BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ ---------------- Số: 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2012 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN NỘI DUNG, TRÌNH TỰ LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ
PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI CẤP TỈNH
Căn cứ Nghị định số 116/2008NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Quy hoạch); trừ quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh là xây dựng các quan điểm, mục tiêu, định hướng các phương án và đề ra giải pháp, cơ chế chính sách phát triển giao thông vận tải trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn của tỉnh. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh bao gồm các nội dung về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải.
Điều 3. Thời kỳ lập và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh
1. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh được lập cho thời kỳ 10 năm và định hướng phát triển tới 20 năm.
2. Trong giai đoạn quy hoạch cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung, phương án quy hoạch cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và các quy hoạch giao thông vận tải toàn ngành và các chuyên ngành.
3. Cần lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cho từng thời kỳ phát triển phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới.
Điều 4. Yêu cầu đối với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh
1. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh phải đảm bảo có cơ sở pháp lý, thực hiện các chủ trương, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước, cơ quan các cấp; căn cứ vào các luật cơ bản như Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường sắt, Bộ luật Hàng hải và Luật Xây dựng,… các quyết định phê duyệt quy hoạch có liên quan như chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải cả nước, vùng miền, các chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt (tham khảo danh mục Chiến lược, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được phê duyệt tại phụ lục 1).
2. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh cần phải định hướng kịp thời đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn quy hoạch và đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội của tỉnh.
3. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh cần phải đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên hoàn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh với hệ thống hạ tầng giao thông của vùng và của quốc gia, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
4. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh cần phải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển các hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kỹ thuật khác, đảm bảo kết nối liên hoàn các kết cấu hạ tầng khác nhau trên địa bàn tỉnh.
5. Kết hợp phát triển giao thông vận tải với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
6. Quy hoạch giao thông vận tải phải xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tính chất và quy mô phát triển; nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn, nguồn vốn, xác định danh mục các dự án, dự án ưu tiên; xác định cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch.
Điều 5. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch
1. Gồm các bước sau:
Bước 1. Công tác chuẩn bị
Bước 2. Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu
Bước 3. Phân tích và lập báo cáo quy hoạch giao thông vận tải
Bước 4. Báo cáo quy hoạch cấp cơ sở (tại Sở Giao thông vận tải)
Bước 5. Chỉnh sửa và bổ sung báo cáo
Bước 6. Báo cáo quy hoạch trước cơ quan quản lý (UBND tỉnh, HĐND tỉnh…)
Bước 7. Hoàn thiện báo cáo cuối cùng
Bước 8. Thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch
Chi tiết các bước xem phụ lục số 2
2. Quá trình lập quy hoạch cần xây dựng kế hoạch tổng thể và bố trí nhân nhân lực thực hiện dự án (chi tiết tham khảo phụ lục số 3).
3. Trình tự thẩm định, phê duyệt quy hoạch căn cứ theo Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Trước khi phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh cần có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ gửi lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải gồm có: văn bản đề nghị của UBND tỉnh, trong đó trình bày rõ các nội dung cần có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của tỉnh (Báo cáo tóm tắt, báo cáo chính, bản đồ quy hoạch giao thông tỷ lệ 1/250.000; 1/100.000 hoặc 1/50.000).
4. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, các địa phương có trách nhiệm tổ chức công bố công khai, thông báo quy hoạch trên các phương tiện thông tin và trang WEB của tỉnh đồng thời gửi về Bộ Giao thông vận tải.
5. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, nếu có điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thì cần phải thông báo với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 6. Nội dung chủ yếu của đề án Quy hoạch
Nội dung chủ yếu của một đề án Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh thông thường gồm 5 phần:
- Mở đầu (Sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, căn cứ pháp lý, đối tượng, phạm vi quy hoạch)
- Phần 1. Hiện trạng phát triển giao thông vận tải
- Phần 2. Dự báo nhu cầu vận tải
- Phần 3. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm … và định hướng đến năm …
- Phần 4. Cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch
- Phần 5. Tổ chức thực hiện
- Kết luận, kiến nghị
Nội dung chi tiết tham khảo phụ lục số 4.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan gửi ý kiến về Bộ Giao thông vận tải để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời xem xét, chỉnh lý./.
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ Bùi Quang Vinh | BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Đinh La Thăng |
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Các Thứ trưởng; - Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Website Chính phủ; - Website Bộ GTVT; - Website Bộ KH và ĐT; - Công báo; - Các Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ; - Lưu: VT, KH. | |