hieuluat

Quyết định 1703/QĐ-BTP Đề án tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp giai đoạn 2015-2021

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tư phápSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:1703/QĐ-BTPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Lê Thành Long
    Ngày ban hành:09/08/2016Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:09/08/2016Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính, Cán bộ-Công chức-Viên chức, Tư pháp-Hộ tịch
  • BỘ TƯ PHÁP
    -------
    Số: 1703/QĐ-BTP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    -------------------
    Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2016
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    Về việc phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp giai đoạn 2015-2021
    ------------------
    BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
     
    Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
    Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
    Căn cứ Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
    Căn cứ Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
    Căn cứ Kế hoạch số 190-KH/BCS ngày 30 tháng 9 năm 2015 triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;
    Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
    Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp giai đoạn 2015-2021.
    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
    Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

    Nơi nhận:
    - Như Điều 3;
    - Bộ Nội vụ (để báo cáo);
    - Các Thứ trưởng (để biết);
    - Các tổ chức CT-XH Bộ Tư pháp (để phối hợp);
    - Cổng TTĐT BTP (để đưa tin);
    - Lưu: VT, TCCB.
    BỘ TRƯỞNG
    (đã ký)
    Lê Thành Long
     
     

    BỘ TƯ PHÁP
    ---------
     
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------------------
    Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2016
     
     
    ĐỀ ÁN
    TINH GIẢN BIÊN CHẾ CỦA BỘ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2015-2021
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 1703/QĐ-BTP ngày 09/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
     
