hieuluat

Quyết định 1317/QĐ-TTg Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:1317/QĐ-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Trương Hòa Bình
    Ngày ban hành:28/08/2020Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:28/08/2020Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Giao thông, Thông tin-Truyền thông
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

    ___________

    Số: 1317/QĐ-TTg

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    _________________________

    Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2020

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    Phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020 - 2025

    ______________

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

    Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

    Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

    Căn cứ Bộ Luật Hàng hải ngày 25 tháng 11 năm 2015;

    Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

    Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 24 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

    Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;

    Căn cứ Kết luận số 45-KL/TW ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”;

    Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19 tháng 02 tháng 2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông;

    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2020 - 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

    I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG

    1. Quan điểm

    Tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở là khâu quan trọng góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; có vai trò là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân và là diễn đàn để người dân phản ánh tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đến lực lượng có chức năng xem xét xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

    2. Mục tiêu

    a) Mục tiêu chung

    - Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia phải thường xuyên, liên tục, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán.

    - Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các chủ thể tham gia giao thông, những người làm nhiệm vụ quản lý, xây dựng, duy tu các công trình hạ tầng giao thông, các hộ dân sinh sống hai bên các tuyến đường, những người quản lý, điều hành giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải.

    b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

    - Đối với báo in, báo điện tử: 100% các báo bộ, ngành trung ương và địa phương có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia.

    - Đối với báo nói, báo hình: 100% các đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương xây dựng, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia.

    - Đối với hệ thống thông tin cơ sở: 80% các hệ thống thông tin cơ sở tổ chức biên tập lại nội dung thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với địa phương, vùng miền để đăng, phát qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường và các hình thức khác.

    - Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe.

    3. Đối tượng tuyên truyền

    Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại rượu, bia tập trung ưu tiên các đối tượng: nhóm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng nông thôn; nhóm đội ngũ lái xe vận tải hành khách, hàng hóa, xe siêu trường, siêu trọng và người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

    II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

    1. Các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia.

    2. Tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông để hình thành văn hóa tham gia giao thông, nhất là đối với giao thông đường bộ; cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các nước trên thế giới.

    3. Trong an toàn giao thông đường bộ: Đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.

    Tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn, tập trung đông dân cư.

    4. Trong an toàn giao thông đường thủy: Thường xuyên tuyên truyền các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, trong hoạt động chở khách du lịch, chở khách trên sông; chủ phương tiện, người lái phương tiện đường thủy nâng cao điều kiện bằng, chứng chỉ điều khiển phương tiện, kiểm định định kỳ an toàn kỹ thuật phương tiện; vận động người tham gia giao thông đường thủy mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân.

    5. Trong an toàn giao thông đường sắt: Tiếp tục tuyên truyền quy tắc an toàn giao thông đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các thanh chắn ngang đường sắt, đèn báo hiệu tại các điểm nút giao. Tuyên truyền để người dân không buôn bán, họp chợ, phơi nông sản, lấn chiếm hành lang giao thông đường sắt, mở các lối đi đường ngang tự phát.

    6. Trong an toàn giao thông hàng không: Tuyên truyền về văn hóa giao thông hàng không; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ có liên quan; hình thức xử lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm an toàn hàng không.

    7. Trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: Tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông liên quan đến bia rượu của các thành viên trong gia đình, thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.

    8. Tuyên truyền các giải pháp giảm ùn tắc giao thông đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

    III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

    1. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng

    a) Mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về an toàn giao thông; tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia.

    Hình thức: Các tin, bài, phóng sự, câu chuyện, chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu, phóng sự...

    Số lượng: Các báo, đài ở Trung ương và các báo, đài ở địa phương.

    b) Hàng năm cập nhật, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông.

    c) Tổ chức Cuộc thi báo chí hàng năm viết về an toàn giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia.

    d) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

    Số lượng: 03 cuộc (khu vực Bắc - Trung - Nam).

    đ) Chỉ đạo các cơ quan báo chí đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền; ứng dụng công nghệ vào tuyên truyền; xây dựng các nền tảng ứng dụng cho các nội dung thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia.

    2. Truyền thông qua hệ thống thông tin cơ sở

    a) Xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với mỗi địa phương, vùng miền để phát trên hệ thống loa phát thanh của xã, thôn, bản kèm theo chuyên mục hỏi, đáp về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia, các hình thức xử phạt hành vi vi phạm khi điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia.

    b) Tổ chức tuyên truyền thông qua các bảng tin công cộng bao gồm cả bảng tin điện tử.

    c) Cẩm nang, tờ rời, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, màn hình điện tử led, màn hình frame tại các thang máy của trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng... tuyên truyền tác hại của rượu, bia với hình ảnh trực quan, sinh động.

    d) Cung cấp thông tin, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở.

    Số lượng: Từ 02 đến 03 cuộc trong một năm.

    3. Tuyên truyền qua các hoạt động khác

    a) Xây dựng chuyên mục, tin, bài, phim ngắn, video clip, thông tin dưới dạng đồ họa để đăng tải, tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam.

    b) Nhắn tin tuyên truyền “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” đến các thuê bao di động.

    Số lượng: Tổ chức hàng năm.

    c) Tổ chức hội thi thông tin tuyên truyền lưu động; liên hoan truyền thanh cơ sở; triển lãm ảnh về an toàn giao thông.

