hieuluat

Quyết định 15/2010/QĐ-UBND quản lý và bảo trì đường bộ tỉnh Tuyên Quang

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên QuangSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:15/2010/QĐ-UBNDNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Đỗ Văn Chiến
    Ngày ban hành:18/08/2010Hết hiệu lực:01/01/2018
    Áp dụng:28/08/2010Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Giao thông
  • ỦY BAN NHÂN DÂN
    TỈNH TUYÊN QUANG
    -------

    Số: 15/2010/QĐ-UBND

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------

    Tuyên Quang, ngày 18 tháng 08 năm 2010

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

    ----------------------

    ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

    Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

    Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

    Căn cứ Nghị định số 168/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ Quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ;

    Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

    Căn cứ Thông tư Liên tịch số 10/2008/TTLT/BTC-BGTVT ngày 30 tháng 01 năm 2008 của Bộ Tài chính - Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp Kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ;

    Căn cứ Thông tư 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý đường đô thị;

    Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý bảo trì đường bộ;

    Căn cứ Quyết định số 2253/ĐBVN ngày 12 tháng 11 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc quy định Quốc lộ 37 thay thế Quốc lộ 379 và Quốc lộ 36;

    Căn cứ Quyết định số 3018/QĐ-BGTVT ngày 20 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh đoạn tuyến Quốc lộ 2C thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc - Hà Tây - Tuyên Quang;

    Căn cứ Quyết định số 38/2004/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

    Sau khi xem xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 48 /TTr-SGTVT ngày 26 tháng 5 năm 2010 về việc đề nghị ban hành Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quy định về phân cấp và quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và bảo trì đường bộ thực hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

    Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 12/2007/QĐ-UB ngày 15 tháng 5 năm 2007 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về phân cấp Quản lý đường bộ.

    Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    Nơi nhận:
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Bộ Giao thông Vận tải;
    - Bộ Tư pháp;
    - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; Báo cáo
    - TT. Tỉnh uỷ;
    - TT. HĐND tỉnh;
    - Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương;
    - Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
    - UBMT Tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh;
    - Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
    - Như điều 3 (thi hành);
    - Các Phó chánh VP UBND tỉnh;
    - Lưu VT, GT, TC, TH, XD, TP, TL.

    TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
    CHỦ TỊCH




    Đỗ Văn Chiến

     

     

    QUY ĐỊNH

    VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

     

    Chương 1. QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Quy định này quy định về phân cấp quản lý, bảo trì đường bộ; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong quản lý bảo trì đường bộ; nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ thực hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý và bảo trì đường bộ thực hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

     

    Chương 2. CÁC TUYẾN ĐƯỜNG BỘ HIỆN CÓ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

     

    Điều 3. Các tuyến đường bộ hiện có trên địa bàn tỉnh

    1. Các tuyến Quốc lộ (ký hiệu QL): Là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh, đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên, đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ, đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực.

    Tổng chiều dài các tuyến Quốc lộ trong tỉnh là 338,7 km, trong đó:

    a) Quốc lộ 2: Từ xã Đội Bình, huyện Yên Sơn đến xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, chiều dài 90 km.

    b) Quốc lộ 37: Từ đỉnh Đèo Khế xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương đến cầu Bỗng xã Mỹ Lâm, huyện Yên Sơn, chiều dài 61,5 km.

    c) Quốc lộ 2C: Từ xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương đến xã Lăng Quán huyện Yên Sơn, chiều dài 91,2 km (không kể 6,3 km đi chung QL.37).

    d) Quốc lộ 279: Từ xã Đà Vị, huyện Na Hang đến xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hoá, chiều dài 96 km.

