BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN PHÍA BẮC (NHÓM 1) GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét Tờ trình số 4851/TTr-CHHVN ngày 25 tháng 11 năm 2015; văn bản số 2547/CHHVN-KHĐT ngày 23 tháng 6 năm 2016 của Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu, giải trình các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch kèm theo hồ sơ quy hoạch; Biên bản Hội đồng thẩm định tháng 6 năm 2016 về điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng thẩm định và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
I. Phạm vi quy hoạch
Nhóm 1 bao gồm các cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố ven biển thuộc khu vực Bắc bộ: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và thành phố Hải Phòng. Vùng hấp dẫn của cảng bao gồm toàn bộ các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh của các quốc gia lân cận giáp ranh biên giới phía Bắc.
II. Quan điểm và mục tiêu phát triển Phát triển hạ tầng cảng biển đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển của khu vực phía Bắc, đặc biệt là vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
- Phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng theo hướng tiến ra biển để có thể tiếp nhận được những tàu có trọng tải lớn, đi thẳng những tuyến vận tải biển xa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn miền Bắc.
- Tập trung nguồn lực để phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện). Các cầu cảng, bến cảng khác phát triển trên cơ sở tận dụng tối đa và hợp lý hạ tầng cơ sở sẵn có, đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực khai thác. Các cầu cảng, bến cảng đầu tư xây dựng mới cần được đầu tư công nghệ bốc xếp hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý khai thác và quản trị doanh nghiệp khai thác cảng.
- Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển phù hợp, ổn định các bến phao, điểm chuyển tải hàng hóa trên quan điểm không làm ảnh hưởng đến các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí vận tải đường biển, góp phần giảm áp lực vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông trên đường bộ.
- Cỡ tàu theo quy hoạch (tấn trọng tải) để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, không là cơ sở để không cho phép tàu có trọng tải lớn hơn hành hải trên luồng và ra, vào cảng. Các tàu có trọng tải lớn hơn nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không...), đảm bảo điều kiện an toàn đều được cấp phép ra, vào cảng.
Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu bến phải gắn liền với đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ (kho hàng, bãi...) và đầu tư trang thiết bị bốc dỡ đồng bộ, phù hợp với cỡ tàu tiếp nhận, đảm bảo công suất thiết kế của cảng.
2. Mục tiêu, định hướng phát triển a) Mục tiêu chung: Phát triển cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) một cách đồng bộ, hiệu quả; tập trung nguồn lực phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; phát triển và khai thác các cảng biển, bến cảng gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp một cách bền vững, có chiều sâu và hiệu quả; giảm ùn tắc hàng hóa; làm nền tảng để tạo đà phát triển các đô thị cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế toàn khu vực.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Bảo đảm thông qua cảng lượng hàng:
+ Khoảng từ 177 đến 192 triệu tấn (trong đó hàng tổng hợp, công ten nơ khoảng từ 114 đến 129 triệu tấn) vào năm 2020.
+ Khoảng từ 312 đến 365 triệu tấn (trong đó hàng tổng hợp, công ten nơ khoảng từ 224 đến 277 triệu tấn) vào năm 2030.
- Đáp ứng nhu cầu hành khách du lịch bằng đường biển qua cảng:
+ Khoảng 278,3 ngàn lượt vào năm 2020.
+ Khoảng từ 770,1 đến 870,1 ngàn lượt vào năm 2030.
- Tập trung nguồn lực để hoàn thành đầu tư phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại khu bến Lạch Huyện để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn (tàu công ten nơ đến 8.000 TEU), tạo cửa ra cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vận tải trên các tuyến biển xa, về lâu dài thu hút một phần hàng trung chuyển quốc tế khu vực.
- Cải tạo, đầu tư có chiều sâu các bến cảng thuộc cảng biển Hải Phòng; cảng biển Quảng Ninh; cảng biển Thái Bình; cảng biển Hải Thịnh - Nam Định đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa vận tải biển.
- Tiếp nhận được các tàu vận tải biển như sau: tàu tổng hợp, hàng rời có trọng tải đến 100.000 tấn, tàu chở hàng công ten nơ có trọng tải đến 8.000 TEU, tàu chở sản phẩm dầu có trọng tải đến 40.000 tấn, tàu khách quốc tế có trọng tải đến 220.000 GT (250.000 GT trong tương lai).
