hieuluat

Quyết định 4920/QĐ-BVHTTDL Rà soát chuyển một số dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp và tổ chức xã hội đảm nhiệm

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịchSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:4920/QĐ-BVHTTDLNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Ngọc Thiện
    Ngày ban hành:27/12/2018Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:27/12/2018Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính, Văn hóa-Thể thao-Du lịch
  • BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
    VÀ DU LỊCH
    -------

    Số: 4920/QĐ-BVHTTDL

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2018

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “RÀ SOÁT CHUYỂN MỘT SỐ DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, GIA ĐÌNH, THỂ DỤC THỂ THAO VÀ DU LỊCH KHÔNG NHẤT THIẾT NHÀ NƯỚC PHẢI THỰC HIỆN CHO DOANH NGHIỆP VÀ TỔ CHỨC XÃ HỘI ĐẢM NHIỆM”

    -----------------------

    BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

     

    Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch;

    Căn cứ Quyết định số 868/QĐ-BVHTTDL ngày 19/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai các Chương trình hành động của Chính phủ kèm theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ;

    Căn cứ Quyết định số 3901/QĐ-BVHTTDL ngày 17/10/2018 của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt đề cương Đề án “Rà soát chuyển một số dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và tổ chức xã hội đảm nhiệm”;

    Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Phê duyệt Đề án “Rà soát chuyển một số dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và tổ chức xã hội đảm nhiệm” (sau đây gọi tắt là Đề án rà soát).

    Điều 2. Các đơn vị có liên quan căn cứ Đề án đã được phê duyệt tổ chức, chỉ đạo thực hiện Đề án rà soát đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, quy trình và thủ tục theo quy định hiện hành.

    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

    Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Ban soạn thảo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    Nơi nhận:
    - Như Điều 4;
    - Bộ trưởng (để báo cáo);
    - Lưu: VT, VP (KSTTHC), TN.40.

    BỘ TRƯỞNG




    Nguyễn Ngọc Thiện

     

     

    ĐỀ ÁN

    “RÀ SOÁT CHUYỂN MỘT SỐ DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, GIA ĐÌNH, THỂ DỤC THỂ THAO VÀ DU LỊCH KHÔNG NHẤT THIẾT NHÀ NƯỚC PHẢI THỰC HIỆN CHO DOANH NGHIỆP VÀ CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI ĐẢM NHIỆM”
    (Kèm theo Quyết định số 4920/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

     

    Phần I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

     

    I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

    1. Dịch vụ hành chính công (viết tắt là DVHCC) là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan Nhà nước đó quản lý. Mỗi DVHCC gắn liền với một thủ tục hành chính (viết tắt là TTHC) để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.1

    Việc rà soát, đề xuất chuyển giao một số DVHCC không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm cần được tiến hành thận trọng, khoa học, bảo đảm cơ sở pháp lý và phục vụ tốt hơn nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

    2. Rà soát chuyển một số DVHCC không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm là nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

    3. Thực hiện Đề án rà soát chuyển một số DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm đã được xác định tại Quyết định số 868/QĐ-BVHTTDL ngày 19/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai các Chương trình hành động của Chính phủ kèm theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là nền tảng cho những cải cách sâu rộng, thực chất của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

    II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

    1. Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ

    - Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

    - Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

    - Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

    2. Văn bản quy phạm pháp luật

    - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

    - Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.

    - Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009.

    - Luật Điện ảnh năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009.

    - Luật Quảng cáo năm 2012.

    - Luật Du lịch năm 2017.

    - Luật Thể dục thể thao năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao.

    - Pháp lệnh Thư viện năm 2000.

    - Các Luật, văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (Phụ lục Danh mục kèm theo).

    3. Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Quyết định số 868/QĐ-BVHTTDL ngày 19/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai các Chương trình hành động của Chính phủ kèm theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ.

    III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI RÀ SOÁT

    1. Đối tượng

    - Các DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch do các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch đang thực hiện từ cấp trung ương đến địa phương với kết quả thực hiện TTHC là: Giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, biên bản giám định, giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, thẻ hành nghề, quyết định (xét tặng, công nhận, cho phép, đồng ý...), văn bản (phê duyệt, chấp thuận, phúc đáp...).

    - Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thực hiện DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

    - Quy trình thực hiện DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của các cơ quan quản lý Nhà nước.

    - Hệ thống cơ cấu, tổ chức, bộ máy và nhân lực phục vụ cho hoạt động cung cấp DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

    - Cơ chế tài chính phục vụ cho hoạt động cung cấp DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

    - Mức độ cần thiết trong việc chuyển giao DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

    2. Phạm vi

    - Toàn bộ các DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch bao gồm cả cấp trung ương và địa phương, với kết quả thực hiện TTHC là: Giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, biên bản giám định, giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, thẻ hành nghề, quyết định (xét tặng, công nhận, cho phép, đồng ý...), văn bản (phê duyệt, chấp thuận, phúc đáp...) đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công bố TTHC theo quy định hiện hành.

    - Thời gian rà soát, đánh giá thực trạng từ năm 2017 đến nay.

    IV. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

    1. Quan điểm

    - Hệ thống hóa, rà soát, đánh giá thực trạng các DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch nhằm xác định và chuyển giao một số DVHCC không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

    - Việc rà soát, đề xuất chuyển một số DVHCC không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm phải bám sát chủ trương, chỉ đạo tại các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

    2. Mục tiêu

    - Xác định sự cần thiết, hợp lý, hiệu quả của DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

    - Xác định những DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện.

