hieuluat

Công văn 2520/BNN-HTQT báo cáo các nội dung về nông nghiệp trong khuôn khổ TIFA

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:2520/BNN-HTQTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Lương Thế Phiệt
    Ngày ban hành:13/05/2011Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:13/05/2011Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
    --------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------

    Số: 2520/BNN-HTQT
    V/v: Báo cáo nội dung về Nông nghiệp trong khuôn khổ TIFA.

    Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2011

     

    Kính gửi: Bộ Công thương (Vụ Thị trường Châu Mỹ)

    Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ công văn số 459/VPCP-QHQT ngày 5/5/2011 về việc chuẩn bị họp hội đồng TIFA Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy hợp tác song phương và các nội dung cho cuộc họp cấp Bộ trưởng – Chủ tịch hội đồng TIFA phân ban Việt Nam – Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo một số nội dung thuộc lĩnh vực được phân công cụ thể:

    1. Về việc nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi có xương và không xương: Ngày 1/7/2009 Việt Nam đã có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu thịt bò không xương trên 30 tháng tuổi và ngày 7/7/2010 Việt Nam đã có thông báo chính thức về việc cho phép nhập khẩu thịt bò có xương trên 30 tháng tuổi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của 2 bên vẫn chưa thống nhất được mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch (Hoa Kỳ gửi mẫu chứng nhận kiểm dịch của họ, tuy nhiên Việt Nam yêu cầu áp dụng mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch của Việt Nam). Nhằm giải quyết vấn đề này tại Phiên họp cấp chuyên viên TIFA ngày 7/4/2011 hai bên đã thống nhất có 01 buổi làm việc ở cấp kỹ thuật giữa hai cơ quan chức năng của Việt Nam và Hoa Kỳ.

    2. Về việc nhập khẩu gia súc giống: Bộ NN và PTNT dự kiến sẽ thảo luận cụ thể với phía Hoa Kỳ sau, vì hiện tại chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề về kỹ thuật đối với việc nhập khẩu thịt bò có xương và không xương trên 30 tháng tuổi.

    3. Về việc nhập khẩu nội tạng động vật, Cục thú y đã có các Công văn 718/TY-KD ngày 26/4/2011 và Công văn 405/TY-KD ngày 23/3/2011 hướng dẫn việc kiểm dịch nhập khẩu tim, gan, thận gia súc và gia cầm (nội tạng đỏ). Theo đó tất cả các cơ sở chế biến và xuất khẩu đã có danh sách đăng ký, đã được Cục Quản lý Chất lượng NLS và Thủy sản chấp nhận. Danh sách này được đăng tải trên trang Web của Cục: http://www.nafiqad.gov.vn/?set_language=en&cl=en. Các tiêu chuẩn kiểm tra tuân thủ theo Thông tư số 29/2010/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2010.

    Tuy nhiên phía Hoa Kỳ yêu cầu phía Việt Nam có thông báo chính thức của Bộ gửi cho phía Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để có cơ sở thông báo cho các doanh nghiệp của họ, vì theo quy định 02 Công văn trên chỉ là văn bản hướng dẫn cho việc kiểm tra nhập khẩu áp dụng đối với các Cơ quan Thú y và Chi cục kiểm dịch động vật vùng. Về việc này, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có Công hàm gửi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức thông báo về việc cho phép nhập khẩu tim, gan, thận gia súc và gia cầm (nội tạng đỏ).

    Đối với nội tạng trắng (lòng, tràng, dạ dày v.v.), Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp các qui định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm làm cơ sở tiến hành xem xét, đánh giá rủi ro và từ đó đưa ra các qui định phù hợp cho việc nhập khẩu các sản phẩm này.

    4. Về kế hoạch thanh kiểm tra các cơ sở chế biến và xuất khẩu động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật làm thực phẩm: Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản do bận chuẩn bị các hoạt động để thực thi Luật An toàn thực phẩm nên sẽ lùi đợt thanh kiểm tra tại Hoa Kỳ vào cuối quý III và đầu Quý IV năm 2011.

    5. Xuất khẩu hoa quả sang Hoa Kỳ: Bộ Nông nghiệp và PTNT xin cảm ơn phía Hoa Kỳ về việc đơn giản hóa thủ tục kiểm dịch thực vật (Q56) đối với quả Chôm Chôm và cho phép nhập khẩu từ 4/2011, tuy nhiên cũng bày tỏ quan ngại về mức chiếu xạ (400 gray) là quá cao so với Thanh Long vì kích thước quả nhỏ hơn rất nhiều và liều chiếu xạ này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng quả Chôm Chôm khi xuất vào thị trường Hoa Kỳ. Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị phía Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến độ đánh giá rủi ro (PRA) với Xoài và Vú Sữa nhằm sớm mở cửa thị trường đối với các sản phẩm này, cũng như tiến hành xem xét đánh giá rủi ro đối với Nhãn và Vải dựa trên các tài liệu đã được Cục BVTV cung cấp.

