Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 05/VBHN-BGTVT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Văn bản hợp nhất | Người ký: | Đinh La Thăng |
Ngày ban hành: | 17/07/2013 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giao thông |
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Số: 05/VBHN-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH PHẠM VI TRÁCH NHIỆM CỦA THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN VÀ ĐỊNH BIÊN AN TOÀN TỐI THIỂU TRÊN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 09/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam[1],
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa".
Điều 2.[2] Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các văn bản quy phạm pháp luật sau đây: Quyết định số 1941-QĐ ngày 12 tháng 8 năm 1971 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành “Quy định tạm thời về phạm vi trách nhiệm của thuyền viên tàu sông”; Quyết định số 2597/2000/QĐ-BGTVT ngày 06 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải “về định biên an toàn tối thiểu trong một ca làm việc của thuyền viên trên phương tiện thuỷ nội địa”.
Điều 3. Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính), Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2013 BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
PHẠM VI TRÁCH NHIỆM CỦA THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN VÀ ĐỊNH BIÊN AN TOÀN TỐI THIỂU TRÊN PHƯƠNG TIỆN THUỶ NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu số lượng chức danh thuyền viên trong một ca làm việc trên phương tiện thuỷ nội địa.
2. Quy định này áp dụng đối với:
a) Thuyền trưởng, thuyền phó một, thuyền phó hai, thuỷ thủ, máy trưởng, máy phó một, máy phó hai, thợ vận hành máy và người lái phương tiện làm việc trên phương tiện thuỷ nội địa;
b) Chủ phương tiện.
3. Quy định này không áp dụng đối với thuyền viên và người lái phương tiện thuỷ nội địa làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tàu cá.
Điều 2. Trách nhiệm chung của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
1. Chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập và pháp luật của nước khác khi phương tiện của Việt Nam đang hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của nước đó.
2. Chấp hành kỷ luật lao động, thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm theo chức danh trong khi làm việc, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thuyền trưởng và người chỉ huy trực tiếp, thực hiện đầy đủ thủ tục giao nhận ca, ghi chép nhật ký đầy đủ, rõ ràng.
3. Chỉ rời phương tiện khi được phép của thuyền trưởng hoặc người phụ trách phương tiện hoặc chủ phương tiện.
Điều 3. Trách nhiệm của chủ phương tiện
1. Lập danh bạ thuyền viên làm việc trên phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo.
2. Bố trí đủ số lượng và đúng tiêu chuẩn chức danh thuyền viên làm việc trên phương tiện theo Quy định này, phù hợp với số ca làm việc trong ngày.
3. Ngoài những chức danh thuyền viên đã được quy định trong định biên an toàn tối thiểu tại Điều 16 của Quy định này, trong trường hợp cần thiết chủ phương tiện được bố trí thêm thuyền viên hoặc các chức danh khác như: Y tá, điện báo viên, thợ lặn, thợ cuốc, thợ hút, thợ kích kéo, nhân viên phục vụ... để đảm bảo yêu cầu công việc.
4. Quy định phạm vi trách nhiệm của các chức danh khác làm việc trên phương tiện chưa có trong định biên an toàn tối thiểu tại Quy định này.
5. Đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động cho thuyền viên và các chức danh khác làm việc trên phương tiện.
Chương II. TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ THEO CHỨC DANH THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Điều 4. Thuyền trưởng
Thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất trên phương tiện hoặc đoàn phương tiện, có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
1. Quản lý, bảo đảm an toàn về người, phương tiện và tài sản trên phương tiện.
2. Quản lý sổ nhật ký hành trình, danh bạ thuyền viên, danh sách hành khách (nếu có) và sổ sách giấy tờ cần thiết khác của phương tiện, tổ chức việc ghi chép và thường xuyên kiểm tra việc ghi chép sổ sách theo đúng quy định.
3. Tổ chức giao nhận hàng hoá, phục vụ hành khách theo lệnh điều động hoặc hợp đồng vận chuyển và các quy định hiện hành.
4. Tổ chức phân công, giám sát, đôn đốc thuyền viên hoàn thành nhiệm vụ.
5.[3] Tổ chức việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, diễn tập các tình huống khẩn cấp cho thuyền viên và những người tập sự thuyền viên.
