Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải | Số công báo: | 687-688 |
Số hiệu: | 16/VBHN-BGTVT | Ngày đăng công báo: | 25/10/2013 |
Loại văn bản: | Văn bản hợp nhất | Người ký: | Đinh La Thăng |
Ngày ban hành: | 08/10/2013 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Không còn phù hợp |
Lĩnh vực: | Giao thông |
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Số: 16/VBHN-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2011.
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,1
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa".
Điều 2. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này trong phạm vi cả nước.
Điều 3.2 Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005 và thay thế Quyết định số 2059/QĐ-PC ngày 07/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành quy định kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy nội địa.
Điều 4:3 Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Khoa học Công nghệ, Pháp chế, Vận tải, Tổ chức cán bộ, Tài chính, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ phạm vi trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
(ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Chương 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định nội dung, nguyên tắc, thủ tục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và tổ chức việc thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
2. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến sử dụng phương tiện thủy nội địa phải thực hiện đăng kiểm theo quy định này, trừ các loại phương tiện thủy nội địa sau:
a) Phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá;
b) Phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người;
c) Phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người;
d) Bè.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.
2. Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.
3. Tàu cá là phương tiện chuyên dùng để khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
4. Phương tiện có động cơ là phương tiện di chuyển bằng sức đẩy của động cơ lắp trên phương tiện.
5. Tàu thuyền thể thao vui chơi giải trí là phương tiện chuyên dùng để tập luyện, thi đấu thể thao hoặc vui chơi, giải trí.
6. Sức chở người của phương tiện là số lượng người tối đa được phép chở trên phương tiện, trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới một tuổi.
Chương 2. ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN
Điều 3. Nội dung công tác đăng kiểm phương tiện
1. Xây dựng mới, hoặc bổ sung sửa đổi quy phạm, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
2. Xây dựng, ban hành các quy định về nghiệp vụ đăng kiểm để áp dụng quy phạm, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
3.4 Phê duyệt các hồ sơ thiết kế có liên quan đến việc đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu phương tiện và các trang thiết bị lắp đặt trên phương tiện.
4. Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm tra), cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho phương tiện trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu và trong quá trình hoạt động.
5. Đo đạc xác định trọng tải toàn phần, mạn khô và vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.
6. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng đối với:
a) Vật liệu, máy móc và trang thiết bị sử dụng trong đóng mới, hoán cải và sửa chữa phục hồi phương tiện;
b) Nồi hơi, bình chịu áp lực có áp suất làm việc từ 0,5kG/cm2 trở lên được lắp đặt trên phương tiện;
c) Thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm môi trường lắp đặt trên phương tiện;
d) Thiết bị nâng lắp đặt trên phương tiện.
Điều 4. Cơ sở đánh giá chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện
Việc phê duyệt hồ sơ thiết kế, kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện phải được tiến hành theo quy định của các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành nêu tại Phụ lục của quy định này và các quy định về nghiệp vụ đăng kiểm.
Điều 5. Nguyên tắc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa
1. Phương tiện phải được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa trước khi đăng ký hành chính.
2. Phương tiện đã đăng ký hành chính có thể được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào có thẩm quyền phụ trách khu vực phương tiện neo đậu.
3. Phương tiện được đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi ở khu vực nào thì phải được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa tại đơn vị đăng kiểm có thẩm quyền phụ trách khu vực đó.
4. Các đơn vị đăng kiểm chỉ được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa phù hợp với thẩm quyền và trong khu vực được giao.
Điều 6. Các loại hình kiểm tra phương tiện
1. Việc kiểm tra phương tiện bao gồm các loại hình kiểm tra sau:
a) Kiểm tra lần đầu được thực hiện đối với phương tiện khi đóng mới, phương tiện nhập khẩu, phương tiện xin đăng ký hành chính.
b) Kiểm tra định kỳ được thực hiện để tổng kiểm tra trạng thái kỹ thuật phương tiện.
c) Kiểm tra hàng năm được thực hiện khi tàu vào bảo dưỡng hàng năm.
d) Kiểm tra trên đà để đánh giá trạng thái kỹ thuật phần chìm dưới mớn nước của phương tiện.
e) Kiểm tra trung gian được thực hiện đối với tàu chở xô hóa chất nguy hiểm và tàu chở xô khí hóa lỏng, tàu khách cao tốc để đánh giá chung trạng thái kỹ thuật phương tiện.
f) Kiểm tra bất thường theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo quy định.
2. Nội dung kiểm tra và thời hạn giữa 2 lần kiểm tra định kỳ, hàng năm, trung gian và trên đà được thực hiện theo quy định tại các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành tùy thuộc loại phương tiện.