     
    I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
    1. Cơ sở chính trị, pháp lý
    Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới đã xác định: “rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm hoạt động công vụ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân”.
    Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã có Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó yêu cầu: “Tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để tinh giản biên chế, đưa ra khỏi biên chế những trường hợp năng lực, phẩm chất, sức khỏe yếu, hiệu quả, chất lượng công tác không đạt yêu cầu; kiên quyết cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, thay thế những người không đáp ứng được nhu cầu bằng những người có phẩm chất và năng lực. Thực hiện nguyên tắc số công chức được tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số công chức đã ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại để bổ sung cho những lĩnh vực cần tăng”.
    Tiếp đó, ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: “Kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có”; đồng thời giao trách nhiệm:“Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp...”.
    Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về tinh giản biên chế, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, giao nhiệm vụ cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp với cấp ủy, tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức xây dựng đề án tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị mình trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt[1].
    Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 190-KH/BCS ngày 30/9/2015 Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
    2. Thực trạng công tác quản lý công chức, viên chức
    Thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý công chức, viên chức, công tác quản lý công chức, viên chức của Bộ Tư pháp đã có nhiều đổi mới: công tác tuyển dụng công chức, viên chức của Bộ được thực hiện thông qua kỳ thi, theo nguyên tắc cạnh tranh, khách quan, công khai; việc thăng tiến về mặt chức nghiệp của công chức, viên chức đều phải qua kỳ thi nâng ngạch; đã xây dựng và tổ chức thực hiện việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng; quy định và đưa vào nề nếp công tác đánh giá công chức, viên chức dựa trên kết quả công vụ và gắn với thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật và các quy định khác về quy trình, thủ tục, thẩm quyền cụ thể trong công tác tổ chức cán bộ; chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được coi trọng; tiến hành phân loại cán bộ, công chức, viên chức để đưa những người không đáp ứng được yêu cầu công việc ra khỏi nền công vụ, bổ sung những người mới có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào trong nền công vụ. Qua đó, chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Tư pháp đã từng bước được nâng cao, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của Bộ, Ngành Tư pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
    Tuy nhiên, việc quản lý công chức, viên chức chưa thực sự gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc của từng cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Chưa có tiêu chí cụ thể trong việc giao biên chế, biên chế giao chưa thực sự dựa trên đánh giá đầy đủ, thực chất nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế phải triển khai tại từng đơn vị; chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự giảm được những người cần giảm; chưa khắc phục được tình trạng “vừa thừa lại vừa thiếu” biên chế trong các cơ quan, đơn vị; tổng số biên chế có xu hướng tăng lên; cơ cấu công chức, viên chức chưa thực sự hợp lý so với yêu cầu công việc; đánh giá công chức, viên chức còn hình thức, chưa thực chất... Vẫn còn tỷ lệ công chức, viên chức chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử đã tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ.
    3. Yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động công vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân
    Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”, với yêu cầu “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước. Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội”. Với chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhiệm vụ đặt ra đối với Ngành Tư pháp nói chung trong đó có Bộ Tư pháp trong thời gian tiếp theo là hết sức nặng nề, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật...
    Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, và để đáp ứng yêu cầu xây dựng một Chính phủ trong sạch, vững mạnh, liên chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ, tạoi môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanhkiến tạo phát triển,liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân, một mặt đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Bộ, Ngành Tư pháp không ngừng được tăng cường về số lượng, nâng cao hơn nữa về chất lượng, bảo đảm am hiểu pháp luật, tinh thông kỹ năng nghiệp vụ; có bản lĩnh vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sạch; mặt khác cũng cần thực hiện việc rà soát, tinh giản đối với trường hợp công chức, viên chức, người lao động không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao hoặc yếu kém về phẩm chất, đạo đức.
    Từ những cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn công tác quản lý công chức, viên chức của Bộ Tư pháp và yêu cầu đặt ra đối với Bộ, Ngành Tư pháp trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp là hết sức cần thiết.
