Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 20/2019/QĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Cao Văn Trọng |
Ngày ban hành: | 02/05/2019 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 15/05/2019 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giao thông, Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 20/2019/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Bến Tre, ngày 02 tháng 05 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
---------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017;
Căn cứ Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch;
Căn cứ Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định phạm vi, trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số 04/2017/TT-BGTVT ngày 20 tháng 01 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT;
Căn cứ Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa;
Căn cứ Thông tư số 46/2014/TT-BGTVT ngày 06 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT,
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 797/TTr-SGTVT ngày 25 tháng 4 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tổ chức, quản lý các phương tiện hoạt động phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bến Tre; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này.
2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20/2019/QĐ-UBND ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về điều kiện, phạm vi, tuyến đường, điểm dừng, đỗ, và thời gian hoạt động đối với các phương tiện hoạt động phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý và khai thác kinh doanh, vận tải khách du lịch.
2. Các phương tiện hoạt động phục vụ khách du lịch áp dụng trong quy định này bao gồm:
- Phương tiện thô sơ thủy nội địa;
- Phương tiện thủy nội địa (đăng ký, không đăng kiểm);
- Phương tiện thô sơ thủy nội địa dạng bè;
- Bến nổi dạng bè;
- Xe ngựa;
- Xe bốn bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện và xăng.
3. Những nội dung không nêu trong Quy định này được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện thô sơ thủy nội địa thuộc đối tượng không đăng ký, không đăng kiểm là phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở dưới 05 người.
2. Phương tiện thủy nội địa thuộc đối tượng đăng ký, không đăng kiểm gồm phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 01 đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 05 đến 12 người, phương tiện thủy nội địa có động cơ công suất máy chính dưới 05 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 05 người.
3. Phương tiện thô sơ thủy nội địa dạng bè là phương tiện được kết ghép bằng tre, nứa, gỗ, phao nhựa hoặc các vật liệu nổi khác, neo đậu tạm thời trên đường thủy nội địa, có kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí khác trên phương tiện (không bố trí các buồng ngủ lưu trú).
4. Bến nổi dạng bè là phương tiện làm điểm trung gian để tàu thuyền cập bến đón trả khách hoặc có cầu dẫn kết nối giữa phao nổi và bờ để hành khách lên xuống an toàn, phương tiện được kết ghép bằng vật liệu nổi.
5. Xe ngựa là phương tiện giao thông thô sơ đường bộ do ngựa kéo và có người điều khiển.
6. Xe bốn bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện và xăng là phương tiện cơ giới giao thông đường bộ được quy định tại Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.
Chương II. ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI, TUYẾN ĐƯỜNG, THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG, ĐIỂM DỪNG, ĐỖ ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH TRÊN ĐƯỜNG BỘ
Mục 1. ĐỐI VỚI XE NGỰA
Điều 4. Điều kiện, phạm vi và tuyến đường hoạt động
1. Xe ngựa thực hiện theo Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quản lý hoạt động của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô, xe máy kéo, các loại xe tương tự vận chuyển hàng hóa, hành khách và xe dùng làm phương tiện đi lại cho thương binh và người khuyết tật tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
2. Người điều khiển xe ngựa phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 63 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Điều 5. Thời gian hoạt động
Xe ngựa vận chuyển khách du lịch được phép hoạt động từ 06 giờ đến 18 giờ hàng ngày, trừ các khu vực có biển hạn chế thời gian hoạt động theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 6. Điểm dừng, đỗ phương tiện
Điểm dừng, đỗ phương tiện xe ngựa phục vụ vận chuyển khách du lịch phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Mục 2. ĐỐI VỚI XE BỐN BÁNH CÓ GẮN ĐỘNG CƠ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG ĐIỆN VÀ XĂNG
Điều 7. Điều kiện hoạt động, tuyến đường hoạt động, điểm đỗ, điểm dừng đón, trả khách và thời gian hoạt động
Thực hiện theo quy định tại phần IV Đề án tổ chức, quản lý hoạt động thí điểm xe bốn bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện và xăng phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2019-2021 ban hành kèm theo Quyết định số 211/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre.