    6. Về Khả năng hợp tác xây dựng qui trình đánh giá tương đương trong kiểm dịch thực vật. Tại phiên họp nhóm công tác TIFA ngày 7/4/2011, Hoa Kỳ đã thông báo là họ có 02 quy định cho việc đánh giá tương đương trong kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật. Tuy nhiên không có qui định trong việc đánh giá tương đương về kiểm dịch thực vật vì đây là lĩnh vực đa dạng và phức tạp hơn, do vậy đối với mỗi loại rau hoa quả đều phải tuân thủ theo những qui định riêng. Tuy nhiên Việt Nam đề xuất Hoa Kỳ xem xét hợp tác trong việc đánh giá rủi ro với các loại hoa quả có thể bổ sung lẫn nhau trong thương mại được nhập từ các vùng khí hậu đặc thù và không cạnh tranh lẫn nhau.

    7. Về dự thảo Luật Nông nghiệp Hoa Kỳ năm 2008 trong việc xem xét lại định nghĩa cá Tra và cá Basa của Việt Nam là Catfish: Việt Nam đề nghị Đại diện thương mại Hoa Kỳ ủng hộ và giữ nguyên định nghĩa đã sử dụng trong Luật Nông nghiệp của Hoa Kỳ năm 2002. Theo đúng quan điểm của Thượng Nghị sỹ John Mc. Cain trình bày trước Quốc hội và Tổng thống Obama nhằm xóa bỏ Điều 11016 của Luật Nông nghiệp Hoa Kỳ năm 2008. Điều 11016 Luật Nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự thảo với mục đích chuyển việc thanh kiểm tra cá Tra và Basa (nếu định nghĩa lại Catfish bao gồm cả Họ Pangassiidea) sang cho Cơ quan thanh tra về an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) điều tra và giám sát như đối với các sản phẩm thịt và trứng, nhằm hạn chế lượng cá Tra và Basa nhập khẩu từ Việt Nam, khác với trước đây do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chịu trách nhiệm. Nghị sỹ Mc. Cain cũng chỉ ra rằng điều 11016 trong Luật Nông nghiệp của Hoa Kỳ sẽ dẫn đến sự trùng lắp và xé nhỏ hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của Liên bang và gây lãng phí cho ngân sách của Hoa Kỳ trong công tác điều tra tại nước ngoài, cũng như tốn kém cho các nhà quản lý và xuất khẩu của Việt Nam trong việc đáp ứng các qui định mới.

    Trên thực tế, người tiêu dùng Hoa Kỳ không cần phải lo lắng về vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá Tra và Basa của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ với các lý do sau: Qui trình thanh kiểm tra và giám sát của FDA là rất chặt chẽ, được tiến hành hàng năm đối với tất cả các vùng nuôi và tất cả các cơ sở chế biến cá Tra và Basa xuất khẩu vào Hoa Kỳ đều tuân thủ qui trình HACCP do FDA qui định. Trong báo cáo của FDA từ trước đến nay không có bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn đối với cá Tra và Basa nhập khẩu từ Việt Nam; Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến Catfish do FSIS tiến hành kiểm tra thực hiện là rất thấp, kết quả kiểm tra đối với các mẫu Catfish nhập khẩu do FSIS thu thập trong khoảng thời gian từ 4/2008 – 3/2009 và từ 7/2009 – 6/2010 cho thấy số mẫu có mức dư lượng thuốc thú y vượt ngưỡng cho phép đã giảm từ 5,05% xuống còn 0,57% và mức dư lượng kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép cũng giảm từ 7.29% xuống còn 2.79% và báo cáo của Trung tâm phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) cho thấy chỉ có 01 trường hợp bùng phát dịch bệnh do ô nhiễm vi sinh vật (Salmonella) có liên quan đến Catfish trong vòng 20 năm qua; Trên thực tế các sản phẩm cá Tra và Basa của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ không được dán nhãn là Catfish kể từ năm 2002 và theo qui định của FDA tất cả sản phẩm cá Tra và Basa xuất vào Hoa Kỳ đều phải ghi rõ trên nhãn mác là sản phẩm của Việt Nam (Product of Vietnam) hay sản xuất tại Việt Nam (Produced in Vietnam); Kết quả kiểm tra đối với các lô hàng cá Tra và cá Basa xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị cảnh báo là rất thấp, chỉ có 0,07% bị nhiễm kháng sinh và hóa chất cấm và 0,5% bị nhiễm Salmonella, kết quả kiểm tra của Chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng cho thấy chỉ có 0,06% trên tổng số mẫu kiểm tra có dư lượng kháng sinh và không phát hiện có ô nhiễm Salmonella.

    8. Minh bạch hóa các qui định về SPS. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tăng cường phối hợp với các điểm hỗ trợ kỹ thuật về SPS để đảm bảo thông báo tất cả các dự thảo hay văn bản quản lý mới trong lĩnh vực SPS đến các nước đối tác qua Ban thư ký WTO/SPS. Theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Thông báo SPS/N/VNM/27 về Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã được sửa đổi bằng thông báo SPS/N/VNM/27/VER.1 và dự kiến ngày có hiệu lực là 01/7/2011.

    9. Hợp tác trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT: Bộ Nông nghiệp và PTNT cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ và đối tác Hoa Kỳ về sự hỗ trợ đối với các dự án Phòng chống và kiểm soát cúm gia cầm, nghiên cứu dịch tễ học phân tử nhằm khống chế bệnh lở mồm long móng, Bảo tồn lưu vực sông Đồng Nai, Tăng cường năng lực cảnh báo lũ sớm và một số dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học như Nghiên cứu tái sinh in vitro tạo giống cacao chuyển gen, cải tạo giống lúa vàng, chọn giống bằng chỉ thị phân tử, chuyển gen lúa, nghiên cứu phát triển đậu tương và quản lý tổng hợp bệnh héo xanh và đốm lá vi khuẩn.

    Tuy nhiên các dự án vẫn ở quy mô nhỏ và không mang tính hệ thống, nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, đề nghị phía Hoa Kỳ phối hợp xây dựng các dự án ở qui mô lớn trong các lĩnh vực Công nghệ sinh học (nghiên cứu lai tạo các giống cây lương thực và thực phẩm cho năng suất cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ ứng dụng đối với một số cây trồng biến đổi gen như Ngô, đậu tương, Bông và cải tạo giống thủy sản phục vụ cho nuôi thương phẩm), Nghiên cứu sản xuất vắc xin động vật (Vắc xin cúm gia cầm, lở mồm long móng), Tăng cường năng lực về quản lý trong cảnh báo rủi ro và ứng phó nhanh với thiên tai và dịch bệnh và các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu do suy thoái và tàn phá rừng (REDD), giảm lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.

    10. Hợp tác thúc đẩy thương mại nông sản và thực phẩm:

    Nhằm tránh gián đoạn trong thương mại đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật khi triển khai thực hiện Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT Việt Nam đã công nhận 295 cơ sở sản xuất thịt và 14 cơ sở sản xuất thủy sản của Hoa Kỳ đủ điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam và từ 7/2010 Việt Nam cũng đã cho phép nhập khẩu khoai tây tươi thương phẩm từ Hoa Kỳ.

    Tăng cường hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, trước mắt cả hai phía cần thống nhất với nhau về các yêu cầu kỹ thuật trong giấy chứng nhận kiểm dịch động vật với sản phẩm thịt bò trên 30 tháng tuổi không xương và có xương.

    Việt Nam có thông báo chính thức cho phía Hoa Kỳ về việc cho phép nhập khẩu lại nội tạng đỏ (tim, gan, thận) của gia súc và gia cầm và đẩy nhanh tiến độ đánh giá rủi ro với các loại quả Nho, Táo, Lê và Anh đào của Hoa Kỳ để sớm mở cửa thị trường đối với các loại quả này.

    Hoa Kỳ sớm đưa ra báo cáo đánh giá rủi ro đối với Xoài và Vú Sữa, xem xét đánh giá và cho phép nhập khẩu Nhãn và Vải của Việt Nam.

    Trên đây là một số nội dung báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kính trình Bộ trưởng xem xét trong chương trình họp Hội đồng hợp tác TIFA sắp tới./.

     

     

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Lưu: VP (LTH 03).

    TL. BỘ TRƯỞNG
    VỤ TRƯỞNG VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ




    Lương Thế Phiệt

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Công văn 2520/BNN-HTQT báo cáo các nội dung về nông nghiệp trong khuôn khổ TIFA (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X