hieuluat

Nghị quyết 58/NQ-CP đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc quản lý của Thanh tra Chính phủ

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chính phủSố công báo:03 & 04 - 01/2011
    Số hiệu:58/NQ-CPNgày đăng công báo:02/01/2011
    Loại văn bản:Nghị quyếtNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:17/12/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:17/12/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính, Khiếu nại-Tố cáo
  • CHÍNH PHỦ
    --------------------

    Số: 58/NQ-CP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    -----------------------

    Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2010

     

     

    NGHỊ QUYẾT

    VỀ VIỆC ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ

    CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ

    --------------------------

    CHÍNH PHỦ

     

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

    Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ,

     

     

    QUYẾT NGHỊ:

     

     

    Điều 1. Thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Thanh tra Chính phủ kèm theo Nghị quyết này.

    Điều 2. Giao Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua tại Điều 1 của Nghị quyết này.

    Trong quá trình triển khai thực hiện, Thanh tra Chính phủ chủ động phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan theo thẩm quyền hoặc đề nghị bằng văn bản, gửi Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ về các luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định về thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ để thực hiện Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua tại Điều 1 và Điều 3 của Nghị quyết này.

    Điều 3. Đối với những thủ tục hành chính được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác khẩn trương hoàn thiện các dự án Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo theo nội dung đã được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

    Điều 4. Đối với những thủ tục hành chính được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ theo Phương án đơn giản hóa nêu tại Điều 1 Nghị quyết này, giao Thanh tra Chính phủ áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trường hợp cần áp dụng một văn bản để sửa một văn bản, giao Tổng Thanh tra xem xét, quyết định.

    Điều 5. Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ nội dung văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương ban hành để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại Điều 1 Nghị quyết này, thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan tại các văn bản thuộc thẩm quyền, ban hành để bảo đảm thi hành khi các văn bản của trung ương nói trên có hiệu lực.

    Điều 6. Giao Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tổng hợp vướng mắc của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ trong quá trình thực thi phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết này.

    Điều 7. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

     

    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
    - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Ngân hàng Chính sách Xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - HĐTV: các thành viên HĐTV;
    - Lưu: VT, TCCV (5b)

    TM. CHÍNH PHỦ
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Tấn Dũng

     

     

    PHƯƠNG ÁN

    ĐƠN GIẢN HÓA CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ
    (Kèm theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010)

    I. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA

    1. Nhóm thủ tục tiếp công dân và xử lý đơn, gồm:

    - Thủ tục Tiếp công dân tại cấp bộ (B-TTR-000134-TT); thủ tục Tiếp công dân tại cấp tỉnh (B-TTR-082687-TT); thủ tục Tiếp công dân tại cấp huyện (B-TTR-082689-TT); thủ tục Tiếp công dân tại cấp xã (B-TTR-083165-TT);

    - Thủ tục Xử lý đơn tại cấp bộ (B-TTR-000362-TT); thủ tục Xử lý đơn tại cấp tỉnh (B-TTR-083192-TT); thủ tục Xử lý đơn tại cấp huyện (B-TTR-083220-TT); thủ tục Xử lý đơn tại cấp xã (B-TTR-083227-TT).

    a) Sáp nhập thủ tục Tiếp công dân và thủ tục Xử lý đơn thành thủ tục Tiếp công dân và xử lý đơn.

    b) Sửa đổi quy định:

    - “Giấy ủy quyền có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người ủy quyền cư trú” thành “Giấy ủy quyền có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền”.

    - “Trường hợp công dân trình bày bằng miệng các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nếu thấy cần thiết thì yêu cầu viết thành văn bản và ký tên xác nhận” thành: “Trường hợp công dân trình bày bằng miệng các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, thì người tiếp công dân phải ghi lại thành văn bản và có chữ ký xác nhận hoặc điểm chỉ của công dân”.

    c) Đối với mẫu Đơn khiếu nại, Đơn tố cáo:

    - Pháp lý hóa mẫu Đơn khiếu nại, Đơn tố cáo.

    - Sửa đổi từ “Địa chỉ” thành cụm từ “Địa chỉ liên lạc”.

