BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN --------------------- Số: 2050/QĐ-TCHQ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH NỘI QUY CỦA CƠ QUAN TỔNG CỤC HẢI QUAN
---------------------
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 nă1m 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 2980/QĐ-TCHQ ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế làm việc của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ yêu cầu quản lý, sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan Tổng cục Hải quan;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Tổng cục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy của cơ quan Tổng cục Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, thủ trưởng các đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Lãnh đạo TCHQ; - Các đơn vị thuộc TCHQ (để thực hiện); - Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn TN cơ quan TCHQ (để phối hợp thực hiện); - Lưu.VT, VP (5b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguyễn Dương Thái |
NỘI QUY
CƠ QUAN TỔNG CỤC HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2050/QĐ-TCHQ ngày 17 tháng 9 năm 2012
của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Nội quy này quy định về thời giờ làm việc, vào ra, đón tiếp khách, sử dụng trang thiết bị, giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện văn hóa công sở tại trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan.
Điều 2. Đối tượng điều chỉnh.
1. Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các Vụ, Cục, đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan làm việc tại trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan (sau đây gọi là cán bộ, nhân viên);
2. Nhân viên, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị có giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cho Tổng cục Hải quan khi làm việc tại trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan, ngoài việc thực hiện đúng các nội dung ký kết trong hợp đồng cung cấp dịch vụ phải chấp hành nghiêm các quy định tại Nội quy này;
3. Đại diện các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài Ngành đến trụ sở Tổng cục Hải quan thăm, làm việc với cá nhân, đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan;
4. Ngoài việc phải chấp hành các quy định tại Nội quy này, các đối tượng nêu trên tùy theo vị trí, nhiệm vụ và quyền hạn còn phải thực hiện các quy định pháp luật có liên quan.
Điều 3. Các hành vi bị cấm.
1. Gây mất an ninh, trật tự trong khu vực cơ quan;
2. Mang chất nổ, chất dễ cháy, chất độc hại, nguy hiểm vào cơ quan;
3. Đánh bài dưới mọi hình thức;
4. Uống rượu, bia trong giờ làm việc;
5. Hút thuốc lá trong khu vực có điều hòa không khí, thang máy, tầng hầm.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Thời giờ làm việc.
1. Trong ngày làm việc, đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nội quy này thực hiện:
a) Buổi sáng: làm việc từ 08 giờ 00 phút đến 12 giờ 00 phút;
b) Buổi chiều: làm việc từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nội quy này (trừ lãnh đạo Tổng cục) có nhu cầu làm việc sau 18 giờ 00 (ngày làm việc) hoặc trong ngày nghỉ phải có văn bản (do lãnh đạo đơn vị ký) đăng ký với Văn phòng Tổng cục. Văn bản phải ghi cụ thể thời gian, danh sách người làm việc để Văn phòng Tổng cục quản lý và tổ chức phục vụ công tác theo quy định.
Khi rời khỏi trụ sở cơ quan Tổng cục, cán bộ, nhân viên phải ký xác nhận thời gian làm việc ngoài giờ tại sổ đăng ký của bảo vệ cơ quan.
3. Đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nội quy này tùy theo yêu câu công việc để đăng ký thời gian, số người làm việc tại trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan với Văn phòng Tổng cục theo quy định.
Điều 5. Quy định việc vào ra, để xe trong cơ quan.
1. Khi vào - ra trụ sở cơ quan:
a) Cán bộ, nhân viên phải đeo công chức hoặc thẻ nhân viên trước ngực, bên ngoài áo khi vào - ra cơ quan và trong suốt thời gian làm việc tại trụ sở cơ quan; cán bộ, nhân viên đi ô tô đến cơ quan khi qua cổng bảo vệ phải xuất trình hoặc để thẻ kiểm soát xe ô tô ở vị trí dễ quan sát để nhân viên bảo vệ kiểm tra;
b) Khách đến làm việc, dự họp hoặc liên hệ công tác phải xuất trình giấy tờ tùy thân hợp pháp (giấy giới thiệu, giấy mời họp, thẻ công chức hoặc giấy chứng minh nhân dân) cho nhân viên bảo vệ.
2. Việc để xe trong cơ quan:
a) Xe ô tô của cơ quan và xe ô tô của cán bộ, nhân viên để tại tầng G1;
b) Xe gắn máy, xe đạp của cán bộ, nhân viên để tại tầng G2;
c) Cán bộ, nhân viên phải để xe đúng khu vực quy định đã kẻ vạch, không để xe chắn đường đi lại, đường thoát hiểm; khi gửi xe máy phải nhận vé xe trước khu vực gửi xe và khi lấy xe ra trả vé tại cổng bảo vệ; khi gửi xe ô tô phải xuất trình thẻ kiểm soát xe ô tô do cơ quan cấp. Trường hợp cán bộ, nhân viên làm mất vé gửi xe máy hoặc mất thẻ kiểm soát xe ô tô sẽ phải chịu chi phí làm lại vé, thẻ theo quy định.
Trong khi chờ hoàn thiện các hạng mục ở khu vực đỗ xe, cán bộ, nhân viên và khách đến liên hệ công tác gửi xe theo sự hướng dẫn của nhân viên bảo vệ để đảm bảo trật tự;
d) Nghiêm cấm để phương tiện cá nhân trong cơ quan ngoài giờ làm việc (trừ trường hợp cán bộ, nhân viên làm ngoài giờ hoặc do đi công tác đột xuất phải để phương tiện ở cơ quan).
Điều 6. Đón tiếp khách.
1. Khách đến thăm, làm việc bao gồm các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đến thăm, làm việc với Tổng cục Hải quan.
2. Tổ chức đón tiếp khách:
a) Khi có khách đến cơ quan, nhân viên bảo vệ hướng dẫn khách ra khu vực đỗ xe, kiểm tra an ninh và hướng dẫn khách đi vào tiền sảnh;
b) Khi khách vào tiền sảnh, nhân viên lễ tân nhận giấy tờ tùy thân của khách để vào sổ đăng ký, phát thẻ khách và thông báo cho đơn vị, cá nhân mà khách liên hệ công tác xuống khu vực lễ tân đón khách;
c) Khi khách về, nhân viên lễ tân thu thẻ và trả khách giấy tờ tùy thân.
3. Phân công tổ chức đón tiếp khách.
3.1. Đối với khách là Lãnh đạo cấp cao từ Bộ trưởng và tương đương trở lên, Tổng cục trưởng Hải quan các nước đến thăm, làm việc:
a) Nếu đã có chương trình, kế hoạch từ trước, Lãnh đạo Tổng cục và Lãnh đạo Văn phòng (nếu là khách trong nước) hoặc Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế (nếu là khách nước ngoài) đón khách tại sảnh, dành thang máy ưu tiên, trải thảm đỏ và tổ chức các lễ nghi theo quy định;
b) Nếu khách đến thăm hoặc làm việc đột xuất không có chương trình từ trước, nhân viên bảo vệ và nhân viên lễ tân kịp thời báo cáo Lãnh đạo Văn phòng Tổng cục và đơn vị có liên quan để tổ chức đón tiếp khách.
3.2. Đối với khách ngoại giao (các đoàn khách ngoại giao, Đại sứ các nước) đến thăm, làm việc với Tổng cục Hải quan: Tổ chức đón tiếp theo quy định của Bộ Tài chính và Quy chế phối hợp hoạt động hợp tác quốc tế trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 2359/QĐ-TCHQ ngày 01/12/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Vụ Hợp tác quốc tế đề xuất, phối hợp với đơn vị có liên quan và Văn phòng Tổng cục để tổ chức các nghi lễ đón khách tại tiền sảnh và đưa khách đến phòng khách quốc tế. Khi khách về, Vụ Hợp tác quốc tế tiễn khách tại tiền sảnh.
