    + Phần xe chạy (6 làn cao tốc)
    = 2 x (3 x 3,75)
    = 22,5 m;
    + Dải phân cách giữa
    = 1 x 0,5
    = 0,5 m;
    + Dải an toàn trong
    = 2 x 1,0
    = 2,0 m;
    + Dải dừng xe khẩn cấp
    = 2 x 3,0
    = 6,0 m;
    + Dải an toàn ngoài
    = 2 x 0,75
    = 1,5 m;
    + Đường song hành hai bên
    = 2 x 12,0
    = 24,0 m;
    + Vỉa hè
    = 2 x 5,0
    = 10,0 m;
    Tổng cộng
    = 60 - 70m.
     
    PHỤ LỤC II
    TỔNG MỨC ĐẦU TƯ VÀ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

    TT
    Dự án thành phần/đoạn
    TMĐT
    (tỷ đồng)
    Tiến độ thực hiện
    1
    Đoạn trong phạm vi thành phố Hà Nội:
    44.929
    - Đoạn quốc lộ 32 - quốc lộ 6
    13.695
    Hoàn thành trước năm 2018
    - Đoạn quốc lộ 6 - quốc lộ 1B
    8.429
    Hoàn thành trước năm 2018
    - Đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai tới quốc lộ 32
    18.357
    Hoàn thành trước năm 2018
    - Đoạn quốc lộ 1B - cầu Mễ Sở (bao gồm cầu Mễ Sở)
    4.448
    Hoàn thành trước năm 2017
    2
    Đoạn qua tỉnh Hưng Yên
    11.335
    - Đoạn sau cầu Mễ Sở đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
    4.035
    Hoàn thành trước năm 2017
    - Đoạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến Km 79 (hết địa phận tỉnh Hưng Yên)
    7.300
    Hoàn thành trước năm 2020
    3
    Đoạn Km 79 - quốc lộ 1A (địa phận tỉnh Bắc Ninh)
    10.319
    Hoàn thành trước năm 2020
     
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X