BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI -------------------- Số: 2985/QĐ-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------------ Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "NÂNG CAO HIỆU QUẢ VÀ CHẤT LƯỢNG QUẢN LÝ,
KHAI THÁC KẾT CẤU HẠ TẦNG HÀNG KHÔNG"
--------------------------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT;
Căn cứ Nghị định số 83/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
Căn cứ Quyết định số 911/1997/QĐ-TTg ngày 24/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể mạng cảng hàng không sân bay toàn quốc;
Căn cứ Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT ngành hàng không dân dụng giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 32/QĐ-BGTVT ngày 05/1/2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành chương trình xây dựng các đề án chiến lược, quy hoạch, đề án khác của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không" với các nội dung chủ yếu như sau:
I. Mục tiêu đề án
1. Mục tiêu chung
Việc thực hiện đề án nhằm nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn khi khai thác kết cấu hạ tầng hàng không.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá, rà soát tổng thể hiện trạng công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bảo trì và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng không;
- Phát hiện những tồn tại trong công tác quản lý, những hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, những điều kiện khai thác chưa được đáp ứng, tìm ra nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế này;
- Tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không, trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn trong hoạt động khai kết cấu hạ tầng hàng không;
- Đặt ra mục tiêu, lộ trình cụ thể trong việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng.
II. Giải pháp chung nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không
1. Giải pháp về quản lý quy hoạch, kế hoạch
- Quản lý thực hiện đúng quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc theo Quyết định 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
- Quản lý thực hiện đúng quy hoạch chi tiết các cảng hàng không, sân bay; thường xuyên rà soát đánh giá việc thực hiện quy hoạch chi tiết. Cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo quy định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển từng cảng hàng không (CHK), sân bay (SB);
- Quản lý thực hiện đúng kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2339/QĐ-BGTVT ngày 19/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2. Giải pháp về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay
- Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
- Triển khai thực hiện Thông tư số 22/2013/TT-BGTVT ngày 23/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo trì công trình hàng không dân dụng đối với việc bảo trì kết cấu hạ tầng tại cảng hàng không, sân bay;
- Định hướng đến năm 2020, thực hiện phân cấp quản lý khai thác đối với hệ thống cảng hàng không, sân bay, nghiên cứu phân loại các cảng hàng không, sân bay thành 2 loại:
+ CHK loại 1: là các cảng hàng không quốc tế lớn, giữ vai trò làm cửa ngõ quan trọng của quốc gia như: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Long Thành; CHK có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng như: Nà Sản, Thọ Xuân, Cam Ranh. Đối với những CHK này, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc quản lý, khai thác.
+ CHK loại 2: gồm các CHK, SB còn lại. Đối với những CHK, SB này, thực hiện xã hội hóa việc quản lý, khai thác thông qua cổ phần hóa hoặc giao cho nhà đầu tư quản lý, khai thác.
- Xây dựng tiêu chuẩn về người khai thác cảng hàng không, sân bay; trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn, cơ cấu của tổ chức và tiêu chuẩn người giữ vị trí chủ chốt trong hệ thống khai thác của cảng hàng không, sân bay (post holder). Trên cơ sở đó hoàn thiện lại hệ thống văn bản quy định về người khai thác cảng hàng không, sân bay;
- Xây dựng lực lượng giám sát viên an toàn khai thác cảng hàng không đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
- Nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, trong đó sửa đổi quy định về việc cấp Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay; cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không theo hướng giấy phép có thời hạn;
- Xây dựng Đề án tin học hóa công tác quản lý kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay;
- Đầu tư thiết bị đánh giá sức chịu tải bề mặt đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ theo phương pháp không phá hủy;
- Nghiên cứu quy định, chính sách khuyến khích các Hãng hàng không để tàu bay qua đêm tại các cảng hàng không khác (ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng);
- Nghiên cứu cơ chế quản lý dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không, sân bay;
- Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cung cấp các dịch vụ hàng không tại từng cảng hàng không đảm bảo tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không;
- Đến năm 2015 xây dựng cơ sở bảo dưỡng tàu bay tại CHKQT Đà Nẵng. Đến 2020 xây dựng cơ sở bảo dưỡng tàu bay tại CHKQT Cam Ranh, CHKQT Phú Bài, CHKQT Phú Quốc, CHK Cát Bi, CHK Chu Lai và mở rộng cơ sở bảo dưỡng tàu bay tại CHKQT Nội Bài.
