hieuluat

Công văn 247/TB-BTP kết luận của Lãnh đạo Bộ Tư pháp tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2010

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tư phápSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:247/TB-BTPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Lê Hồng Sơn
    Ngày ban hành:28/01/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:28/01/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính, Tư pháp-Hộ tịch
  • BỘ TƯ PHÁP

    ----------------

    Số: 247/TB-BTP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ------------------------

    Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2010

     

     

    THÔNG BÁO

    Kết luận của Lãnh đạo Bộ Tư pháp

    tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2010

    ----------------------------

     

    Trong các ngày 11, 12 tháng 01 năm 2010 (tại Hà Nội) và 15, 16 tháng 01 năm 2010 (tại TP. Hồ Chí Minh), Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2010 đã được tiến hành dưới sự chủ trì của các đồng chí Lãnh đạo Bộ. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; Giám đốc, Chánh Văn phòng các Sở Tư pháp; Cục trưởng, Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng và Thi hành án các Quân khu; đại diện lãnh đạo các tổ chức pháp chế Bộ, ngành; đại diện các đơn vị và cá nhân được tặng huân chương, cờ thi đua. Đặc biệt, Hội nghị rất vinh dự được đón đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và có bài phát biểu rất quan trọng.

    Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2009, phương hướng, nhiệm vụ năm 2010, dự thảo Chương trình công tác năm 2010 của ngành Tư pháp; phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; Báo cáo tổng kết công tác thi đua năm 2009, phát động phong trào thi đua năm 2010; các báo cáo chuyên đề về triển khai nhiệm vụ theo dõi chung về thi hành pháp luật, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, công tác thống kê trong Ngành và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã kết luận như sau:

    I. VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ

    Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2010 được tổ chức thành công theo đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: thực chất, hiệu quả, tiết kiệm. Trên tinh thần đổi mới toàn diện, công tác chuẩn bị Hội nghị được chủ động triển khai, nội dung Hội nghị sát với yêu cầu thực tiễn công tác của Ngành, thành phần tham dự cơ bản phù hợp với nội dung, văn kiện Hội nghị có chất lượng, cách thức điều hành Hội nghị dân chủ, cởi mở. Hội nghị đã tập trung được trí tuệ tập thể để đánh giá đúng kết quả công tác năm qua; nhận rõ các hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, phân tích sâu nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; xác định cơ bản chính xác phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2010, đồng thời tìm ra các giải pháp thực hiện, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, để tạo ra những chuyển biến mạnh trong năm 2010, tạo đà cho những năm tiếp theo.

    II. VỀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC NĂM 2009

    1. Những kết quả tích cực:

    Năm qua, trong khó khăn chung của cả nước, công tác tư pháp được toàn Ngành triển khai đồng bộ, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát 5 ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác năm 2009; 7 nhóm nhiệm vụ lớn trong Chương trình công tác trọng tâm của Ngành; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều lĩnh vực hoạt động đã có chuyển biến tích cực, sát với yêu cầu thực tiễn, đạt kết quả cao hơn so với những năm trước, nổi bật như sau:

    1.1. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật được chú trọng triển khai theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  mới và tiếp tục thu được kết quả đáng khích lệ.

    Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2010, công tác văn bản QPPL của Ngành tiếp tục hướng mạnh vào việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, đơn giản hơn, chú trọng giảm thiểu sự chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, góp phần chống suy giảm kinh tế. Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương về thành tích xây dựng văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh. Công tác văn bản của nhiều cơ quan Tư pháp địa phương và Tổ chức pháp chế Bộ, ngành dần đi vào nề nếp, rõ nét hơn, đã gắn với việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của địa phương mình và ngày càng khẳng định được vai trò “Người gác cổng” về thể chế cho các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

    Công tác thẩm định văn bản QPPL của Bộ và các cơ quan Tư pháp địa phương có nhiều tiến bộ, được Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá cao, thiết thực góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật.

    Công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL ngày càng chính xác, nhuần nhuyễn, mềm dẻo hơn, vừa đảm bảo được nguyên tắc, vừa tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng và đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống xã hội.

    Nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật đang được triển khai tích cực và có những kết quả cụ thể. Đề án "Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ mới và hết sức quan trọng này.

    1.2. Cơ cấu tổ chức, cán bộ của cơ quan Thi hành dân sự được kiện toàn một bước căn bản, kết quả thi hành án cao hơn so với những năm trước và vượt chỉ tiêu Chính phủ đã hứa với Quốc hội.

    Việc triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật được thực hiện khá bài bản với sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương. Việc kiện toàn cơ quan Thi hành án dân sự theo ngành dọc từ Tổng cục tới Cục, Chi cục và tổ chức Lễ ra mắt đã nâng cao vị thế của ngành Thi hành án, tạo ra không khí phấn khởi của toàn Ngành, nâng cao nhận thức của địa phương về vai trò của công tác tư pháp nói chung, công tác thi hành án dân sự nói riêng. 

    Tỷ lệ thi hành án xong hoàn toàn khá cao, đạt 81,05% về việc (vượt 6,05% so với chỉ tiêu Chính phủ đã hứa trước Quốc hội) và 57,64% về tiền (vượt 2,64% so với chỉ tiêu Chính phủ đã hứa trước Quốc hội).

    1.3. Công tác hành chính tư pháp tiếp tục đi vào nề nếp và có nhiều chuyển biến tích cực.

    Thể chế công tác hành chính tư pháp được hoàn thiện một bước đáng kể với sự ra đời của Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ngành ta tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động lý lịch tư pháp và bổ sung nhiệm vụ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước. Quản lý nhà nước về hộ tịch, chứng thực có chuyển biến, nhất là công tác thống kê sau Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2009.

    1.4. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động bổ trợ tư pháp có nhiều khởi sắc, nhất là luật sư, công chứng.

    Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất để thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam; tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; việc xã hội hoá hoạt động công chứng tiếp tục được đẩy mạnh và được xã hội đón nhận; nhiều Sở Tư pháp tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chuyển giao việc chứng thực các giao dịch, hợp đồng liên quan đến nhà, đất từ UBND sang cho các tổ chức hành nghề công chứng ở những địa bàn mà các tổ chức hành nghề công chứng có thể đảm đương được nhiệm vụ này. Thể chế công tác giám định tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, góp phần tháo gỡ một số khó khăn trong công tác này.

    1.5. Phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở và trợ giúp pháp lý được tiến hành dưới nhiều hình thức phong phú, đã đi vào thực chất hơn.

    Việc triển khai Đề án quy hoạch mạng lưới trợ giúp pháp lý khá bài bản, 100% Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện việc đánh giá, thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đẩy mạnh.

    Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiến hành khá bài bản. Hoạt động hoà giải ở cơ sở được quan tâm và thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần duy trì sự ổn dịnh xã hội, giảm bớt công việc cho Toà án và chính quyền địa phương.

    1.6. Cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Ngành tiếp tục được đẩy mạnh.

     Toàn Ngành đã tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 49, được Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 48–NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Bộ Tư pháp là 01 trong 03 Bộ đầu tiên hoàn thành việc thống kê và công bố Bộ thủ tục hành chính của Ngành Tư pháp.

    1.7. Thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ của Bộ, của Ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được kiện toàn.

    Đã ban hành, tham mưu ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 25/27 đơn vị thuộc Bộ; 55 Sở Tư pháp. Nhiều Sở đã cơ cấu lại các đơn vị trực thuộc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới (có 45 Sở Tư pháp đã tách riêng Phòng Bổ trợ tư pháp và Phòng Hành chính tư pháp). Có thể nói đây là lần đầu tiên trong gần 65 năm thể chế về tổ chức của Ngành được kiện toàn khá đầy đủ, đồng bộ. Nhận thức của địa phương về vị trí, vai trò của cơ quan tư pháp được nâng lên. Một số tỉnh bố trí Giám đốc Sở Tư pháp là tỉnh uỷ viên; đã luân chuyển, bố trí Bí thư huyện uỷ làm Giám đốc Sở; Chủ tịch UBND huyện làm Cục trưởng Cục Thi hành án. 

    Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm, các mặt công tác khác của Ngành trong năm qua (như: pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật; đào tạo, nghiên cứu khoa học; công nghệ thông tin, xuất bản, báo chí; thi đua, khen thưởng, v.v...) cũng đạt được nhiều kết quả tích cực; Báo Pháp luật Việt Nam đã có sự khởi sắc mới.

    Nói tóm lại, công tác tư pháp năm 2009 đã có sự trưởng thành hơn; một số lĩnh vực công tác bắt đầu đi vào chiều sâu; công tác tư pháp đã gắn hơn với nhiệm vụ chung của đất nước và địa phương; phối kết hợp tốt hơn, chủ động hơn với các Bộ, ngành, đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền địa phương. Kết quả công tác tư pháp đã có những đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, người dân. Từ đó, vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định; vị thế của Ngành từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường.

    Có được thành tích đó là nhờ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nổi lên hai nguyên nhân cơ bản là: Thứ nhất, việc triển khai nhiệm vụ khá bài bản, vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng khâu đột phá, xác định đúng các “điểm nghẽn” đồng thời có biện pháp tích cực để tháo gỡ và khi đã xác định được những công việc có lợi cho đất nước, cho nhân dân thì cần phải quyết tâm làm đến cùng. Thứ hai, Ngành đã tranh thủ được sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt sự phối kết hợp của các Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương trong năm 2009 là bài học cần được tiếp tục phát huy mạnh nữa trong toàn Ngành.

    2. Những hạn chế, bất cập, yếu kém:

    Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác của Ngành cũng còn một số hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém, nổi lên trong một số lĩnh vực như sau:

    2.1. Số lượng án tồn đọng, chưa có khả năng thi hành còn quá lớn; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy có nhiều cố gắng nhưng một số vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài vẫn chưa giải quyết dứt điểm; quản lý của Tổng cục còn nhiều bất cập.

    2.2. Chất lượng công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa đáp ứng được các yêu cầu của cải cách tư pháp, không những làm chậm quy trình xét xử các vụ án kinh tế, nhất là các vụ án tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, mà thậm chí còn có thể tác động tiêu cực đến kết quả xét xử các vụ án.

    2.3. Công tác thi đua, khen thưởng chưa được tiến hành bài bản, kết quả còn khiêm tốn, chưa kịp thời và vẫn còn hình thức.

    2.4. Một số chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2009 thực hiện chưa quyết liệt.

    Những hạn chế, bất cập nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nổi lên một số nguyên nhân chủ quan như sau: Thứ nhất, nhận thức về trách nhiệm của Bộ, Ngành trong quản lý nhà nước về công tác tư pháp chưa cao; sự phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan, nhất là trong việc ban hành các thông tư liên tịch còn chưa hiệu quả. Thứ hai, một số Sở Tư pháp chưa chủ động, tích cực tham mưu cho Thường vụ cấp uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho công tác tư pháp; chưa tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh uỷ, HĐND, UBND. Thứ ba, một số cơ quan, đơn vị trong Ngành chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; chưa chủ động, sát sao, quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ trọng tâm để tạo bước đột phá; chưa tập trung cao cho công tác quản lý, điều hành. Thứ tư, tổ chức bộ máy, cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ, cơ cấu nhân sự của nhiều cơ quan Tư pháp không hợp lý, biên chế nhìn chung thiếu; đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện và cấp xã chưa được kiện toàn một bước căn bản. Một bộ phận cán bộ, công chức trong Ngành còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, lề lối làm việc chưa được đổi mới mạnh mẽ.

    III. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2010:

    Năm 2010 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Đối với ngành Tư pháp thì năm 2010 còn là năm kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống. Trong bối cảnh chung của đất nước, nhiệm vụ công tác tư pháp năm nay được triển khai với những thuận lợi và khó khăn đan xen lẫn nhau. Về thuận lợi: thể chế, tổ chức, cán bộ của Ngành đã được kiện toàn một bước; vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định; vị thế của Ngành từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường; chúng ta đã có một số kinh nghiệm trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp. Về khó khăn: khối lượng công việc, yêu cầu về chất lượng, tiến độ công việc chắc chắn sẽ tăng nhiều so với năm qua; tổ chức bộ máy, cán bộ trong những năm qua đã có nhiều trưởng thành nhưng vẫn chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ; việc triển khai các đạo luật mới như Luật Lý lịch nhà nước, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang đặt ra cho Ngành ta nhiều vấn đề mới, hết sức phức tạp cần giải quyết.

    Để hoàn thành kế hoạch công tác năm, toàn Ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

    1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

    1.1. Tham mưu cho Chính phủ triển khai đến các Bộ, ngành, địa phương việc sơ kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và đánh giá nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

    1.2. Tạo chuyển biến mạnh về tiến độ và chất lượng công tác thẩm định và kiểm tra văn bản QPPL.

    1.3. Tham mưu cho Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương triển khai Đề án "Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật" đã được Thủ tướng Chính  phủ phê duyệt.

    1.4. Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát các văn bản QPPL nhằm đảm bảo thực thi các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

    2. Tập trung củng cố mạnh về tổ chức, cán bộ cho hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự theo ngành dọc, từ Tổng cục tới các Chi cục; hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra (80% về việc và 60% về tiền; giảm từ 5 đến 10% án tồn đọng).

    2.1. Nhanh chóng kiện toàn mọi mặt Tổng cục, các Cục Thi hành án dân sự, nhất là văn phòng và tổ chức cán bộ để thực hiện tốt việc quản lý cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí, thi đua, khen thưởng theo sự phân cấp của Bộ. 

    2.2. Rà soát các vụ việc tồn đọng, tiến hành kiểm tra, thanh tra ở một số địa bàn có lượng án không có điều kiện thi hành, án tồn đọng quá cao. Tổng cục THADS nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng góp phần hạn chế việc ra những bản án, quyết định không khả thi. Tập trung chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm thi hành án; đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về công tác thi hành án dân sự; chú trọng công tác dân vận.

    2.3. Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện tốt vai trò giúp Chủ tịch UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn; tiếp tục phối hợp, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thi hành án hoàn thành nhiệm vụ.

    3. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động trong lĩnh vực hành chính tư pháp.

    3.1. Triển khai thực hiện tốt Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; phối hợp với các tổ chức hữu quan chỉnh lý dự án Luật Nuôi con nuôi; chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, đơn vị giúp Bộ quản lý nhà nước về bồi thường Nhà nước; chú trọng việc bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp.

    3.2. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn công tác chứng thực, hộ tịch, con nuôi; nghiên cứu đề xuất đưa việc xây dựng các dự án Luật Hộ tịch, Luật Chứng thực vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

    3.3. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về đăng ký giao dịch bảo đảm, tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động đăng ký tài sản, giao dịch, đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục đăng ký, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký, cung cấp thông tin về đăng ký giao dịch bảo đảm.

    4. Tăng cường năng lực cho các cơ quan bổ trợ tư pháp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp.

    4.1. Hoàn thành việc xây dựng Đề án quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    4.2. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; triển khai Đề án đào tạo luật sư phục vụ hội nhập; xây dựng Chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020.

    4.3. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giám định tư pháp; xây dựng, trình phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực cho cơ quan giám định tư pháp; tích cực, chủ động chuẩn bị việc xây dựng Luật Giám định tư pháp.

    5. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý.

    5.1. Tố chức thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị; tiếp tục xây dựng dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, đề xuất việc xây dựng dự án Luật Hoà giải.  

    5.2. Tập trung mạnh vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức để họ thực thi công vụ đúng pháp luật, hướng dẫn cho người dân thực hiện pháp luật, giảm thiểu những khiếu nại, bức xúc và bất bình trong nhân dân.

    5.3. Công tác trợ giúp pháp lý phải hướng mạnh vào nhiệm vụ “xóa đói, giảm nghèo về pháp luật”, nhất là đối với 62 huyện nghèo.

    6. Kiện toàn mạnh về tổ chức, cán bộ của Ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học pháp lý; tạo chuyển biến thực sự về chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, nhất là đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp; tạo đột phá trong công tác đào tạo cán bộ ở trình độ trung cấp luật.

    6.1. Công tác tổ chức, cán bộ năm 2010 phải hướng mạnh về cơ sở, với quyết tâm xây dựng hệ thống cơ quan Tư pháp, Thi hành án dân sự và đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã và pháp chế các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, doanh nghiệp nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm đương các nhiệm vụ được giao. Phân cấp mạnh cho Tổng cục, Cục THADS trong quản lý cán bộ, ngân sách, quản lý tài sản.

    6.2. Đưa hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý đi vào chiều sâu, góp phần lý giải thấu đáo các vấn đề đã và đang đặt ra trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, vấn đề sở hữu, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, gắn với phát triển bền vững, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và hội nhập quốc tế.

    6.3. Triển khai thực hiện các đề án tăng cường năng lực cho Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp sau khi được phê duyệt, góp phần tạo chuyển biến mạnh về chất lượng hoạt động đào tạo luật, đào tạo các chức danh tư pháp. Tiến hành đào tạo cán bộ ở trình độ trung cấp luật một cách bài bản, chính quy tại Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuật; phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan và chính quyền tỉnh Hậu Giang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Trường Trung cấp Luật tại tỉnh Hậu Giang và ở một số địa phương khác.

    7. Tiếp tục lộ trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính; đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành công tác tư pháp.

    7.1. Chủ động thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành trong Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2010 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

    7.2. Thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Bộ, Ngành, địa phương. Tiếp tục rà soát, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo gây phiền hà cho nhân dân, chuẩn hóa các quy trình giải quyết công việc, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính.

    7.3. Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp. Các cơ quan Tư pháp, Thi hành án dân sự địa phương, tổ chức pháp chế Bộ, ngành cần chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị.

    7.4. Đổi mới căn bản công tác thi đua, khen thưởng của Ngành; tiến hành xếp hạng các cơ quan Tư pháp, cơ quan Thi hành án các tỉnh; tổ chức bình chọn 10 sự kiện nổi bật trong năm của ngành Tư pháp.

    7.5. Triển khai công tác kế hoạch của toàn Ngành, đổi mới căn bản công tác thống kê. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra chéo trong các lĩnh vực công tác của Ngành. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là trong công tác thi hành án dân sự, quốc tịch, hộ tịch và lý lịch tư pháp.

    7.6. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách thực chất, hiệu quả, đặc biệt là trong khối cơ quan Thi hành án dân sự.

    8. Tích cực đóng góp vào quá trình chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp.

    8.1. Tiến hành thắng lợi Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tham gia tích cực đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Báo cáo chính trị..., nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp...

    8.2. Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và Đại hội thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ III.

    IV. VỀ CÁC CÔNG VIỆC CẦN LÀM SAU HỘI NGHỊ

    Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai công tác năm 2010 phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành, địa phương mình.

    Mỗi đơn vị cần xác định trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, trách nhiệm  thực hiện, các giải pháp áp dụng, nhất là các giải pháp đột phá để tạo chuyển biến mạnh trong các lĩnh vực công tác của Ngành; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chính xác kết quả công việc của từng đơn vị, từng cá nhân.

    Văn phòng Bộ có trách nhiệm tập hợp kết quả Hội nghị; hoàn thiện Báo cáo kết quả công tác năm 2009 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2010; dự thảo Chương trình công tác của ngành Tư pháp năm 2010 theo ý kiến đóng góp của Hội nghị, trình Bộ trưởng ký ban hành ngay sau khi kết thúc Hội nghị tổ chức ở khu vực phía Nam; giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện Chương trình công tác, định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ.

    Trên đây là kết luận của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2010, Văn phòng xin thông báo để các đơn vị biết và thực hiện./.

     

    Nơi nhận:

    - Bộ trưởng (để báo cáo);

    - Các Thứ trưởng (để báo cáo);

    - Các đơn vị thuộc Bộ; các Sở Tư pháp, Cục THADS các tỉnh, TP. trực thuộc TW (để thực hiện);

    - Cổng thông tin điện tử BTP;

    - Lưu: VT, BTK.

    TL. BỘ TRƯỞNG

    CHÁNH VĂN PHÒNG

    (Đã ký)

     

     

     

     

    Lê Hồng Sơn

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X