Chương 3. THỦ TỤC PHÊ DUYỆT HỒ SƠ THIẾT KẾ, KIỂM TRA, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Điều 7.5 Thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế
1. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt hồ sơ thiết kế. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
a) 01 Giấy đề nghị duyệt thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Quy định này (bản chính);
b) 03 hồ sơ thiết kế theo quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho phương tiện (bản chính).
2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính. Nếu hồ sơ không đầy đủ thì Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại, nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian trả kết quả.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành duyệt hồ sơ thiết kế. Nếu không đạt thì thông báo cho tổ chức, cá nhân; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận duyệt thiết kế. Các trường hợp thiết kế loại phương tiện kiểu mới hoặc phức tạp, thời gian hoàn thành phê duyệt thiết kế thực hiện theo thỏa thuận giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam với tổ chức, cá nhân.
Điều 8.6 Thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa
1. Chủ phương tiện hoặc cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện khi đề nghị kiểm tra để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa phải gửi/ trình cho đơn vị đăng kiểm hồ sơ như sau:
a) Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Quy định này (bản chính);
b) Hồ sơ kỹ thuật phương tiện như sau:
- Phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi thì trình hồ sơ thiết kế được duyệt (bản chính);
- Phương tiện đang khai thác thì trình giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng với Sổ kiểm tra kỹ thuật của phương tiện (bản chính);
- Phương tiện nhập khẩu thì nộp: 01 bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã làm thủ tục Hải quan (có bản chính để đối chiếu); 01 hồ sơ thiết kế được Cục Đăng kiểm Việt Nam duyệt (bản chính) và các tài liệu kỹ thuật của tổ chức nước ngoài cấp cho phương tiện (nếu có).
2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở đơn vị đăng kiểm hoặc qua hệ thống bưu chính. Nếu hồ sơ không đầy đủ thì đơn vị đăng kiểm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện, nếu hồ sơ đã đầy đủ thì hẹn thời gian, địa điểm kiểm tra. Trường hợp đề nghị kiểm tra bằng hình thức mời trực tiếp, gọi điện thoại hay gửi Fax thì không phải nộp giấy đề nghị kiểm tra như nêu tại điểm a khoản 1.
3. Kết quả kiểm tra mà phương tiện và trang thiết bị lắp trên phương tiện thỏa mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì đơn vị đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện chậm nhất một ngày làm việc sau khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường. Các trường hợp khác thực hiện theo thỏa thuận giữa đơn vị đăng kiểm với chủ phương tiện, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện.
4. Khi nhận được yêu cầu kiểm tra bất thường bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đơn vị đăng kiểm phải tổ chức thực hiện kiểm tra và trả lời bằng văn bản về kết quả kiểm tra theo nội dung, thời gian và địa điểm yêu cầu kiểm tra.
Điều 9. Hồ sơ đăng kiểm cấp cho phương tiện
1. Phương tiện sau khi được kiểm tra có trạng thái kỹ thuật thỏa mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp các hồ sơ sau:
a) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa;
b) Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy nội địa;
c) Các loại biên bản kiểm tra kỹ thuật;
2. Ngoài các hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, tùy thuộc vào công dụng hoặc mức độ trang bị của phương tiện còn có:
a) Sổ kiểm tra bình chịu áp lực;
b) Sổ kiểm tra thiết bị nâng hàng;
c) Sổ chứng nhận thể tích chiếm nước phương tiện;
d) Các giấy chứng nhận chất lượng cho vật liệu, các thiết bị, trang bị lắp đặt trên phương tiện.
3. Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định mẫu hồ sơ đăng kiểm cấp cho phương tiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Chương 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN
Điều 10. Cơ quan thực hiện đăng kiểm phương tiện
1. Cơ quan đăng kiểm Việt Nam thực hiện đăng kiểm phương tiện quy định như sau:
a) Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, có trách nhiệm thực hiện nội dung đăng kiểm nêu tại Điều 3 của Quy định này, đồng thời tổ chức hệ thống đơn vị đăng kiểm thống nhất trong phạm vi cả nước để thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện.
b) Các Chi cục, Chi nhánh đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính (sau đây gọi là đơn vị đăng kiểm) có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm nêu tại Điều 11 và Điều 12 của Quy định này.
2. Trong trường hợp có sự thống nhất giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính thì nhiệm vụ đăng kiểm được phân công cho các đơn vị đăng kiểm thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính sẽ do các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đảm nhiệm.