    II. THỰC TRẠNG BIÊN CHẾ VÀ ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC; KẾT QUẢ TINH GIẢN BIÊN CHẾ NĂM 2015 VÀ NĂM 2016
    1. Tình hình thực hiện biên chế công chức, viên chức đến ngày 31/12/2015
    1.1. Về công chức
    Ngày 13/8/2015, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 860/QĐ-BNV về việc giao biên chế công chức năm 2015 trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của Bộ Tư pháp là 10.676 biên chế. Căn cứ số lượng biên chế đã được Bộ Nội vụ giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giao biên chế công chức hành chính nhà nước năm 2015 đối với khối các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ Tư pháp và khối các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự. Tính đến ngày 31/12/2015, tình hình thực hiện biên chế công chức hành chính trong các cơ quan, tổ chức hành chính (cụ thể tại Phụ lục 1) được thực hiện như sau:
    - Khối các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ: Đã thực hiện 689/719 biên chế và 44 hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP;
    - Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện 148/180 biên chế và 05 hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP; các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã thực hiện 9.666/9.777 biên chế và 1989 hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
    Việc phân bổ biên chế hàng năm được Bộ Tư pháp thực hiện nghiêm túc, kịp thời, theo đúng quy định và thẩm quyền; trên cơ sở vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị; khối lượng công việc và thực tế tình hình sử dụng và quản lý biên chế công chức được giao của đơn vị. Trên cơ sở số biên chế được giao, các đơn vị đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả biên chế, kết hợp với việc quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định về tinh giản biên chế. Do đó, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện hiệu quả các giải pháp để cân đối, điều chỉnh biên chế, hàng năm thực hiện tuyển dụng, tiếp nhận nhưng luôn đảm bảo trong định mức biên chế được giao.
    Đối với hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, việc phân bổ và sử dụng biên chế được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Với đặc thù khối lượng công việc nhiều, phức tạp, hệ thống tổ chức lớn nhưng các cơ quan thi hành án dân sự đã phân bổ, điều chuyển hợp lý số lượng biên chế, đặc biệt là phân bổ cho các đơn vị mới thành lập để kịp thời triển khai nhiệm vụ. Các trường hợp được tuyển dụng thực hiện nghiêm túc theo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của từng vị trí công tác và được lựa chọn từ nhiều nguồn khác nhau, có sự kế cận giữa các thế hệ đảm bảo tính ổn định, kế thừa.
    1.2. Về viên chức
    Thực hiện các quy định về việc quản lý biên chế viên chức, từ năm 2001 đến nay, Bộ Tư pháp đã quyết định phân bổ biên chế cho các đơn vị sự nghiệp theo thẩm quyền và cơ bản giữ ổn định. Hàng năm, Bộ Tư pháp đều thực hiện việc rà soát, điều chỉnh số lượng người làm việc để phân bổ phù hợp cho các đơn vị, đảm bảo không lãng phí biên chế cũng như đáp ứng nhu cầu công việc của các đơn vị.
    Năm 2015, số lượng người làm việc được giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ là 1.160 người và tính đến 31/12/2015, các đơn vị đã thực hiện 1.093 người và 104 hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (cụ thể tại Phụ lục 2). Việc tuyển dụng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ được thực hiện nghiêm túc, bài bản, có kế hoạch cụ thể, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, vị trí công việc và không vượt quá số lượng người làm việc được giao.
    2. Tình hình đội ngũ công chức, viên chức
    2.1. Về cơ cấu công chức, viên chức
    2.1.1. Cơ cấu công chức
    - Cơ cấu theo ngạch: 81 chuyên viên cao cấp và tương đương, 897 chuyên viên chính và tương đương, 7.664 chuyên viên và tương đương, 1.447 cán sự và tương đương, 414 nhân viên.
    - Cơ cấu theo trình độ chuyên môn: 27 tiến sĩ, 458 thạc sĩ, 8.704 cử nhân, 266 cao đẳng, 977 trung cấp, 71 sơ cấp.
    - Cơ cấu theo trình độ chính trị, tin học, ngoại ngữ và quản lý nhà nước:
    + Về trình độ chính trị: 99 cử nhân, 873 cao cấp, 2668 trung cấp, 1851 sơ cấp.
    + Về trình độ tin học: 298 trung cấp trở lên, 9539 có chứng chỉ tin học theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức.
    + Về trình độ ngoại ngữ: 435 đại học trở lên, 9367 có chứng chỉ ngoại ngữ theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức chứng chỉ.
    + Về trình độ quản lý nhà nước: 105 cao cấp, 1118 chuyên viên chính và tương đương, 3534 chuyên viên và tương đương.
    - Cơ cấu theo độ tuổi:
    + Từ 30 tuổi trở xuống: 2409 người;
    + Từ 31 - 40 tuổi: 4484 người;
    + Từ 41 - 50 tuổi: 2112 người;
    + Từ 51 - 60 tuổi: 1498 người; trên 60 tuổi: 0.
    Trong đó, số công chức đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật từ năm 2015 đến năm 2021 là: 842 người.
    Chi tiết xem Phụ lục 3 kèm theo Đề án này.
    2.1.2. Cơ cấu viên chức
    - Cơ cấu theo chức danh nghề nghiệp: Có 12 chuyên viên cao cấp và tương đương, 170 chuyên viên chính và tương đương, 796 chuyên viên và tương đương, 39 cán sự và tương đương, 76 nhân viên.
    - Cơ cấu theo trình độ chuyên môn: 150 tiến sĩ, 292 thạc sĩ, 547 cử nhân, 45 cao đẳng, 26 trung cấp, 33 sơ cấp.
    - Cơ cấu theo trình độ chính trị, tin học, ngoại ngữ và quản lý nhà nước:
    + Về trình độ chính trị: 11 cử nhân, 65 cao cấp, 694 trung cấp, 196 sơ cấp.
    + Về tin học: 49 trung cấp trở lên, 865 có chứng chỉ tin học theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức.
    + Về ngoại ngữ: 78 cử nhân trở lên, 960 có chứng chỉ ngoại ngữ theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức.
    + Về quản lý nhà nước: 22 chuyên viên cao cấp và tương đương, 191 chuyên viên chính và tương đương, 419 chuyên viên và tương đương.
    - Cơ cấu viên chức theo độ tuổi:
    + Từ 30 tuổi trở xuống: 371 người;
    + Từ 31 - 40 tuổi: 366 người;
    + Từ 41 - 50 tuổi: 213 người;
    + Từ 51 - 60 tuổi: 136 người;
    + Trên 60 tuổi: 07 người.
    Trong đó, số viên chức đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật từ năm 2015 đến năm 2021 là 113 người.
    Chi tiết xem Phụ lục 4 kèm theo Đề án này.
    2.2. Thực trạng về đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (tính năm 2015)
    2.2.1. Kết quả đánh giá, phân loại công chức, người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP
    Tổng số người thực hiện đánh giá, phân loại là 12.541. Trong đó:
    - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 1.648 người, tương đương 13,14%.
    - Hoàn thành tốt nhiệm vụ: 10.283 người, tương đương 81,99%.
    - Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 513 người, tương đương 4,1%.
    - Không hoàn thành nhiệm vụ: 97 người, tương đương 0,77%.
    2.2.2. Kết quả đánh giá, phân loại viên chức, người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP
    Tổng số người thực hiện đánh giá, phân loại là 1.197. Trong đó:
    - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 397 người, tương đương 33,17%.
    - Hoàn thành tốt nhiệm vụ: 734 người, tương đương 61,32%.
    - Hoàn thành nhiệm vụ: 65 người, tương đương 5,43%.
    - Không hoàn thành nhiệm vụ: 01 người, tương đương 0,08%.
    * Đánh giá chung
    - Ưu điểm: Về cơ bản, đội ngũ công chức, viên chức Bộ Tư pháp có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; được đào tạo cơ bản, có trình độ, năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; ngày càng được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng; có độ tuổi tương đối trẻ so với các Bộ, ngành khác, đặc biệt ở Bộ số công chức, viên chức trẻ chiếm trên 65% tổng số công chức, viên chức (độ tuổi dưới 40).
    - Nhược điểm: Một bộ phận công chức, viên chức năng lực còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao; công chức trẻ ở Bộ chiếm tỷ lệ cao nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chất lượng hoạch định chính sách còn hạn chế; vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật trong khi thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức thi hành án dân sự địa phương.
    3. Kết quả tinh giản biên chế năm 2015 và năm 2016
    Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã chủ động triển khai thực hiện việc tinh giản biên chế trong các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Kết quả, trong 02 năm (2015 và 2016), Bộ Tư pháp tinh giản được 62 công chức, viên chức. Cụ thể như sau:
    3.1. Về tinh giản biên chế công chức
    Trong năm 2015 và năm 2016, Bộ Tư pháp tinh giản được 59 công chức: 15 công chức năm 2015, 44 công chức năm 2016 (chiếm 0,55% biên chế công chức, đạt 27,7% chỉ tiêu tinh giản của 2 năm 2015 và năm 2016, 5,5% chỉ tiêu tinh giản đến năm 2021).
    Trong 59 trường hợp tinh giản biên chế có:
    - 11 trường hợp chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn;
    - 48 trường hợp có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
    Tất cả các trường hợp tinh giản biên chế đều thuộc cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
    3.2. Về tinh giản biên chế viên chức
    Trong năm 2015 và năm 2016, Bộ Tư pháp tinh giản được 03 viên chức: 01 viên chức năm 2015, 02 viên chức năm 2016 (chiếm 0,26% biên chế viên chức, đạt 13,04 % chỉ tiêu tinh giản biên chế của 2 năm 2015-2016, 2,6% chỉ tiêu tinh giản đến năm 2021).
    Trong 03 trường hợp tinh giản biên chế có:
    - 01 trường hợp dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự của Trường Đại học Luật Hà Nội.
    - 02 trường hợp của Trường Trung cấp luật Buôn Ma Thuột có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
    III. PHẠM VI, MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC
    1. Phạm vi thực hiện tinh giản biên chế
    Thực hiện tinh giản biên chế đối công chức, viên chức và người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (sau đây gọi là lao động hợp đồng theo Nghị định 68) tại các đơn vị thuộc Bộ và hệ thống thi hành án dân sự trong giai đoạn 2015 - 2021.
    2. Mục tiêu
    2.1. Mục tiêu chung
    Tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào làm việc tại Bộ và các đơn vị, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ và các đơn vị, giảm chi thường xuyên, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
    2.2. Mục tiêu cụ thể
    Tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của Bộ:
    - Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức: 10% của 10.676 = 1.067 biên chế.
    - Tỷ lệ tinh giản số lượng người làm việc: 10% của 1.160 = 116 người làm việc.
    - Tỷ lệ tinh giản số lượng lao động hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 10% của 2142 người = 214 người.
    Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng người làm việc sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
    3. Quan điểm
