hieuluat

Thông tư 16/2012/TT-BCA cải tạo xe cơ giới trong Công an nhân dân

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Công anSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:16/2012/TT-BCANgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Trần Đại Quang
    Ngày ban hành:29/03/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:15/05/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Giao thông
  • BỘ CÔNG AN
    ----------
    Số: 16/2012/TT-BCA
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    -------------------------
    Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2012
     
     
    THÔNG TƯ
    QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CẢI TẠO XE CƠ GIỚI TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
     
     
    Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
    Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
    Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội;
    Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về việc cải tạo xe cơ giới trong Công an nhân dân.
     
     
    Chương 1.
    QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
    Thông tư này quy định về nguyên tắc, nội dung, trình tự, thiết kế, thẩm định thiết kế, thi công cải tạo xe cơ giới, kiểm tra chất lượng của xe cơ giới cải tạo trong Công an nhân dân.
    Điều 2. Đối tượng áp dụng
    Thông tư này áp dụng đối với:
    1. Các đơn vị thiết kế, thẩm định thiết kế, thi công cải tạo xe cơ giới, kiểm tra chất lượng xe cơ giới cải tạo trong Công an nhân dân.
    2. Công an các đơn vị, địa phương.
    3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cải tạo xe cơ giới của lực lượng Công an nhân dân.
    Điều 3. Giải thích từ ngữ
    Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Xe cơ giới bao gồm xe ô tô, xe ô tô sát xi, xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân.
    2. Hệ thống bao gồm hệ thống truyền lực (ly hợp, hộp số, trục các đăng); hệ thống chuyển động (bánh xe, cầu bị động); hệ thống treo; hệ thống lái; hệ thống phanh; hệ thống nhiên liệu.
    3. Tổng thành bao gồm tổng thành động cơ, tổng thành khung, buồng lái, thân xe hoặc thùng hàng, thùng tự đổ.
    4. Cải tạo xe cơ giới là thay đổi hệ thống, tổng thành, tính năng sử dụng của xe.
    5. Thay đổi hệ thống là thay đổi một phần hoặc toàn bộ kết cấu của các hệ thống nguyên thủy bằng một phần hoặc toàn bộ hệ thống khác có tính năng kỹ thuật tương đương.
    6. Thay đổi tổng thành là thay đổi tổng thành nguyên thủy bằng tổng thành khác có tính năng kỹ thuật tương đương.
    7. Thay đổi tính năng sử dụng là thay đổi công dụng nguyên thủy của xe cơ giới.
    8. Trọng lượng toàn bộ của xe là tổng trọng lượng bản thân xe và trọng tải của xe.
    9. Ô tô sát xi là ô tô ở dạng bán thành phẩm, có thể tự di chuyển, có buồng lái hoặc không có buồng lái, không có thùng chở hàng, không có khoang chở khách, không gắn thiết bị chuyên dùng.
    Điều 4. Nguyên tắc cải tạo xe cơ giới
    1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật liên quan.
    2. Chỉ cải tạo xe cơ giới khi được sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng đơn vị cấp vụ, cục trở lên (đối với xe do cơ quan Bộ quản lý) hoặc của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh), Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (đối với xe do Công an địa phương quản lý) nhằm phục vụ yêu cầu công tác nghiệp vụ.
    3. Việc cải tạo xe cơ giới phải bảo đảm đúng với thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
    4. Không được cải tạo xe cơ giới đã có thời gian sử dụng hơn 15 năm, kể từ năm sản xuất.
     
    Chương 2.
    QUY ĐỊNH CỤ THỂ
     
    Điều 5. Nội dung cải tạo xe cơ giới
    1. Mỗi xe cơ giới chỉ được phép cải tạo, thay đổi một trong hai tổng thành chính là động cơ hoặc tổng thành khung và không quá ba trong sáu hệ thống, tổng thành sau đây:
    a) Hệ thống truyền lực;
    b) Hệ thống chuyển động;
    c) Hệ thống treo;
    d) Hệ thống phanh;
    đ) Hệ thống lái;
    e) Buồng lái, thân xe hoặc thùng hàng, thùng tự đổ.
    2. Trọng lượng toàn bộ của xe cơ giới sau khi cải tạo không được vượt quá trọng lượng toàn bộ của xe cơ giới trước khi cải tạo theo quy định của nhà chế tạo.
    Điều 6. Trình tự thực hiện cải tạo xe cơ giới
    1. Việc cải tạo xe cơ giới được thực hiện theo trình tự sau đây:
    a) Lập hồ sơ thiết kế cải tạo;
    b) Thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo;
    c) Thi công cải tạo;
    d) Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
    2. Trường hợp xe ô tô cải tạo lắp phanh phụ để dùng làm xe tập lái thì không phải lập hồ sơ thiết kế cải tạo nhưng phải thi công tại cơ sở có tư cách pháp nhân quy định tại Điều 11 Thông tư này và được cơ quan kiểm định của Công an nhân dân kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
    Điều 7. Thiết kế cải tạo
    1. Việc thiết kế cải tạo xe cơ giới phải do cơ sở có tư cách pháp nhân và có chức năng thiết kế xe cơ giới trong hoặc ngoài ngành Công an thực hiện theo quy định của pháp luật.
    2. Thiết kế cải tạo cần bảo đảm bí mật của lực lượng Công an nhân dân trong trường hợp: Xe lắp thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị nghiệp vụ đặc chủng của lực lượng Công an nhân dân; xe chống đạn; xe chống bạo loạn; xe chở can phạm nhân hoặc các xe do Tổng cục trưởng, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy yêu cầu phải do các cơ sở thiết kế cải tạo trong Công an nhân dân thực hiện. Trường hợp chỉ định cơ sở ngoài Công an nhân dân thiết kế cải tạo phải do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
    3. Hồ sơ thiết kế cải tạo
    a) Tờ trình đề nghị thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);
    b) Bản thuyết minh, gồm:
    - Giới thiệu nhu cầu cải tạo;
    - Đặc tính kỹ thuật cơ bản của xe cơ giới trước và sau khi cải tạo;
    - Nội dung thực hiện cải tạo và trình tự công nghệ thi công;
    - Tính toán đặc tính động học, động lực học liên quan tới nội dung cải tạo;
    - Tính toán kiểm nghiệm sức bền liên quan tới nội dung cải tạo;
    - Những hướng dẫn cần thiết cho việc sử dụng xe cơ giới sau khi cải tạo;
    - Kết luận.
    c) Bản vẽ kỹ thuật (được trình bày theo đúng các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành) gồm:
    - Bản vẽ bố trí chung của xe cơ giới trước khi cải tạo để đối chiếu;
    - Bản vẽ bố trí chung của xe cơ giới sau khi thực hiện cải tạo;
    - Bản vẽ lắp đặt tổng thành, hệ thống được cải tạo hoặc thay thế;
    - Bản vẽ những chi tiết được cải tạo, chế tạo mới bao gồm cả hướng dẫn công nghệ và vật liệu được phép sử dụng để cải tao, thay thế.
    Điều 8. Hội đồng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới
    1. Thành phần Hội đồng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới
    a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt làm Chủ tịch Hội đồng;
    b) Viện trưởng Viện Kỹ thuật điện tử và cơ khí nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật làm Phó chủ tịch Hội đồng;
    c) Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký quản lý phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt làm ủy viên thường trực;
    d) Sĩ quan là kỹ sư cơ khí ô tô thuộc Phòng Hướng dẫn đăng ký quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt làm ủy viên thư ký;
    đ) Sĩ quan là kỹ sư cơ khí của Viện Kỹ thuật điện tử và cơ khí nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật làm ủy viên.
    2. Hội đồng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới được sử dụng con dấu của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt là con dấu hành chính của Hội đồng.
    3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới
    a) Làm việc theo nguyên tắc tập thể, các thành viên của Hội đồng tham gia ý kiến thẩm định bằng văn bản. Đối với thiết kế cải tạo các xe quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này, Hội đồng phải họp để thẩm định. Trường hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định chưa thống nhất duyệt thiết kế cải tạo thì Chủ tịch Hội đồng có thể quyết định theo đa số;
    b) Đối với các thiết kế cải tạo xe chuyên dùng phục vụ công tác nghiệp vụ chuyên ngành thì Chủ tịch Hội đồng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới mời đại diện đơn vị sử dụng xe đó tham gia thẩm định thiết kế;
    c) Định kỳ một năm, Hội đồng thẩm định thiết kế họp 01 lần để tổng kết rút kinh nghiệm.
    Điều 9. Nội dung, trình tự thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới
    1. Nội dung thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới
    a) Kiểm tra tính pháp lý của cơ sở thiết kế cải tạo xe cơ giới;
    b) Kiểm tra các nội dung cải tạo xe cơ giới;
    c) Kiểm tra, đánh giá bản thuyết minh trong hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới;
    d) Kiểm tra, đối chiếu các bản vẽ kỹ thuật trong hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới với các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
    2. Trình tự thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới
    a) Sau khi nhận đủ hồ sơ thiết kế hợp lệ, Thư ký Hội đồng thẩm định chuyển hồ sơ thiết kế cho các thành viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu, cho ý kiến thẩm định bằng văn bản. Đối với trường hợp cải tạo các xe quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này, Thư ký Hội đồng thẩm định báo cáo Chủ tịch Hội đồng thẩm định tổ chức cuộc họp thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới;
    b) Thư ký Hội đồng thẩm định lập biên bản tổng hợp ý kiến tham gia để các thành viên Hội đồng thẩm định ký xác nhận;
    c) Kết quả thẩm định
    - Trường hợp hồ sơ thiết kế cải tạo đạt yêu cầu, Hội đồng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này);
    - Trường hợp hồ sơ thiết kế cải tạo chưa đạt yêu cầu, Thư ký Hội đồng thẩm định thông báo cho đơn vị thiết kế cải tạo biết để chỉnh sửa. Sau khi đơn vị thiết kế cải tạo chỉnh sửa thiết kế, Thư ký Hội đồng thẩm định kiểm tra lại, lập biên bản để các thành viên Hội đồng thẩm định và đơn vị thiết kế cải tạo ký xác nhận. Hồ sơ thiết kế cải tạo đã chỉnh sửa đạt yêu cầu, Hội đồng thẩm định cải tạo xe cơ giới cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới;
    d) Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới do Chủ tịch Hội đồng thẩm định ký, có giá trị trong thời hạn 01 (một) năm, trước khi giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới hết hạn 15 ngày, đơn vị thiết kế gửi công văn đề nghị Hội đồng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới để được xét gia hạn;
    đ) Hồ sơ thiết kế đã thẩm định được lưu lại: Đơn vị thẩm định thiết kế cải tạo; đơn vị có xe cải tạo; đơn vị thiết kế cải tạo; đơn vị thi công cải tạo xe cơ giới.
    Điều 10. Thời gian thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới
    Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thiết kế cải tạo hợp lệ, Hội đồng thẩm định phải trả kết quả thẩm định cho đơn vị đề nghị thẩm định thiết kế cải tạo. Trường hợp phức tạp cần phải có thời gian để nghiên cứu thẩm định thiết kế thì Hội đồng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị có yêu cầu duyệt thiết kế biết, nhưng không được quá 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thiết kế cải tạo hợp lệ.
    Điều 11. Thi công cải tạo xe cơ giới
    1. Việc thi công cải tạo xe cơ giới do các cơ sở có chức năng cải tạo xe cơ giới thực hiện theo quy định của pháp luật.
    2. Đối với các xe quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này phải do các cơ sở trong lực lượng Công an nhân dân thực hiện việc thi công cải tạo. Trường hợp các cơ sở trong lực lượng Công an nhân dân không đáp ứng được yêu cầu thì việc cải tạo do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định và chỉ định cơ sở ngoài ngành Công an thực hiện.
    3. Xe cơ giới cải tạo phải được thi công cải tạo theo đúng thiết kế đã được thẩm định và bảo đảm các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
    4. Cơ sở thi công cải tạo xe cơ giới phải tự kiểm tra, lập biên bản nghiệm thu xuất xưởng (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này) và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình.
    Điều 12. Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo
    1. Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo là việc xem xét, đánh giá chất lượng xe cơ giới cải tạo theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định; kiểm tra, đánh giá xe cơ giới cải tạo theo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Kết quả của quá trình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật được lập thành biên bản làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
    2. Hồ sơ kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo gồm:
    a) Công văn đề nghị kiểm tra của cơ sở thi công cải tạo xe cơ giới;
    b) Biên bản nghiệm thu chất lượng xuất xưởng xe cơ giới cải tạo;
    c) Bản sao đăng ký xe hoặc chứng từ nhập khẩu;
    d) Bản sao các văn bản chứng nhận có cơ sở pháp lý của cơ sở thi công cải tạo xe cơ giới (trường hợp cơ sở thi công lần đầu đề nghị nghiệm thu).
    3. Phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt chịu trách nhiệm kiểm tra và lập biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này). Biên bản do Trường Phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ và đại diện cơ sở thi công cải tạo xe cơ giới ký để Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo (theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này). Giấy chứng nhận có giá trị 01 năm:
    a) Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe cơ giới cải tạo có thời hạn phù hợp thời hạn của giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới;
    b) Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo lập thành 04 bản có nội dung và giá trị như nhau:
    - 02 bản cấp cho đơn vị có xe cải tạo để làm thủ tục đăng ký, kiểm định;
    - 01 bản lưu tại cơ sở thi công cải tạo xe cơ giới;
    - 01 bản lưu tại Phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.
    4. Trường hợp có nhiều xe cơ giới được thi công cải tạo theo cùng một thiết kế đã được thẩm định, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và lập biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo cho một xe để làm mẫu, trên cơ sở đó cho phép cơ sở thi công được tự nghiệm thu xuất xưởng các xe cơ giới còn lại theo đúng thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật của xe làm mẫu trong khoảng thời gian nhất định. Sau khi tự nghiệm thu xuất xưởng, cơ sở thi công cải tạo xe cơ giới phải gửi biên bản nghiệm thu xuất xưởng và bản sao đăng ký xe hoặc chứng từ, hồ sơ xe tới Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt để được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo. Cơ sở thi công cải tạo xe cơ giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm của mình.
    5. Trường hợp xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi cải tạo lắp phanh phụ để dùng làm xe tập lại thì đơn vị thi công cải tạo xe cơ giới có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản nghiệm thu xuất xưởng để Cơ quan kiểm định xe cơ giới Bộ Công an kiểm tra làm căn cứ cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo cho đơn vị có xe cải tạo để làm thủ tục đăng ký, kiểm định.
    Điều 13. Lệ phí cải tạo xe cơ giới
    1. Đơn vị thiết kế, thi công cải tạo xe cơ giới phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
    2. Cơ quan chủ trì thẩm định thiết kế cải tạo có trách nhiệm thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí theo quy định của pháp luật.
     
    Chương 3.
    TỔ CHỨC THỰC HIỆN
     
    Điều 14. Hiệu lực thi hành
    Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2012 và thay thế Quyết định số 1410/2005/QĐ-BCA(C11) ngày 05/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong lực lượng Công an nhân dân.
    Điều 15. Trách nhiệm thi hành
    1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Thông tư này.
    2. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Viện trưởng Viện Kỹ thuật điện tử và cơ khí nghiệp vụ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến công tác cải tạo xe cơ giới.
    3. Các đồng chí Tổng cục trưởng, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công an; Giám đốc, Hiệu trưởng các trường Công an nhân dân; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
    Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời.
     

     Nơi nhận:
    - Các đ/c Thứ trưởng Bộ Công an;
    - Các Tổng cục, các đơn vị thuộc Bộ Công an;
    - Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Các Sở Cảnh sát PCCC;
    - Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
    - Công báo;
    - Lưu: VT, C67, V19.
    BỘ TRƯỞNG




    Thượng Tướng Trần Đại Quang
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 13/11/2008 Hiệu lực: 01/07/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 13/11/2008 Hiệu lực: 01/07/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X