6. Theo dõi tình hình luồng lạch, khí tượng thuỷ văn, thực hiện điều khiển phương tiện theo biểu đồ vận hành đối với những tuyến theo quy định phải có biểu đồ vận hành; chỉ được đón, trả khách, xếp dỡ hàng hoá ở những nơi đã quy định trừ trường hợp gặp nạn hoặc bất khả kháng.
7. Nắm vững tình trạng kỹ thuật, thời hạn hoạt động và chu kỳ sửa chữa của phương tiện; khi phương tiện sửa chữa phải thực hiện giao nhận phương tiện, phân công thuyền viên giám sát việc sửa chữa.
8. Khi phương tiện bị tai nạn, phải thực hiện mọi biện pháp cấp cứu có hiệu quả nhất; nếu phương tiện bị đắm, thuyền trưởng là người cuối cùng rời phương tiện sau khi đã thi hành các biện pháp cứu người, tài sản, hàng hoá và các giấy tờ cần thiết của phương tiện.
9. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu, phải tổ chức tham gia cứu nạn nếu việc làm này không gây nguy hiểm đối với thuyền viên, hành khách và phương tiện do mình chỉ huy.
10. Phương tiện đang hoạt động trên đường thuỷ nội địa nếu có trường hợp sinh đẻ, tử vong hoặc ốm đau, tai nạn thì thuyền trưởng phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định như sau:
a) Khi có người ốm đau, tai nạn, phải tổ chức sơ cứu cho nạn nhân nếu nghiêm trọng phải kịp thời đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất;
b) Khi có người sinh đẻ hoặc tử vong, phải lập biên bản với sự tham gia của 2 nhân chứng. Biên bản tử vong phải kèm theo bản kê khai tài sản, giấy tờ của người chết, phải quản lý biên bản và tài sản đó để giao lại cho chính quyền địa phương và thân nhân người chết;
11. Khi rời phương tiện, phải trực tiếp bàn giao nhiệm vụ cho thuyền phó hoặc người được ủy quyền; trường hợp vắng mặt từ một ca làm việc trở lên phải bàn giao bằng văn bản; nếu không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ phải giao quyền chỉ huy cho thuyền phó đồng thời phải báo cáo ngay cho chủ phương tiện;
12. Trường hợp chuyển giao nhiệm vụ cho người khác theo yêu cầu của chủ phương tiện phải lập biên bản nêu rõ hiện trạng thuyền viên, trạng thái kỹ thuật phương tiện, trang thiết bị, tài sản, sổ sách, giấy tờ, tài liệu có liên quan của phương tiện. Biên bản bàn giao mỗi bên giữ một bản, gửi chủ phương tiện một bản;
13. Trước khi khởi hành phải giao nhiệm vụ cụ thể cho thuyền viên; trước giờ rời cảng, bến phải kiểm tra, đôn đốc các bộ phận thuyền viên có liên quan chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm... phục vụ chuyến đi; chỉ rời bến khi phương tiện bảo đảm an toàn và chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi;
14. Trực tiếp phụ trách một ca làm việc, trực tiếp điều khiển phương tiện qua những khu vực nguy hiểm; ngoài giờ đi ca, nếu thuyền phó hoặc máy trưởng đề nghị, thuyền trưởng phải có mặt ở vị trí chỉ huy để kịp thời giải quyết công việc;
15. Thực hiện nhiệm vụ của thuyền phó nếu không có cơ cấu chức danh thuyền phó trên phương tiện;
16. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, thuyền trưởng có quyền:
a) Đề nghị thay đổi hoặc không tiếp nhận thuyền viên làm việc trên phương tiện nếu xét thấy không đủ tiêu chuẩn quy định;
b) Buộc thuyền viên rời khỏi phương tiện nếu có những hành vi không chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng hoặc vi phạm nội quy, quy định khi làm việc;
c) Từ chối cho phương tiện thực hiện chuyến đi nếu xét thấy phương tiện hoặc điều kiện khí hậu thủy văn, môi trường không đảm bảo an toàn hoặc phương tiện hết hạn hoạt động;
d) Đề nghị khen thưởng thuyền viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc kỷ luật thuyền viên không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Thuyền phó một
Thuyền phó một là người giúp việc thuyền trưởng, có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
1. Trực tiếp phụ trách các công việc thuộc phần boong, phụ trách công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện phần vỏ tàu từ mớn nước trở lên, boong, thượng tầng, các khoang hàng, hệ thống neo, lái, thông tin, cứu sinh, cứu hoả. Phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, đảm bảo các trang thiết bị này luôn luôn ở trạng thái kỹ thuật tốt, sẵn sàng hoạt động, khi phát hiện có sự cố phải lập tức báo cáo thuyền trưởng.