1. Quy hoạch chi tiết các cảng trong nhóm Nhóm 1 có 04 cảng biển: Cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh, cảng Thái Bình và cảng Hải Thịnh - Nam Định. Quy hoạch chi tiết các cảng biển, khu bến, bến cảng như sau:
a) Cảng biển Hải Phòng: Cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), gồm các khu bến chính: Khu bến trên sông Cấm; khu bến Đình Vũ (bao gồm cả Nam Đình Vũ); khu bến Lạch Huyện; các bến cảng Nam Đồ Sơn, Bạch Long Vĩ; các bến phao, khu neo chuyển tải.
Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 109 đến 114 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 178,5 đến 210 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng công ten nơ dự kiến vào năm 2020 khoảng 5,84 đến 6,2 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng 11,2 đến 12,5 triệu TEU/năm.
Nhu cầu thông qua lượng hành khách quốc tế đường biển đến năm 2020 là 25,8 ngàn lượt/năm; năm 2030 là 46,9 ngàn Iượt/năm.
Quy hoạch chi tiết cho các khu bến chức năng chính như sau:
- Khu bến trên sông Cấm: Là khu bến cảng tổng hợp có bến chuyên dụng, cho tàu trọng tải từ 5.000 đến 10.000 tấn; không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng bến cảng Hoàng Diệu; lộ trình di dời phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi và tiến độ xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện. Năng lực thông qua khoảng 23 đến 25 triệu tấn/năm vào năm 2020; dự kiến khoảng 18 đến 20 triệu tấn/năm vào năm 2030.
- Khu bến Đình Vũ (bao gồm cả Nam Đình Vũ): Là khu bến tổng hợp, công ten nơ trên tuyến biển gần, có bến chuyên dùng, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn. Năng lực thông qua dự kiến năm 2020 đạt khoảng 40 đến 45 triệu tấn/năm; năm 2030 đạt khoảng 45 đến 50 triệu tấn/năm.
- Khu bến Lạch Huyện: Là khu bến chính của cảng, chủ yếu làm hàng tổng hợp công ten nơ, kết hợp làm hàng trung chuyển quốc tế; nghiên cứu bố trí bến tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải từ 100.000 đến 225.000 GT (5.000 đến 6.000 khách). Năng lực thông qua giai đoạn 2020 - 2025 khoảng từ 45 đến 50 triệu tấn/năm tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải 50.000 tấn (tàu 100.000 tấn giảm tải), tàu công ten nơ đến 6.000 TEU (tàu 8.000 TEU giảm tải); giai đoạn đến 2030 và sau 2030 tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải 100.000 tấn, tàu công ten nơ tới 8.000 TEU, năng lực thông qua khoảng từ 115 đến 125 triệu tấn/năm.
- Bến cảng Nam Đồ Sơn: Là bến cảng tiềm năng, chủ yếu phục vụ quốc phòng - an ninh.
- Bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ: Là bến cảng vệ tinh, đầu mối giao lưu với đất liền, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
- Các bến phao, khu neo đậu chuyển tải: Gồm bến phao Bạch Đằng cho tàu đến 7.000 tấn, Bến Gót cho tàu đến 50.000 tấn; Khu neo Bạch Đằng cho tàu đến 7.000 tấn, khu neo Bến Gót cho tàu đến 50.000 tấn. Năng lực thông qua dự kiến đến năm 2020 khoảng 3 đến 5 triệu tấn/năm. Các điểm chuyển tải nêu trên có thể dừng thực hiện cho đến khi khu bến Lạch Huyện được đưa vào sử dụng đủ điều kiện thay thế.
b) Cảng biển Quảng Ninh: Cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) gồm khu bến chính như sau: Khu bến Cái Lân; bến cảng khách Hòn Gai; khu bến Cẩm Phả; khu bến Yên Hưng (sông Chanh, sông Bạch Đằng, đầm Nhà Mạc); khu bến Hải Hà; bến cảng Vạn Gia; bến cảng Mũi Chùa; bến cảng tổng hợp Vân Đồn (Đông Bắc đảo Cái Bầu); bến cảng Vạn Hoa; bến cảng huyện đảo Cô Tô; các bến phao và khu neo đậu chuyển tải.
Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 65,5 đến 75,5 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 121 đến 142,5 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng công ten nơ dự kiến năm 2020 đạt khoảng 0,32 đến 0,72 triệu TEU/năm; năm 2030 đạt khoảng 0,8 đến 1,04 triệu TEU/năm. Nhu cầu thông qua lượng hành khách quốc tế đường biển đến năm 2020 là 252,5 ngàn lượt/năm; năm 2030 từ 723,2 đến 823,2 ngàn lượt/năm.
Quy hoạch chi tiết cho các khu bến chức năng chính như sau:
- Khu bến Cái Lân: Là khu bến chính của cảng biển Quảng Ninh, gồm các bến cảng tổng hợp và công ten nơ; các bến chuyên dụng của các nhà máy xi măng Thăng Long, xi măng Hạ Long, nhiệt điện Thăng Long, bến cảng xăng dầu B12. Năng lực thông qua năm 2020 dự kiến đạt khoảng 25 đến 33 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 35 đến 40 triệu tấn/năm. Bao gồm:
+ Bến cảng tổng hợp, công ten nơ Cái Lân: Khai thác hiệu quả các bến hiện có cho tàu tổng hợp đến 50.000 tấn, tàu công ten nơ đến 4.000 TEU (kết hợp làm hàng tổng hợp khi cần thiết). Đầu tư xây dựng các bến tổng hợp phía thượng lưu của các cầu cảng hiện hữu, các bến số 8, 9 cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn; các bến cho phương tiện thủy cỡ nhỏ, phương tiện thủy nội địa làm nhiệm vụ gom hàng. Năng lực thông qua dự kiến năm 2020 đạt khoảng 15 đến 22 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 26 đến 30 triệu tấn/năm.
+ Các bến chuyên dùng: Bến chuyên dùng hàng rời của các Nhà máy xi măng Thăng Long, Hạ Long: Giữ nguyên quy mô hiện nay, đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực (nếu cần) và hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường, về lâu dài, không xây dựng phát triển các loại bến này trong các vịnh Cửa Lục, Hạ Long. Năng lực thông qua dự kiến đạt khoảng 8 triệu tấn/năm.
+ Bến cảng xăng dầu B12: Không phát triển mở rộng, thực hiện việc di dời, chuyển đổi công năng trước năm 2020. Nghiên cứu vị trí di dời phù hợp tại khu bến Yên Hưng (phía bờ trái sông Chanh gần đảo quả Muỗm hoặc bờ phải sông Chanh phía thượng lưu Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco - Vinalines) hoặc khu vực Đầm nhà Mạc (phía sông Bạch Đằng); phía sông Chanh tiếp nhận cỡ tàu đến 40.000 tấn, sông Bạch Đằng tiếp nhận cỡ tàu đến 20.000 tấn.
- Bến cảng khách Hòn Gai: Bao gồm bến cảng Hòn Gai và bến cảng Bãi Cháy - thượng lưu Công viên Đại Dương tiếp nhận tàu khách du lịch Bắc - Nam, tàu khách quốc tế có trọng tải từ 100.000 đến 225.000 GT (tương lai đến 250.000 GT), số bến tàu sẽ phát triển theo yêu cầu thực tế.
- Khu bến Cẩm Phả: Là khu bến cảng chuyên dùng, có bến làm hàng tổng hợp, công ten nơ và bến chuyên dùng hàng lỏng. Năng lực thông qua dự kiến năm 2020 đạt khoảng 32 đến 36,5 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 54,5 đến 67,5 triệu tấn/năm (trong đó năng lực thông qua tại cầu bến dự kiến năm 2020 đạt khoảng 12 đến 14,5 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 29,5 đến 37,5 triệu tấn/năm). Năng lực thông qua tại khu neo, điểm chuyển tải năm 2020 đạt khoảng 20 đến 22 triệu tấn/năm, năm 2030 đạt khoảng 25 đến 30 triệu tấn/năm. Bao gồm:
+ Bến cảng chuyên dùng cho than: Tiếp tục duy trì và phát huy khai thác đối với các bến than Cửa Ông cho tàu có trọng tải từ 50.000 đến 70.000 tấn tại cầu bến, 100.000 tấn và lớn hơn tại khu chuyển tải. Năng lực thông qua dự kiến năm 2020 đạt khoảng 6 đến 8 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 16 đến 20 triệu tấn/năm.