Chương III. ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI, THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH TRÊN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 8. Điều kiện phương tiện
1. Phương tiện thô sơ, bến nổi dạng bè và phương tiện thô sơ dạng bè không phải đăng ký, đăng kiểm nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2014. Các phương tiện này phải đăng ký danh sách, kê khai điều kiện an toàn của phương tiện với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để kiểm tra, giám sát hoạt động tại địa bàn.
2. Phương tiện thủy nội địa phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2014.
Điều 9. Điều kiện người lái phương tiện
Người lái phương tiện phải đảm bảo các quy định tại Điều 35 Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004.
Điều 10. Phạm vi vùng nước, thời gian hoạt động
1. Phương tiện thô sơ thủy nội địa và phương tiện thủy nội địa:
a) Chỉ được phép hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa được Cơ quan quản lý đưa vào khai thác;
b) Thời gian hoạt động vận chuyển khách du lịch từ 06 giờ đến 18 giờ hàng ngày.
2. Phương tiện thô sơ dạng bè có phục vụ ăn uống:
a) Chỉ được phép hoạt động neo đậu tạm thời trên các tuyến đường thủy nội địa và được Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, không làm cản trở an toàn giao thông trên đường thủy nội địa;
b) Thời gian hoạt động phục vụ khách du lịch từ 06 giờ đến 22 giờ hàng ngày.
3. Bến nổi dạng bè:
Chỉ được phép neo đậu trên các tuyến đường thủy nội địa khi được Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.
4. Các phương tiện nêu trên chỉ được hoạt động trong điều kiện không có mưa lũ lớn, áp thấp nhiệt đới, bão với sức gió dưới cấp 7, mức báo động lũ trên các sông dưới cấp 1. Trước 48 giờ khi có dự báo giông bão đến với sức gió từ cấp 7 trở lên hoặc có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh phải nhanh chóng đưa phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn. Nơi trú ẩn do Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố quy định.
Chương IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và Quy định này.
2. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường thủy nội địa theo quy định.
3. Chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa Bến Tre tổ chức kiểm tra điều kiện phương tiện, người điều khiển, hướng dẫn phương tiện ra vào bến thủy nội địa (bến khách du lịch) theo quy định.
4. Phối hợp Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong việc xác định điểm dừng đỗ cho phương tiện đón, trả khách du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
5. Phối hợp với các Chi cục Đăng kiểm tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa theo quy định.
6. Thực hiện đăng ký các phương tiện thủy nội địa quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa.
7. Cấp Biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo quy định.
8. Cấp phép hoạt động bến thủy nội địa (bến khách du lịch, vùng nước hoạt động) theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và Quy định này.
Điều 12. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại bến khách du lịch, phương tiện du lịch theo quy định và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
2. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm đối với các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường thủy nội địa theo quy định.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Phối hợp với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn giao thông và Quy định này cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan đề xuất các biện pháp giải quyết các phát sinh trong quá trình thực hiện.
3. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch, kỹ năng cứu hộ cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ, các thuyền viên và người lái phương tiện.
4. Kiểm tra, giám sát các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch theo quy định.
5. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
6. Định kỳ hàng quý và cả năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hành khách du lịch trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng giá dịch vụ hoặc phí và lệ phí (nếu có) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
Theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức tuyên truyền và phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ, vận tải hành khách du lịch đường bộ, đường thủy nội địa.
Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và Quy định này; có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý.
2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Công an tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cụ thể các khu vực cấm, hạn chế, phạm vi, vùng nước, tuyến đường bộ, tuyến đường thủy nội địa và thời gian hoạt động của các loại phương tiện tham gia giao thông vận chuyển khách du lịch trên địa bàn.
3. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải khách trong các khu du lịch thuộc phạm vi địa giới hành chính.
4. Tổ chức đăng ký, quản lý các phương tiện thủy nội địa quy định tại Khoản 3 Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa.
5. Định kỳ hàng quý vào ngày 25 tháng cuối quý và cả năm vào ngày 25 tháng 12 hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp, đánh giá tình hình, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách du lịch trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; quy định tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch.
2. Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
3. Tổ chức đăng ký, quản lý các phương tiện thủy nội địa quy định tại Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa.
