hieuluat

Nghị quyết 353/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của Đại biểu Quốc hội

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Uỷ ban Thường vụ Quốc hộiSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:353/2017/UBTVQH14Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Nghị quyếtNgười ký:Nguyễn Thị Kim Ngân
    Ngày ban hành:17/04/2017Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/06/2017Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính

    Tóm tắt văn bản

    Ngày 17/04/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.
    Theo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hằng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương cơ sở. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách còn được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách Nhà nước; với đại biểu Quốc hội không hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước hoặc từ Quỹ bảo hiểm xã hội được hưởng thù lao tham gia hoạt động Quốc hội bằng hệ số 0,2 mức lương cơ sở/ngày, tính cho 120 ngày làm việc/năm…
    Cũng theo Nghị quyết này, đại biểu Quốc hội không hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước hoặc từ Quỹ bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cũng được thuê người thực hiện một hoặc một số việc của công tác thư ký. Trong đó, mức khoán hàng tháng để tự thuê người thực hiện công việc thư ký bằng 100% của 2,34 mức lương cơ sở đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; bằng 40% của 2,34 mức lương cơ sở với đại biểu Quốc hội không hoạt động chuyên trách…
    Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017.

  • ỦY BAN THƯỜNG VỤ
    QUỐC HỘI
    --------
    Nghị quyết số: 353/2017/UBTVQH14
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2017
     
     
    NGHỊ QUYẾT
    QUY ĐỊNH BỔ SUNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ VÀ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
    ---------------------
    ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
     
    Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
    Căn cứ Điều 41 của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13;
     
    QUYẾT NGHỊ:
     
    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
    Nghị quyết này quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.
    Điều 2. Đối tượng áp dụng
    Nghị quyết này áp dụng đối với:
    1. Đại biểu Quốc hội;
    2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.
    Điều 3. Nguyên tắc chung
    Việc quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội phải phù hợp với quy định có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có tính đến các yếu tố đặc thù trong hoạt động của Quốc hội; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.
    Điều 4. Chế độ đối với đại biểu Quốc hội
    1. Hoạt động phí:
    Đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hằng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương cơ sở.
    2. Chế độ tiền lương, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội:
    a) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
    b) Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc bảo đảm trả lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;
    c) Đại biểu Quốc hội không hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội được hưởng thù lao tham gia hoạt động Quốc hội bằng hệ số 0,2 mức lương cơ sở/ngày, tính cho 120 ngày làm việc/năm. Khoản thù lao này do Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu Quốc hội đang sinh hoạt chi trả.
    3. Chế độ thuê khoán thư ký giúp việc:
    a) Đại biểu Quốc hội có quyền thuê người thực hiện một hoặc một số việc của công tác thư ký. Người được thuê thực hiện công tác thư ký cho đại biểu Quốc hội phải là người đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc;
    b) Nội dung công tác thư ký giúp việc gồm: xây dựng kế hoạch công tác; tiếp nhận, chuẩn bị tài liệu, công văn, liên lạc với cử tri nơi ứng cử; truyền đạt, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội và một số công việc hành chính khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc;
    c) Đại biểu Quốc hội được cấp kinh phí khoán hằng tháng để có thể tự thuê người thực hiện công việc thư ký. Mức khoán đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bằng 100% của 2,34 mức lương cơ sở; đối với đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách bằng 40% của 2,34 mức lương cơ sở. Đại biểu Quốc hội trực tiếp thanh toán cho người được thuê thực hiện công tác thư ký theo mức thỏa thuận đối với từng công việc.
    Trường hợp đại biểu Quốc hội tự giải quyết công việc hành chính để thực hiện nhiệm vụ đại biểu thì đại biểu Quốc hội được nhận khoản kinh phí này. Đại biểu Quốc hội có chế độ thư ký giúp việc theo quy định của Đảng và Nhà nước nhưng chưa bố trí được thư ký thì được áp dụng chế độ quy định tại khoản này cho đến khi bố trí được thư ký chính thức.
    4. Đào tạo, bồi dưỡng:
    a) Đại biểu Quốc hội được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, cập nhật kiến thức theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
    b) Khi có nhu cầu tham gia các khóa học nâng cao trình độ phù hợp với điều kiện và lĩnh vực chuyên môn được đảm nhiệm, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách làm đơn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, trong hồ sơ phải có ý kiến của lãnh đạo cơ quan nơi mình công tác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương; ý kiến của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương.
    Kinh phí tham gia các khóa học của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương do Văn phòng Quốc hội bảo đảm; của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm.
    Điều 5. Các điều kiện bảo đảm
    1. Về quản lý cán bộ:
    a) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý. Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương là Ban Công tác đại biểu;
    b) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm lương, phụ cấp và các chế độ khác trong thời gian làm nhiệm vụ đại biểu. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình về việc quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, thi đua, khen thưởng và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ; trước khi điều động, luân chuyển, bố trí công việc khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
    2. Chế độ bảo hiểm y tế:
    Đại biểu Quốc hội không hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Kinh phí tham gia bảo hiểm y tế do Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu Quốc hội đang sinh hoạt chi trả.
    3. Các điều kiện bảo đảm khác:
    a) Trong mỗi khoá Quốc hội, đại biểu Quốc hội được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cấp huy hiệu và thẻ đại biểu Quốc hội. Khi làm nhiệm vụ, đại biểu Quốc hội đeo huy hiệu; xuất trình thẻ đại biểu Quốc hội khi cần thiết;
    b) Đại biểu Quốc hội được sử dụng hộ chiếu ngoại giao khi thực hiện nhiệm vụ theo chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quancủa Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
    c) Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cung cấp các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân và các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương cho đại biểu Quốc hội sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội trên cùng địa bàn.
    Điều 6. Hiệu lực thi hành
    Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2017.
    Điều 7. Tổ chức thực hiện
    1. Văn phòng Quốc hội và Ban Công tác đại biểu, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
    2. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
     

     
    TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
    CHỦ TỊCH




    Nguyễn Thị Kim Ngân
     
     
     
     
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Hiến pháp năm 2013
    Ban hành: 28/11/2013 Hiệu lực: 01/01/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 của Quốc hội
    Ban hành: 20/11/2014 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    03
    Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 của Quốc hội
    Ban hành: 20/11/2014 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X