2. Lập kế hoạch chuyến đi, phân công trực ca trình thuyền trưởng duyệt, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thuyền viên thực hiện đúng kế hoạch chuyến đi và nhiệm vụ trực ca.
3. Trực tiếp làm các thủ tục trình báo giấy tờ về thuyền viên, phương tiện, làm giấy tờ vận chuyển và giao nhận hàng hóa, đón trả hành khách.
4. Cùng với máy trưởng phân công, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các công việc chuẩn bị khởi hành, nếu có thiếu sót phải khắc phục và báo cáo thuyền trưởng.
5. Trực tiếp phụ trách một ca làm việc. Trực tiếp điều khiển phương tiện khi được phân công.
6. Thay thế thuyền trưởng quản lý phương tiện khi thuyền trưởng vắng mặt. Thực hiện nhiệm vụ của thuyền phó hai nếu không có cơ cấu chức danh thuyền phó hai trên phương tiện. Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được thuyền trưởng giao.
Điều 6. Thuyền phó hai
Thuyền phó hai là người giúp việc thuyền trưởng, có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
1. Quản lý việc nhận, cấp phát trang bị, dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ làm việc của thuyền viên và nguyên vật liệu của bộ phận boong, lập báo cáo định kỳ để thuyền trưởng gửi chủ phương tiện.
2. Thực hiện việc chấm công, theo dõi nghỉ phép, nghỉ bù, lập sổ lương thuyền viên của phương tiện.
3. Trực tiếp tổ chức thực hiện việc sơ cứu, đưa đi bệnh viện đối với người bị ốm đau, tai nạn.
4. Phụ trách việc tổ chức phục vụ hành khách lên xuống tàu an toàn, phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho hành khách theo quy định đối với tàu khách.
5. Tổ chức việc ăn ở, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, dụng cụ sinh hoạt cho thuyền viên. Phải trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và báo cáo thuyền trưởng trước mỗi chuyến đi.
6. Giải quyết công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của thuyền phó một hoặc các nhiệm vụ khác khi được thuyền trưởng phân công.
7. Trực tiếp phụ trách một ca làm việc. Trực tiếp điều khiển phương tiện khi được phân công.
Điều 7. Thuỷ thủ
Thuỷ thủ khi đi ca, phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của người phụ trách ca, có trách nhiệm sau đây:
1. Thực hiện các công việc cần thiết cho phương tiện rời bến, cập bến; kiểm tra cầu cho công nhân, hành khách lên, xuống phương tiện được an toàn.
2. Thường xuyên có mặt ở vị trí đã được phân công để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
3. Đo độ sâu luồng, cảnh giới khi tầm nhìn xa bị hạn chế hoặc các vị trí khó khăn, phức tạp theo lệnh của người phụ trách ca làm việc.
4. Bảo quản và bảo vệ hàng hoá, hướng dẫn giúp đỡ hành khách theo công việc được phân công trong quá trình vận chuyển.
5. Bảo quản, sử dụng thành thạo các trang thiết bị cứu hoả, cứu sinh.
6. Bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên phần vỏ tàu từ mớn nước trở lên, bao gồm:
a) Làm vệ sinh sạch sẽ khu vực đã được phân công;
b) Kiểm tra sắp xếp thiết bị, dụng cụ gọn gàng, ngăn nắp, tra dầu mỡ vào các bộ phận cần thiết;
c) Thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên: gõ rỉ, quét sơn khu vực được phân công.
7. Trực tiếp điều khiển phương tiện và thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được thuyền trưởng hoặc người phụ trách trực tiếp giao.