Điều 11. Nhiệm vụ của đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam
Các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho:
1. Tất cả các loại phương tiện hoạt động ven biển, từ bờ ra đảo, giữa các đảo.
2. Các phương tiện chở hàng nguy hiểm.
3. Các loại phà chở khách, bao gồm cả phương tiện lại nếu có.
4. Tàu thuyền thể thao vui chơi giải trí.
5. Các phương tiện có lắp đặt thiết bị nâng.
6. Các phương tiện của nước ngoài hoặc của doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài tham gia giao thông đường thủy nội địa.
7. Các phương tiện hoạt động trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, và vịnh:
a) Phương tiện có sức chở người từ 50 người trở lên;
b) Phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần từ 200 tấn trở lên;
c) Phương tiện có động cơ có tổng công suất máy chính từ 135 mã lực trở lên;
d) Phương tiện chuyên dùng như: ụ nổi, bến nổi, thiết bị thi công nổi, nhà nổi, khách sạn nổi, tàu cuốc, tàu hút.... có chiều dài đường nước thiết kế từ 10m trở lên.
Điều 12. Nhiệm vụ của các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính
1. Các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho các phương tiện hoạt động trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm và vịnh do địa phương trực tiếp quản lý, bao gồm:
a) Các phương tiện có sức chở người dưới 50 người;
b) Các phương tiện không động cơ có trọng tải toàn phần dưới 200 tấn;
c) Các phương tiện có động cơ có tổng công suất dưới 135 mã lực;
d) Các phương tiện chuyên dùng như: ụ nổi, bến nổi, thiết bị thi công nổi, nhà nổi, tàu cuốc, tàu hút... có chiều dài thiết kế nhỏ hơn 10m.
2. Các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính chịu sự quản lý, kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất với Cục Đăng kiểm Việt Nam về công tác kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện.
Điều 13. Trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm
Các đơn vị đăng kiểm phải thỏa mãn tiêu chuẩn đơn vị đăng kiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, phải thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa một cách khách quan phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ và đúng pháp luật. Thủ trưởng đơn vị đăng kiểm và người trực tiếp kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra. Mọi hành vi lạm dụng quyền hạn và cố ý làm trái quy định này đều bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của chủ phương tiện, cơ sở thiết kế, đóng mới, sửa chữa phục hồi phương tiện
1. Chủ phương tiện có trách nhiệm thực hiện các quy định về đăng kiểm phương tiện nêu trong quy định này khi phương tiện được đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu và trong quá trình phương tiện hoạt động; chịu trách nhiệm đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo các tiêu chuẩn quy định giữa hai kỳ kiểm tra.
2. Cơ sở thiết kế, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện phải thực hiện các quy định về hồ sơ thiết kế và phê duyệt hồ sơ thiết kế phương tiện; tuân theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện và phù hợp với hồ sơ thiết kế được duyệt. Trong quá trình thi công phương tiện, các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện phải chịu sự kiểm tra, giám sát của đơn vị đăng kiểm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Điều 15. Phí duyệt thiết kế, kiểm tra và lệ phí cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa
1. Cơ sở thiết kế, chủ phương tiện, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện có trách nhiệm trả phí phê duyệt hồ sơ thiết kế, kiểm tra và lệ phí cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị đăng kiểm khi thực hiện đăng kiểm phương tiện có trách nhiệm thu phí phê duyệt thiết kế, kiểm tra và lệ phí cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC QUY PHẠM, TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT HIỆN HÀNH ÁP DỤNG CHO PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
(ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
1. Quy phạm phân cấp và đóng tàu sông TCVN 5801:2001.
2. Quy phạm giám sát và đóng tàu sông cỡ nhỏ 22TCN 265-2000.
3. Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do tàu sông 22TCN 264-2000.
4. Quy phạm phân cấp và đóng tàu sông vỏ gỗ - TCVN 7094-2002.
5. Quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng tàu biển vỏ thép cỡ nhỏ TCN 7061-2002.
6. Quy định về an toàn kỹ thuật tàu thể thao và vui chơi giải trí 22TCN 233/96.
7. Quy phạm kiểm tra và chế tạo các tàu làm bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh TCVN 6282-1997.
8. Quy phạm phân cấp và đóng tàu sông vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm 22TCN 281-01.
9. Quy phạm đóng tàu thủy cao tốc TCVN 6451:1998.
10. Quy phạm phân cấp và đóng tàu sông vỏ xi măng lưới thép 22TCN 323-04
11. Quy phạm đo dung tích tàu nội địa TCN 2695-83.
12. Quy phạm thiết bị nâng hàng phương tiện thủy nội địa QPVN 26-83.
13. Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chạy tuyến ven biển 22TCN 325-04.
14. Tiêu chuẩn neo hải quân 22TCN 109/82.
15. Tiêu chuẩn neo Hall 22TCN 110-82.
16. Tiêu chuẩn xích neo 22TCN 108/82.
17. Tiêu chuẩn thử kín nước vỏ tàu thủy 22TCN 107/82.
18. Tiêu chuẩn phao tròn cứu sinh TCVN 7283:2003.
19. Tiêu chuẩn phao áo cứu sinh TCVN 7282:2003.
20. Quy tắc giao thông và tín hiệu phương tiện quy định tại Chương V Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Trường hợp các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên được bổ sung sửa đổi, hoặc quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan được cấp có thẩm quyền ban hành mới sau ngày quy định này có hiệu lực, thì các bổ sung sửa đổi hoặc các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật mới đó sẽ được áp dụng trong hoạt động đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.
PHỤ LỤC I7
MẪU GIẤY ĐỀ NGHỊ XÉT DUYỆT THIẾT KẾ
(Ban hành bổ sung vào Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25/11/2004)
ĐƠN VỊ THIẾT KẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………….. | ………., ngày ….. tháng ….. năm …… |
GIẤY ĐỀ NGHỊ DUYỆT THIẾT KẾ
Kính gửi: …………………………………..
Đơn vị thiết kế: .........................................................................................................
Địa chỉ: .....................................................................................................................
Số điện thoại: ………………………………………….. Số Fax: .................................
Đề nghị Cơ quan Đăng kiểm duyệt thiết kế sau:
Tên/Ký hiệu thiết kế: ………………………………………….. Loại thiết kế: ..............
Tên tàu/ ký hiệu thiết kế ban đầu (*): ………………………………/ ..........................
Số ĐKHC/ Số Đăng kiểm (*): (*): ………………………………./ ...............................
Nội dung thiết kế (*):
..................................................................................................................................
..................................................................................................................................
..................................................................................................................................
Kích thước cơ bản:
Chiều dài (Lmax/L): ………………………… (m); Chiều rộng: (Bmax/B): ................ (m);
Chiều cao mạn (D): ……………………….. (m); Chiều chìm (d): ........................ (m);
Tổng dung tích (GT): ………………………….; Trọng tải TP/Lượng hàng: ....... (tấn);
Số lượng thuyền viên: ……….. (người); Số lượng hành khách: ................. (người);
Máy chính (số lượng, kiểu, công suất): ................................................................... ;
Kiểu và công dụng của tàu: ..................................................................................... ;
Chủ sử dụng thiết kế: ................................................................................................
Địa chỉ chủ sử dụng thiết kế: .....................................................................................
Đơn vị dự kiến thi công: ............................................................................................
Số lượng thi công: ............................................................................................ (chiếc)
Cấp thiết kế dự kiến: ……………………………..; Vùng hoạt động: .............................
| Đơn vị đề nghị |
(*) Áp dụng cho thiết kế hoán cải, sửa đổi.
PHỤ LỤC II8
MẪU GIẤY ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA
(Ban hành bổ sung vào Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25/11/2004)
ĐƠN VỊ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………….. | ………., ngày ….. tháng ….. năm …… |
GIẤY ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA
Kính gửi: …………………………………..
Đơn vị: .......................................................................................................................
Địa chỉ: ......................................................................................................................
Số điện thoại: ………………………………………….. Số Fax: ..................................
Đề nghị Cơ quan Đăng kiểm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện thủy nội địa sau:
Tên tàu/Ký hiệu thiết kế:.............................................................................................
Số ĐKHC/ Số Đăng kiểm (*):......................................................................................
Nội dung kiểm tra:
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Kích thước cơ bản phương tiện:
Chiều dài (Lmax/L): ………………………… (m); Chiều rộng: (Bmax/B): .................... (m);
Chiều cao mạn (D): ………………………. (m); Chiều chìm (d): ............................. (m);
Tổng dung tích (GT): ………………………….; Trọng tải TP/Lượng hàng: ........... (tấn);
Số lượng thuyền viên: ……….…….. (người); Số lượng hành khách: ............. (người);
Máy chính (số lượng, kiểu, công suất): ........................................................................ ;
Kiểu và công dụng của phương tiện: ........................................................................... ;
| Đơn vị đề nghị |
(*) Áp dụng cho phương tiện đang khai thác.
1 Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có căn cứ ban hành như sau:
"Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định như sau:"
2 Điều 3 Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2011 quy định như sau:
"Điều 3. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký."
3 Điều 4 Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2011 quy định như sau:
“Điều 4. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./."
4 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2011.
5 Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2011.
6 Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2011.
7 Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2011.
8 Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2011.
01 | Văn bản dẫn chiếu |
02 | Văn bản được hợp nhất (sửa đổi) |
03 | Văn bản được hợp nhất |
Văn hợp nhất