3. Giải pháp về quản lý hoạt động bay
- Tổ chức đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý hoạt động bay hiện đại, đảm bảo đầy đủ tầm phủ của hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát theo công nghệ mới với độ chính xác và tin cậy cao;
- Tối ưu hóa vùng trời, các đường hàng không và phương thức bay nhằm nâng cao an toàn, giảm thời gian bay, đảm bảo an toàn hoạt động bay; tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không triển khai các đường bay đến các cảng hàng không, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng không;
- Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và thành công giai đoạn đầu của Kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin dẫn đường giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2339/QĐ-BGTVT ngày 19/10/2011);
- Tiếp tục hoàn thiện tổ chức vùng trời, hệ thống đường hàng không và khu vực trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo hướng sử dụng công nghệ CNS/ATM mới. Tiến hành các bước chuẩn bị cho chương trình nâng cấp các hệ thống hàng không ASBU;
- Tiếp tục tổ chức nâng cấp, đầu tư mới hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường và giám sát, khí tượng, thông báo tin tức HK và tìm kiếm cứu nạn theo công nghệ mới đảm bảo và tăng cường tầm phủ VHF/hệ thống giám sát cho vùng Đông Nam FIR Hồ Chí Minh và vùng trời tầng thấp;
- Triển khai thực hiện Thông tư số 22/2013/TT-BGTVT ngày 23/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo trì công trình hàng không dân dụng đối với việc bảo trì kết cấu hạ tầng quản lý hoạt động bay;
- Tổ chức thiết lập mạng viễn thông hàng không; hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động bay đảm bảo kết nối đồng bộ và thống nhất;
- Thực hiện lộ trình chuyển đổi từ thông báo tin tức hàng không (AIS) sang quản lý tin tức hàng không (AIM), triển khai áp dụng cơ sở dữ liệu địa hình điện tử (eTOD);
- Hoàn thiện phương thức quản lý, điều hành bay theo công nghệ CNS/ATM mới; tổ chức quản lý luồng không lưu (ATFM) nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động bay ngày càng gia tăng tại khu vực sân bay, FIR Hà Nội và Hồ Chí Minh và triển khai các phương thức bay theo tính năng dẫn đường yêu cầu (PBN);
- Nâng cấp hệ thống thiết bị phục vụ công tác cấp phép bay quá cảnh; công tác quản lý chướng ngại vật hàng không; thống kê số liệu hàng không và quản lý an toàn;
- Nghiên cứu tối ưu hóa Khu vực trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay theo hướng phù hợp với hoạt động bay tăng cao;
- Rà soát, điều chỉnh các hành lang ra/vào, các phương thức đi/đến theo hướng phân luồng, lập thể tại tất cả các cảng hàng không, sân bay nhằm điều chỉnh các phương thức bay theo hướng giảm thời gian bay, nâng cao an toàn hoạt động bay và giảm phát thải ra môi trường;
- Phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng thực hiện việc điều chỉnh, thiết lập mới các đường hàng không, điều chỉnh vị trí, kích thước và dồn dịch các khu vực cấm, khu vực hạn chế bay trong khu vực các sân bay có hoạt động hàng không dân dụng nhằm tạo thuận lợi về khai thác vùng trời, ưu tiên cho các hoạt động bay dân dụng;
- Nghiên cứu, thí điểm và thực hiện quy trình tổng hợp vận hành, khai thác hoạt động bay tại các cảng hàng không nhằm tối ưu hóa khai thác, giảm thời gian vận hành tàu bay tại nhà ga, sân đỗ, khu bay, đường cất hạ cánh và vùng trời khu vực sân bay;
- Áp dụng các công nghệ mới về thực hành bay, điều hành bay nhằm tối ưu hóa, giảm thời gian bay trong vùng trời khu vực sân bay và trên khu bay;
- Xây dựng Đề án Tối ưu hóa quy trình vận hành, khai thác hoạt động bay (trên không và mặt đất) tại các cảng hàng không, sân bay trong các năm 2013-2015 để tổ chức thực hiện;
- Xây dựng Đề án Xác định yêu cầu tối thiểu để đảm bảo an toàn hoạt động bay đối với các dịch vụ không lưu, thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không;
- Xây dựng Nghị định về quản lý hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay;
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tài liệu xác định yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay. Hoàn thiện, phê chuẩn và thực hiện hệ thống tài liệu hướng dẫn khai thác, hệ thống quản lý an toàn của các cơ sở cung cấp dịch vụ;
+ Từng bước dịch chuyển cơ cấu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo hướng thống nhất, tập trung, chuyên nghiệp hóa, giảm đầu mối, khâu trung gian; chuyển chức năng kiểm soát mặt đất tại các cảng hàng không, sân bay cho cơ quan quản lý hoạt động bay và xây dựng mô hình các Trung tâm quản lý bay khu vực trực thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam;
+ Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng mô hình "Vận hành khu bay đồng bộ" nhằm nâng cao, tối ưu hóa hiệu quả khai thác nhà ga, khu bay và các hoạt động bay tại cảng hàng không.