Điều 8. Máy trưởng
Máy trưởng là người giúp việc thuyền trưởng, trực tiếp phụ trách bộ phận máy và có trách nhiệm sau đây:
1. Quản lý, nắm vững tình trạng kỹ thuật hệ thống động lực; tổ chức phân công, giám sát thuyền viên bộ phận máy trong quá trình vận hành.
2. Thực hiện đầy đủ quy định về vận hành máy móc, thiết bị; tổ chức bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa những hạng mục công việc được phép làm của máy móc, thiết bị để bảo đảm hệ thống máy hoạt động có hiệu quả.
3. Kê khai những hạng mục yêu cầu sửa chữa để thuyền trưởng báo cáo chủ phương tiện.
4. Khi phương tiện lên đà, phải tiến hành kiểm tra hệ thống trục chân vịt; bổ sung hạng mục yêu cầu sửa chữa; kiểm tra và đánh giá chính xác tình trạng kỹ thuật các hạng mục sửa chữa vào văn bản nghiệm thu; có quyền không chấp nhận những hạng mục sửa chữa không đúng yêu cầu kỹ thuật.
5. Thường xuyên kiểm tra việc nhận, tiêu thụ, sử dụng nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng thay thế và báo cáo thuyền trưởng. Trực tiếp quản lý hệ thống nhiên liệu và sử dụng mọi biện pháp xử lý khi phát hiện có hơi nhiên liệu tập trung trong buồng máy.
6. Trực tiếp phụ trách một ca máy. Ngoài giờ đi ca, khi cần thiết phải có mặt ở buồng máy để kịp thời giải quyết công việc theo yêu cầu của thuyền trưởng hoặc đề nghị của máy phó.
7. Trường hợp xét thấy nếu thi hành lệnh của người chỉ huy trực tiếp trên buồng lái sẽ gây ra hư hỏng bộ phận máy thì phải báo cáo cho người phụ trách ca làm việc hoặc thuyền trưởng biết, nếu lệnh đó vẫn giữ nguyên thì phải chấp hành và ghi vào nhật ký máy có xác nhận của người ra lệnh.
8. Được quyền cho đình chỉ hoạt động một bộ phận máy hoặc một hệ thống máy nếu xét thấy không an toàn; trường hợp xét thấy nếu máy tiếp tục hoạt động sẽ gây ra hư hỏng nghiêm trọng hoặc xẩy ra tai nạn thì phải lập tức cho ngừng máy, đồng thời báo ngay cho người phụ trách ca làm việc và thuyền trưởng.
9. Quản lý các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật thuộc bộ phận máy và tổ chức ghi chép sổ nhật ký máy.
10. Tổ chức học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ cho thuyền viên bộ phận máy và những người tập sự thuyền viên bộ phận máy.
11. Thực hiện nhiệm vụ của máy phó nếu không có cơ cấu chức danh máy phó trên phương tiện.
12. Khi chuyển giao nhiệm vụ máy trưởng, hai bên giao nhận phải bàn giao về hiện trạng, trạng thái kỹ thuật, thiết bị, tài sản, sổ sách, giấy tờ có liên quan. Biên bản bàn giao phải được thuyền trưởng xác nhận, mỗi bên giữ một bản, gửi chủ phương tiện một bản.
Điều 9. Máy phó một
Máy phó một là người giúp việc máy trưởng, có trách nhiệm sau đây:
1. Bảo đảm sự hoạt động bình thường của các máy phụ (nếu có), hệ thống trục chân vịt và bộ phận cơ giới của máy lái.
2. Quản lý xưởng của phương tiện (nếu có) và kho vật liệu, phụ tùng máy; trực tiếp quản lý việc nhận, cấp phát, tiêu thụ nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng thay thế và dụng cụ đồ nghề, thường xuyên báo cáo máy trưởng về tình trạng kỹ thuật của máy, tình hình sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng thay thế và dụng cụ đồ nghề theo quy định và đúng thời hạn.
3. Quản lý các trang thiết bị cứu hoả thuộc buồng máy.
4. Lập kế hoạch công tác của bộ phận máy để máy trưởng duyệt, trực tiếp bố trí công việc, phân công trực ca đối với thuyền viên thuộc bộ phận máy.