    (Chi tiết các tuyến Quốc lộ theo phụ lục số 01 kèm theo)

    2. Các tuyến đường tỉnh (ký hiệu ĐT): Là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận, đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

    Tổng chiều dài các tuyến đường tỉnh là 396,56 km, trong đó:

    a) Tuyến ĐT.185: Từ ngã ba Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang đến thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá, chiều dài: 74,1 km.

    b) Tuyến ĐT.186: Từ ngã ba Sơn Nam (km55+100, QL.2C), xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương đến phà Hiên xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn chiều dài: 86,05 km.

    c) Tuyến ĐT.187: Từ ngã ba Đài Thị đến đỉnh đèo Keo Mác huyện Chiêm Hoá, chiều dài: 17 km.

    d) Tuyến ĐT.188: Từ thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá đến xã Bình An huyện Chiêm Hoá, chiều dài: 42 km (không kể 3 km đi chung QL.279).

    đ) Tuyến ĐT.189: Từ xã Bình Xa đến thôn Lục Khang xã Yên Thuận huyện Hàm Yên, chiều dài: 61,5 km.

    e) Tuyến ĐT.190: Từ km166 QL.2 xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên đến xã Thượng Giáp, huyện Na Hang, chiều dài: 116 km (không kể 35 km đi chung QL.279).

    (Chi tiết các tuyến đường tỉnh theo phụ lục số 02 kèm theo)

    3. Các tuyến đường huyện (ký hiệu ĐH): Là đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

    Tổng chiều dài các tuyến đường huyện trong tỉnh là 927,86 km, trong đó:

    - Huyện Na Hang

    =

    168,00 km

    - Huyện Chiêm Hoá

    =

    237,10 km

    - Huyện Hàm Yên

    =

    89,17 km

    - Huyện Yên Sơn

    =

    233,68 km

    - Huyện Sơn Dương

    =

    187,91 km

    - Thành phố Tuyên Quang

    =

    12,00 km

    (Chi tiết các tuyến đường huyện theo phụ lục số 03 kèm theo)

    4. Các tuyến đường đô thị (ký hiệu ĐĐT): Là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị các huyện, thị xã.

    Tổng chiều dài các tuyến đường đô thị là 219,06 km,

    - Huyện Na Hang

    =

    11,70 km

    - Huyện Chiêm Hoá

    =

    18,55 km

    - Huyện Hàm Yên

    =

    11,90 km

    - Huyện Yên Sơn

    =

    30,00 km

    - Huyện Sơn Dương

    =

    7,25 km

    - Thành phố Tuyên Quang

    =

    139,66 km

    (Chi tiết các tuyến đường đô thị theo phụ lục số 04 kèm theo)

    5. Các tuyến đường xã (ký hiệu ĐX): Là đường nối từ trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận, đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã.

    6. Các tuyến đường chuyên dùng (ký hiệu ĐCD): Là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    Điều 4. Phân cấp quản lý, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ.

    1. Các tuyến Quốc lộ

    Tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C và Quốc lộ 279: Bộ Giao thông Vận tải uỷ quyền cho tỉnh quản lý. Giao cho Sở Giao thông Vận tải trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác.

    2. Hệ thống đường tỉnh: Giao cho Sở Giao thông Vận tải trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác.

    3. Hệ thống đường huyện, đường đô thị: Giao cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác theo địa giới hành chính huyện, thành phố Tuyên Quang.

    4. Hệ thống đường xã: Giao cho Uỷ ban nhân dân các xã trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác theo địa giới hành chính xã.

    5. Các tuyến đường chuyên dùng: Giao cho các cơ quan, đơn vị có đường trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác. Việc điều chỉnh đường chuyên dùng thành đường huyện, đường tỉnh phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định; điều chỉnh thành đường xã phải do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định.

     

    Chương 3. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ

     

    Điều 5. Trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải.

    1. Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo trì hàng năm trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt đối với các tuyến QL 37, 2C, 279; hệ thống đường tỉnh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao quản lý.

    2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện các quy định trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

    3. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang để thực hiện việc bảo vệ công trình đường bộ, hành lang an toàn đường bộ và phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ.

    4. Kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền đối với việc thực hiện quản lý, bảo trì ở các đơn vị quản lý và bảo trì đường bộ, công tác đảm bảo giao thông của các nhà thầu thi công trên đường bộ đang khai thác thuộc phạm vi được giao quản lý.

    5. Hướng dẫn các đơn vị quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. Thực hiện đảm bảo giao thông các tuyến đường được giao quản lý.