+ Bến cảng chuyên dùng của nhà máy xi măng Cẩm Phả: Tiếp tục duy trì và phát huy khai thác đối với các bến cảng hiện có cho tàu trọng tải đến 15.000 tấn. Năng lực thông qua dự kiến năm 2020 đạt khoảng 2 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 4 triệu tấn/năm.
+ Bến cảng chuyên dùng hàng lỏng: Xây dựng bến xăng dầu tại khu vực Cẩm Phả cho tàu đến 20.000 tấn. Năng lực thông qua dự kiến năm 2020 đạt khoảng 0,5 đến 1,0 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 2,5 triệu tấn/năm.
+ Bến cảng tổng hợp Cẩm Phả: Phát triển các bến tổng hợp tại khu vực hòn Con Ong cho tàu từ 30.000 đến 50.000 tấn. Năng lực thông qua năm 2020 dự kiến đạt khoảng 3,5 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng từ 7 đến 11 triệu tấn/năm.
- Khu bến Yên Hưng (sông Chanh, sông Bạch Đằng, đầm Nhà Mạc): Gồm các bến tổng hợp, chuyên dụng phục vụ trực tiếp khu công nghiệp sau cảng. Bao gồm:
+ Các bến cảng tổng hợp chuyên dụng: Hình thành theo nhu cầu phát triển của các khu công nghiệp sau cảng, khu vực sông Chanh có thể tiếp nhận cỡ tàu từ 10.000 đến 50.000 tấn; khu vực sông Bạch Đằng dự kiến có thể tiếp nhận cỡ tàu đến 20.000 tấn (theo nhu cầu phát triển khu công nghiệp đầm Nhà Mạc). Năng lực thông qua năm 2020 dự kiến đạt khoảng 5 đến 10 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 10 đến 15 triệu tấn/năm.
+ Các bến cảng chuyên dụng hàng lỏng: Hình thành tại khu vực bờ trái sông Chanh (gần đảo quả Muỗm) hoặc bờ phải sông Chanh (phía thượng lưu của Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco - Vinalines) hoặc sông Bạch Đằng (khu vực Khu công nghiệp đầm Nhà Mạc). Khu vực sông Chanh có thể tiếp nhận tàu chở hàng lỏng trọng tải đến 40.000 tấn hoặc lớn hơn, sông Bạch Đằng tàu trọng tải đến 20.000 tấn. Năng lực thông qua năm 2020 dự kiến đạt khoảng 3 đến 5 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 6 đến 10 triệu tấn/năm.
- Khu bến Hải Hà: Là khu bến tổng hợp, chuyên dùng, công ten nơ và hàng lỏng. Khu bến gồm bến thuộc Khu công nghiệp Hải Hà và bến Cái Chiên. Dự kiến phát triển cho tàu có trọng tải từ 30.000 đến 80.000 tấn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Khu cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn và các cơ sở công nghiệp tại Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà. Phát triển theo nhu cầu và năng lực đầu tư của các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà.
- Bến cảng Vạn Gia: Gồm bến chuyển tải bằng phao neo cho cỡ tàu từ 5.000 đến 10.000 tấn và các bến thủy nội địa cho phương tiện nhỏ tại Dân Tiến và các bến trên sông Ka Long. Nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu cảng liền bờ tại khu vực Vạn Gia. Năng lực thông qua đạt khoảng 1,0 triệu tấn/năm.
- Bến cảng Mũi Chùa: Bến cảng địa phương, khai thác với cỡ tàu từ 1.000 đến 3.000 tấn. Năng lực thông qua dự kiến từ 0,5 đến 1,0 triệu tấn/năm.
- Bến cảng tổng hợp Vân Đồn (Đông Bắc đảo Cái Bầu): Làm hàng tổng hợp, hình thành phát triển theo nhu cầu thực tế của khu kinh tế. Tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10.000 tấn (giai đoạn sau năm 2020 nghiên cứu phát triển tiếp nhận tàu khách quốc tế khi có nhu cầu).