3.3. Đối với khách là tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác hoặc các đoàn khách quốc tế đến làm việc với các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục:
a) Khách đăng ký đến làm việc với Lãnh đạo Tổng cục: Thực hiện theo khoản 1, 2 Điều 32 theo Quyết định số 2980/QĐ-TCHQ ngày 15/11/2010 của Tổng cục trường Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế làm việc của Tổng cục Hải quan. Khi khách đến, cán bộ thư ký hoặc giúp việc lãnh đạo Tổng cục thông báo danh sách và thời gian khách đến cho lễ tân biết. Nhân viên lễ tân phối hợp với cán bộ thư ký hoặc giúp việc Lãnh đạo Tổng cục hướng dẫn, đưa khách vào phòng họp hoặc phòng tiếp khách;
b) Khách đến dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo: Đơn vị được giao chủ trì hoặc ban tổ chức cử cán bộ đến khu vực lễ tân đăng ký và đưa khách vào phòng họp, hội thảo;
c) Khách của đơn vị hoặc cá nhân đến làm việc: Đơn vị cử người đến khu vực lễ tân đón tiếp khách tại tầng 1. Trường hợp cần thiết phải mời khách lên phòng làm việc của đơn vị hoặc cá nhân thì phải cử cán bộ xuống đăng ký với lễ tân và đưa khách lên phòng;
d) Khách nước ngoài đến làm việc nhưng không có hẹn trước: Nhân viên lễ tân liên hệ với Vụ Hợp tác quốc tế để cử cán bộ xuống tìm hiểu và thông báo cho đơn vị chức năng liên quan để tiếp, làm việc.
3.4. Công dân đến khiếu nại, tố cáo: Nhân viên lễ tân hướng đẫn khách đến khu vực chờ và liên hệ với Thanh tra Tổng cục để cử cán bộ tiếp khách theo quy định.
4. Khi khách về, người đã đón khách phải tiễn khách đến lễ tân để trả thẻ khách và nhận lại giấy tờ tùy thân.
Điều 7. Sử dụng phòng họp, phòng tiếp khách (sau đây gọi chung là phòng họp).
1. Đăng ký sử dụng phòng họp.
a) Các đơn vị có nhu cầu sử dụng phòng họp phải trực tiếp đăng ký lịch trên mạng Netoffice (điền đầy đủ, chi tiết thông tin theo mẫu) thông qua Văn phòng để xác nhận và tổ chức phục vụ. Việc đăng ký lịch do đơn vị được giao chủ trì nội dung thực hiện;
b) Các đơn vị chỉ gửi giấy mời họp sau khi đã được Văn phòng Tổng cục xác nhận việc bố trí phòng họp, phòng tiếp khách;
c) Trường hợp vì lý do đột xuất không thể bố trí phòng họp, Văn phòng Tổng cục kịp thời thông báo cho đơn vị đăng ký biết để điều chỉnh thời gian họp, tiếp khách;
d) Hạn chế tối đa việc thay đổi bàn ghế theo công năng được bố trí của phòng họp.
2. Thời gian gửi đăng ký sử dụng phòng họp.
a) Cuộc họp, tiếp khách trong giờ hành chính, đơn vị chủ trì phải đăng ký lịch trước tối thiểu 4 giờ;
b) Các cuộc họp, tiếp khách ngoài giờ hành chính hoặc phòng họp có yêu cầu sắp xếp lại bàn ghế, trang trí maket, chuẩn bị âm thanh, máy chiếu... phải gửi thông báo tới Văn phòng trước ít nhất 01 ngày làm việc;
c) Các cuộc họp đột xuất do lãnh đạo Tổng cục yêu cầu, Thư ký hoặc cán bộ giúp việc lãnh đạo Tổng cục hoặc đơn vị chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung phải kịp thời thông báo với Văn phòng Tổng cục (phòng Tài vụ Quản trị).
3. Quy định về bố trí phòng họp. a) Các hội nghị, hội thảo, cuộc họp của Tổng cục do lãnh đạo Tổng cục chủ trì, cuộc họp có nội dung liên quan từ hai đơn vị trở lên, cuộc họp do đơn vị Vụ, Cục và tương đương đại diện Tổng cục chủ trì họp xử lý công việc với đơn vị ngoài được bố trí phòng họp chung, phòng khách của Tổng cục;
b) Các cuộc họp nội bộ, giao ban... của đơn vị nào thì tổ chức họp tại phòng họp của đơn vị đó. Trường hợp cuộc họp của đơn vị nhưng cần sử dụng phòng họp chung thì phải đăng ký với Văn phòng Tổng cục (qua phòng Tổng hợp);
c) Khi Tổng cục đồng thời có nhiều cuộc họp, tiếp khách, Văn phòng Tổng cục sử dụng phòng họp của các đơn vị vào mục đích chung;
d) Đơn vị sử dụng phòng họp và cán bộ dự họp phải có trách nhiệm bảo quản các thiết bị trong phòng họp, không được tự ý điều chỉnh, thay đổi hệ thống thiết bị trong phòng họp; trường hợp cần thiết, phải có sự thống nhất của Văn phòng Tổng cục.
Điều 8. Tổ chức phục vụ các phòng họp.
1. Văn phòng Tổng cục có trách nhiệm tổ chức phục vụ phòng họp đối với các cuộc họp chung của Tổng cục.
2. Khi nhận được yêu cầu sử dụng phòng họp, Văn phòng Tổng cục kiểm tra phòng họp, hệ thống thiết bị như điện, điều hòa, chuẩn bị bảng chiếu, bảng tên, đèn chiếu, thiết bị âm thanh, khánh tiết đảm bảo đáp ứng yêu cầu cuộc họp.
3. Công việc chuẩn bị phòng họp phải hoàn tất trước giờ họp tối thiểu 15 phút đối với cuộc họp thông thường và trước giờ họp 30 phút đối với các cuộc họp quan trọng.
4. Trong giờ họp, nhân viên phục vụ và nhân viên kỹ thuật phải trực sẵn sàng để phục vụ.
5. Đối với cuộc họp, tiếp khách sau đây yêu cầu nhân viên phục vụ phải mặc áo dài: Hội nghị sơ kết, tổng kết; cuộc họp có nhiều ngành tham dự; đón tiếp Bộ trưởng và tương đương trở lên, khách nước ngoài từ cấp Đại sứ, Phó Tổng cục trưởng Hải quan trở lên và khi lãnh đạo yêu cầu.
6. Đơn vị đăng ký phòng họp phải cung cấp danh sách đại biểu để Văn phòng Tổng cục làm biển tên (nếu cần thiết) và chủ động kiểm tra phòng trước giờ họp.
Điều 9. Tổ chức phục vụ phòng làm việc của lãnh đạo Tổng cục.
1. Văn phòng Tổng cục có trách nhiệm:
a) Đảm bảo vệ sinh và các trang thiết bị trong phòng làm việc;
b) Đảm bảo điều kiện phục vụ lãnh đạo Tổng cục tiếp khách và thu dọn sau khi tiếp khách xong;
c) Thực hiện tốt công tác bảo mật, không được tùy tiện sử dụng hồ sơ, tài liệu, sách báo và các trang thiết bị trong phòng lãnh đạo Tổng cục.
2. Khi lãnh đạo Tổng cục làm việc ngoài giờ, Thư ký hoặc cán bộ giúp việc lãnh đạo Tổng cục phải kịp thời thông báo các bộ phận liên quan để tổ chức phục vụ theo yêu cầu.
Điều 10. Quản lý, sử dụng điện, nước, điều hòa.
1. Toàn bộ hệ thống điện, hệ thống máy móc thiết bị trong tòa nhà và hệ thống điện chiếu sáng các phòng làm việc, phòng họp, khu vực công cộng (tầng hầm, sân vườn, đường đi và tường rào...) phải được quản lý sử dụng an toàn, tiết kiệm.
Hệ thống chiếu sáng bên ngoài tòa nhà và khu vực công cộng được bật từ 18 giờ 30 phút vào mùa hè, từ 18 giờ 00 vào mùa đông và phải được tắt trước 05 giờ 00 phút sáng vào mùa hè, 05 giờ 30 phút sáng vào mùa đông.
2. Cán bộ, nhân viên phải chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng điện:
a) Trước khi ra về phải kiểm tra và ngắt tất cả các thiết bị điện hiện có thuộc khu vực làm việc (như máy tính, máy in, máy photocopy, điều hòa nhiệt độ ...);
b) Không được tự ý sửa chữa các hệ thống điện hiện có trong phòng; không được mua sắm các thiết bị điện về thay thế, sử dụng;
c) Không được để tài liệu, giấy tờ, vật dụng dễ cháy gần hoặc đè lên các hệ thống ổ cắm, dây dẫn điện ... để tránh gây chập cháy điện;
d) Không được mở các cửa sổ phòng làm việc và các cửa kính của hành lang khi đang sử dụng điều hòa;
e) Không nấu ăn, sắc thuốc... trong phòng làm việc để tránh quá tải điện, gây cháy nổ.
3. Khi có sự cố chập nổ điện, mất điện phải kịp thời thông báo cho đơn vị quản lý để sửa chữa, khắc phục.
4. Khi dùng nước xong phải khóa vòi nước (kể cả trường hợp không có nước). Nhân viên tạp vụ vệ sinh các phòng phải kiểm tra hệ thống vòi nước tại các khu vực vệ sinh trước khi ra về.
Điều 11. Quản lý, sử dụng thang máy.
1. Khi sử dụng thang máy, cán bộ, nhân viên phải chấp hành các quy định sau:
a) Ấn nút có hình mũi tên lên hoặc hình mũi tên xuống đúng chiều cần đi, không được ấn đồng thời cả 2 nút điều khiển lên và xuống, không được bấm và giữ liên tục hoặc gõ mạnh vào các nút gọi;
b) Khi ra vào thang máy phải trật tự, người đến trước đi trước, không chen lấn, xô đẩy; lưu ý ưu tiên cho cán bộ cấp trên, phụ nữ có thai, người lớn tuổi. Khi đứng chờ ở cửa thang máy cần đứng gọn về một phía chờ người trong thang đi ra (nếu có) rồi mới đi vào. Khi có chuông báo quá tải, số người vào sau phải ra bớt để bảo đảm an toàn;
c) Khi thang bị kẹt ở trạng thái không đóng - mở cửa tự động được, người trong thang phải bình tĩnh bấm nút chuông cứu hộ (Interphone), sau đó gọi loa ra ngoài chờ nhân viên kỹ thuật cứu hộ đến xử lý mở cửa, không được tự động dùng bất cứ một vật cứng nào để cậy cửa và đập cửa thang máy;
2. Sau 17 giờ 30 phút hàng ngày, số thang máy hoạt động sẽ được tiết giảm.
Điều 12. Quản lý, sử dụng hệ thống thiết bị âm thanh, máy chiếu.
1. Các đơn vị có nhu cầu sử dụng hệ thống âm thanh, máy chiếu phục vụ các phòng họp, hội thảo, tiếp khách (máy chủ tọa, máy đại biểu, cabin phiên dịch, máy ghi âm, tai nghe, micro (có hoặc không dây)..., phải đăng ký với Văn phòng trước 01 ngày. Khi nhận được đăng ký, cán bộ kỹ thuật âm thanh chuẩn bị và hướng dẫn cho người sử dụng thiết bị nếu không trực tiếp vận hành. Khi dự họp không tự ý sử dụng hoặc điều chỉnh hệ thống âm thanh đã được cài đặt sẵn.
2. Hệ thống âm thanh công cộng được bố trí gắn trên trần phòng làm việc để thông báo tới cán bộ, nhân viên về các thông tin chung khi cần thiết như: triệu tập hội nghị, sinh hoạt tập thể; thông báo tình trạng sự cố an ninh, an toàn (nếu có). Cán bộ, nhân viên không được tự ý tháo lắp, che phủ hoặc làm biến dạng, thay đổi vị trí đã lắp đặt.
Điều 13. Quản lý, sử dụng hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống mạng.
Các máy photocopy, máy tính, máy in, máy scan, máy Fax, máy điện thoại, máy hút ẩm, máy hủy tài liệu... (gọi chung là máy thiết bị văn phòng) được cơ quan trang bị cho các cá nhân và đơn vị sử dụng để phục vụ công tác chuyên môn của cơ quan. Yêu cầu cán bộ, nhân viên phải sử dụng máy đúng mục đích và tuân thủ các quy định về sử dụng máy thiết bị văn phòng cụ thể sau đây:
1. Đối với máy Photocopy:
a) Cán bộ, nhân viên khi vận hành máy photocopy chịu trách nhiệm sử dụng, bảo quản máy an toàn, hiệu quả, đúng tính năng.
b) Thực hiện chụp 02 mặt đối với tài liệu gốc có từ 02 trang trở lên.
c) Khi máy bị kẹt giấy không được dùng dao, kéo hoặc vật cứng để cậy, lôi giấy. Khi máy bị hỏng nếu do lỗi kỹ thuật phải báo cho Văn phòng Tổng cục để xử lý; nếu do người sử dụng làm hỏng phải đền bù bằng vật chất theo quy định.
d) Đối với hệ thống máy Photocopy sử dụng chung của cơ quan: thực hiện theo Nội quy quy định tại Phòng sao chụp văn bản.
2. Đối với máy vi tính và máy in:
a) Yêu cầu sử dụng đúng tính năng, bảo đảm an toàn và chỉ sử dụng phục vụ cho công tác;
b) Khi máy tính, máy in bị hư hỏng không được tự sửa chữa mà phải báo ngay cho Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan đến kiểm tra, xử lý;
c) Đối với máy in phải sử dụng đúng chủng loại mực. Không dùng máy in thay máy photo để in nhiều tập tài liệu.
3. Sử dụng máy xén giấy hủy tài liệu:
Tài liệu bị hư hỏng, bản nháp, tài liệu quá thời gian sử dụng phải tuân thủ quy chế hủy tài liệu của nhà nước; Cần nghiên cứu sử dụng máy đúng quy trình kỹ thuật quy định.
4. Quản lý sử dụng thiết bị thông tin liên lạc:
Điện thoại trang cấp cho từng cá nhân và máy Fax trang cấp cho các đơn vị để phục vụ công tác thông tin liên lạc của cơ quan. Yêu cầu cán bộ, nhân viên thực hiện tốt quy định:
a) Máy điện thoại: Khi máy hỏng cá nhân không được tự động sửa chữa mà phải báo cho Văn phòng Tổng cục để sửa chữa;
b) Máy Fax: Chấp hành chế độ bảo mật thông tin, tuyệt đối không được fax các văn bản có chế độ mật. Đối với các văn bản có yêu cầu độ mật nếu cần fax thì phải sử dụng hệ thống máy cơ yếu;
c) Nghiêm cấm cán bộ, nhân viên sử dụng máy điện thoại, máy fax cơ quan vì mục đích cá nhân;
d) Hệ thống khuyếch đại tín hiệu thông tin liên lạc (GSM) được lắp đặt tại các tầng để tăng chất lượng thu tín hiệu sóng máy điện thoại di động trong tòa nhà. Cán bộ, nhân viên không được tự ý tháo lắp thay đổi nguyên trạng bộ đầu khuyếch đại sóng được gắn trên trần phòng làm việc.
5. Đối với hệ thống mạng:
a) Cán bộ, nhân viên được trực tiếp khai thác sử dụng, nghiên cứu thông tin trên các trang mạng để phục vụ công tác chuyên môn;
b) Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan có trách nhiệm lắp đặt, sửa chữa, cài đặt, nâng cấp, duy trì toàn bộ hệ thống mạng của cơ quan.
Điều 14. Quản lý, sử dụng hệ thống camera quan sát và hệ thống thu, truyền hình.
1. Hệ thống camera hoạt động và giám sát 24/24 giờ hàng ngày. Hình ảnh quan sát được lưu trữ thời hạn tối thiểu 06 tháng trong hệ thống tại trung tâm và được coi là bằng chứng để kiểm tra quản lý và xử lý các sự việc liên quan (nếu có).
2. Hệ thống thu, truyền hình:
a) Hệ thống thu, truyền hình được lắp đặt tại các phòng làm việc của cán bộ lãnh đạo từ cấp Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương trở lên và tại các khu vực chung như phòng khách, phòng họp, hội trường, nhà ăn... để hiển thị các kênh thông tin từ truyền hình cáp;
b) Hệ thống thu, truyền hình chỉ được bật trong giờ hành chính. Đối với máy thu, truyền hình lắp đặt trong phòng làm việc của cán bộ cấp Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương trở lên thì cá nhân chủ động sử dụng theo yêu cầu công việc. Đối với hệ thống thu, truyền hình lắp đặt tại các khu vực chung đơn vị quản lý có trách nhiệm bật tắt và kiểm tra tình trạng hoạt động của màn hình hiển thị;
c) Khi mất tín hiệu thu, truyền hình phải kịp thời báo về đơn vị quản lý đểxử lý.
