hieuluat

Công văn 3823/TCHQ-CCHĐH cung cấp thông tin vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia hải quan điện tử

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Tổng cục Hải quanSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:3823/TCHQ-CCHĐHNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Trần Quốc Định
    Ngày ban hành:12/07/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:12/07/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hải quan, Doanh nghiệp
  • TỔNG CỤC HẢI QUAN
    BAN CẢI CÁCH HIỆN ĐẠI HÓA
    -------------
    Số: 3823/TCHQ-CCHĐH
    V/v: Cung cấp thông tin vướng mắc của DN khi tham gia HQĐT
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    --------------------
    Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2010
     
     

    Kính gửi:
    - Cục Hải quan TP. Hải Phòng;
    - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh;
    - Cục Hải quan TP. Hà Nội
    - Cục Hải quan TP. Đà Nẵng
    - Cục Hải quan Tỉnh Đồng Nai;
    - Cục Hải quan Tỉnh Bình Dương;
    - Cục Hải quan Tỉnh Lạng Sơn;
    - Cục Hải quan Tỉnh Quảng Ninh;
    - Cục Hải quan Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;
    - Cục Hải quan Tỉnh Quảng Ngãi.
     
     
    Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Ban Cải cách hiện đại hóa dự kiến xây dựng tài liệu “Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử”. Trong nội dung tài liệu cần có nội dung quan trọng là tổng hợp những câu hỏi, vướng mắc và khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử đối với từng loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu. Ban CCHĐH đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố;
    1. Tham gia ý kiến đối với các vướng mắc và cách giải quyết vướng mắc của cơ quan Hải quan đã được tổng hợp từ phía doanh nghiệp thông qua các cuộc hội thảo giữa Tổng cục và doanh nghiệp (gửi kèm).
    2. Cung cấp bổ sung các nội dung sau (theo mẫu gửi kèm nêu trên):
    - Câu hỏi, vấn đề quan tâm và vướng mắc từ phía doanh nghiệp hoặc vướng mắc từ phía Cục Hải quan tỉnh, thành phố khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
    - Tình huống nghiệp vụ mà công chức hải quan thường hướng dẫn Doanh nghiệp khi Doanh nghiệp mới tham gia thủ tục hải quan điện tử.
    Thông tin xin được gửi về Ban CCHĐH trước ngày 16/07/2010 thông qua đầu mối Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên viên Ban CCHĐH, tel 04.22207624, 0984401150, fax: 04.22207600, email: hantt4@customs.gov.vn.
     

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Lưu: VT, CCHĐH (2b).
    KT. TRƯỞNG BAN
    PHÓ TRƯỞNG BAN




    Trần Quốc Định
     


     
    BẢNG TỔNG HỢP CÁC VƯỚNG MẮC
    VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ
     

    STT
    Loại câu hỏi
    Câu hỏi, vướng mắc
    Trả lời
    1
    Quy định, Chính sách hải quan
    Giả sử doanh nghiệp chuyên kinh doanh về mặt hàng kéo sợi, dệt vải mà DN tìm được một mặt hàng nào đó khác lợi ích hơn mà muốn nhập/xuất khẩu đi nước ngoài thì DN có được phép xuất khẩu đi nước ngoài hay không?
    Điều đó tùy thuộc vào giấy phép kinh doanh của công ty và chính sách mặt hàng hiện hành. Nếu giấy phép công ty được kinh doanh mặt hàng vải đó và phù hợp với chính sách mặt hàng thì DN hoàn toàn có thể hoạt động với mặt hàng đó. Nếu thiếu một trong hai điều kiện trên thì doanh nghiệp không thể xuất/nhập mặt hàng đó. DN cũng có thể làm giấy phép bổ sung mặt hàng đó.
    2
    Hình thức hải quan điện tử có mang tính bắt buộc không kể cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước?
    Về nguyên tắc, tất cả các phương thức HQ ĐT là do DN lựa chọn. TTHQ ĐT được xác định dựa trên những ưu điểm so với những phương thức khác, cho nên nếu DN thấy hiệu quả thì việc tham gia sẽ không cần phải cân nhắc giữa bắt buộc và không bắt buộc. Hiện nay TTHQ ĐT của các nước trong khu vực gần như là chiếm gần hết trong các quy trình HQ. Và đó cũng là xu hướng tất yếu và định hướng của HQ VN. Cho dù thời gian đầu, có thể gặp một số vướng mắc nhưng chắc chắn thủ tục hải quan điện tử sẽ mang lại cho DN nhiều thuận lợi đáng kể. Và nếu DN cùng hợp tác triển khai với cơ quan HQ thì kế hoạch này sẽ rất thành công.
    3
    Doanh nghiệp tham gia hải quan điện tử có bắt buộc chứng chỉ nghiệp vụ khi tham gia HQ ĐT không?
    Cơ quan HQ không yêu cầu DN khai phải có chứng chỉ nghiệp vụ (nếu không phải là khai thuê). Tuy nhiên doanh nghiệp phải học khai trên máy tính cơ bản như khai từ xa, cơ quan HQ sẽ tổ chức lớp đào tạo chi tiết cho các DN.
    4
    Đối với DN mà làm đại lý khai thuê, khi làm theo phương pháp điện tử này thì có thể làm đơn xin khai điện tử cho từng DN hay chỉ cần làm cho đại lý không thôi?
    Hiện nay, TCHQ công nhận 1 đại lý hải quan điện tử trên một số điều kiện tiêu chí. Nếu DN làm đại lý thì DN sẽ được khai hộ cho nhiều DN và đơn đăng ký làm TTHQĐT chỉ cần làm một lần với hải quan. Khi đại lý đứng ra khai điện tử cho các DN khác thì không cần làm đơn xin khai điện tử cho từng DN mà bản thân đại lý được khai điện tử.
    5
    Lộ trình triển khai chương trình hải quan điện tử như thế nào?
    Theo Quyết định 103/2009/QĐ-TTg ngày 12/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ, thủ tục hải quan điện tử chính thức được thí điểm tại 10 Cục Hải quan tỉnh, thành phố là: Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hải Phòng, Tp. Hà Nội, Tp. Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Quảng Ngãi.
    Bắt đầu từ ngày 15/12/2009, thủ tục hải quan điện tử chính thức được triển khai thí điểm tại 10 Cục Hải quan nói trên.
    Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn số 4369/VPCP-KTTH ngày 24/6/2010 cho phép mở rộng địa bàn thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử cho 3 Cục Hải quan: Lào Cai, Cần Thơ, Hà Tĩnh.
    6
    Trong thủ tục hải quan truyền thống nếu nhập một lô hàng có 2 loại hình khác nhau (nhập một phần loại hình kinh doanh, một phần là phi mậu dịch). Nếu phần hàng là loại hình kinh doanh làm thủ tục điện tử, còn phần hàng còn lại làm theo thủ tục nào?
    Khi thủ tục hải quan điện tử đối với loại hình phi mậu dịch chưa được thực hiện thì doanh nghiệp có thể lựa chọn: Hoặc làm cả lô hàng theo thủ tục hải quan truyền thống hoặc phần kinh doanh làm điện tử, phần phi mậu dịch làm thủ tục hải quan truyền thống.
    1
    Hồ sơ hải quan điện tử
    Xin nêu cụ thể về giảm thiểu giấy tờ trong TTHQĐT?
    Khi tham gia TTHQĐT, HQ thực hiện QLRR, vậy tùy theo phân luồng hàng hóa và tùy thuộc vào sự tuân thủ của DN và đánh giá của HQ thì việc kiểm tra hồ sơ sẽ được giảm thiểu.
    Nếu DN là DN tuân thủ tốt thì sẽ được thông quan điện tử luôn không phải trình chứng từ gốc.
    2
    Bộ hồ sơ hàng nhập đối với hàng hóa chất mà có kết quả giám định thì khai điện tử xử lý thế nào
    Tức là trước đây khi làm thủ tục hải quan cũ thì DN phải làm 1 công văn để cam kết kết quả giám định đó, trong trường hợp khai điện tử những thông tin đó không được nhập vào phần mềm khai báo thì trên cơ sở nào để phân luồng xanh?
    Việc phân luồng hàng hóa HQ truyền thống và HQĐT chung một cơ sở dữ liệu. Nếu HQĐT thì hồ sơ giám định có kết quả giám định thì scan bản đó rồi gửi cho cơ quan hải quan để kiểm tra trước. Việc gửi hồ sơ trước rất thuận tiện cho DN để cơ quan HQ kiểm tra hồ sơ trước và không ảnh hưởng gì đến kết quả phân luồng.
    3
    DN nhập nguyên liệu từ nước ngoài về vào kho ngoại quan, theo yêu cầu thực xuất và nguyên liệu đặc thù, trước đây làm TTHQ thủ công phải xuất trình invoice bản chính để trừ lùi, nếu làm điện tử thì có cần bộ hồ sơ có invoice trừ lùi đó không?
    Đối với những hàng hóa mà phải trừ lùi thì DN phải phô tô 1 bản để trừ tiếp, đối với điện tử thì hiện tại chưa có phần mềm xử lý tiếp, vì bản invoice của DN là bản chụp chứ không phải bản thiết kế ở dạng bản mềm để có một phần mềm nào đó xử lý tiếp tiêu chí đó, bản scan đó. Do vậy trước mắt cơ quan hải quan cũng phải in cái invoice đó trừ lùi từng lô hàng chia nhỏ mà DN nhập từ kho ngoại quan.
    4
    Về vấn đề trình bày các chi phí không có trong đơn giá nhưng phải thể hiện trên tờ khai: ví dụ, DN xuất một lô hàng sang thị trường Mỹ mà trong đó có phí môi giới thì làm thế nào thể hiện phí đó trên tờ khai? Hiện tại DN không thể hiện được và phải đổ trên excel và làm trên excel, còn trên phần mềm thì không thể hiện được? (hàng sx-xk)
    Khi DN nhập có các phí, các phí phân bổ trên đơn giá trên hóa đơn và có phí giảm trừ hay phí cộng thêm vào. Hiện nay đối với tờ khai xuất, DN có đưa vào phần mềm phí khác. Khi nhập vào phí khác, thì phần mềm sẽ tự động phân bổ vào trị giá dòng hàng và đơn giá vẫn giữ nguyên trên đơn giá và trị giá hàng sẽ được tăng theo tỷ lệ phân bổ, và khi đó tổng trị giá sẽ thay đổi. Nếu bên DN chưa cập nhật bản này thì bộ phận kỹ thuật của công ty Thái Sơn sẽ hướng dẫn cụ thể. Lưu ý là việc phân bổ đó đã được hải quan chấp thuận.
    1
    Thủ tục hải quan điện tử
    Khi tham gia hải quan điện tử, nếu công ty nhập và xuất nhiều linh kiện vậy khi tính toán, các số liệu có đồng bộ và có gặp rắc rối gì không? Có thể nhập một nơi và xuất tại một nơi được không?
    Khi tham gia hải quan điện tử, số liệu trong phần mềm mà DN kê khai thủ tục HQĐT được đồng bộ ở cả cơ quan HQ và DN, cho nên khi tính toán, không có vấn đề rắc rối gì.
    Hiện tại theo quy định, đối với hàng gia công DN chỉ được phép nhập nơi nào xuất nơi đó, không được làm 2 nơi. Với hàng SXXK thì được phép làm như vậy. Tuy nhiên nếu xuất nơi khác thì phải khai dữ liệu đó lên để cơ quan hải quan đồng bộ khi thanh khoản, như vậy sẽ không có vấn đề gì.
    2
    Thực hiện khai báo hải quan điện tử, khi in tờ khai ra, đưa tờ khai trước hay sau khi lấy hàng hóa về?
    Theo Quy định hiện hành:
    - Đối với hàng luồng xanh và luồng vàng điện tử, doanh nghiệp xuất trình 02 tờ khai tại Chi cục hải quan để xác nhận “thông quan” hoặc “giải phóng hàng” hoặc “đưa hàng hóa về bảo quản”, nhận lại 01 tờ khai để xuất trình tại khu vực giám sát để xác nhận “hàng đã qua khu vực giám sát hải quan”
    - Đối với hàng luồng vàng giấy, doanh nghiệp xuất trình tờ khai cùng các chứng từ để cơ quan hải quan kiểm tra, nhận lại 01 tờ khai và xuất trình tờ khai đó tại khu vực giám sát để kiểm tra, xác nhận “hàng đã qua khu vực giám sát hải quan”.
    - Đối với hàng luồng đỏ, Doanh nghiệp xuất trình tờ khai cùng các chứng từ theo yêu cầu và hàng hóa để cơ quan hải quan điểm tra và doanh nghiệp thực hiện theo các yêu cầu tiếp theo của cơ quan hải quan.
    3
    Đa số doanh nghiệp đóng tại địa bàn thuộc quản lý của hải quan Đồng Nai nhưng hàng nhập thường về cảng Sài Gòn, như vậy thủ tục hải quan sẽ làm theo dạng chuyển tiếp? ví dụ như một doanh nghiệp làm khai báo ở chi cục điện tử, sau khi in tờ khai ra đưa cho giám đốc DN ký, rồi mang tờ khai đó đến chi cục khai báo hay mang thẳng ra cảng Sài Gòn?
    Mang tờ khai in, ký và đóng dấu doanh nghiệp đến cảng Sài Gòn để nhận hàng.
    4
    (DN làm hàng xuất) khi DN in tờ khai, đến cảng Sài Gòn, kết hợp với hàng hóa để hạ bãi, sau khi tàu chạy (hàng hóa lên tàu), hãng tàu sẽ cấp cho DN 1 vận đơn, DN sẽ cầm tờ vận đơn đó tới Hải quan cảng Sài Gòn để làm thủ tục xác nhận thực xuất. Sau đó có cần mang tờ khai đó về cho hải quan làm khai báo điện tử nữa hay không?
    Không cần
    5
    Về loại hình SX-XK, dạng XK tại chỗ thì còn nhiều cơ chế hoạt động khác như hóa đơn, biểu mẫu, giấy phép … hải quan điện tử phải chăng chưa đáp ứng được đầy đủ tiêu chí hiện có? bên hải quan và bên công ty Thái Sơn có hướng giải quyết gì không?
    Chúng ta nên hiểu nguyên tắc thế này, khai từ xa thực chất là làm theo phương pháp hải quan truyền thống, tức là vẫn phải theo tiêu chí của hải quan truyền thống cũ, chỉ điện tử hóa khâu gửi thông tin  trước đến cho cơ quan hải quan.
    Còn khai điện tử có quy trình và tiêu chí riêng, khác với thủ tục khai báo truyền thống. Không phải thủ tục truyền thống từng này tiêu chí thì thủ tục HQĐT cũng gồm từng ấy tiêu chí. Khi khai báo HQĐT sẽ theo quy trình và form mẫu của HQĐT đơn giản và tiện ích hơn đối với DN. Do vậy DN có thể yên tâm về vấn đề này.
    6
    Công ty A làm xuất khẩu thường ghép chung với công ty B, mỗi công ty làm ở 1 chi cục. Theo phương pháp hải quan truyền thống bây giờ thì bắt buộc phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Trong tình hình triển khai điện tử như thế này, nếu công ty A được phân vào luồng xanh miễn kiểm tra hoặc công ty B được phân vào luồng xanh và được miễn kiểm tra hàng hóa, thì trường hợp này có hướng giải quyết gì cho DN không khó khăn?
    2 công ty cùng chung 1 container, trường hợp mà hàng gán ghép thì việc phân luồng tùy thuộc vào tính chất lô hàng. Giả định hàng của công ty A và công ty B khác nhau, kết quả phân luồng sẽ cho kết quả khác nhau. Trong container hàng luồng xanh được lấy hàng trước, hàng luồng Vàng/Đỏ sẽ được xem xét và lấy hàng sau. Nếu chung container thì hải quan sẽ giải quyết cho luồng Xanh. Không có gì vướng mắc vì hải quan sẽ giải quyết theo kết quả phân luồng tờ khai.
    7
    Thường đối với bộ hồ sơ sx-xk/gia công, DN phải làm bộ hồ sơ thanh lý mà bộ hồ sơ này chưa có quyết định không thu hay hoàn thuế. Trước đây khi xuống các chi cục hải quan làm TTHQ, cơ quan HQ đưa ra 1 danh sách cưỡng chế đối với tờ khai đó. DN (thường đã có tờ khai xin không thu) xuất trình bộ hồ sơ không thu và cơ quan hải quan chấp nhận bộ hồ sơ đó.
    Nếu thực hiện hải quan điện tử như vậy thì DN không có những thông tin như đã làm hồ sơ thanh lý trước đây, vậy thì có gây khó khăn gì cho việc phân luồng hồ sơ đó, cụ thể là không đăng ký được bộ hồ sơ đó hay không có tờ khai đó?
    Vấn đề của DN là phản hồi thông tin về quyết định không thu thuế thì có thể dẫn tới DN bị cưỡng chế trong vấn đề làm thủ tục hải quan và việc phản hồi thông tin này đối với điện tử thì DN e ngại rằng sẽ không đưa về đơn vị phân luồng hay đơn vị kiểm tra để giải quyết thủ tục đăng ký, lo rằng thông tin phản hồi này sẽ không tới việc ra quyết định truy thu đối với lô hàng dẫn tới đơn vị đăng ký tờ khai của DN sẽ không tiếp nhận lô hàng tiếp theo của DN.
    Trong HQĐT việc ra quyết định về thuế trong cũng là một quy trình mà kết quả thu/không thu/miễn thu đều được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu, mọi quyết định đều được cập nhật nhanh hơn so với thủ công, cơ quan hải quan sẽ có bộ phận thông tin trước về việc không thu thuế.
    Theo quy định, DN phải nộp giấy tờ thanh toán đúng hạn cho cơ quan hải quan, căn cứ vào đó cơ quan HQ sẽ ra quyết định không thu thuế đối với lô hàng.
    Trong trường hợp như DN ký hợp đồng với 1 công ty nước ngoài thanh toán trong vòng 90 ngày, cụ thể hơn là trong vòng 90 ngày đó sẽ cung cấp đầy đủ giấy tờ thanh toán, nhưng thực tế thanh toán là 95 ngày thì thuế vẫn bị treo trên mạng và DN không thể đăng ký bộ hồ sơ đó. Thuế bị treo thì không phải là không giải quyết được, mà tiêu chí đó sẽ đưa vào phân luồng hàng hóa.
    1
    Phần mềm
    Hiện nay công ty đã thực hiện khai báo từ xa, nếu áp dụng khai điện tử theo phần mềm công ty Thái Sơn hướng dẫn thì có ảnh hưởng gì không?
    DN đang thực hiện khai báo từ xa muốn tham gia khai báo điện tử cần phải nâng cấp phần mềm khai từ xa lên khai điện tử.
    Nếu các DN đã được phép tham gia khai HQĐT thì sẽ được nâng cấp phần mềm, trong đó các tính năng cũ của phần mềm khai báo từ xa vẫn sẽ được giữ nguyên và kèm theo nhiều tính năng mới để đáp ứng những yêu cầu mới của hải quan điện tử.
    Khi DN đang khai báo từ xa mà chưa đăng ký và được chấp nhận khai báo HQĐT thì khi anh update phần mềm khai điện tử thì sẽ bị ảnh hưởng, vì phần mềm mới sẽ theo phương thức khai báo mới không theo hình thức cũ nữa. Còn nếu DN muốn khai theo 2 phương thức từ xa và điện tử thì DN cần cài phần mềm riêng vào 2 máy khác nhau.
    2
    Khi nâng cấp phần mềm từ khai từ xa lên khai điện tử, có phải trả phí không?
    Phần mềm khai điện tử có 2 loại free (để dùng thử) và bản thương mại (thu phí). Đối với các trường hợp nâng cấp mà vẫn trong giai đoạn hợp đồng được bảo trì thì sẽ miễn phí nâng cấp, nếu không ở trong giai đoạn bảo trì thì phí nâng cấp sẽ là 25% giá trị hợp đồng.
    3
    Khi công ty xây dựng thêm 1 công ty mới có tên khác và có mã số thuế mới, vậy thì trên phần mềm khai báo điện tử có khai tên công ty cũ có được không?
    Đối với các doanh nghiệp mở thêm văn phòng/chi nhánh mà có tên khác hoặc có mã số thuế khác mà muốn khai báo cho văn phòng đó mà DN trước đó đã sử dụng phần mềm trước rồi thì có 2 cách xử lý:
    - Nếu công ty hoàn toàn độc lập thì được cung cấp một phiên bản phần mềm có đăng ký tên cho DN đó để khai báo, tức là bên công ty đó có 2 cái máy tính/2 văn phòng độc lập nhau thì sẽ làm như vậy.
    - Còn trong trường hợp bên công ty muốn dùng phần mềm đó khai cho cả công ty cũ và công ty mới thì sẽ sử dụng bản bussiness giống như của đại lý, tức là cho thêm mã DN mới vào, khi khai báo cho DN nào, sẽ chọn mã số của DN đó. Bản chất của phần mềm là coi như 2 DN khác nhau. Thực tế cơ quan hải quan đã gặp nhiều trường hợp như thế này đối với khai từ xa rồi và công ty có thể thực hiện theo phương thức đó được.
    4
    Dữ liệu ghi nhận trên phần mềm là trị giá thực = tổng trị giá – phí môi giới xuất trên phần mềm là không ghi nhận?
    Bản phần mềm cũ trước đây thì cơ quan hải quan chưa có chức năng đó nhưng bản mới nhất cơ quan hải quan áp dụng cho các DN ở TP.HCM thì đã có chức năng đó rồi.
    5
    Nếu download phần mềm khai báo hải quan điện tử trên trang web của cơ quan hải quan và sử dụng phần mềm của công ty Thái Sơn thì có gì khác nhau?
    Phần mềm của công ty Thái Sơn có cả bản miễn phí và bản thương mại với đầy đủ thông tin DN cần để khai báo cho cơ quan hải quan. Bản phần mềm của cơ quan hải quan chỉ cung cấp cho những phần khai báo cơ bản.
    6
    Trong hệ thống phần mềm ECUS của Công ty Thái Sơn có phải dùng font Unicode không?
    Font của phần mềm ECUS đồng bộ với hệ thống thông tin của hải quan là VN3.
    7
    Xin nói rõ hơn về hệ thống nhận dữ liệu của chương trình khai báo điện tử tại cơ quan hải quan?
    Hệ thống này được công bố trên Webservice. DN có thể tham khảo thêm như vậy.
    8
    Chi phí cài đặt phần mềm của công ty Thái Sơn như thế nào?
    Hiện nay công ty đang miễn phí cài đặt phần mềm cho doanh nghiệp. Sắp tới cơ quan hải quan sẽ hướng đến những phiên bản phần mềm thương mại, cập nhập đầy đủ những thông tin cần thiết phục vụ cho DN khai báo hiệu quả
    1
    Đường truyền, hệ thống mạng
    Khi xảy ra sự cố mạng thì chi cục hải quan có giải pháp gì không?
    Sự cố mạng xảy ra nếu là lỗi của cơ quan hải quan thì cơ quan hải quan (chi cục hải quan) sẽ giúp đỡ doanh nghiệp nhanh chóng làm thủ tục hải quan xuất nhập hàng. Nếu không phải lỗi của cơ quan hải quan thì sẽ chuyển sang làm thủ tục hải quan truyền thống, đảm bảo lưu thông hàng hóa nhanh chóng.
    2
    Trường hợp là hàng xuất gấp, khi DN thực hiện khai tờ khai rồi và chưa lấy được thông tin phản hồi từ cơ quan hải quan, mà gặp sự cố mạng thì có thể chuyển sang làm theo phương pháp thủ công được không?
    Việc sự cố mạng rất hạn chế khi triển khai hải quan điện tử, tuy nhiên trong trường hợp đó cơ quan hải quan sẽ sẵn sàng làm thủ tục hải quan điện tử theo phương pháp truyền thống cho doanh nghiệp.
    3
    Nếu dữ liệu quản lý của DN bị mất thì DN có thể lấy lại được tờ khai đó không?
    Khi thực hiện khai điện tử, cơ quan hải quan đã tính đến trường hợp này. Dữ liệu lưu tại doanh nghiệp nếu bị mất thì có thể hiểu như mất một file word vậy. Do vậy đơn giản là phòng ngừa bằng cách sao chép dữ liệu hoặc lưu dữ liệu vào máy chủ điều hành. Thực tế thông tin DN gửi đến cơ quan hải quan để khai tờ khai sẽ được convert vào hệ thống dữ liệu của cơ quan hải quan. Do vậy DN không thể nào mà lấy lại hoàn toàn tờ khai đó được.
    4
    Phần mềm HQĐT phải dùng riêng một đường truyền ADSL vậy thì khai thực hiện khai hải quan điện tử có phải thuê riêng một đường ADSL?
    Phần mềm khai báo hải quan điện tử ECUS khai qua đường truyền internet, tức là chỉ cần có internet là khai được.
    1
    Khác
    Hệ thống thông tin lưu tại doanh nghiệp nếu vì một lý do nào đó mất như động đất, khủng bố … có thể xin lại cơ quan hải quan được không?
    Trong môi trường điện tử, khi thực hiện phương thức hải quan điện tử, số liệu được lưu lại ở cả bên HQ và DN. Ở phía HQ những dữ liệu gửi đến cơ quan HQ là những thông tin mà cơ quan HQ đã qua quá trình xử lý.
    Do vậy mà nếu thông tin lưu tại DN bị mất, DN có thể xin cấp lại số liệu đã lưu bị mất, cơ quan hải quan có thể chuyển đổi và gửi lại doanh nghiệp. Tuy nhiên việc để mất dữ liệu sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho DN, nên DN phải có công cụ để lưu trữ dữ liệu dự phòng.
    2
    Khi tham gia HQĐT, quá trình DN thay đổi thông tin khai trong quá trình kiểm tra hàng hóa diễn ra như thế nào?
    Theo Quy định hiện hành, DN chỉ có thể thay đổi thông tin khai trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc trước khi quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa
    3
    Khi tờ khai đã có số, doanh nghiệp có thể điều chỉnh nội dung trong tờ khai đó hay không? Nếu được thì phải thực hiện thao tác nào?
    Sau khi gửi tờ khai đến Hải quan và được cấp số, doanh nghiệp vẫn có thể sửa tờ khai. DN sẽ dùng chức năng “Sửa tờ khai”. Khi đó màn hình hiện ra thông báo doanh nghiệp có muốn tiến hành sửa tờ khai hay không.
    Chọn “Yes” để tiến hành sửa.
    4
    Khi tham gia HQĐT việc đóng lệ phí hải quan qua VIA box có thay đổi gì so với việc đóng phí trực tiếp không?
    Về chính sách không thay đổi, về thủ tục và cách thức thực hiện đơn giản và tiện lợi hơn nhiều.
    5
    Khi thanh khoản ra nước ngoài DN phải trình tờ giấy nhập khẩu có xác nhận của HQ cho Ngân hàng, vậy ngành HQ có liên kết gì với ngành Ngân hàng khi triển khai HQĐT
    Khi thanh khoản phải có xác nhận thực nhập, thực xuất vì vậy phía hải quan đã có phối hợp với Ngân hàng và ra Thông tư Liên tịch số 01/2006/TTLT và qua đó Ngân hàng nhà nước cho phép ngành HQ xác nhận toàn bộ chi phí thanh toán về các lô hàng XNK của DN và toàn bộ chi phí phải thanh toán về các lô hàng XNK tại các lô hàng thương mại qua đó tất cả các hoạt động XNK của DN mà cơ quan HQ yêu cầu thì ngân hàng thanh toán đầy đủ và ngược lại khi NH nhà nước muốn đảm bảo các khoản bảo lãnh đúng như là xác định lô hàng đã thanh toán hoặc thực hiện thực nhập thực xuất thì phía HQ sẽ cung cấp thông tin. Như vậy là đã có sự phối hợp chặt chẽ từ hai phía của các cơ quan Nhà nước.
    Ngoài ra, khi có dấu hiệu gian lận thì phía hải quan sẽ thông báo cho Ngân hàng để kiểm soát lại các khoản mà DN phải đóng thêm.
    6
    Nếu công ty tôi làm xuất nhập khẩu thực hiện khai hải quan điện tử, khi DN đã hoàn tất thủ tục khai báo điện tử có chữ ký của giám đốc rồi mà phát hiện ra sai một vấn đề gì đó thì chúng tôi sẽ được giải quyết như thế nào?
    Khi DN hoàn tất khai tờ khai mà phát hiện ra tờ khai có sai sót thì sẽ thao tác hủy tờ khai như khai từ xa. Số tiếp nhận sẽ mới hoàn toàn.
    7
    DN khai trên hệ thống thông quan điện tử, nhận được là tờ khai số 1 nhưng ở cơ quan hải quan lại là tờ khai số 1, số 2. Đó là lỗi do đâu?
    Đây là những lỗi nhỏ khi vận hành thử nghiệm và là điều không hề tránh khỏi khi thực hiện lúc đầu. Trường hợp như thế đã từng xảy ra và đã được xử lý.
    8
    DN khai báo từ xa, chỗ “đơn vị xuất” thấy cổng tiếp nhận thông tin của hải quan hạn chế về số lượng ký tự thông tin. Vậy khi khai báo điện tử có hạn chế như vậy không?
    Hiện nay cơ quan hải quan đã nâng cấp đơn vị xuất lên 250 ký tự. Do vậy DN hoàn toàn có thể khai báo “đơn vị xuất” dài hơn rất nhiều so với trước đây.
     
     
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X