BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- Số: 3923/QĐ-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------- Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG HƯỚNG, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG
GIAO THÔNG VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
-----------------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1734/QĐ-TTg ngày 01/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020;
Căn cứ Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông;
Căn cứ Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 15/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ các Quyết định số 1697/QĐ-TTg và Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 và Vành đai 4, thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 943/QĐ-TTg ngày 20/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 08/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg ngày 24/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;
Căn cứ Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 8/7/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1108/QĐ-BGTVT ngày 26/4/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng Đường thủy nội địa khu vực phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1556/QĐ-BGTVT ngày 6/6/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Văn bản số 652/VPCP-KTN ngày 21/01/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 vùng Đông Nam Bộ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Công văn số 4521/TCĐBVN-KHĐT ngày 06/11/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Phê duyệt Phương hướng, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) vùng Đông Nam Bộ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
- Thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống KCHTGT đồng bộ;
- Định hướng phát triển KCHTGT vùng Đông Nam Bộ phù hợp với định hướng, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội Vùng; chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT quốc gia, địa phương; quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;
- Đầu tư KCHTGT vùng phải đi trước một bước, nhanh chóng hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn và kết hợp được các hình thức vận tải, đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của vùng, hội nhập mạnh hơn với cả nước, với khu vực và quốc tế;
- Đầu tư phát triển KCHTGT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng, phù hợp với chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ; lựa chọn những công trình trọng điểm, cấp bách mang tính động lực vùng và sắp xếp thứ tự ưu tiên phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực;
- Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn trong dân, các nguồn vốn hợp pháp khác trong và ngoài nước để đầu tư KCHTGT vùng.
2. Định hướng phát triển KCHTGT vùng đến năm 2020 - Phấn đấu đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống quốc lộ hiện có; đẩy nhanh tốc độ xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, triển khai xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3, thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn sau năm 2015, triển khai xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Biên Hòa - Vũng Tàu, xây dựng đường Vành đai 3, thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bình Chuẩn - QL22 và đoạn QL22 - đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; xây dựng đường Vành đai 4, thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bến Lức - Hiệp Phước; nghiên cứu xây dựng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và một số đoạn còn lại của đường Vành đai 4, thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn thành nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ hướng tâm, vành đai và đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải và Đồng Nai. Nâng cấp hệ thống đường tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt, mở mới một số tuyến phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp với các địa phương tiếp tục phát triển giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
- Hoàn thành hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam đoạn đi qua vùng. Triển khai xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và các nhánh kết nối với các cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Tiếp tục cải tạo đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống các tuyến đường thủy nội địa đang quản lý. Nâng cấp có chiều sâu và xây dựng mới các cảng thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng.
- Hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn. Xây dựng hoàn chỉnh và đầu tư nâng cấp chiều sâu các bến cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo quy hoạch Nhóm cảng biển số 5 đã được phê duyệt, đặc biệt là khu vực Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng lượng hàng hóa thông qua trong từng thời kỳ. Xây dựng bến tàu khách cho tàu du lịch quốc tế 50.000 - 60.000 GRT tại Phú Thuận. Nghiên cứu kết hợp chính trị và cải tạo nâng cấp hệ thống luồng đảm bảo cho tàu ra vào thuận lợi, an toàn và đồng bộ với quy mô bến.
- Nâng cấp, cải tạo cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng không nội địa Côn Sơn. Lập dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành để có thể triển khai xây dựng sau năm 2015.
- Giao thông đô thị:
Đối với thành phố Hồ Chí Minh, hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống đường bộ chính yếu bao gồm các trục đường hướng tâm, xuyên tâm và vành đai. Khởi công xây dựng 1 - 2 tuyến đường bộ trên cao và 2 - 3 tuyến đường sắt đô thị. Phấn đấu quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt 16% - 26%.
Đối với các thành phố, thị xã khác trong vùng, hoàn chỉnh quy hoạch, từng bước phát triển hệ thống KCHTGT đô thị và vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu.