- Bến cảng Vạn Hoa: Bến tiềm năng, chủ yếu phục vụ quốc phòng - an ninh.
- Bến cảng huyện đảo Cô Tô: Bến cảng vệ tinh, đầu mối giao lưu với đất liền, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
- Các bến phao, khu neo đậu chuyển tải:
+ Khu neo Hạ Long: Không phát triển thêm. Duy trì năng lực thông qua khoảng 5,0 triệu tấn/năm bao gồm các khu: Hòn Gai cho tàu đến 30.000 tấn, Hòn Pháo cho tàu 50.000 đến 100.000 tấn. Giảm dần các điểm chuyển tải và sẽ chấm dứt khi khu bến Yên Hưng hoặc khu bến Lạch Huyện hoạt động, đủ điều kiện thay thế.
+ Khu neo Cẩm Phả: Năng lực thông qua dự kiến khoảng 20,0 đến 22,0 triệu tấn vào năm 2020, giai đoạn năm 2030 khoảng 25,0 đến 30,0 triệu tấn bao gồm các khu neo: Hòn Ót cho tàu đến 30.000 tấn, Hòn Con Ong cho tàu đến 50.000 tấn, Hòn Nét cho tàu từ 70.000 đến 120.000 tấn hoặc lớn hơn.
+ Khu neo, chuyển tải Vạn Gia: Năng lực thông qua dự kiến khoảng 1,0 triệu tấn cho tàu đến 10.000 tấn.
c) Cảng biển Thái Bình: Là cảng tổng hợp địa phương (Loại II), gồm khu bến Diêm Điền và khu bến Trà Lý.
Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 2,0 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 6,25 triệu tấn/năm.
Quy hoạch chi tiết cho các khu bến chức năng chính như sau:
- Khu bến Diêm Điền: Bao gồm bến cảng tổng hợp Diêm Điền; bến cảng xăng dầu Hải Hà cho tàu từ 1.000 đến 3.000 tấn; điểm chuyển tải xăng dầu Hải Hà cho tàu từ 30.000 đến 50.000 tấn. Năng lực thông qua dự kiến đạt khoảng 1,0 triệu tấn/năm vào năm 2020; dự kiến khoảng 2,25 triệu tấn/năm vào năm 2030.
- Khu bến Trà Lý: Nghiên cứu xây dựng các bến cảng tổng hợp, chuyên dụng phục vụ đóng sửa tàu biển và các cơ sở công nghiệp, dịch vụ ven sông cho cỡ tàu từ 1.000 đến 2.000 tấn, năng lực thông qua dự kiến năm 2020 đạt khoảng 1,0 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 4,0 triệu tấn/năm.
d) Cảng biển Hải Thịnh - Nam Định: Là cảng tổng hợp địa phương (Loại II), gồm khu bến Hải Thịnh và bến cảng chuyên dụng cho nhà máy nhiệt điện Nam Định. Năng lực hàng hóa thông qua dự kiến vào năm 2020 đạt khoảng 0,5 triệu tấn/năm; năm 2030 đạt khoảng 6,25 triệu tấn/năm.
Quy hoạch chi tiết cho các khu bến chức năng chính như sau:
- Khu bến Hải Thịnh: Bao gồm các bến cảng trên sông Ninh Cơ (Hải Thịnh, Thịnh Long) khai thác với cỡ tàu từ 1.000 đến 3.000 tấn; Nghiên cứu xây dựng bến cảng chuyên dùng phục vụ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ. Năng lực thông qua năm 2020 dự kiến đạt khoảng 0,5 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 1,25 triệu tấn/năm.
- Bến cảng chuyên dụng cho nhà máy nhiệt điện Nam Định: Là cảng chuyên dụng của nhà máy cho tàu từ 1.000 đến 2.000 tấn. Năng lực thông qua (chủ yếu là hàng than) đến 2030 đạt 5,0 triệu tấn/năm.
(Chi tiết về dự báo lượng hàng thông qua cảng; quy mô, chức năng, công suất từng bến cảng trong nhóm tại Phụ lục và hồ sơ quy hoạch kèm theo Quyết định này).
