Cơ quan ban hành: | Tổng cục Hải quan | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 478-TCHQ-PC | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Nguyễn Thanh |
Ngày ban hành: | 13/06/1991 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Chưa xác định |
Lĩnh vực: | Hải quan |
THÔNG TƯ
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 478-TCHQ-PC NGÀY 13-6-1991
HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 156/HĐBT
NGÀY 16 THÁNG 5 NĂM 1991 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Ngày 16-5-1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 156-HĐBT "về việc sửa đổi, bổ sung chế độ đối với hàng hoá và ngoại tệ do những người đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia, công tác và học tập ở nước ngoài mang theo hoặc gửi về nước".
Thi hành Điều 5 của Quyết định 156 - HĐBT Tổng cục Hải quan hướng dẫn thi hành những điều liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước về Hải quan như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 156-HĐBT:
1. Hàng hoá và ngoại tệ của những người Việt Nam đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia, công tác, học tập ở nước ngoài mang theo hoặc gửi về nước.
2. Hàng hoá và ngoại tệ của các thuyền viên Việt Nam đi làm thuê cho tầu biển của nước ngoài hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế mang theo hoặc gửi về nước.
Hàng hoá và ngoại tệ của các đối tượng trên đây không phải là hàng hoá và ngoại tệ gửi hoặc trực tiếp mang theo khi xuất cảnh.
II- THỜI GIAN VÀ ĐỊNH MỨC MIỄN THUẾ CỦA QUYẾT ĐỊNH
SỐ 156-HĐBT ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ SAU:
1. Thời gian để tính định mức miễn thuế là một (1) năm (tính đủ 12 tháng chỉ được hưởng định mức miễn thuế một (1) lần, không phân biệt đi dài hạn hay ngắn hạn.
2. Thời gian để tính định mức miễn thuế theo Quyết định số 156-HĐBT bắt đầu từ ngày 20-5-1991 là ngày công bố và là ngày Quyết định số 156-HĐBT có hiệu lực thi hành.
3. Định mức miễn thuế cho mỗi người mỗi năm một lần là: Một chiếc xe hai bánh gắn máy, hoặc một ti vi và một đầu video. Nếu không có xe hai bánh gắn máy, hoặc ti vi và đầu video mang về hoặc gửi về thì được hưởng định mức miễn thuế vào hàng hoá có mang về hoặc gửi về nước; đối với hàng khuyến khích nhập khẩu trị giá là 1.000 USD; đối với hàng không khuyến khích nhập khẩu trị giá là 500 USD.
Hàng không khuyến khích nhập khẩu là hàng hoá nằm trong danh mục hàng hạn chế nhập khẩu qua đường nhập khẩu phi mậu dịch do Liên Bộ Bộ Thương nghiệp - Tổng cục Hải quan công bố từng thời gian.
4. Đối với hàng hoá gửi về nước trước ngày 20-5-1991 nay mới làm thủ tục hải quan:
Tất cả hàng hoá của các đối tượng điều chỉnh tại Quyết định 156-HĐBT nhập về tới cửa khẩu trước ngày 20-5-1991, có chứng từ chứng minh là hàng nhập khẩu về tới cửa khẩu từ ngày 20-5-1991 về trước được áp dụng theo Quyết định 175-HĐBT ngày 18-11-1988 của Hội đồng Bộ trưởng.
5. Hàng mang về hoặc gửi về nước từ ngày 21-5-1991:
a) Hàng mang về hoặc gửi về nước đến cửa khẩu từ ngày 21-5-1991 đến ngày 20-8-1991 nếu vượt định mức miễn thuế (Một xe hai bánh gắn máy, hoặc một ti vi và một đầu video, nếu không có một trong hai thứ đó thì trị giá hàng là 1.000USD hoặc 500USD, như đã quy định trên) thì phải nộp thuế nhập khẩu phi mậu dịch.
b) Trường hợp vừa có xe hai bánh gắn máy, vừa có ti vi và đầu video thì tuỳ theo chủ hàng lựa chọn nộp thuế nhập khẩu phi mậu dịch một trong hai thứ hàng đó (xe hai bánh gắn máy hoặc ti vi và đầu video).
c) Trường hợp vừa có hàng thuộc loại không khuyến khích nhập khẩu, vừa có loại khuyến khích nhập khẩu, cũng tuỳ theo chủ hàng lựa chọn và yêu cầu được miễn thuế vào một lượng hàng hoá trị giá là 500 USD đối với hàng không khuyến khích nhập khẩu hay 1.000 USD đối với hàng khuyến khích nhập khẩu.
6. Thời gian hàng mang về hoặc gửi về nước sau ngày 20-8-1991:
Riêng đối với xe hai bánh gắn máy, ti vi và đầu video gửi về hoặc mang về nước tới cửa khẩu sau ngày 20-8-1991 nếu vượt định mức miễn thuế, đều coi là hàng nhập khẩu trái phép, sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
7. Riêng đối với hàng hoá của các đối tượng trên gửi từ Liên Xô và Đông Âu (Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, Rumani, Bungari, Hungari, Anbani) nếu có các chứng từ chứng minh là hàng gửi từ các nước đó trước ngày 20-5-1991, dù nhập về đến cửa khâủ bất kể thời gian nào, vẫn được áp dụng Quyết định số 175/HĐBT ngày 18-11-1988 của Hội đồng Bộ trưởng.
III- THỦ TỤC HẢI QUAN:
1. Khai báo hải quan:
- Người có hàng hoá mang về hoặc gửi về nước phải khai báo và làm tờ khai hải quan (HQ7), ngoài việc khai báo đầy đủ, chính xác vào các cột mục của tờ khai, người có hàng hoá phải khai rõ là nhập hàng lần thứ mấy trong năm (kể từ ngày thi hành Quyết định số 156-HĐBT) và cam kết chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Riêng xe máy phải khai rõ số lượng, tên xe, số khung, số máy của xe.
- Trường hợp người có hàng chưa biết rõ hàng hoá của mình, thì chủ hàng mở kiện hàng của họ trước mặt nhân viên hải quan để khai báo. Nhân viên hải quan ghi nhận từng thứ hàng, số lượng, trọng lượng vào tờ khai (để tránh phải kiểm tra lại).
2. Kiểm tra hải quan:
a) Đối với hàng hoá gửi từ Liên Xô và Đông Âu tại điểm 7 mục II của Thông tư này, nếu có đủ chứng từ chứng minh là hàng gửi từ trước ngày 20-5-1991 và cho áp dụng theo Quyết định số 175-HĐBT thì công tác kiểm tra hải quan vẫn thực hiện như hiện nay.
b) Hàng gửi từ các nước khác nhập khẩu, nhất là hàng thuộc loại định lượng và có thuế, để đảm bảo việc tính thuế và thu đúng, thu đủ thuế, cần thực hiện quy trình nghiệp vụ về kiểm tra hàng hoá phi mậu dịch nói chung theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Việc mở kiện hàng để kiểm tra toàn bộ lô hàng, kiểm tra một phần hoặc kiểm tra nguyên đai, nguyên kiện... thuộc quyền hạn và trách nhiệm của Hải quan cửa khẩu và trách nhiệm của người ra quyết định đó.
IV- VIỆC THEO DÕI HÀNG NHẬP ĐỊNH LƯỢNG:
Đối tượng nhập khẩu hàng thuộc định lượng và hàng vượt định lượng phải nộp thuế cần được theo dõi để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Hội đồng Bộ trưởng.
Cục Giám quản hướng dẫn các địa phương lập các hệ thống theo dõi này bằng "phiếu" mà trước đây đã sử dụng. Cục Giám quản củng cố và quy định lại chế độ báo cáo theo dõi, kiểm tra về vấn đề này. Trong khi chờ có sự hướng dẫn, vẫn thực hiện theo quy định cũ hiện nay.
V- XỬ LÝ VI PHẠM:
Những người có hành vi vi phạm các quy định của Quyết định số 156-HĐBT và Thông tư này cũng như những hành vi lợi dụng các quy định trên để xuất khẩu, nhập khẩu trái phép hàng hoá thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
VI- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1- Quyết định số 156-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đã được cân nhắc kỹ, phù hợp với yêu cầu mới về quản lý, điều kiện mới về cân đối hàng - tiền và nguyện vọng của đại đa số nhân dân, kể cả số đông người đi lao động, công tác, và học tập ở nước ngoài có thu nhập chính đáng. Toàn ngành Hải quan, trước hết là các đơn vị trực tiếp có liên quan đến việc kiểm tra hàng hoá và ngoại tệ thuộc đối tượng của Quyết định số 156-HĐBT mang theo hoặc gửi về nước, phải tổ chức nghiên cứu quyết định để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chủ trương mới; đồng thời phải nắm vững Thông tư này để thực hiện nghiêm chỉnh và đúng đắn.
2. Trong quá trình thực hiện đòi hỏi Giám đốc Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ ngay từ đầu. Những vấn đề mới phát sinh hoặc vướng mắc mà không tự giải quyết được phải kịp thời báo cáo về Tổng cục để được hướng dẫn tiếp.
Không có văn bản liên quan. |
Cơ quan ban hành: | Tổng cục Hải quan |
Số hiệu: | 478-TCHQ-PC |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 13/06/1991 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Hải quan |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Thanh |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Chưa xác định |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!