3.1. Giai đoạn 2013 - 2015
a) Đường bộ:
- Hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây quy mô 4 làn xe. Triển khai xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Chuẩn bị đầu tư các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến quốc lộ: QL1 đoạn từ ranh giới Bình Thuận đến Trảng Bom, Đồng Nai; xây dựng mới tuyến tránh thành phố Biên Hòa; mở rộng đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh; QL14 đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước; QL13 đoạn từ thị xã Long Bình đến cửa khẩu Hoa Lư; QL20 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai; xây dựng tuyến tránh thị xã Bà Rịa - QL56; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải. Duy trì cấp kỹ thuật hiện hữu, thực hiện tốt công tác duy tu đảm bảo khai thác các quốc lộ còn lại.
- Triển khai xây dựng đường Vành đai 3, thành phố Hồ Chí Minh đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn và chuẩn bị đầu tư các đoạn: Bình Chuẩn - QL22, QL22 - cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 4, thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bến Lức - Hiệp Phước.
- Nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị theo quy hoạch và kế hoạch của địa phương. Cứng hóa 100% đường xã đối với các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới giai đoạn đến 2015.
b) Đường sắt: Triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); Chuẩn bị đầu tư đường sắt đô thị tuyến số 2 (đô thị Tây Bắc - Thủ Thiêm), tuyến số 3a (Bến Thành - ga Tân Kiên), tuyến số 3b (Ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước), tuyến số 4 (Thạch Xuân - Hiệp Phước), tuyến số 4b (Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả), tuyến số 5 (cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc) và tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm).
c) Đường thủy nội địa: Duy trì cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy quốc gia. Hoàn thành xây dựng giai đoạn 2 cảng Phú Định.
d) Đường biển:
- Nghiên cứu nâng cấp, cải tạo luồng Cái Mép - Thị Vải cho tàu lớn hơn 100.000 DWT ra vào thuận tiện.
- Nạo vét luồng Soài Rạp ra vào khu cảng Hiệp Phước.
- Triển khai nghiên cứu dự án nâng cấp tuyến vận tải từ Tp. Hồ Chí Minh - sông Lòng Tàu - sông Đồng Tranh - sông Gò Gia - Cái Mép - Thị Vải để có thể hoạt động 24/24h.
đ) Hàng không: Nâng cấp nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đảm bảo công suất đến năm 2015 đạt 25 triệu lượt hành khách/năm, nâng cấp cảng hàng không nội địa Côn Sơn. Chuẩn bị triển khai xây dựng giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành.
3.2. Giai đoạn 2016 - 2020
Hoàn thành các dự án đã khởi công xây dựng trong giai đoạn 2012 - 2015, tùy thuộc vào điều kiện nguồn lực của đất nước để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình quan trọng, cụ thể như sau:
a) Đường bộ:
+ Hoàn thành công trình đã đình hoãn, giãn tiến độ giai đoạn 2012 - 2015; hoàn thành các tuyến quốc lộ đã khởi công giai đoạn 2013-2015.
+ Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc đã khởi công; xây dựng mới tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; xây dựng đường Vành đai 3, thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bình Chuẩn - QL22 và đoạn QL22 - đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; xây dựng đường Vành đai 4, thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bến Lức - Hiệp Phước; nghiên cứu xây dựng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và một số đoạn còn lại của đường Vành đai 4, thành phố Hồ Chí Minh.
+ Đưa vào cấp các quốc lộ, đầu tư các đoạn tuyến ven biển, đường tuần tra biên giới. Triển khai xây dựng một số tuyến đường bộ trên cao.
b) Đường sắt: Tiếp tục huy động vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Trảng Bom - Hòa Hưng; Xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Nghiên cứu xây dựng mới đường sắt khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Hoàn thành xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại.
c) Đường thủy nội địa: Tiếp tục nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, từng bước nâng cao năng lực khai thác các tuyến đường thủy nội địa hiện có.
d) Đường biển: Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cảng và luồng tuyến một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng.