4. Trực tiếp quản lý, kiểm tra giám sát điều kiện an toàn của phương tiện thô sơ đường thủy nội địa, phương tiện thô sơ dạng bè, bến nổi dạng bè và xe ngựa chở khách du lịch khi hoạt động trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và Quy định này.
Điều 18. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch
1. Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, giao thông đường thủy nội địa và Quy định này.
2. Đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, trang bị phương tiện chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
3. Trang bị, lắp đặt đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, dụng cụ nổi, cứu hỏa tại những vị trí theo thiết kế của phương tiện; đối với những phương tiện đóng không có thiết kế thì phải lắp đặt tại những vị trí dễ thấy, dễ lấy trên phương tiện.
4. Không sử dụng phương tiện hoạt động, kinh doanh du lịch khi phương tiện chưa đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định của pháp luật và Quy định này.
5. Thực hiện và hướng dẫn khách du lịch chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về giao thông đường bộ và đường thủy nội địa và Quy định này trong suốt quá trình tham gia các hoạt động do mình tổ chức.
6. Nếu sử dụng xe ngựa, phương tiện thô sơ thủy nội địa, bến nổi dạng bè và phương tiện thô sơ thủy nội địa dạng bè phục vụ khách du lịch phải đăng ký danh sách, số lượng với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi phương tiện hoạt động.
7. Phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới được giao đất, thuê đất. Tuân thủ việc bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến người sử dụng đất xung quanh và tài nguyên đất.
Điều 19. Trách nhiệm của chủ bến thủy nội địa (bến du lịch)
1. Thực hiện các thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động theo quy định. Duy trì điều kiện hoạt động của bến và các thiết bị neo đậu phương tiện theo thiết kế bảo đảm an toàn; duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa.
2. Xây dựng nội quy hoạt động của bến thủy nội địa; phải có bảng niêm yết giá vé. Nội quy hoạt động, bảng niêm yết giá vé phải rõ ràng, bố trí ở nơi dễ quan sát.
3. Có đèn chiếu sáng khi hoạt động ban đêm và có nơi chờ cho hành khách.
4. Thiết bị phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm về số lượng và chất lượng sử dụng theo quy định của pháp luật và phải được bố trí ở vị trí thuận lợi khi sử dụng.
5. Bố trí nhân lực quản lý, khai thác bến bảo đảm trật tự, an toàn.
6. Không tiếp nhận phương tiện không bảo đảm an toàn, không đầy đủ giấy tờ và chở quá số người quy định.
7. Tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn; báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, khắc phục hậu quả tai nạn và ô nhiễm môi trường (nếu có); tuân thủ sự điều động của Cảng vụ đường thủy nội địa trong việc cứu người, hàng hóa, phương tiện khi có tai nạn xảy ra trong vùng nước bến thủy nội địa và trong việc phòng chống lụt bão.
8. Phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vùng nước bến.
Điều 20. Trách nhiệm của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện
1. Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định phạm vi, trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa và Thông tư số 04/2017/TT-BGTVT ngày 20 tháng 01 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT, Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa.
2. Kê khai điều kiện an toàn của phương tiện thô sơ đường thủy nội địa, bến nổi dạng bè và phương tiện thô sơ thủy nội địa dạng bè phục vụ khách du lịch với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
3. Bố trí người điều khiển xe ngựa phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 63 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Điều 21. Điều khoản thi hành
1. Các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ lập kế hoạch tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh thì các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản căn cứ |
05 | Văn bản căn cứ |
06 | Văn bản căn cứ |
07 | Văn bản căn cứ |
08 | Văn bản căn cứ |
09 | Văn bản căn cứ |
10 | Văn bản căn cứ |
11 | Văn bản căn cứ |
12 | Văn bản căn cứ |
13 | Văn bản căn cứ |
14 | Văn bản dẫn chiếu |
Quyết định 20/2019/QĐ-UBND Bến Tre quản lý các phương tiện hoạt động phục vụ khách du lịch
In lược đồCơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre |
Số hiệu: | 20/2019/QĐ-UBND |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 02/05/2019 |
Hiệu lực: | 15/05/2019 |
Lĩnh vực: | Giao thông, Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Cao Văn Trọng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |