KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC -------- Số: 1769/QĐ-KTNN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG
VÀ TỔ CHỨC CÁC NGÀY LỄ KỶ NIỆM
---------------------
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Quyết định số 308/2005-QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1017/QĐ-KTNN ngày 18 tháng 8 năm 2009 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc ban hành Quy chế thực hiện việc cưới, việc tang và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các đơn vị, cá nhân có liên quanchịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.
Nơi nhận : - Như Điều 3; - Lãnh đạo KTNN; - Đảng uỷ cơ quan KTNN; - Công đoàn KTNN; - Đoàn TNCSHCM KTNN; - Ban liên lạc cán bộ hưu trí KTNN (ở HN và TP HCM); - Lưu: VT, Vụ TCCB(03). | TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC Nguyễn Hữu Vạn |
QUY CHẾ
BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ TỔ CHỨC CÁC NGÀY LỄ KỶ NIỆM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1769/QĐ-KTNN ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm của Kiểm toán Nhà nước.
2. Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trực thuộc Kiểm toán Nhà nước tham gia vào việc cưới, việc tang và lễ hội tại Việt Nam.
Điều 2. Nguyên tắc chung
1. Các đơn vị, cá nhân trực thuộc Kiểm toán Nhà nước khi tổ chức việc cưới, việc tang và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
a) Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan;
b) Không lợi dụng việc cưới, việc tang và lễ hội để gây mất trật tự, an ninh xã hội; không lợi dụng để truyền đạo trái phép và các hoạt động chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ, gia đình;
c) Không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và trật tự, an toàn công cộng;
d) Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức;
đ) Giữ gìn sự yên tĩnh, hạn chế gây tiếng ồn về ban đêm;
e) Không được sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan đi lễ hội (trừ khi làm nhiệm vụ);
g) Không lợi dụng việc cưới, việc tang để nhận quà biếu nhằm trục lợi cá nhân; không sử dụng công quỹ của cơ quan, đơn vị để làm quà mừng cưới, viếng đám tang phục vụ cho mục đích cá nhân.
2. Tổ chức việc cưới, việc tang và các ngày lễ kỷ niệm thuộc phạm vi quản lý của đơn vị nào, Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI
Điều 3. Tổ chức việc cưới
Việc cưới phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức
a) Việc cưới cần được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình;
b) Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán đơn giản, gọn nhẹ; loại bỏ hủ tục, không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật;
c) Việc đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;
d) Địa điểm cưới do hai gia đình lựa chọn; thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của Nhà nước; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết;
đ) Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc;
e) Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí; trường hợp tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày, đảm bảo sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm;
g) Tổ chức cưới và đưa đón dâu phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng;
h) Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 5 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.
Điều 5. Khuyến khích thực hiện các hoạt động sau trong tổ chức việc cưới:
Ban chấp hành công đoàn, Đoàn thanh niên, Thủ trưởng các đơn vị khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tổ chức cưới theo các hình thức sau:
a) Dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới;
b) Hạn chế tổ chức tiệc cưới linh đình, nên tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới;
c) Không sử dụng thuốc lá trong đám cưới;
d) Cơ quan, tổ chức, đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới;
đ) Cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử - văn hoá; trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới;
e) Cô dâu, chú rể và gia đình mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục của dân tộc mình trong ngày cưới.
Mục 2. TỔ CHỨC VIỆC TANG
Điều 6. Chức danh được tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu thuộc Kiểm toán Nhà nước khi từ trần được tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
2. Đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, Lễ tang không tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 7. Tổ chức việc tang
1. Việc tang phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Khi có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử trước khi tổ chức lễ tang theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Lễ tang áp dụng đối với các đồng chí là Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khi từ trần
1. Đối với các đồng chí là Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đương chức hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức lễ tang cấp cao. Khi nhận được tin báo, Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm trình Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước về việc từ trần của công chức Lãnh đạo.
2. Việc tổ chức Lễ tang theo nghi thức lễ tang cấp cao đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Chương 4 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định 105) và tiến hành cụ thể như sau:
a) Đứng tên đưa tin buồn:
- Đối với chức danh là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng (kể cả các đồng chí đã nghỉ hưu): Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;
- Đối với các chức danh còn lại: Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; cấp ủy, chính quyền địa phương nơi quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần.
b) Nội dung đưa tin buồn và đăng tin buồn:
- Nội dung đưa tin buồn: Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì và phối hợp cùng gia đình thống nhất nội dung đưa tin buồn;
- Đăng tin buồn: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chủ trì và phối hợp cùng gia đình thống nhất việc đăng tin buồn trên Báo Nhân dân; Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Kiểm toán Nhà nước và báo địa phương nơi quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần;
c) Thông báo cho các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước phối hợp cùng gia đình;
d) Thành lập Ban Tổ chức Lễ tang:
- Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu trình Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thành lập Ban Tổ chức Lễ tang;
- Thành phần Ban Tổ chức Lễ tang gồm đại diện: Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước, BCH Công đoàn Kiểm toán Nhà nước, Đoàn thanh niên Kiểm toán Nhà nước, gia đình và chính quyền địa phương (phường, xã) nơi công chức cư trú;
- Ban Tổ chức Lễ tang phân công các thành viên thực hiện các phần nghi lễ theo quy định của nhà tang lễ và Ban quản lý nghĩa trang.
đ) Nơi tổ chức Lễ tang:
Lễ tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh). Nếu từ trần ở địa phương khác thì thực hiện theo quy định của địa phương.
e) Nơi an táng:
- Đối với chức danh là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng (kể cả các đồng chí đã nghỉ hưu): An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (nếu từ trần ở Hà Nội), tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (nếu từ trần ở Thành phố Hồ Chí Minh). Trường hợp gia đình có nguyện vọng hỏa táng, điện táng hoặc an táng tại quê nhà, Ban Tổ chức Lễ tang có trách nhiệm tổ chức Lễ tang cấp cao theo quy định tại Chương 4 Nghị định 105;
- Đối với các chức danh còn lại: Theo nguyện vọng gia đình và do gia đình chủ trì phối hợp với Văn phòng Kiểm toán Nhà nước liên hệ với Ban quản lý nghĩa trang nơi an táng.
f) Trang trí lễ đài, vòng hoa, xe tang:
- Thực hiện theo Điều 40, 41 và khoản 3 Điều 44 Nghị định 105;
- Việc bố trí xe tang, xe đưa rước thân nhân, gia đình công chức do Văn phòng Kiểm toán Nhà nước phối hợp với gia đình thực hiện.
g) Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ đưa tang, lễ hạ huyệt:
- Thực hiện theo Điều 42, 43 và khoản 1, 2 Điều 44 Nghị định 105;
- Tổ chức đoàn viếng của Kiểm toán Nhà nước: Do Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước dẫn đầu, đại diện Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước, các đoàn thể, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước (Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị vòng hoa, lễ viếng);
- Nếu người từ trần ở xa thì Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phân công một số đơn vị cử đại diện tham gia đoàn viếng của Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;
- Soạn thảo điếu văn: Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì cùng gia đình.
h) Đưa tin cảm ơn lên Báo, Đài Truyền hình: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chủ trì cùng gia đình.
Điều 9. Lễ tang áp dụng đối với công chức là Lãnh đạo cấp Vụ, chuyên viên cao cấp và tương đương
1. Sau khi nhận được tin báo, đơn vị nơi cán bộ, công chức đang công tác hoặc công tác trước khi nghỉ hưu (sau đây gọi chung là đơn vị chủ quản) có trách nhiệm báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) và Văn phòng Kiểm toán Nhà nước biết.
2. Việc tổ chức Lễ tang đối với công chức là Lãnh đạo cấp vụ, chuyên viên cao cấp và tương đương (kể cả các đồng chí đã nghỉ hưu) thực hiện theo quy định tại Chương 5 Nghị định 105 và tiến hành cụ thể như sau:
a) Chuẩn bị nội dung tin buồn: Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán nhà nước khu vực hoặc Văn phòng đơn vị sự nghiệp phối hợp với gia đình thực hiện.
b) Đưa tin buồn:
- Đối với người từ trần đang công tác: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chủ trì (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Văn phòng Đảng-Đoàn thể);Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực, Văn phòng các đơn vị sự nghiệp (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khu vực, các đơn vị sự nghiệp) phối hợp với gia đình đưa tin trên các báo, đài địa phương nơi người từ trần đang công tác;
- Đối với người từ trần đã nghỉ hưu: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước phối hợp với đơn vị chủ quản và gia đình, chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc quê hương của người từ trần đưa tin trên các báo, đài địa phương nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú;
- Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 48 Nghị định 105, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước thực hiện đưa tin buồn trên trang 8 Báo Nhân dân. Cụ thể như sau:
+ Cán bộ hoạt động cách mạng từ trước Tháng 8 năm 1945 đã được cơ quan, cấp có thẩm quyền công nhận;
+ Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, Đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên.
c) Thông báo cho các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, cơ quan vợ (chồng) của công chức và các cơ quan khác theo quy định:
Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Văn phòng Đảng-Đoàn thể), Văn phòng Kiểm toán nhà nước khu vực hoặc Văn phòng các đơn vị sự nghiệp (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khu vực, các đơn vị sự nghiệp) phối hợp với gia đình thực hiện thông báo đến các đơn vị.
d) Thành lập Ban Tổ chức Lễ tang
- Đối với người từ trần đang công tác:
+ Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu cho Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thành lập Ban Tổ chức Lễ tang. Thành phần Ban Tổ chức lễ tang gồm đại diện: Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước, Lãnh đạo đơn vị chủ quản, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước, BCH Công đoàn Kiểm toán Nhà nước, gia đình và chính quyền địa phương (phường, xã) nơi công chức cư trú;
+ Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là đại diện Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.
- Đối với người từ trần đã nghỉ hưu:
+ Ban Tổ chức lễ tang do cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị - xã hội địa phương, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn, khu phố) nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú phối hợp với đơn vị chủ quản và Vụ Tổ chức cán bộ quyết định, gồm các thành viên đại diện cho các đoàn thể, chính quyền địa phương, đại diện gia đình và đại diện đơn vị chủ quản;
+ Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là đại diện người đứng đầu cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn, khu phố) nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú.
- Ban tổ chức lễ tang phân công các thành viên thực hiện các phần nghi lễ theo quy định của nhà tang lễ và Ban quản lý nghĩa trang.
đ) Nơi tổ chức lễ tang và nơi an táng:
- Nơi tổ chức lễ tang: Do đơn vị chủ quản và gia đình thống nhất quyết định;
- Nơi an táng: Theo nguyện vọng gia đình và do gia đình chủ trì phối hợp với Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Văn phòng Đảng-Đoàn thể); Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực, Văn phòng các đơn vị sự nghiệp (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khu vực, các đơn vị sự nghiệp) liên hệ với Ban quản lý nghĩa trang nơi an táng.
g) Trang trí lễ đài, vòng hoa, xe tang:
- Việc bố trí xe tang, xe đưa rước thân nhân, gia đình công chức: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, đơn vị sự nghiệp, Văn phòng Đảng-Đoàn thể) và Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khu vực) chủ trì thực hiện.
h) Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ đưa tang, lễ hạ huyệt:
- Tổ chức đoàn viếng của Kiểm toán Nhà nước: Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước dẫn đầu, đại diện Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước, các đoàn thể, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước (Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị vòng hoa, lễ viếng);
- Việc tổ chức đoàn viếng riêng của đơn vị chủ quản do Lãnh đạo đơn vị quyết định;
- Nếu người từ trần ở xa thì Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phân công một số đơn vị cử đại diện tham gia đoàn viếng của Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị vòng hoa, lễ viếng);
- Soạn thảo điếu văn: Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Văn phòng Đảng-Đoàn thể); Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực, Văn phòng các đơn vị sự nghiệp (nếu người từ trần là Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khu vực, đơn vị sự nghiệp), phối hợp với đơn vị chủ quản và cùng gia đình để soạn thảo.
i) Đưa tin cảm ơn lên Báo, Đài Truyền hình: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Văn phòng Đảng-Đoàn thể), Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực, Văn phòng các đơn vị sự nghiệp (nếu cán bộ từ trần là Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khu vực, đơnvị sự nghiệp) phối hợp cùng gia đình.
Điều 10. Lễ tang áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện chế độ hợp đồng
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện chế độ hợp đồng (sau đây gọi chung là công chức, viên chức) hiện đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước hoặc đã nghỉ hưu (trừ các đối tượng quy định tại Điều 8, Điều 9 Mục 2 Quy chế này) khi từ trần, được thực hiện theo quy định cụ thể như sau:
1. Thủ trưởng đơn vị chủ quản báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ), Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước giải quyết các chế độ chính sách có liên quan đến công chức, viên chức (nếu có).
2. Việc tổ chức lễ tang do Thủ trưởng đơn vị chủ quản phối hợp với gia đình thực hiện, Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Kiểm toán Nhà nước tham gia, gồm:
a) Đưa tin buồn:
- Đối với các trường hợp là cán bộ hoạt động cách mạng từ trước Tháng 8 năm 1945 đã được cơ quan, cấp có thẩm quyền công nhận; Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân; Đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên:
+ Chuẩn bị nội dung tin buồn: Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán nhà nước khu vực hoặc Văn phòng đơn vị sự nghiệp phối hợp với gia đình thực hiện;
+ Thực hiện đưa tin buồn trên trang 8 Báo Nhân dân: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (nếu công chức, viên chức từ trần thuộc các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Văn phòng Đảng-Đoàn thể); Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực, Văn phòng các đơn vị sự nghiệp (nếu công chức, viên chức từ trần là thuộc các đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp).