- Triển khai các Đề án:
+ Đề án Tối ưu hóa quy trình vận hành, khai thác hoạt động bay (trên không và mặt đất) tại các cảng hàng không, sân bay trong các năm 2013-2015 để tổ chức thực hiện;
+ Đề án tối ưu hóa đường hàng không và hành lang ra vào trong khu vực trung tâm Nội Bài, Đà Nẵng nhằm sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả;
+ Đề án tổ chức các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại cảng hàng không đảm bảo phát triển bền vững;
- Chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện các dự án trọng điểm trong năm 2013-2014.
4. Giải pháp về vận chuyển hàng không
- Xây dựng lộ trình tự do hóa thương quyền 3, 4 và 5 trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như đa phương đối với từng cảng hàng không;
- Nghiên cứu, xem xét cho phép khai thác thương quyền 7 về vận tải hàng hóa nhằm phát triển cảng hàng không gom tụ và trung chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dùng;
- Xây dựng cơ chế cấp quyền vận chuyển hàng không nội địa nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng miền và hải đảo;
- Hoàn thiện năng lực giám sát an toàn đáp ứng các yêu cầu của Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) để sớm khai thác thị trường Mỹ;
- Tăng cường quảng bá hình ảnh, thế mạnh của địa phương 2 năm 1 lần để thu hút khách du lịch, đầu tư vào các cảng hàng không hiện nay chưa khai thác hết năng lực của cảng hàng không;
- Nghiên cứu điều phối giờ hạ cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay nhằm tối ưu hóa năng lực khai thác các cảng hàng không;
- Nghiên cứu chính sách thu hút các hãng hàng không mở đường bay đến các cảng hàng không như:
+ Giảm giá dịch vụ tại cảng đối với các hãng hàng không lần đầu tiên mở đường bay đến cảng hàng không và các hãng hàng không khai thác vào giờ thấp điểm của cảng hàng không;
+ Thưởng theo số lượng khách chuyên chở đến.
5. Giải pháp về quản lý đất đai
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Quốc phòng về ranh giới quản lý sử dụng đất dùng chung, đất do quân sự quản lý, đất hàng không dân dụng quản lý tại từng cảng hàng không làm cơ sở triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giao đất và cho thuê đất theo quy định.
6. Giải pháp về an ninh
Triển khai thực hiện Đề án Nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không.
7. Giải pháp về an toàn
- Thực hiện Chương trình an toàn quốc gia (SSP);
- Thực hiện Chương trình an toàn đường cất hạ cánh;
- Triển khai thực hiện Chương trình năm văn hóa an toàn hàng không;
- Thực hiện hiệu quả tài liệu hệ thống quản lý an toàn tại các cảng hàng không (SMS).
8. Giải pháp về huy động vốn
a) Phân định các hạng mục đầu tư tại cảng hàng không theo nhu cầu sử dụng vốn đầu tư
- Tập trung sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ để hoàn thành các dự án đang triển khai, các dự án nhà nước ưu tiên đầu tư vì nhiệm vụ an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không;
- Tận dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay khác cho doanh nghiệp cảng hàng không vay để thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, hệ thống giao thông nội bộ, hạ tầng điện, nước...;
- Kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển các hạng mục hạ tầng gồm nhà ga hành khách, ga hàng hóa, các cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không;
- Các hạng mục đầu tư khác sử dụng vốn của doanh nghiệp cảng hàng không kết hợp kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, cá nhân trong và ngoài nước.
b) Nghiên cứu các phương án, giải pháp bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp
- Xây dựng các phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng không:
Thực hiện lộ trình cổ phần hóa các công ty khai thác cảng hàng không trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam theo chủ trương của Chính phủ.