    3.1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ, cấp ủy Đảng ở các đơn vị; sự quản lý thống nhất của Bộ trưởng; phát huy vai trò giám sát của Công đoàn, Đoàn thanh niên, Ban nữ công của Bộ và các đơn vị trong quá trình thực hiện.
    3.2. Thống nhất nhận thức và hành động; quyết tâm, kiên trì thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
    3.3. Tinh giản biên chế không làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
    3.4. Tỉ lệ tinh giản biên chế được xác định theo từng đơn vị, phù hợp với thực tế số lượng, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị, tránh hiện tượng cào bằng.
    3.5. Cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức hợp lý về trình độ chuyên môn, ngạch, chức danh nghề nghiệp và độ tuổi, giới tính, dân tộc.
    3.6. Thực hiện tinh giản biên chế tiến hành đồng bộ với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao chất lượng khu vực dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công; quan tâm tới đời sống công chức, viên chức.
    4. Nguyên tắc
    4.1. Tinh giản biên chế phải được tiến hành trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; thực hiện đánh giá, phân loại công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong từng đơn vị; bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
    4.2. Tinh giản biên chế phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.
    4.3. Phải bảo đảm chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật.
    4.4. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.
    IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
    1. Nhiệm vụ
    Đảm bảo thực hiện mục tiêu tỷ lệ thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu đạt 10% số biên chế công chức, viên chức của Bộ Tư pháp được Bộ Nội vụ giao năm 2015 và số người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Cụ thể:
    1.1. Số lượng biên chế công chức tinh giản
    - Số lượng biên chế tinh giản của 7 năm (2015-2021) là: 10.676 x 10% = 1.067 biên chế. Trong đó:
    + Năm 2016, Bộ Tư pháp đã giảm 160 biên chế (Bộ Nội vụ giao giảm 160 biên chế so với năm 2015).
    + Số lượng người nghỉ hưu trong giai đoạn từ 2016-2021 là 842 người.
    + Số biên chế đã thực hiện tinh giản trong năm 2015 và năm 2016 là 59 người.
    + Theo quy định chỉ được tuyển dụng tối đa 50% biên chế công chức đã nghỉ hưu.
    - Như vậy, số lượng biên chế công chức cần tiếp tục thực hiện tinh giản giai đoạn 2017-2021 là: 1.067-160- (842/2) - 59 = 427 biên chế. Tính bình quân trong 05 năm, mỗi năm Bộ Tư pháp phải tinh giản: 427/5 = 84 đến 85 biên chế (trong đó được sử dụng 50% biên chế đã tinh giản để tuyển dụng, tiếp nhận mới).
    1.2. Số lượng biên chế viên chức tinh giản
    - Số lượng biên chế viên chức tinh giản của 7 năm (2017-2021) là: 1.160 x 10% = 116 biên chế (bình quân theo từng năm: từ 16 đến 17 biên chế). Trong đó:
    + Số lượng người nghỉ hưu trong giai đoạn này là 113 người.
    + Số biên chế đã thực hiện tinh giản trong năm 2015 và năm 2016 là 03 người.
    + Theo quy định chỉ được tuyển dụng tối đa 50% biên chế viên chức đã nghỉ hưu.
    - Như vậy, số lượng biên chế viên chức cần tiếp tục thực hiện tinh giản giai đoạn 2017-2021 là: 116 - (113/2) - 3 = 56 biên chế. Tính bình quân trong 05 năm mỗi năm Bộ Tư pháp phải tinh giản: 56/5 = 11 đến 12 biên chế (trong đó được sử dụng 50% biên chế đã tinh giản để tuyển dụng, tiếp nhận mới).
    1.3. Số lượng người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP tinh giản
    Tổng số người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thuộc khối quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp là: 2.142 người.
    Như vậy, số lượng người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP cần tinh giản giai đoạn (2017-2021, tính cả 50% số người nghỉ hưu trong giai đoạn này) là 2.142x10% = 214 người. Tính bình quân trong 05 năm, mỗi năm Bộ Tư pháp phải tinh giản: 214/5 = 42 đến 43 người (bao gồm 50% số lượng người nghỉ hưu hàng năm). Tuy nhiên, do đặc thù công việc lái xe, bảo vệ,.. là những vị trí cần phải bố trí để phục vụ yêu cầu thực tế công tác của cơ quan, đơn vị nên số lượng lao động hợp đồng đã tinh giản sẽ được sử dụng để tuyển dụng mới trên cơ sở vị trí việc làm được xác định trong Đề án vị trí việc làm của từng đơn vị; kết quả rà soát, sắp xếp về tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc khối quản lý nhà nước, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
    2. Giải pháp tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021
    2.1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, tạo sự đồng thuận của công chức, viên chức trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; xác định trách nhiệm thực hiện tinh giản biên chế trước hết thuộc về người đứng đầu đơn vị.
    2.2. Về tổ chức bộ máy
    Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ theo các nội dung đã nêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế bảo đảm bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định, cụ thể:
    - Rà soát, đánh giá, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021 để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 22/2013/NĐ-CP theo hướng phát huy tối đa các công cụ quản lý của Ngành, đồng thời bảo đảm việc xã hội hóa các dịch vụ công của Bộ theo lộ trình phù hợp gắn với việc tăng cường quản lý của nhà nước; có sự phân cấp hợp lý giữa Bộ và địa phương.
    - Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ để loại bỏ nhiệm vụ không còn phù hợp, điều chỉnh nhiệm vụ trùng lắp; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sau khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 22/2013/NĐ-CP. Rà soát, kiện toàn tổ chức cấp Phòng; trước mắt giữ ổn định số phòng đã thành lập; việc bỏ cấp phòng thực hiện theo quy định chung của Đảng và Nhà nước.
    - Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập của Ngành. Triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các Trung tâm đăng ký, giao dịch tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm giai đoạn 2016 đến 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
    2.3. Về biên chế
    - Cơ bản không giao thêm biên chế công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ, trừ trường hợp đặc biệt: Thành lập thêm tổ chức, đơn vị mới; phát sinh nhiệm vụ mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
    - Trên cơ sở Danh mục vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, hoàn thiện Bản mô tả công việc của các vị trí việc làm, Khung năng lực và thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức đúng theo yêu cầu vị trí việc làm; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm cơ cấu phù hợp về nữ, người dân tộc thiểu số; rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tinh giản biên chế đối với những công chức, viên chức không hoàn thành, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.
    - Hoàn thiện tiêu chuẩn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo hướng chú trọng phẩm chất, năng lực.
    - Thực hiện tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
    - Rà soát, xác định cơ cấu, số lượng cán bộ hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của các đơn vị để làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng cán bộ hợp đồng hợp lý, tiết kiệm kinh phí.
    2.4. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập
    Tiếp tục đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ. Số lượng người làm việc từ việc chuyển đổi hoạt động sẽ được bố trí cho các nhiệm vụ cần được tăng cường của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ. Cụ thể như sau:
    - Tiếp tục thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp đã thực hiện tự chủ, tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động của Bộ và các đơn vị dịch vụ của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư gắn với việc áp dụng cơ chế tài chính của doanh nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
    - Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp có điều kiện xã hội hóa cao như: Nhà xuất bản Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Trung tâm Thông tin và hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam… thực hiện tự chủ, tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động theo lộ trình phù hợp.
    - Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu sự nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
    2.5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý công chức, viên chức
    - Nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức; tăng cường thu hút, tiếp nhận công chức, viên chức có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm thực tiễn vào công tác tại các đơn vị thuộc Bộ.
    - Trong năm 2016, hoàn thành xây dựng Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để thực hiện thống nhất công tác bổ nhiệm của Bộ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhất là kỹ năng lãnh đạo, quản lý đối với công chức, viên chức trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý của Bộ và các đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
    - Thực hiện nghiêm việc đánh giá công chức, viên chức của đơn vị dựa chủ yếu trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm thực chất, không hình thức, nể nang, né tránh; sử dụng, bố trí công chức, viên chức đúng vị trí, đúng năng lực, sở trường, phù hợp với vị trí việc làm. Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá công chức, viên chức của Bộ.
    - Thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó trong các đơn vị thuộc Bộ.
    - Hoàn thiện kế hoạch, chương trình, nội dung, hình thức bồi dưỡng công chức, viên chức bảo đảm chất lượng bồi dưỡng, theo yêu cầu vị trí việc làm và yêu cầu công tác của các đơn vị. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu trên cơ sở Danh sách quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2020.
    - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của Bộ, của các đơn vị và từng công chức, viên chức để tiết kiệm nhân lực, thời gian, kinh phí và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
    V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
    1. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm
    1.1. Chủ trì, làm đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tinh giản biên chế theo đúng Nghị quyết số 39-NQ/TW và quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP;
    1.2. Giúp Ban chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp xem xét, cho ý kiến đối với Đề án tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và Kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm của các đơn vị thuộc Bộ trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt;
    1.3. Thẩm định và tổng hợp danh sách đối tượng tinh giản biên chế của các đơn vị thuộc Bộ theo định kỳ 02 lần/năm (trừ Hệ thống Thi hành án dân sự), báo cáo Bộ trưởng, gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính phê duyệt;