    - Bổ sung nội dung về số điện thoại liên lạc, email (nếu có), số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp (hoặc số hộ chiếu đối với người nước ngoài) của người khiếu nại, người tố cáo.

    - Bổ sung quy định: chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại, người tố cáo.

    - Bãi bỏ nội dung mã số hồ sơ trong Đơn khiếu nại.

    2. Nhóm thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, gồm:

    Thủ tục Giải quyết khiếu nại lần đầu tại cấp bộ (B-TTR-000642-TT); thủ tục Giải quyết khiếu nại lần đầu tại cấp tỉnh (B-TTR-083237-TT); thủ tục Giải quyết khiếu nại lần đầu tại cấp huyện (B-TTR-083238-TT); thủ tục Giải quyết khiếu nại lần đầu tại cấp xã (B-TTR-084088-TT).

    a) Sửa đổi trình tự thực hiện thủ tục như sau:

    - Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính.

    - Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

    - Quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 10 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý.

    Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày thụ lý.

    - Trong thời hạn giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết lần đầu có trách nhiệm:

    + Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, nếu khiếu nại của người khiếu nại là đúng thì ra quyết định giải quyết ngay.

    + Tổ chức xác minh, kết luận nội dung khiếu nại khi thấy cần thiết và ra quyết định giải quyết khiếu nại.

    - Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan, người đã chuyển đơn khiếu nại đến.

    b) Về mẫu Đơn Khiếu nại, Giấy ủy quyền Khiếu nại:

    - Về Đơn Khiếu nại:

    + Sửa đổi từ “Địa chỉ” thành cụm từ “Địa chỉ liên lạc”.

    + Quy định bổ sung số điện thoại liên lạc, email (nếu có), số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp (hoặc số hộ chiếu đối với người nước ngoài) của người khiếu nại.

    + Bãi bỏ nội dung mã số hồ sơ.

    + Bổ sung quy định: chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

    - Về Giấy ủy quyền khiếu nại:

    + Sửa đổi từ “Địa chỉ” thành cụm từ “Địa chỉ liên lạc”.

    + Sửa đổi quy định: “Xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người ủy quyền cư trú” thành quy định:

    “Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền” (UBND cấp xã nơi người ủy quyền cư trú hoặc tổ chức hành nghề công chứng).

    + Bổ sung quy định: chữ ký hoặc điểm chỉ của người ủy quyền khiếu nại.

    3. Nhóm thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai, gồm:

    Thủ tục Giải quyết khiếu nại lần hai tại cấp bộ (B-TTR-000645-TT); thủ tục Giải quyết khiếu nại lần hai tại cấp tỉnh (B-TTR-084115-TT); thủ tục Giải quyết khiếu nại lần hai tại cấp huyện (B-TTR-084141-TT).

    a) Quy định thời hạn giải quyết thủ tục Giải quyết khiếu nại lần hai như sau:

    Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

    Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

    b) Sửa đổi trình tự giải quyết thủ tục hành chính, như sau:

    - Quy định tổ chức gặp gỡ, đối thoại là một trình tự bắt buộc của thủ tục này. Xác định rõ những người tham gia đối thoại;

    - Mở rộng vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại thông qua việc ghi nhận luật sư có quyền thực hiện các quyền của người khiếu nại khi người khiếu nại ủy quyền;

    - Quy định đối với những vụ việc khiếu nại gay gắt, phức tạp, kéo dài, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến trước khi ra quyết định giải quyết;

    - Quy định rõ, cụ thể, các biện pháp, các chế tài đảm bảo việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại.

    c) Về mẫu Đơn Khiếu nại, Giấy ủy quyền khiếu nại:

    - Về Đơn Khiếu nại:

    + Sửa đổi từ “Địa chỉ” thành cụm từ “Địa chỉ liên lạc”.

    + Quy định bổ sung số điện thoại liên lạc, email (nếu có) số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp (hoặc số hộ chiếu đối với người nước ngoài) của người khiếu nại.

    + Bãi bỏ nội dung mã số hồ sơ.

    + Bổ sung quy định: chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

    - Về Giấy ủy quyền khiếu nại:

    + Sửa đổi từ “Địa chỉ” thành cụm từ “Địa chỉ liên lạc”.

    + Sửa đổi quy định: “Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người ủy quyền cư trú” thành quy định: “Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền” (Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ủy quyền cư trú hoặc tổ chức hành nghề công chứng).

    + Bổ sung quy định: chữ ký hoặc điểm chỉ của người ủy quyền khiếu nại.

    4. Nhóm thủ tục giải quyết tố cáo, gồm:

    Thủ tục Giải quyết tố cáo tại cấp bộ (B-TTR-000646-TT); thủ tục Giải quyết tố cáo tại cấp tỉnh (B-TTR-084171-TT); thủ tục Giải quyết tố cáo tại cấp huyện (B-TTR-084189-TT); thủ tục Giải quyết tố cáo tại cấp xã (B-TTR-084200-TT).

    a) Quy định các hình thức tố cáo: Công dân có quyền tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

    b) Quy định thời hạn giải quyết tố cáo như sau:

    - Thời hạn giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được quy định như sau:

    + Thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ việc tố cáo. Đối với vụ việc có những tình tiết phức tạp, cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng tối đa không quá 120 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ việc tố cáo;

    + Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn 1 lần. Thời gian gia hạn không vượt quá 60 ngày.

    - Thời hạn giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước được quy định như sau:

    + Thời hạn giải quyết tố cáo là 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng tối đa không quá 60 ngày;

    + Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn 1 lần, thời gian gia hạn không vượt quá 30 ngày.

    c) Bổ sung quy định về thời hiệu xử lý hành vi vi phạm về tố cáo. Không xem xét đối với tố cáo đã hết thời hiệu xử lý.

    d) Để phù hợp với quy định về quyền của người giải quyết tố cáo theo khoản 2, Điều 70 Luật Khiếu nại, tố cáo, bổ sung nghĩa vụ của người tố cáo như sau: Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.

    d) Về Đơn tố cáo:

    + Sửa đổi từ “Địa chỉ” thành cụm từ “Địa chỉ liên lạc”.

    + Bổ sung nội dung về số điện thoại liên lạc, email (nếu có), số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp (hoặc số hộ chiếu đối với người nước ngoài) của người tố cáo.

    + Bổ sung quy định: chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.

    II. TRÁCH NHIỆM THỰC THI PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA

    Giao Thanh tra Chính phủ:

    - Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo thay thế Luật Khiếu nại, tố cáo 1998 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, 2005 để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại các khoản 2, 3, 4 mục I của Phương án đơn giản hóa ban hành kèm theo Nghị quyết này, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

    - Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan tại:

    + Nghị định số 89/CP ngày 07/8/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân;

    + Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo,

    để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại các điểm a, b khoản 1, điểm a khoản 2; điểm a, b khoản 3; điểm a, b, c, d khoản 4, mục I của Phương án đơn giản hóa kèm theo Nghị quyết này, ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi các quy định có liên quan.

    - Xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan tại Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18/6/2008 của Tổng Thanh tra về việc ban hành mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại điểm c khoản 1; điểm b khoản 2; điểm c khoản 3; điểm đ khoản 4, mục I của Phương án đơn giản hóa kèm theo Nghị quyết này, ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi các quy định có liên quan.

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 89/CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân
    Ban hành: 07/08/1997 Hiệu lực: 22/08/1997 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    03
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo số 58/2005/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2005 Hiệu lực: 01/06/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Nghị định 136/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo
    Ban hành: 14/11/2006 Hiệu lực: 09/12/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Quyết định 1131/2008/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc ban hành mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
    Ban hành: 18/06/2008 Hiệu lực: 16/09/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Nghị quyết 58/NQ-CP đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc quản lý của Thanh tra Chính phủ

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Chính phủ
    Số hiệu:58/NQ-CP
    Loại văn bản:Nghị quyết
    Ngày ban hành:17/12/2010
    Hiệu lực:17/12/2010
    Lĩnh vực:Hành chính, Khiếu nại-Tố cáo
    Ngày công báo:02/01/2011
    Số công báo:03 & 04 - 01/2011
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X