- Xây dựng phương án tái cơ cấu nguồn vốn:
+ Xem xét duy trì tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không khoảng 8% và tỉ trọng vốn ODA khoảng 10% nhu cầu;
+ Nghiên cứu các phương án đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn để sửa chữa, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng không, bao gồm:
* Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, trong đó cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không;
* Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích phương án hợp vốn đầu tư trong nước đối với tất cả các thành phần kinh tế, mở rộng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau. Khuyến khích nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), các hình thức đầu tư như BT, BOT, PPP... cho việc phát triển CHKQT Chu Lai, Long Thành, các CHK, sân bay mới. Bộ GTVT làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để có hướng dẫn về cơ sở pháp lý, phương pháp, thủ tục định giá tài sản doanh nghiệp CHK khi tham gia góp vốn liên doanh với Nhà đầu tư.
* Đối với hình thức đầu tư BOT: Bộ GTVT thống nhất với Bộ Quốc phòng và các Bộ có liên quan xây dựng danh mục các cảng hàng không có thể hợp tác đầu tư BOT, PPP với doanh nghiệp nước ngoài và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về giới hạn phạm vi tham gia của nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) vào hoạt động quản lý khai thác CHK. Đối với các CHKQT loại 1 (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất) hoặc CHK địa phương có ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng (Nà Sản, Thọ Xuân, Cam Ranh), cần thiết phải giữ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong quản lý, khai thác CHK nhằm đảm bảo quyền kiểm soát hoạt động khai thác bay cũng như bảo vệ an ninh, quốc phòng của đất nước.
* Đối với hình thức đầu tư BT: Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai rộng rãi hình thức đầu tư BT tại các cảng hàng không theo phương án kết hợp với chính quyền địa phương để thực hiện đổi quyền sử dụng đất hoặc cơ sở hạ tầng của địa phương... lấy hạ tầng tại cảng hàng không, sân bay nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào công trình.
9. Giải pháp về chính sách phát triển, đào tạo nguồn nhân lực
Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không đến năm 2020.
10. Giải pháp về giá dịch vụ
Xây dựng và thực hiện Đề án về quản lý giá dịch vụ hàng không theo Nghị quyết số 15-NQ/BCSD ngày 05/6/2013 của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT.
11. Giải pháp về ứng dụng khoa học, công nghệ
- Triển khai thực hiện các đề án liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không;
- Thực hiện các nội dung liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng không trong khuôn khổ Đề án Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013 - 2020 đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt;
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng hàng không.
12. Giải pháp về bảo vệ môi trường
- Ban hành sổ tay hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường tại Cảng hàng không, sân bay;
- Hướng dẫn, đôn đốc triển khai có hiệu quả các Đề án bảo vệ môi trường;
- Hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động hàng không tại Việt Nam;
- Tăng cường đầu tư nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động xấu của chim, động vật hoang dã đến hoạt động tàu bay tại cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam;
- Có chính sách đào tạo nghiệp vụ quản lý môi trường chung và nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý môi trường trong hoạt động khai thác tàu bay, khai thác Cảng hàng không, sân bay và trong chỉ huy - điều hành hoạt động tàu bay.
III. Tổ chức thực hiện
1. Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Vận tải, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
- Tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Phụ lục 1).
- Tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến xây dựng đề án, văn bản quản lý (Phụ lục 2).
2. Các giải pháp còn lại được quy định trong Quyết định này và trong Đề án được duyệt, Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan lập tiến độ, báo cáo Bộ GTVT và triển khai thực hiện.
3. Giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì tham mưu, theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án, tổng hợp, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ giải quyết các vướng mắc phát sinh.
4. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án, định kỳ 01 năm 01 lần kể từ khi được Bộ GTVT phê duyệt Đề án, Cục Hàng không Việt Nam tiến hành rà soát tình hình thực hiện Đề án và báo cáo Bộ GTVT, đồng thời báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Văn phòng Chính phủ; - Các Thứ trưởng; - Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia; - Viện Chiến lược và phát triển GTVT; - Trung tâm Công nghệ thông tin; - Lưu: Văn thư, KCHTGT (10b). | BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng |
PHỤ LỤC 1
XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
TT | Tên văn bản QPPL | Đơn vị xây dựng | Đơn vị thẩm định của Bộ | Cơ quan ban hành | Tiến độ | Ghi chú |
1 | Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 về quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay | CHKVN | Vụ KCHTGT | Chính phủ | 2013 | Đang thực hiện |
2 | Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2010/TT-BGTVT ngày 30/6/2010 quy định chi tiết về quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay | CHKVN | Vụ KCHTGT | Bộ GTVT | 2014 | Sau khi Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2007/NĐ- CP được ban hành |
3 | Nghị định về Quản lý hoạt động bay tại Cảng hàng không, sân bay. | CHKVN | Vụ VT | Chính phủ | 2015 | Sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật HKDDVN được thông qua |
4 | Đề xuất sửa đổi Quyết định 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011 về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước | CHKVN | Vụ Quản lý doanh nghiệp | Thủ tướng Chính phủ | 2014 | |
PHỤ LỤC 2
XÂY DỰNG CÁC ĐỀ ÁN, VĂN BẢN QUẢN LÝ
TT | Tên văn bản quản lý | Cơ quan xây dựng | Cơ quan tham mưu trình | Tiến độ |
1 | Giải pháp về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay | | | |
1.1 | Đề án tin học hóa công tác quản lý kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay | | Vụ KHCN | 2016 |
1.2 | Quy định về phân cấp quản lý khai thác đối với hệ thống cảng hàng không, sân bay | Cục HKVN, TCTCHKVN | Vụ KCHTGT | 2014 |
1.3 | Quy định, chính sách khuyến khích các Hãng hàng không để tàu bay qua đêm tại các cảng hàng không khác (ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng) | Cục HKVN, TCTCHKVN | Vụ Vận tải | 2015 |
2 | Giải pháp về quản lý hoạt động bay | | | |
2.1 | Kế hoạch dịch chuyển cơ cấu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. | Cục HKVN, TCTQLBVN, TCTCHKVN | Vụ QLDN | 2015 |
2.2 | Đề án xác định yêu cầu tối thiểu để đảm bảo an toàn hoạt động bay đối với các dịch vụ không lưu, thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không. | CHKVN | Vụ KCHTGT | 2015 |
2.3 | Đề án xây dựng Mô hình vận hành khu bay đồng bộ | Cục HKVN | Vụ KCHTGT | 2016 |
3 | Giải pháp về vận chuyển hàng không | | | |
3.1 | Xây dựng lộ trình tự do hóa thương quyền 3, 4 và 5 trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như đa phương đối với từng cảng hàng không | Cục HKVN | Vụ HTQT | 2015 |
3.2 | Nghiên cứu, xem xét cho phép khai thác thương quyền 7 về vận tải hàng hóa nhằm phát triển cảng hàng không gom tụ và trung chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dùng | Cục HKVN | Vụ HTQT | 2015 |
3.3 | Xây dựng cơ chế cấp quyền vận chuyển hàng không nội địa trên các đường bay có hiệu quả kinh tế kèm theo các đường bay tới các cảng hàng không, sân bay địa phương nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng miền và hải đảo | Cục HKVN | Vụ Vận tải | 2015 |
3.4 | Đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án mở đường bay trực tiếp đến Mỹ. | Cục HKVN | Vụ Vận tải, Vụ HTQT | 2015 |
3.5 | Xây dựng chính sách giảm giá dịch vụ nhằm thu hút Hãng hàng không khai thác, mở đường bay đi/đến cảng hàng không. | Cục HKVN | Vụ Vận tải, Vụ Tài chính | 2015 |
4 | Giải pháp về huy động vốn | | | |
4.1 | Phân định các hạng mục đầu tư tại cảng hàng không theo nhu cầu sử dụng vốn đầu tư | Cục HKVN TCT CHKVN, TCT QLBVN | Vụ KHĐT | 2015 |
4.2 | Nghiên cứu các phương án, giải pháp bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp. | Cục HKVN TCT CHKVN, TCT QLBVN | Vụ TC, Vụ KHĐT, Vụ QLDN | 2015 |
5 | Giải pháp về chính sách phát triển, đào tạo nguồn nhân lực | | | |
5.1 | Đề án Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không đến năm 2020 | Cục HKVN, các TCT | Vụ TCCB | Đang thực hiện |
6 | Giải pháp về giá dịch vụ | | | |
6.1 | Đề án về quản lý giá dịch vụ hàng không theo Nghị quyết số 15-NQ/BCSĐ ngày 05/6/2013 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải | Cục HKVN, các TCT | Vụ Vận tải, Vụ Tài chính | 2013 |