    Số lượng: Tổ chức hàng năm từ 01 đến 02 cuộc.

    d) Lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

    IV. KINH PHÍ TRIỂN KHAI

    1. Khái toán kinh phí giai đoạn: 2020 - 2025 là 150 tỷ đồng, bao gồm:

    a) Kinh phí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình): 77,3 tỷ đồng.

    b) Kinh phí tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở: 27,7 tỷ đồng.

    c) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền khác: 45 tỷ đồng.

    2. Nguồn kinh phí

    a) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án từ các nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.

    b) Cơ chế tài chính

    - Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí đối với các nội dung công việc do các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương thực hiện.

    - Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí đối với các nội dung công việc do các cơ quan thuộc địa phương thực hiện.

    - Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các cơ quan, đơn vị dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện.

    c) Huy động các nguồn kinh phí của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ.

    V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    1. Yêu cầu chung

    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội có trách nhiệm:

    a) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức cuộc vận động sâu rộng trong quan, đơn vị, đoàn thể thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.

    b) Đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; tuyên truyền tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

    c) Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện trách nhiệm phát ngôn, chủ động và tích cực phối hợp thông tin với báo chí khách quan, thẳng thắn, minh bạch để báo chí có thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là vấn đề nóng dư luận quan tâm.

    2. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì Đề án, có trách nhiệm:

    a) Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trên báo chí và hệ thống thông tin cơ sở về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia; đổi mới cách thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

    b) Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, định hướng thông tin phù hợp.

    c) Kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án, định kỳ tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    3. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

    a) Định hướng nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia để các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

    b) Phối hợp cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình trong việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia.

    c) Phối hợp, hướng dẫn các đơn vị liên quan để triển khai các nhiệm vụ của Đề án.

    4. Bộ Công an

    a) Phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia.

    b) Phối hợp cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình trong việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia.

    5. Bộ Giao thông vận tải

    a) Tuyên truyền lồng ghép trong chương trình đào tạo sát hạch cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.

    b) Phối hợp cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo, định hướng thông tin phù hợp.

    6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

    Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo lồng ghép trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp như các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, website, phát thanh nội bộ và tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên.

    7. Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch:

    Chỉ đạo ngành dọc lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, cổ động trực quan, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng; tuyên truyền vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.

    8. Bộ Tài chính: Hàng năm tổng hợp cấp kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.

    9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

    a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ liên quan trong Đề án trên địa bàn;

    b) Hàng năm, bố trí ngân sách địa phương để tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên địa bàn.

    10. Các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở

    a) quan báo chí: Tăng thời lượng và dung lượng đưa tin về các quy định về an toàn giao thông; tinh thần nhân văn của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ; phối hợp với ngành Công an, Giao thông vận tải tuyên truyền đến đông đảo nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật cũng như kết quả xử lý vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, tạo niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân đối với lực lượng chức năng trong quá trình thực thi công vụ.

    b) Hệ thống thông tin cơ sở: Tổ chức biên tập lại nội dung thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu bia phù hợp với địa phương mình; đăng, phát qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư vào thời điểm thích hợp..., nêu gương các điển hình tiên tiến trong công tác bảo đảm an toàn giao thông; tuyên truyền thông qua hình thức cổ động trực quan bằng việc sử dụng các sản phẩm tuyên truyền.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

    Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    Nơi nhận:

    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;

    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

    - Ban Tuyên giáo Trung ương;

    - Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội;

    - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

    - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

    - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

    - TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN;

    - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;

    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, PL, NC, KGVX;

    - Lưu: VT, CN (2) pvc

    KT. THỦ TƯỚNG

    PHÓ THỦ TƯỚNG

     

     

     

     

     

     

    Trương Hòa Bình

     

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Giao thông đường thủy nội địa, số 23/2004/QH11
    Ban hành: 15/06/2004 Hiệu lực: 01/01/2005 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 14/06/2005 Hiệu lực: 01/01/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/06/2006 Hiệu lực: 01/01/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    04
    Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 13/11/2008 Hiệu lực: 01/07/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    05
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa của Quốc hội, số 48/2014/QH13
    Ban hành: 17/06/2014 Hiệu lực: 01/01/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    06
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam của Quốc hội, số 61/2014/QH13
    Ban hành: 21/11/2014 Hiệu lực: 01/07/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    07
    Luật Tổ chức Chính phủ của Quốc hội, số 76/2015/QH13
    Ban hành: 19/06/2015 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản căn cứ
    08
    Bộ luật Hàng hải Việt Nam của Quốc hội, số 95/2015/QH13
    Ban hành: 25/11/2015 Hiệu lực: 01/07/2017 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    09
    Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021
    Ban hành: 19/02/2019 Hiệu lực: 19/02/2019 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    10
    Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Quốc hội, số 44/2019/QH14
    Ban hành: 14/06/2019 Hiệu lực: 01/01/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    11
    Kế hoạch 3806/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020 - 2025
    Ban hành: 16/10/2020 Hiệu lực: 16/10/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 1317/QĐ-TTg Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:1317/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:28/08/2020
    Hiệu lực:28/08/2020
    Lĩnh vực:Giao thông, Thông tin-Truyền thông
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Trương Hòa Bình
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X