    6. Lưu trữ và quản lý hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phân cấp. Cấp và thu hồi giấy phép thi công đường bộ theo phân cấp.

    7. Hàng năm, trên cơ sở dự toán ngân sách được giao, phân bổ vốn quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được phân cấp quản lý.

    8. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông lập kế hoạch sửa chữa thường xuyên, định kỳ hàng năm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

    9. Thẩm định thiết kế, dự toán các công trình duy tu, sửa chữa đường bộ để trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

    10. Phê duyệt thiết kế, dự toán sửa chữa thường xuyên các tuyến đường được phân cấp quản lý.

    11. Hướng dẫn và kiểm tra công tác khoán duy tu bảo dưỡng đường bộ của các đơn vị quản lý giao thông trong tỉnh.

    12. Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ giao thông xã, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân giao thông.

    Điều 6. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố Tuyên Quang.

    1. Xây dựng kế hoạch vốn quản lý, bảo trì hàng năm hệ thống đường huyện theo phân cấp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được phân cấp quản lý.

    2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

    3. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

    4. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ.

    5. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm, cưỡng chế dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép để giải toả hành lang an toàn đường bộ.

    6. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa.

    7. Kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền đối với việc thực hiện quản lý, bảo trì ở các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, công tác đảm bảo giao thông của các nhà thầu thi công trên đường bộ đang khai thác thuộc phạm vi được phân cấp quản lý.

    8. Cấp và thu hồi giấy phép thi công các công trình trên các tuyến đường huyện theo phân cấp.

    9. Lưu trữ và quản lý hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phân cấp.

    10. Hàng năm, trên cơ sở dự toán ngân sách được giao, phân bổ vốn quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được phân cấp quản lý.

    11. Phê duyệt thiết kế, dự toán sửa chữa thường xuyên các tuyến đường được phân cấp quản lý.

    12. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

    13. Trường hợp các tuyến đường huyện, đường đô thị bị xuống cấp và hư hỏng nặng do thiên tai, lũ lụt gây ra vượt quá khả năng kinh phí duy tu bảo dưỡng, UBND các huyện, thị xã sử dụng kinh phí dự phòng ngân sách của đơn vị mình để khắc phục theo Điều 9 Luật Ngân sách; nếu ngân sách không đủ để khắc phục, UBND các huyện, thành phố Tuyên Quang lập tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính; đối với hệ thống đường tỉnh, Sở Giao thông Vận tải lập tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính. Sở Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp nhu cầu kinh phí khắc phục duy tu, bảo dưỡng và thiên tai trình UBND tỉnh phê duyệt.

    Điều 7. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, cân đối kế hoạch vốn quản lý, bảo trì hàng năm hệ thống đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị (thực hiện đồng thời với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách hàng năm) trình UBND tỉnh phê duyệt

    Điều 8. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

    1. Quản lý và bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn cấp xã quản lý.

    2. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

    3. Phối hợp với các đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ bao gồm cả việc giữ gìn các mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng của dự án.

    4. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

    5. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa.

    6. Lập biên bản để xử lý những hành vi vi phạm hành lang an toàn công trình giao thông trên địa bàn xã, phường, thị trấn; tham gia quản lý hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn (kể cả Quốc lộ và đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị).

    7. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật.

     

    Chương 4. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRỰC TIẾP QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ

     

    Điều 9. Trách nhiệm Đoạn Quản lý và Sửa chữa đường bộ

    1. Lập kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ, hành lang an toàn đường bộ các tuyến đường được giao duy tu, bảo dưỡng báo cáo Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

    2. Chỉ đạo, điều hành công tác tuần đường; sửa chữa kịp thời các hư hỏng cầu, cống, đường; xử lý nhanh chóng khi có thông tin về tai nạn giao thông; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông. Trường hợp hư hỏng nặng vượt quá khả năng thì vừa tổ chức đảm bảo giao thông vừa báo cáo kịp thời Sở Giao thông Vận tải.

    Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, thanh tra giao thông vận tải để bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ.