- Đối với các trường hợp còn lại: Do gia đình chủ trì.
b) Thông báo đến các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và cơ quan vợ (chồng) người từ trần: do đơn vị chủ quản chủ trì.
c) Thành lập Ban Tổ chức Lễ tang:
- Đối với người từ trần đang công tác: Ban Tổ chức Lễ tang do đơn vị chủ quản quyết định, gồm các thành viên: Lãnh đạo đơn vị, cấp uỷ, Công đoàn đơn vị, gia đình; đại diện chính quyền địa phương (phường, xã) nơi công chức từ trần sinh sống. Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là đại diện lãnh đạo đơn vị chủ quản;
- Đối với người từ trần đã nghỉ hưu:
+ Ban Tổ chức lễ tang do cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị - xã hội địa phương, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn, khu phố) nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú phối hợp với Thủ trưởng đơn vị chủ quản quyết định, gồm các thành viên đại diện cho các đoàn thể, chính quyền địa phương, đại diện gia đình và đại diện đơn vị chủ quản;
+ Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là đại diện người đứng đầu cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn, khu phố) nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú.
- Ban tổ chức lễ tang phân công các thành viên thực hiện các phần nghi lễ theo quy định của nhà tang lễ và Ban quản lý nghĩa trang.
d) Nơi tổ chức lễ tang và nơi an táng:
- Nơi tổ chức lễ tang: Gia đình và đơn vị chủ quản quyết định;
- Nơi an táng: Theo nguyện vọng gia đình và do gia đình chủ trì cùng đơn vị chủ quản liên hệ với Ban quản lý nghĩa trang nơi an táng.
đ) Trang trí lễ đài, vòng hoa, xe tang:
- Việc bố trí xe tang, xe đưa rước thân nhân, gia đình công chức, viên chức do Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (nếu công chức, viên chức từ trần thuộc các đơn vị tham mưu và các đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Văn phòng Đảng-Đoàn thể),Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực, Văn phòng các đơn vị sự nghiệp (nếu công chức, viên chức từ trần ở các đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực, các đơn vị sự nghiệp) phối hợp cùng gia đình thực hiện.
e) Tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu, lễ đưa tang, lễ hạ huyệt:
- Đại diện Kiểm toán Nhà nước viếng: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị vòng hoa, lễ viếng, đại diện các đoàn thể, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước tham gia đoàn viếng;
- Việc tổ chức đoàn viếng riêng của đơn vị chủ quản do Lãnh đạo đơn vị quyết định;
- Soạn thảo điếu văn: Đơn vị chủ quản chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và gia đình;
- Thủ trưởng đơn vị chủ quản có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (nếu công chức, viên chức từ trần ở các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Văn phòng Đảng-Đoàn thể), Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực, Văn phòng các đơn vị sự nghiệp (nếu công chức, viên chức từ trần ở các đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực, các đơn vị sự nghiệp) tham gia để cùng gia đình và các tổ chức liên quan tổ chức lễ tang chu đáo;
- Trường hợp gia đình tự đảm nhiệm tổ chức lễ tang, đơn vị chủ quản cử người tham gia giúp đỡ những việc cần thiết theo yêu cầu của gia đình và theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 11. Đối với cán bộ, công chức, viên chức đi công tác, học tập ở trong nước và nước ngoài
Các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đi công tác, học tập ở trong nước và ở ngoài nước nếu từ trần việc tổ chức tang lễ được tổ chức như sau:
1. Đối với công chức quy định tại Điều 8, Điều 9 Mục 2 của Quy chế này, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chủ trì phối hợp với địa phương để tổ chức lễ tang.
2. Đối với công chức quy định tại Điều 10 Mục 2 của Quy chế này, căn cứ từng trường hợp, Thủ trưởng đơn vị chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực, Văn phòng các đơn vị sự nghiệp) và Ban chấp hành công đoàn cùng cấp liên hệ với địa phương để tổ chức lễ tang.
3. Trường hợp có điều kiện thì đưa thi hài về nơi an táng theo nguyện vọng của gia đình.
Điều 12. Đối với thân nhân công chức Kiểm toán Nhà nước từ trần
Việc phúng viếng đối với thân nhân là: cha, mẹ (bên vợ, bên chồng), vợ, chồng, con của công chức Kiểm toán Nhà nước đang công tác và đã nghỉ hưu khi từ trần được thực hiện như sau:
1. Đối với thân nhân Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước
a) Cán bộ, công chức thông báo với Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ), Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo tham mưu Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tổ chức đoàn viếng; Văn phòng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm thông báo tới các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.
b) Thành phần đoàn viếng gồm: Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chủ trì, đại diện Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước, BCH Công đoàn KTNN, BCH Đoàn thanh niên Kiểm toán Nhà nước, Lãnh đạo các đơn vị tham gia đoàn viếng. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị phương tiện, vòng hoa, lễ viếng;
2. Đối với thân nhân lãnh đạo cấp Vụ, chuyên viên cao cấp và tương đương
a) Đối với thân nhân của công chức đang công tác:
- Công chức báo cáo cụ thể với Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo đơn vị báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) và thống nhất nội dung với Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tổ chức đoàn viếng. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm thông báo tới các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.
