BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ ------------------ Số: 3546/TCT-CS V/v: Thời điểm xác định hành vi vi phạm. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2011 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Trả lời công văn số 6322/CT.HC-QT-TV-AC ngày 4/7/2011 của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về thời điểm xác định xử phạt vi phạm hành chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính như sau:
“1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện; đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, sở hữu trí tuệ, xây dựng, môi trường, an toàn và kiểm soát bức xạ, nhà ở, đất đai, đê điều, xuất bản, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh hoặc vi phạm hành chính là hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả thì thời hiệu là hai năm; nếu quá các thời hạn nói trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.”
- Khoản 1 Điều 35 Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:
“Điều 35. Nguyên tắc, thủ tục xử lý vi phạm, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, cưỡng chế và thời hạn thi hành quyết định xử phạt.
1. Nguyên tắc xử lý vi phạm, thủ tục xử phạt, các tình tiết giảm nhẹ, các tình tiết tăng nặng, thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn quy định tại Nghị định này thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.”
- Điều 22 Thông tư 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính quy định về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ quy định:
“Điều 22. Xử lý trong trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn
1. Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh nếu phát hiện mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
2. Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán đã lập hóa đơn theo đúng quy định nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập thì người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản và người bán sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua. Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.”.
Căn cứ quy định nêu trên, ngày 01/4/2011 Công ty cổ phần Ting ray làm mất một số hóa đơn mua vào lập năm 2005, 2006, 2007 thì thời điểm xảy ra hành vi vi phạm là ngày làm mất hóa đơn. Việc xử lý mất hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 153/2010/TT-BTC nêu trên.
Tổng cục Thuế thông báo Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu biết và đề nghị Cục Thuế căn cứ văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn đơn vị thực hiện theo quy định.
Nơi nhận: - Như trên; - Vụ PC-BTC; - Vụ PC-TCT; - Lưu: VT, CS (2b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Cao Anh Tuấn |