3. Cán bộ, công chức không được tự ý tháo lắp, che phủ hay thay đổi hiện trạng hiệu chỉnh hoặc làm biến dạng của camera và máy thu, truyền hình đã được lắp đặt tại các vị trí.
Điều 15. Quản lý, sử dụng hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
1. Cán bộ, nhân viên phải thực hiện nghiêm nội quy phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội quy PCCC tại đơn vị mình.
2. Văn phòng Tổng cục có trách nhiệm xây dựng phương án PCCC của cơ quan; tổ chức hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên sử dụng các phương tiện chữa cháy; tổ chức diễn tập phương án PCCC trong cơ quan.
Điều 16. Bảo quản tài sản, trang thiết bị.
Cán bộ, nhân viên làm việc tại trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan có trách nhiệm bảo quản các tài sản được trang cấp cho cá nhân và các tài sản chung trong phòng làm việc. Trước khi về phải đóng hết cửa sổ và chốt khóa các cửa ra vào. Nghiêm cấm mang trang thiết bị, tài sản của cơ quan ra ngoài trụ sở cơ quan. Trường hợp mang ra ngoài phục vụ công tác phải báo cáo người có thẩm quyền, đồng thời đăng ký với Văn phòng Tổng cục (Phòng Tài vụ Quản trị) để theo dõi, quản lý theo quy định.
Điều 17. Quy định về thực hiện văn hóa công sở.
1. Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động phải thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của công chức hải quan.
2. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử tại đơn vị mình.
3. Văn phòng Tổng cục chủ trì phối hợp với Thanh tra nhân dân và Công đoàn cơ quan Tổng cục Hải quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định về văn hóa công sở, khi phát hiện cá nhân vi phạm tiến hành xử lý theo quy định.
Điều 18. Vệ sinh bên trong và bên ngoài tòa nhà
1. Trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong việc giữ gìn vệ sinh tại nơi làm việc và khu vực công cộng:
a) Hàng ngày tự vệ sinh sàn nhà, bàn ghế, tủ, các thiết bị được trang cấp và tổng vệ sinh phòng làm việc vào chiều Thứ Sáu hàng tuần;
b) Có trách nhiệm thu gom rác thải trong phòng chuyển ra thùng rác đặt tại các hành lang;
c) Không đổ nước chè, cà phê và các chất khó tẩy rửa xuống sàn nhà, hành lang, tường nhà và khu vệ sinh.
2. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, nhân viên của đơn vị thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường cơ quan; tham gia giám sát công tác phục vụ vệ sinh của nhân viên phục vụ trong khu vực làm việc của đơn vị.
3. Văn phòng Tổng cục có trách nhiệm:
a) Tổ chức công tác vệ sinh hàng ngày tại khu vực làm việc của Lãnh đạo Tổng cục; lãnh đạo cấp Vụ, Cục; toàn bộ các phòng họp chung của cơ quan;
b) Quản lý, kiểm tra giám sát các đơn vị dịch vụ làm sạch toàn bộ khuôn viên cơ quan;
c) Phối hợp với Thanh tra Tổng cục, Ban Thanh tra nhân dân, Vụ Tổ chức cán bộ, Công đoàn cơ quan Tổng cục Hải quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định về vệ sinh cơ quan.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Khen thưởng, xử lý vi phạm
1. Cán bộ, nhân viên và đơn vị chấp hành tốt quy định tại Nội quy này sẽ được biểu dương, khen thưởng.
2. Trường hợp vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật. Nếu gây mất mát, hư hỏng tài sản của cơ quan sẽ phải bồi thường và xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Tất cả các biên bản xử lý vi phạm, các thông báo đôn đốc, nhắc nhở thực hiện về quản lý và sử dụng trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan được sao chụp, gửi về các đơn vị và Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng của cơ quan Tổng cục Hải quan để theo dõi chấm điểm thi đua.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nội quy này.
2. Cán bộ, nhân viên làm việc tại trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan và các cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy định tại Nội quy này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các đơn vị, cá nhân có văn bản gửi Văn phòng Tổng cục để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục xem xét, quyết định.