- Thành phần đoàn viếng gồm: Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chủ trì hoặc uỷ quyền cho 01 đồng chí Lãnh đạo cấp Vụ làm trưởng đoàn; Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước và các đơn vị tham gia. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị phương tiện, vòng hoa, lễ viếng;
- Việc tổ chức đoàn viếng riêng của đơn vị chủ quản do Lãnh đạo đơn vị quyết định;
b) Đối với thân nhân của công chức đã nghỉ hưu:
- Công chức báo cáo cụ thể với Lãnh đạo đơn vị quản lý công chức trước khi nghỉ hưu, Lãnh đạo đơn vị báo cáo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tổ chức đoàn viếng. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị phương tiện, vòng hoa, lễ viếng;
- Việc tổ chức đoàn viếng riêng của đơn vị chủ quản do Lãnh đạo đơn vị quyết định;
3. Thân nhân của lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở xuống
- Công chức báo cáo cụ thể với Lãnh đạo đơn vị chủ quản; Lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm thông báo tới các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.
- Việc tổ chức viếng được thực hiện như sau: Lãnh đạo đơn vị chủ trì thay mặt Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và đơn vị đến viếng, đại diện Công đoàn đơn vị, các phòng và cán bộ, công chức của đơn vị tham gia. Đơn vị chuẩn bị vòng hoa và lễ viếng.
4. Đối với thân nhân của công chức thuộc các đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực ở xa cơ quan Kiểm toán Nhà nước, việc tổ chức đoàn viếng được thực hiện như sau:
- Thân nhân của Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khu vực; trường hợp ở xa, thời gian an táng gấp, không bố trí được, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước uỷ quyền cho Lãnh đạo đơn vị chủ quản công chức có thân nhân từ trần thay mặt Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tổ chức phúng viếng;
- Thân nhân của công chức là lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở xuống, việc tổ chức phúng viếng do Lãnh đạo đơn vị chủ trì tổ chức.
Điều 13. Nguồn kinh phí
1. Các khoản kinh phí về thăm hỏi, chia buồn được sử dụng nguồn quỹ do công đoàn quản lý.
2. Các đối tượng quy định tại Điều 8 Mục 2 của Quy chế này chi phí lễ tang thực hiện theo Điều 46 Nghị định 105.
3. Các đối tượng quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Mục 2 của Quy chế này chi phí lễ tang thực hiện theo Điều 56 Nghị định 105. Các khoản chi phí theo yêu cầu của gia đình vượt quá mức quy định của Nhà nước do gia đình đảm nhiệm
.
Mục 3. TỔ CHỨC CÁC NGÀY LỄ KỶ NIỆM
Điều 14. Yêu cầu của việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm
- Việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm phải đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức; có ý nghĩa tôn vinh sự kiện;
- Việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm phải mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng; gắn với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc trong lễ kỷ niệm.
Điều 15. Tổ chức các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của các tổ chức và các ngành có liên quan
Việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm của đất nước chỉ tổ chức vào các năm lẻ 5, tròn 10; các năm lẻ khác không tổ chức. Các đơn vị, bộ phận có liên quan có trách nhiệm trình Ban Cán sự đảng, Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho ý kiến chỉ đạo.
Các năm còn lại, căn cứ vào tình hình thực tế của từng năm, các đơn vị, bộ phận có liên quan trình Ban Cán sự đảng, Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho ý kiến chỉ đạo.
Điều 16. Tổ chức kỷ niệm “Ngày thành lập Kiểm toán Nhà nước”; ngày thành lập các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước
Việc tổ chức kỷ niệm “Ngày thành lập Kiểm toán Nhà nước”; ngày thành lập các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước chỉ tổ chức vào các năm lẻ 5, tròn 10; các năm lẻ khác không tổ chức. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trình Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo thực hiện.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện tốt Quy chế này.
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình, cộng đồng dân cư nghiêm túc thực hiện Quy chế này.
2. Ban chấp hành Công đoàn chủ trì phối hợp vớiThủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.