    3. Lập kế hoạch, phương án phòng, chống bão lụt; tổ chức ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có sự cố.

    4. Lập dự toán công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ các tuyến đường được giao quản lý trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    5. Thực hiện nhiệm vụ duy tu sửa chữa đường bộ, quản lý hành lang an toàn đường bộ và cây xanh ven lộ. Bảo đảm giao thông đi lại êm thuận và thông suốt trên các tuyến quốc lộ do trung ương uỷ thác và đường địa phương được giao quản lý.

    6. Tham gia kiểm tra an toàn giao thông đối với các công trình đang hoàn thiện chuẩn bị bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

    7. Tổ chức đếm xe, phân loại cầu đường, cập nhật tình trạng cầu đường và báo cáo theo quy định.

    8. Lập hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được giao quản lý, lưu giữ, bảo quản và thường xuyên bổ sung đầy đủ diễn biến và biện pháp khắc phục hư hỏng cầu đường vào hồ sơ quản lý.

    Điều 10. Trách nhiệm của Hạt Quản lý giao thông các huyện, Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường và quản lý đô thị

    1. Lập kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ, hành lang an toàn đường bộ các tuyến đường được giao duy tu bảo dưỡng gửi cơ quan quản lý đường bộ theo phân cấp để tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

    2. Chỉ đạo, điều hành công tác tuần đường; sửa chữa kịp thời các hư hỏng cầu, cống, đường; kịp thời xử lý khi có thông tin về tai nạn giao thông; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông. Trường hợp hư hỏng nặng vượt quá khả năng thì vừa tổ chức đảm bảo giao thông vừa báo cáo kịp thời Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố Tuyên Quang và Sở Giao thông Vận tải.

    Phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, phường, thị trấn, thanh tra giao thông vận tải - Sở Giao thông Vận tải, để bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ.

    3. Lập kế hoạch, phương án phòng, chống bão lụt; tổ chức ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có sự cố.

    4. Lập dự toán công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ các tuyến đường được giao quản lý trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    5. Thực hiện nhiệm vụ duy tu sửa chữa đường bộ, quản lý hành lang an toàn đường bộ và cây xanh ven lộ. Bảo đảm giao thông đi lại êm thuận và thông suốt trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và đường địa phương được giao quản lý.

    6. Tham gia kiểm tra an toàn giao thông đối với các công trình đang hoàn thiện chuẩn bị bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

    7. Theo dõi, cập nhật tình trạng cầu đường và báo cáo theo quy định.

    8. Lập hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được giao quản lý, lưu giữ, bảo quản và thường xuyên bổ sung đầy đủ diễn biến và biện pháp khắc phục hư hỏng cầu đường vào hồ sơ quản lý.

    Chương 5. NGUỒN VỐN HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ

    Điều 11. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ

    1. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho quản lý, bảo trì hệ thống Quốc lộ từ nguồn vốn của Ngân sách trung ương và từ các nguồn vốn hỗ trợ khác theo quy định.

    2. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, chủ yếu bố trí từ nguồn vốn của ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và từ các nguồn vốn hỗ trợ khác theo quy định.

    3. Vốn hỗ trợ đầu tư cho quản lý, bảo trì hệ thống đường xã chủ yếu được cân đối từ nguồn ngân sách xã, phường, thị trấn, đóng góp của nhân dân và từ các nguồn vốn hỗ trợ khác theo quy định.

    Điều 12. Quy định về lập dự toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ

    1. Vốn cho quản lý và bảo trì đường bộ:

    Căn cứ yêu cầu của công tác quản lý và bảo trì đường bộ theo định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.

    Hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí dự toán ngân sách và giao kinh phí hỗ trợ cho công tác quản lý và bảo trì đường bộ theo định mức tính cho từng loại (đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị). Căn cứ số lượng ki lô mét từng loại đường và định mức quy định, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch ngay từ đầu năm cho Sở Giao thông Vận tải (đối với hệ thống đường tỉnh), Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang (đối với hệ thống đường huyện, đường đô thị) để phân bổ vốn cho các đơn vị quản lý đường.

    Trong quá trình thực hiện nếu có biến động về chính sách tiền lương, giá vật tư... do Nhà nước quy định làm ảnh hưởng đến định mức chi phí cho quản lý và bảo trì đường bộ thì Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang lập phương án điều chỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt.

    2. Vốn cho sửa chữa định kỳ:

    Căn cứ yêu cầu của công tác sửa chữa định kỳ theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải; ngay từ đầu năm, Sở Giao thông Vận tải, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang chủ động lập tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch vốn và phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa; các bước tiếp theo thực hiện như đối với các công trình xây dựng cơ bản.

    3. Vốn cho sửa chữa đột suất: Là công việc sửa chữa cấp thiết do lũ lụt, thiên tai hoặc sự cố làm hư hỏng cầu, đường. Công tác này phải được xử lý kịp thời với khả năng sẵn có của đơn vị trực tiếp quản lý, đồng thời báo cáo UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng để có biện pháp xử lý triệt để và trợ giúp nếu cần thiết. Việc điều tra, khảo sát thiệt hại công trình về chất lượng, khối lượng và lập biên bản xác nhận thiệt hại gồm đại diện các cơ quan: Sở Giao thông Vận tải, UBND cấp huyện, thành phố Tuyên Quang; đơn vị quản lý đường. Công tác sửa chữa đột xuất được đầu tư theo báo cáo phương án xử lý kỹ thuật được lập, qua Sở chuyên ngành thẩm định để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí, trong trường hợp cấp thiết phải đảm bảo giao thông, được phép vừa triển khai thi công vừa hoàn thành các thủ tục cần thiết để đảm bảo giao thông được an toàn, thông suốt.

    Điều 13. Chấp hành dự toán kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ

    Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được UBND tỉnh giao, Sở Giao thông Vận tải, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang giao chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì đường bộ; đồng gửi Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để phối hợp thực hiện.

    Điều 14. Vốn cho quản lý, bảo trì đường bộ được sử dụng vào những nội dung sau

    1) Hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ trong giao thông đường bộ, bao gồm: Tổ chức theo dõi tình trạng kỹ thuật và quản lý công trình đường bộ; tổ chức giao thông đường bộ; kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hoạt động của các bến phà, cầu phao có số thu không đủ chi thường xuyên; dự phòng các vật tư, thiết bị, phương tiện cho đảm bảo giao thông đường bộ; các hoạt động khác về quản lý nhà nước và phục vụ trong giao thông đường bộ.

    2) Công tác bảo trì đường bộ bao gồm:

    a) Bảo dưỡng thường xuyên đường bộ;

    b) Sửa chữa định kỳ (sửa chữa vừa và sửa chữa lớn) đường bộ;

    c) Sửa chữa đột xuất đường bộ, khắc phục hậu quả thiên tai hoặc các nguyên nhân khác.

    Điều 15. Quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ

    1. Các đơn vị được giao dự toán kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ lập báo cáo quyết toán theo đúng mẫu biểu, thời hạn nộp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

    2. Sở Giao thông Vận tải và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang có trách nhiệm xét duyệt quyết toán năm của các đơn vị trực tiếp giao nhiệm vụ, kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định; Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định quyết toán năm của Sở Giao thông Vận tải (đối với hệ thống đường tỉnh), Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang (đối với hệ thống đường huyện; đường đô thị).

    Điều 16. Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn quản lý, bảo trì đường bộ thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

     

    Chương 6. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 17. Trong quá trình thực hiện, nếu có những nội dung chưa phù hợp, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các huyện, thành phố Tuyên Quang tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để bổ sung cho phù hợp với yêu cầu quản lý sửa chữa và xây dựng phát triển hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh.

    Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Tuyên Quang, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các đơn vị quản lý giao thông, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.

    Điều 18. Những tập thể, cá nhân làm tốt công tác quản lý đường bộ theo Quy định này được khen thưởng. Mọi hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đường bộ, làm trái các quy định trên, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành./.

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Tải văn bản tiếng Việt

    Quyết định 15/2010/QĐ-UBND quản lý và bảo trì đường bộ tỉnh Tuyên Quang (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X