đ) Hàng không: Huy động vốn để sớm triển khai xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, tùy thuộc điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cụ thể trong từng giai đoạn, khả năng cân đối bố trí vốn ngân sách nhà nước và khả năng huy động các nguồn vốn khác có thể nghiên cứu đầu tư hoặc điều chỉnh tiến độ xây dựng các công trình KCHTGT cấp bách khác trong phạm vi quy hoạch được duyệt.
3.3. Nhu cầu nguồn vốn:
- Giai đoạn 2013-2015: Tổng nhu cầu vốn khoảng 129.760 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2016-2020: Tổng nhu cầu vốn khoảng 313.143 tỷ đồng.
4. Giải pháp, chính sách phát triển 4.1. Giải pháp, chính sách tạo vốn đầu tư phát triển KCHTGT:
- Tích cực huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như BOT, BT, PPP; ưu tiên đầu tư một số công trình quan trọng cấp bách. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xúc tiến vận động nguồn vốn ODA, đẩy mạnh vận động các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển KCHTGT, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn.
- Phối hợp với địa phương nhằm tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển KCHTGT thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ.
- Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí đủ nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách, đặc biệt là hệ thống cầu yếu và các công trình gia cố bền vững chống sạt lở.
4.2. Giải pháp, chính sách nâng cao hiệu quả đầu tư:
- Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã có nguồn vốn để sớm đưa vào khai thác sử dụng, nhất là các dự án trọng điểm.
- Trong xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm sắp xếp thứ tự ưu tiên, trong đó tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức, giữa các công trình trong vùng.
- Phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đầu tư KCHTGT thuộc thẩm quyền quản lý địa phương để khai thác đồng bộ với hệ thống KCHTGT quốc gia.
- Kết hợp đầu tư đường ven biển với đê biển.
4.3. Giải pháp, chính sách áp dụng khoa học - công nghệ:
- Rà soát, sửa đổi và bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, định ngạch cho phù hợp với thông lệ quốc tế, các nước khu vực và điều kiện thực tế của Việt Nam.
- Tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ mới, sử dụng vật liệu mới, vật liệu sẵn có, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển KCHTGT vùng.
- Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ để xử lý các vấn đề kỹ thuật xuất phát từ điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp của khu vực nhằm làm giảm giá thành nâng cao chất lượng, bền vững ổn định công trình.
- Tổ chức thẩm định an toàn giao thông đối với tất cả các công trình nâng cấp và xây dựng mới, tăng cường áp dụng các công nghệ giao thông thông minh để hỗ trợ và kiểm soát giao thông.
4.4. Giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực: Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ và công nhân lành nghề đồng bộ cả trong thiết kế, quản lý dự án, thi công và quản lý.
4.5. Giải pháp chính sách tăng cường công tác quản lý bảo trì hệ thống KCHTGT: Dành phần vốn thích đáng cho công tác quản lý bảo trì.
4.6. Giải pháp, chính sách bảo vệ môi trường:
- Quản lý chặt chẽ việc thực hiện đánh giá tác động môi trường các dự án phát triển KCHTGT, đặc biệt là các dự án cảng biển, các dự án đường cao tốc đi qua các khu vực bảo tồn; thực hiện tốt công tác giám sát quản lý môi trường và tăng cường kiểm tra thường xuyên bảo vệ môi trường đối với các đơn vị xây dựng, sản xuất, kinh doanh giao thông vận tải.
- Kiểm soát chất lượng phương tiện và nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, triển khai Phương hướng, kế hoạch phát triển KCHTGT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định này.
- Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với các đơn vị liên quan sử dụng hiệu quả Quỹ bảo trì đường bộ để nâng cao tuổi thọ và chất lượng khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có.
- Các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ; Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Các Cục trưởng chuyên ngành; Giám đốc các Sở GTVT tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ GTVT chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 4; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, TN&MT; - UBND các tỉnh, TP vùng Đông Nam Bộ; - Các Thứ trưởng; - Các Sở GTVT vùng Đông Nam Bộ; - Website Bộ GTVT; - Lưu VT, KHĐT (8). | BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng |