BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- Số: 60/2018/TT-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2018 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 35/2016/TT-BGTVT NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2016 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH MỨC GIÁ TỐI ĐA DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ ĐỂ KINH DOANH DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ
Căn cứ Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật giá số 11/2013/QH13 ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá;
Căn cứ Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016; 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành mật số điều của Luật giá;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2016/TT-BGTVT ngày 13 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý:
1. Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Thông tư này quy định mức giá tối đa khi thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý, bao gồm đường quốc lộ, đường cao tốc, hầm đường bộ; các trường hợp được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ (nếu có) của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”;
2. Khoản 3 Điều 2 được sửa đổi như sau:
“3. Trạm là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”.
3. Khoản 7 Điều 2 được sửa đổi như sau:
“7. Đơn vị thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi là đơn vị thu) là Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị được Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện việc bán, kiểm soát vé thu tiền sử dụng dịch vụ sử dụng đường bộ”.
4. Điều 3 được sửa đổi như sau:
“Điều 3. Đối tượng và chủ phương tiện phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ
1. Phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ thuộc đối tượng thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, bao gồm:
a) Nhóm 1 gồm các loại phương tiện sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng;
b) Nhóm 2 gồm các loại phương tiện sau: Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn;
c) Nhóm 3 gồm các loại phương tiện sau: Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn;
d) Nhóm 4 gồm các loại phương tiện sau: Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet;
e) Nhóm 5 gồm các loại phương tiện sau: Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet.
2. Chủ phương tiện thuộc đối tượng thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ quy định tại khoản 1 Điều này phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, trừ các trường hợp quy định tại Điều 4 của Thông tư này.”
5. Tên Điều 4 được sửa đổi như sau:
“Điều 4. Đối tượng miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”
6. Điều 5 được sửa đổi như sau:
“Điều 5. Điều kiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ
1. Hoàn thành việc xây dựng công trình đường bộ theo quy định tại hợp đồng dự án ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án hoặc hoàn thành việc xây dựng công trình đường bộ theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt;
2. Đơn vị thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đã chuẩn bị đầy đủ các loại vé, hoàn thành các quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu theo quy định.”
7. Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 6 như sau:
c) Mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ theo lượt quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
8. Điều 7 được sửa đổi như sau:
“Điều 7. Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ
1. Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án áp dụng cho từng loại phương tiện được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc khi thực hiện thu không vượt mức giá tối đa đối với nhóm phương tiện quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
2. Đối với các trạm thu theo lượt, căn cứ tình hình kinh tế xã hội theo từng thời kỳ của địa phương nơi đặt trạm, các bên ký hợp đồng BOT thống nhất mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ thấp hơn so với mức giá tại khoản 1 điều này (nếu có) trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư, người sử dụng và phù hợp với quy định của pháp luật.
9. Điều 8 được sửa đổi như sau:
“Điều 8. Vé dịch vụ sử dụng đường bộ
1. Vé dịch vụ sử dụng đường bộ áp dụng đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm, bao gồm: vé lượt, vé tháng và vé quý.
a) Vé lượt được in mệnh giá theo mức thu cho một lần sử dụng dịch vụ tương ứng với từng phương tiện;
b) Vé tháng được phát hành theo thời hạn 30 ngày kể từ ngày có giá trị sử dụng và được in sẵn mệnh giá theo mức thu tháng quy định tương ứng với từng phương tiện. Mệnh giá vé tháng bằng 30 (ba mươi) lần mệnh giá vé lượt. Vé tháng dùng để thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm trong thời hạn cụ thể ghi trên vé kể từ ngày có giá trị sử dụng vé đến ngày kết thúc theo thời hạn cụ thể ghi trên vé;
c) Vé quý được phát hành theo thời hạn 90 ngày kể từ ngày có giá trị sử dụng và được in mệnh giá theo mức thu quý quy định tương ứng với từng phương tiện. Mệnh giá vé quý bằng 3 (ba) lần mệnh giá vé tháng và chiết khấu 10%. Vé quý dùng để thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm trong thời hạn cụ thể ghi trên vé kể từ ngày có giá trị sử dụng vé quý đến ngày kết thúc theo thời hạn cụ thể ghi trên vé.
2. Vé lượt bán theo phương tiện tương ứng với mệnh giá in trên vé, không ghi biển số phương tiện.
3. Vé tháng, vé quý bán theo phương tiện tương ứng với mệnh giá ghi trên vé, phải thể hiện rõ thời hạn sử dụng và biển số phương tiện. Vé tháng, vé quý phải sử dụng đúng trạm và thời hạn ghi trên vé”.
10. Điều 9 được sửa đổi như sau:
“Điều 9. Quản lý vé dịch vụ sử dụng đường bộ
1. Việc in, phát hành, quản lý, sử dụng vé và hoàn vé (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
2. Vé dịch vụ sử dụng đường bộ phát hành cho trạm nào thì chỉ có giá trị sử dụng tại trạm đó.
3. Khi mua vé tháng, vé quý, người mua phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (bản chính hoặc bản sao) để mua vé theo mức thu tương ứng với loại phương tiện và tải trọng thiết kế của phương tiện.
4. Vé dịch vụ sử dụng đường bộ vừa là chứng từ kiểm soát khi phương tiện đi qua trạm, vừa là chứng từ thanh toán”.
11. Khoản 1 Điều 10 được sửa đổi như sau:
“1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của các đơn vị thu và báo cáo Bộ Giao thông vận tải theo đúng quy định”.
12. Điểm a khoản 2 Điều 10 được sửa đổi như sau:
“2. Đơn vị thu có trách nhiệm:
a) Thực hiện thông báo công khai, niêm yết các thông tin về mức giá, đối tượng miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại nơi bán vé và trạm theo quy định”;
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 02 năm 2019.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Bộ trưởng Bộ GTVT; - Các Thứ trưởng Bộ GTVT; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; - Báo Giao thông, Tạp chí GTVT; - Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT; - Lưu: VT, TC. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Ngọc Đông |
PHỤ LỤC III
BIỂU GIÁ TỐI ĐA CHO DỊCH VỤ SỬ DỤNG HẦM ĐƯỜNG BỘ THEO LƯỢT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 60/2018/TT-BGTVT ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Nhóm | Phương tiện | Mức giá tối đa (đồng/vé/lượt) |
1 | Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng | 110.000 |
2 | Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn | 160.000 |
3 | Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn | 200.000 |
4 | Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet | 210.000 |
5 | Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet | 280.000 |
Ghi chú:
a) Biểu giá này áp dụng đối với hầm đường bộ là một dự án độc lập;
b) Tải trọng của từng phương tiện áp dụng mệnh giá trên là tải trọng theo thiết kế (trọng tải hàng hóa), căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp;
c) Mức thu đối với xe chở hàng bằng Container (bao gồm cả đầu kéo rơ moóc chuyên dùng) áp dụng mức thu theo trọng lượng toàn bộ của xe, không phân biệt có chở hàng hay không chở hàng;