hieuluat

Thông báo 35/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:35/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Phạm Văn Phượng
    Ngày ban hành:08/02/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:08/02/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hải quan
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    -------------
    Số: 35/TB-VPCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------
    Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2012
     
     
    THÔNG BÁO
    Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT
    CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ CƠ CHẾ MỘT CỬA ASEAN VÀ CƠ CHẾ
     HẢI QUAN MỘT CỬA QUỐC GIA
     
     
    Ngày 01 tháng 02 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia (dưới đây viết tắt là Ban chỉ đạo quốc gia) đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có ý kiến kết luận như sau:
    Thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các cơ quan liên quan đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, đóng góp tích cực vào việc triển khai, thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia nhưng so với cam kết của ta với ASEAN, thì tiến độ vẫn còn chậm. Vì vậy, thời gian tới cần tập trung sức lực để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai. Do đây là một chương trình lớn, phức tạp, khối lượng công việc nhiều, liên quan đến nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành khác nhau, nên phải rất quyết tâm và xử lý thỏa đáng các mối quan hệ, bao gồm cả quan hệ đối nội và đối ngoại; quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau; quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp; quan hệ giữa các cơ quan chính phủ với người dân.
    Cần xác định việc thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia và tham gia thực hiện Cơ chế hải quan một cửa ASEAN không chỉ đơn thuần là thực hiện cam kết quốc tế mà còn vì mục tiêu tăng cường quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu; tăng cường chống buôn lậu và giân lận thương mại; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu và mục tiêu hiện đại hóa ngành hải quan (hải quan điện tử).
    Để tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia trong thời gian tới, các cơ quan cần thực hiện ngay một số công việc sau đây:
    1. Về việc tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia:
    Các Bộ, cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo khẩn trương gửi danh sách cán bộ lãnh đạo của Bộ, cơ quan mình tham gia Ban chỉ đạo theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 2120/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo. Đồng thời, thành lập ngay các tổ công tác chuyên môn thuộc Bộ, cơ quan mình và thông báo cho cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia đặt tại Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) biết các thông tin cần thiết (điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử, đầu mối quan hệ công tác...).
    2. Về xây dựng Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo quốc gia:
    Căn cứ dự thảo của Bộ Tài chính (đã gửi tới các đồng chí thành viên), các Bộ, cơ quan thành viên cho ý kiến tham gia trực tiếp vào dự thảo văn bản và gửi về Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết luận này, các ý kiến tham gia cần cụ thể, chú ý quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, mối quan hệ giữa cơ quan chủ trì với cơ quan phối hợp; chế độ dự họp, thông tin báo cáo.
    3. Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong quan hệ làm việc với ASEAN để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN.
    4. Một số công việc cần triển khai ngay:
    - Căn cứ tài liệu họp Ban chỉ đạo (đã gửi tới các đồng chí thành viên), đề nghị các Bộ, cơ quan thành viên khẩn trương nghiên cứu và tiếp tục góp ý kiến làm rõ thêm về mục tiêu, mô hình, nội dung, kế hoạch, bảo đảm phù hợp với pháp luật và có tính khả thi.
    - Về nội dung chi tiết các nhóm thủ tục cũng như kế hoạch triển khai Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan thành viên tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến chính thức bằng văn bản cụ thể về danh mục các thủ tục sẽ được thực hiện thí điểm và kế hoạch lộ trình thực hiện.
    - Đối với các thủ tục hành chính chưa đưa vào thực hiện thí điểm theo yêu cầu của Quyết định 48/2011/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các Bộ, cơ quan thành viên nêu rõ lý do cũng như xác định thời điểm, lộ trình đưa các thủ tục hành chính này vào thực hiện.
    Các công việc nêu trên cần sớm được thực hiện để dần khắc phục sự chồng chéo trong quản lý và loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tiếp tục triển khai có hiệu quả Cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Giao Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng Chương trình hành động, trình Ban chỉ đạo quốc gia xem xét, phê duyệt.
    5. Giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, quản lý và vận hành Cổng thông tin điện tử hải quan một cửa quốc gia. Cổng thông tin điện tử của hải quan vừa có nhiệm vụ kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan, địa phương trong nước vừa có nhiệm vụ kết nối với ASEAN và quốc tế (Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia đặt tại Tổng cục Hải quan).
    6. Kinh phí triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và một cửa quốc gia sẽ được bảo đảm chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cho hải quan và tìm kiếm, huy động thêm các nguồn hỗ trợ khác thông qua việc vận động các nhà tài trợ song phương và đa phương (tiếp tục vận động ODA của Nhật Bản và tranh thủ sự giúp đỡ của Ban Thư ký ASEAN).
    Các Bộ, cơ quan thành viên chủ động lập dự toán kinh phí chi của Bộ, cơ quan mình và sớm gửi về Cơ quan thường trực để tổng hợp trình Ban chỉ đạo quốc gia xem xét, giải quyết theo quy định của Luật Ngân sách.
    7. Về cơ chế mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo hướng áp dụng cơ chế đặc thù trong mua sắm trang thiết bị, đầu tư các hạng mục công trình phục vụ triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
    8. Giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, kể cả việc huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin cũng như đóng góp ý kiến xây dựng Cơ chế hải quan một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.
    Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
     

     Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
    - Các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và một cửa quốc gia;
    - Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính);
    - VPCP: BTCN, các PCN,
    các Vụ: TH, KTTH, TKBT,
    KTN, TCCB, KGVX,
    Cục KSTT, Cổng TTĐT;
    - Lưu: VT, QHQT (3b). 44
    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM




    Phạm Văn Phượng
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X