5. Trực tiếp phụ trách một ca máy.
6. Chỉ tiến hành bơm, di chuyển nước, dầu khi được sự đồng ý của thuyền trưởng.
7. Trường hợp xét thấy thi hành lệnh của người chỉ huy trực tiếp trên buồng lái sẽ gây ra hư hỏng bộ phận máy thì phải báo cáo cho người phụ trách ca làm việc hoặc thuyền trưởng biết, nếu lệnh đó vẫn giữ nguyên thì phải chấp hành và ghi vào nhật ký máy có xác nhận của người ra lệnh.
8. Trong ca làm việc, được quyền cho đình chỉ hoạt động một bộ phận máy hoặc một hệ thống máy nếu xét thấy không an toàn; trường hợp xét thấy nếu máy tiếp tục hoạt động sẽ gây ra hư hỏng nghiêm trọng hoặc xẩy ra tai nạn thì phải lập tức cho ngừng máy, đồng thời báo ngay cho người phụ trách ca làm việc và thuyền trưởng.
9. Kiểm tra việc chấp hành nội quy kỷ luật và trật tự vệ sinh của thuyền viên máy.
10. Thực hiện nhiệm vụ của máy phó hai nếu không có cơ cấu chức danh máy phó hai trên phương tiện. Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được máy trưởng giao.
Điều 10. Máy phó hai
Máy phó hai là người giúp việc máy trưởng, có trách nhiệm sau đây:
1. Bảo đảm cho các máy bơm nước của hệ thống cứu hoả, cứu đắm và các thiết bị, máy móc dự phòng ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.
2. Trực tiếp phụ trách một ca máy.
3. Phụ trách hệ thống máy nén khí, hệ thống ống nước, ống dầu, ống hơi.
4. Định kỳ kiểm tra độ nhạy của các van an toàn, sau khi kiểm tra phải ghi kết quả kiểm tra vào sổ nhật ký máy và báo cáo máy trưởng xác nhận.
5. Chỉ được tiến hành bơm, di chuyển nước, dầu khi được sự đồng ý của thuyền trưởng.
6. Trường hợp xét thấy thi hành lệnh của người chỉ huy trực tiếp trên buồng lái sẽ gây ra hư hỏng bộ phận máy thì phải báo cáo cho người phụ trách ca làm việc hoặc thuyền trưởng biết, nếu lệnh đó vẫn giữ nguyên thì phải chấp hành và ghi vào nhật ký máy và có xác nhận của người ra lệnh.
7. Trong ca làm việc, được quyền cho đình chỉ hoạt động một bộ phận máy hoặc một hệ thống máy nếu xét thấy không an toàn; trường hợp xét thấy nếu máy tiếp tục hoạt động sẽ gây ra hư hỏng nghiêm trọng hoặc xẩy ra tai nạn thì phải lập tức cho ngừng máy, đồng thời báo ngay cho người phụ trách ca làm việc và thuyền trưởng.
8. Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được máy trưởng giao.
Điều 11. Thợ máy
Thợ máy chịu sự lãnh đạo của máy trưởng và người phụ trách ca máy, có trách nhiệm sau đây:
1. Trong khi đi ca phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đã được phân công; theo dõi các thông số kỹ thuật, tình hình hoạt động của máy, nếu thấy không bình thường phải báo cáo phụ trách ca máy.
2. Thường xuyên làm vệ sinh máy và buồng máy; tham gia bảo dưỡng, sửa chữa theo yêu cầu của máy trưởng.
3. Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được máy trưởng hoặc phụ trách ca máy giao.
Điều 12. Người lái phương tiện
Người lái phương tiện có trách nhiệm:
1. Quản lý người, phương tiện, tài sản, các giấy tờ có liên quan đến phương tiện do mình lái.
2. Nắm vững tình hình luồng lạch và điều kiện an toàn của cảng, bến nơi phương tiện hoạt động.
3. Kiểm tra phương tiện, các trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện; trước khi khởi hành phải sắp xếp người, hàng hóa đảm bảo phương tiện ổn định, an toàn.
4. Khi phương tiện sửa chữa, phải kiểm tra, giám sát, nghiệm thu.
5. Khi phương tiện bị tai nạn phải kịp thời cứu người, phương tiện, hàng hóa và là người cuối cùng rời phương tiện nếu phương tiện bị đắm.
6. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu của các phương tiện khác, phải tham gia cứu nạn nếu việc làm này không gây nguy hiểm đến người, phương tiện do mình lái.
Điều 13. Thuyền viên tập sự
Thuyền viên tập sự chịu sự quản lý của thuyền trưởng. Thuyền viên tập sự ở chức danh nào trên phương tiện phải thực hiện phạm vi trách nhiệm của chức danh đó và có trách nhiệm sau đây:
1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định chung đối với thuyền viên.
2. Tham gia làm việc, sinh hoạt trên phương tiện theo sự phân công, hướng dẫn của thuyền trưởng hoặc máy trưởng hay người được thuyền trưởng hoặc máy trưởng ủy quyền.
3. Chỉ được sử dụng, vận hành máy, trang thiết bị trên phương tiện khi có sự giám sát của người trực tiếp hướng dẫn.
Chương III. QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH BIÊN AN TOÀN TỐI THIỂU TRÊN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Điều 14. Định biên
1. Các biểu quy định tại Điều 16 của Quy định này là định biên an toàn tối thiểu số lượng chức danh thuyền viên trong một ca làm việc trên phương tiện phù hợp với hạng bằng, chứng chỉ chuyên môn để điều khiển phương tiện theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, sau đây gọi chung là biểu định biên thuyền viên.
2. Chủ phương tiện có trách nhiệm bố trí đủ số lượng các chức danh thuyền viên trên phương tiện bằng hoặc nhiều hơn số thuyền viên quy định tại Điều 16 của Quy định này; trường hợp phương tiện hoạt động quá một ca làm việc trong một ngày, chủ phương tiện có trách nhiệm tổ chức, bố trí lao động phù hợp để đảm bảo đúng thời gian làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động.
Điều 15. Phân nhóm phương tiện để định biên thuyền viên
1. Nhóm I:
a) Tàu khách có sức chở trên 100 người;
b) Phà có trọng tải toàn phần trên 150 tấn;
c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 500 tấn;
d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 1000 tấn;
đ) Phương tiện không thuộc các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này có tổng công suất máy chính trên 400 mã lực.
2. Nhóm II:
a) Tàu khách có sức chở trên 50 người đến 100 người;
b) Phà có trọng tải toàn phần trên 50 tấn đến 150 tấn;
c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 150 tấn đến 500 tấn;
d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 400 tấn đến 1000 tấn;
đ) Phương tiện không thuộc các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này có tổng công suất máy chính trên 150 mã lực đến 400 mã lực.
3. Nhóm III:
a) Tàu khách có sức chở trên 12 người đến 50 người;
b) Phà có trọng tải toàn phần đến 50 tấn;
c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 150 tấn;
d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 400 tấn;
đ) Phương tiện không thuộc các điểm a, b, c, d khoản 3 Điều này có tổng công suất máy chính trên 15 mã lực đến 150 mã lực.
Điều 16. Biểu định biên thuyền viên
1. Tàu khách
Các phương tiện thuộc nhóm III nếu lắp máy ngoài hoặc máy trong có tổng công suất máy dưới 30 mã lực thì không cần bố trí máy trưởng.
STT | Chức danh | Số lượng thuyền viên tối thiểu trong 1 ca làm việc (Người) | ||
Nhóm I | Nhóm II | Nhóm III | ||
01 | Thuyền trưởng hoặc một trong các thuyền phó | 1 | 1 | 1 |
02 | Máy trưởng hoặc một trong các máy phó | 1 | 1 | 1 |
03 | Thủy thủ | 2 | 1 | 1 |
04 | Thợ máy | 1 | 1 |
|
| Cộng | 5 | 4 | 3 |
2.[4] Phương tiện chở hàng
STT | Chức danh | Số lượng thuyền viên tối thiểu trong 1 ca làm việc (Người) | ||
Nhóm I | Nhóm II | Nhóm III | ||
01 | Thuyền trưởng hoặc một trong các thuyền phó | 1 | 1 | 1 |
02 | Máy trưởng hoặc một trong các máy phó | 1 | 1 | 1 |
03 | Thủy thủ hoặc thợ máy | 1 | 1 |
|
| Cộng | 3 | 3 | 2 |
Các phương tiện thuộc nhóm III nếu lắp máy ngoài thì không cần bố trí máy trưởng.