- Đối với bến cảng dầu B12 thuộc cảng biển Quảng Ninh: Thực hiện di dời ra khu bến Yên Hưng trước năm 2020 (theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ).
- Đối với bến cảng Hoàng Diệu thuộc cảng biển Hải Phòng: Lộ trình di dời cần phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi và tiến độ xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện.
3. Phát triển hạ tầng giao thông kết nối - Đường bộ kết nối cảng: Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với cảng biển. Tập trung hoàn thành tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện, tuyến Hạ Long - Hải Phòng; ưu tiên xây dựng tuyến đường bộ ven biển; nâng cấp Quốc lộ 18, Quốc lộ 37 và cầu sông Hóa với quy mô theo quy hoạch.
- Đường sắt nối cảng: Nghiên cứu hoàn thành tuyến Cái Lân - Hạ Long - Phả Lại - Yên Viên dài 131 km kết nối với khu bến Cái Lân. Nâng cấp tuyến Hà Nội - Lào Cai, tuyến Hà Nội - Hải Phòng hiện có; Nghiên cứu đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
- Đường thủy nội địa: Khai thác hiệu quả tuyến vận tải thủy nội địa kết nối với cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; nghiên cứu nâng cấp tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình (qua sông Luộc).
4. Quy hoạch cải tạo, nâng cấp luồng tàu
- Luồng Hải Phòng:
+ Đoạn Lạch Huyện: Giai đoạn từ năm 2020 đến 2025 cho tàu 100.000 tấn giảm tải giai đoạn năm 2030 và sau 2030 nghiên cứu cho tàu đến 100.000 tấn.
+ Đoạn luồng Hà Nam - Bạch Đằng: Duy trì cho tàu 10.000 tấn đầy tải, tàu trên 10.000 tấn giảm tải.
+ Đoạn luồng trên Sông Cấm: Duy trì luồng đảm bảo tàu 10.000 tấn lợi dụng mực nước ra vào cảng.
+ Đoạn luồng Lạch Miều - Đầu Trâu - Hòn Một: Duy trì khai thác ở độ sâu tự nhiên.
+ Đoạn luồng từ Hòn Một vào khu bến Cái Lân: Cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn hành hải.
+ Đoạn luồng chuyên dụng thượng lưu bến số 1 cảng Cái Lân: Duy trì đảm bảo khai thác.
- Luồng Cẩm Phả: Duy trì điều kiện khai thác hiện hữu. Phát triển luồng các giai đoạn sau theo yêu cầu cụ thể của cảng trên cơ sở tuyến luồng hiện có.
- Luồng sông Chanh vào khu bến Yên Hưng: Nghiên cứu phát triển luồng giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cho tàu tổng hợp đến 30.000 tấn, giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030 cho tàu chở hàng lỏng đến 40.000 tấn, tàu tổng hợp đến 50.000 tấn. - Luồng Diêm Điền: Duy trì hoạt động của luồng, đảm bảo điều kiện khai thác các bến cảng một cách phù hợp. Nghiên cứu khả năng chỉnh trị ổn định luồng tàu làm cơ sở xem xét khả năng nâng cấp luồng cho tàu từ 1.000 đến 3.000 tấn.
5. Các dự án ưu tiên giai đoạn đến năm 2020
- Luồng vào cảng Hải Phòng - đoạn Lạch Huyện: Tập trung hoàn thành đúng tiến độ các hạng mục của cảng như luồng tàu, đê chắn cát, chắn sóng... đảm bảo Quý II năm 2018 đưa vào khai thác.
- Khu bến cảng Lạch Huyện: Xây dựng 02 bến công ten nơ bến cảng Lạch Huyện giai đoạn khởi động đồng bộ với tiến độ thi công luồng tàu. Nghiên cứu đầu tư phát triển các bến tiếp theo (công ten nơ, tổng hợp) phù hợp quy hoạch.
- Khu bến Cái Lân: Xây dựng các bến tổng hợp phù hợp với nhu cầu hàng hóa qua cảng.
IV. Các chính sách, cơ chế và giải pháp thực hiện 1. Giải pháp quản lý thực hiện quy hoạch - Triển khai áp dụng mô hình Ban Quản lý và khai thác cảng tại khu bến cảng Lạch Huyện và các bến cảng khác khi có điều kiện.
- Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP (BOT, BTO...). Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định; khuyến khích các nhà đầu tư thuộc khu kinh tế khu công nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển và cơ sở hạ tầng kết nối cảng.
- Nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng,...) của cảng biển, bến cảng quan trọng. Việc đầu tư bến cảng theo quy hoạch được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Các bến cảng do Nhà đầu tư đề xuất thì Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về nguồn vốn, hiệu quả đầu tư hạ tầng bến cảng và hạ tầng kết nối cảng.
- Trường hợp Nhà đầu tư đề xuất được đầu tư cầu cảng, bến cảng với quy mô lớn hơn (về trọng tải tàu tiếp nhận) so với quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trên cơ sở xem xét cụ thể loại hàng, chủng loại tàu vào làm hàng tại cảng nhưng không làm thay đổi công năng cảng; đồng thời, Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của dự án.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đầu tư và hoạt động khai thác bến cảng theo hướng đơn giản hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện quy hoạch.
- Lưu ý dành quỹ đất thích hợp phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa với chức năng đầu mối logistics.
- Quy hoạch chi tiết xây dựng bến cảng cần quy hoạch cơ sở làm việc của cảng vụ hàng hải các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các khu cảng mới để đảm bảo việc quản lý nhà nước tại các cảng được thuận lợi, hiệu quả.
2. Giải pháp đối với các bến phao, khu chuyển tải - Các bến phao, điểm chuyển tải hàng hóa theo quy hoạch: Được quy hoạch, tổ chức quản lý quy hoạch và được khuyến khích đầu tư, khai thác ổn định, lâu dài, phù hợp quy hoạch chung của cảng như đối với các cầu cảng, bến cảng.
- Các bến phao, điểm chuyển tải tạm thời: Không được quy hoạch, chỉ được cấp phép hoạt động trong thời gian nhất định, tối đa không quá 5 năm và chỉ khi các cầu, bến cảng bến phao, điểm chuyển tải theo quy hoạch tại khu vực chưa đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa thực tế. Chủ đầu tư các bến phao phải dừng hoạt động và thu hồi các bến phao khi hết thời hạn hoạt động.
Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Cục Hàng hải Việt Nam
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan công bố và quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải trong việc thỏa thuận đầu tư dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cầu cảng, bến cảng.
- Chủ trì thẩm định, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định việc cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy mô, chức năng, tiến độ thực hiện các cầu, bến cảng.
- Đối với các cảng, bến cảng tiềm năng: Căn cứ nhu cầu thực tế, theo đề xuất của Nhà đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế cụ thể để quản lý, khai thác bến phao, khu neo chuyển tải hoạt động dài hạn, tạm thời.
- Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển, đề xuất xử lý các dự án không tuân thủ quy hoạch; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ tổng kết tình hình triển khai thực hiện quy hoạch.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chỉ đạo việc lập các quy hoạch của địa phương phù hợp quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển được duyệt; trên cơ sở đó, tổ chức quản lý chặt chẽ quỹ đất xây dựng cảng; bố trí quỹ đất theo quy hoạch để phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cảng biển.
- Trước khi cấp vùng đất, vùng nước khu vực quy hoạch đầu tư xây dựng cảng biển bến cảng, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng cảng, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có văn bản lấy ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải về các nội dung liên quan đến quy hoạch cảng (công năng, quy mô, thời điểm tiến độ đầu tư) theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, cảng vụ hàng hải khu vực phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác giám sát, quản lý thực hiện quy hoạch.
- Chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình lập, thẩm định, trình duyệt quy hoạch chi tiết các khu bến cảng; báo cáo Bộ Giao thông vận tải việc cập nhật, bổ sung hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng biển, bến cảng theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1741/QĐ-BGTVT ngày 03 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng các Vụ; Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: - Như điều 4; - Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ: KH&ĐT, Xây dựng, Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, TN&MT, NN&PTNT; - Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng - Ủy ban nhân dân các Tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định; - Các Thứ trưởng; - Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ GTVT; - Công báo, Website Chính phủ; - Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT; - Lưu VT, KHĐT (5) | BỘ TRƯỞNG Trương Quang Nghĩa |