    1.4. Định kỳ hàng năm giúp Ban Chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của Bộ, báo cáo Bộ trưởng và gửi cơ quan có thẩm quyền.
    2. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm
    Bố trí, thẩm định kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, hướng dẫn thủ tục cấp phát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo quy định; tổng hợp, đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung kinh phí và thực hiện việc quyết toán kinh phí chi trả cho đối tượng tinh giản biên chế theo quy định.
    3. Văn phòng Bộ có trách nhiệm
    Bố trí, thẩm định kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, hướng dẫn thủ tục cấp phát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị thuộc khối Văn phòng Bộ theo quy định;
    4. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm
    4.1. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tinh giản biên chế trong Hệ thống Thi hành án dân sự;
    4.2. Tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý, sử dụng hiệu quả biên chế được phân bổ và biên chế đã thực hiện tinh giản biên chế của Hệ thống Thi hành án dân sự; rà soát, kiểm tra việc quản lý và sử dụng biên chế tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương;
    4.3. Thẩm định và tổng hợp danh sách đối tượng tinh giản biên chế của Hệ thống Thi hành án dân sự theo định kỳ 02 lần/năm (6 tháng 01 lần), lấy ý kiến của Vụ Tổ chức cán bộ trước khi báo cáo Bộ trưởng, gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính phê duyệt;
    4.5. Hàng năm, tổng hợp, đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện tinh giản biên chế hệ thống Thi hành án dân sự, gửi Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng, gửi Bộ Nội vụ theo quy định.
    5. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ có trách nhiệm
    5.1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước đến công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý; làm tốt công tác tư tưởng cho công chức, viên chức trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế;
    5.2. Trên cơ sở tình hình quản lý, sử dụng công chức, viên chức của đơn vị mình, hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế trong 7 năm và xây dựng Kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm của đơn vị để trình Bộ trưởng phê duyệt. Kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm cần được gửi cùng thời điểm gửi Kế hoạch biên chế hàng năm;
    5.3. Tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án và Kế hoạch tinh giản biên chế sau khi được phê duyệt;
    5.4. Trên cơ sở Kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm được Bộ trưởng phê duyệt, lập Danh sách công chức, viên chức, lao động hợp đồng không xác định thời hạn trong diện tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị mình theo định kỳ 02 lần/năm (06 tháng 01 lần) gửi Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt;
    5.5. Thực hiện việc chi trả chế độ, chính sách cho từng đối tượng tinh giản biên chế thuộc quyền quản lý.
    6. Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và của các đơn vị có trách nhiệm phổ biến, đưa tin về văn bản của Đảng, Nhà nước, của Bộ về tinh giản biên chế và các hoạt động của Bộ, của các đơn vị để nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tinh giản biên chế theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ.
    7. Đề nghị Đảng ủy Bộ, cấp ủy các đơn vị, các tổ chức đoàn thể của Bộ và các đơn vị, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường sự lãnh đạo, giám sát, tham gia việc thực hiện tinh giản biên chế của Bộ và các đơn vị, động viên công chức, viên chức, đoàn viên thống nhất tư tưởng và hành động thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của Bộ Tư pháp.
    8. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án
    Nguồn kinh phí xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác./.

    BỘ TRƯỞNG
    (Đã ký)
     
     
    Lê Thành Long
     


    [1] Điều 14 Nghị định số 108; khoản 2 mục II phần A Kế hoạch kèm theo Quyết định số 2218/QĐ-TTg
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 22/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
    Ban hành: 13/03/2013 Hiệu lực: 01/05/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế
    Ban hành: 20/11/2014 Hiệu lực: 10/01/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Quyết định 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/04/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
    Ban hành: 10/12/2015 Hiệu lực: 10/12/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp
    Ban hành: 17/11/2000 Hiệu lực: 12/12/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Quyết định 641/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của Bộ Tư pháp
    Ban hành: 06/04/2018 Hiệu lực: 06/04/2018 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Quyết định 949/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
    Ban hành: 26/04/2018 Hiệu lực: 26/04/2018 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 1703/QĐ-BTP Đề án tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp giai đoạn 2015-2021

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tư pháp
    Số hiệu:1703/QĐ-BTP
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:09/08/2016
    Hiệu lực:09/08/2016
    Lĩnh vực:Hành chính, Cán bộ-Công chức-Viên chức, Tư pháp-Hộ tịch
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Lê Thành Long
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X