3. Phà
STT | Chức danh | Số lượng thuyền viên tối thiểu trong 1 ca làm việc (Người) | ||
Nhóm I | Nhóm II | Nhóm III | ||
01 | Thuyền trưởng hoặc một trong các thuyền phó | 1 | 1 | 1 |
02 | Máy trưởng hoặc một trong các máy phó | 1 | 1 | 1 |
03 | Thủy thủ | 4 | 3 | 2 |
| Cộng | 6 | 5 | 4 |
4.[5] Phương tiện lai
STT | Chức danh | Số lượng thuyền viên tối thiểu trong 1 ca làm việc (Người) | ||
Nhóm I | Nhóm II | Nhóm III | ||
01 | Thuyền trưởng hoặc một trong các thuyền phó | 1 | 1 | 1 |
02 | Máy trưởng hoặc một trong các máy phó | 1 | 1 | 1 |
03 | Thủy thủ hoặc Thợ máy | 1 | 1 |
|
| Cộng | 3 | 3 | 2 |
5. Phương tiện bị lai
a)[6] Số lượng thuyền viên trên đoàn lai có một phương tiện bị lai, căn cứ trọng tải toàn phần của từng loại phương tiện được xác định như sau:
STT | Trọng tải toàn phần của phương tiện bị lai (Tấn) | Số lượng thuyền viên tối thiểu trong 1 ca làm việc (Người) |
01 | Trên 600 | 2 |
02 | Đến 600 | 1 |
Thuyền viên bố trí trên phương tiện bị lai phải là thuỷ thủ.
b) Số lượng thủy thủ trên đoàn lai kéo có nhiều loại phương tiện bị lai là tổng số thuỷ thủ phải bố trí trên từng phương tiện bị lai theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.
c) Số lượng thủy thủ trên đoàn lai áp mạn, lai đẩy có từ hai phương tiện bị lai trở lên được xác định như sau: phương tiện bị lai thứ nhất bố trí số lượng thuỷ thủ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này; từ phương tiện bị lai thứ hai trở đi cứ thêm 01 phương tiện bị lai phải bố trí thêm 01 thủy thủ.
PHỤ LỤC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
SỔ DANH BẠ THUYỀN VIÊN
Quy cách:
1. Kích thước sổ: 21 cm x 15 cm.
2. Trang 1: Bìa sổ
a) Giấy cứng màu trắng;
b) Dòng chữ:
* Sổ danh bạ: Chữ in, in đậm cỡ 7 mm;
* Thuyền viên: Chữ in, in đậm cỡ 9 mm.
3. Trang 2:
a) Trên cùng: Quốc hiệu;
b) Quốc huy;
c) Dòng chữ:
* Sổ danh bạ: Chữ in, in đậm cỡ 6 mm;
* Thuyền viên: Chữ in, in đậm cỡ 6 mm.
4. Tên phương tiện, số đăng ký, nơi đăng ký, chủ phương tiện, địa chỉ chủ phương tiện là chữ thường cỡ 4 mm.
5. Trang 3: Nguyên tắc sử dụng sổ danh bạ thuyền viên.
6. Trang 4 đến trang 15 là bảng đăng ký thuyền viên gồm các cột:
a) Họ và tên, ngày tháng năm sinh;
b) Nơi sinh;
c) Số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp;
d) Chức danh, số bằng, CCCM;
đ) Theo dõi thời gian thuyền viên làm việc trên phương tiện gồm các cột:
* Ngày đến;
* Ký tên, đóng dấu;
* Ngày đi;
* Ký tên, đóng dấu;
e) Ghi chú.
7. Trang 16: Chủ phương tiện ký tên đóng dấu.
[1] Thông tư số 09/2012/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có căn cứ ban hành như sau:
2 Điều 2 Thông tư số 09/2012/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012 quy định như sau:
“Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012”
3 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 09/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.
4 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 09/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.
[5] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 09/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.
6 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 09/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.
01 | Văn bản được hợp nhất (sửa đổi) |
02 | Văn bản được hợp nhất |
Văn hợp nhất