    - Xác định một số DVHCC có thể chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

    - Xác định cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung khi thực hiện chuyển giao DVHCC cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

    3. Nhiệm vụ

    - Hệ thống hóa các DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch cấp trung ương và địa phương đang thực hiện, với kết quả thực hiện TTHC là: Giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, biên bản giám định, giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, thẻ hành nghề, quyết định hành chính (xét tặng, công nhận, cho phép, đồng ý...), văn bản (phê duyệt, chấp thuận, phúc đáp...).

    - Rà soát, đánh giá về chính sách, văn bản pháp luật, hoạt động cung cấp DVHCC.

    - Rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện cung cấp DVHCC.

    - Rà soát, đánh giá về chính sách, cơ chế tài chính thực hiện DVHCC hiện nay.

    - Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện DVHCC do cơ quan Nhà nước thực hiện.

    - Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi chuyển giao một số DVHCC cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

    - Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng, từ đó phân tích, đưa ra nhận định, đề xuất chuyển giao DVHCC cụ thể trong lĩnh hoạt động ngành được giao theo dõi, quản lý cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm. Nêu lý do, tính hợp lý những DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện.

    - Đề xuất các giải pháp về chính sách, pháp luật, cơ chế tài chính, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin và tuyên truyền phổ biến để triển khai thực hiện việc chuyển giao.

    - Triển khai thực hiện Đề án đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

    V. SẢN PHẨM CỦA ĐỀ ÁN

    Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Rà soát chuyển một số dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm”.

     

    Phần II. THỰC TRẠNG CUNG CẤP DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, GIA ĐÌNH, THỂ DỤC THỂ THAO VÀ DU LỊCH

     

    A. LĨNH VỰC VĂN HÓA

    I. DI SẢN VĂN HÓA

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực di sản văn hóa

    Tổng số: 27 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 13 (phụ lục 1).

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 12.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 01.

    b) Cấp địa phương: 14 (phụ lục 2).

    - Cấp tỉnh: 14.

    - Cấp huyện: 0.

    - Cấp xã: 0.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động di sản văn hóa

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC: 13 TTHC cấp trung ương và 14 TTHC cấp địa phương trong lĩnh vực di sản văn hóa được quy định cụ thể, rõ ràng, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, trên Website của Cục Di sản văn hóa, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan có thẩm quyền tại địa phương là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh/thành phố. Về quy trình, thủ tục cung cấp DVHCC được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong kỳ hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay):

    + Cấp trung ương: Có 08 thủ tục không phát sinh hồ sơ, 05 thủ tục có phát sinh với 72 hồ sơ được giải quyết, trong đó: Cấp 65 Giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ; Công nhận 01 bảo vật quốc gia đối với bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Công nhận 04 bảo vật quốc gia đối với bảo tàng quốc gia; 01 thủ tục đưa bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng quốc gia ra nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam; 01 thủ tục đưa bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng ngoài công lập và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu bảo vật quốc gia ra nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.

    + Cấp địa phương: Có 06 thủ tục không phát sinh hồ sơ, 08 thủ tục phát sinh với 216 hồ sơ được giải quyết, trong đó: Cấp 113 Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Cấp 72 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Cấp lại 01 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Cấp lại 04 Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Cấp 05 Giấy phép khai quật khẩn cấp; Xác nhận đủ điều kiện được cấp Giấy phép hoạt động đối với 02 bảo tàng ngoài công lập; Công nhận 19 bảo vật quốc gia đối với bảo tàng cấp tỉnh, ban hoặc trung tâm quản lý di tích.

    - Cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    + Cấp trung ương: Bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại Văn phòng Cục Di sản văn hóa, việc thực hiện các TTHC liên quan đến lĩnh vực nào sẽ do chuyên viên tại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết.

    + Cấp địa phương: Thường bố trí từ 01 đến 02 cán bộ, công chức kiêm nhiệm thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả việc giải quyết TTHC trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực di sản văn hóa tại Bộ phận một cửa của Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố.

    Nhìn chung, việc giải quyết các TTHC trong lĩnh vực di sản văn hóa được thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, bảo đảm đúng thời gian quy định.

    - Cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin: Cơ sở vật chất và các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho quá trình giải quyết các TTHC tại đơn vị được quan tâm đầu tư, trang bị đầy đủ các thiết bị máy tính đáp ứng tốt công việc. Đặc biệt là trang bị hệ thống phần mềm dùng chung, mạng kết nối liên thông trong giải quyết DVHCC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này. Hiện nay, lĩnh vực di sản văn hóa đã triển khai 01 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 01 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (02 dịch vụ công trực tuyến này đều là TTHC cấp trung ương), cụ thể:

    + Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: (Cấp phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể từ hai tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trở lên): Không phát sinh hồ sơ.

    + Dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ: (Cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ): Đã tiếp nhận và giải quyết 28 hồ sơ.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: Các DVHCC trong lĩnh vực di sản văn hóa đều không thực hiện việc thu phí và lệ phí, mọi chi phí thực hiện DVHCC do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động di sản văn hóa thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay: Việc thực hiện các TTHC trong lĩnh vực di sản văn hóa với quy trình thủ tục, thời gian rõ ràng, được niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, của Sở và tại trụ sở Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công của các tỉnh/thành phố đã góp phần bảo đảm sự thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC theo đúng trình tự và thời gian, giúp người dân tiếp cận dịch vụ tốt hơn.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Việc sử dụng DVHCC trong lĩnh vực di sản văn hóa giúp tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin thủ tục nhanh hơn, rõ ràng hơn, giảm chi phí đi lại khi gửi hồ sơ và nhận kết quả. Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 đã góp phần rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong giải quyết công việc hành chính, loại bỏ những rườm rà, chồng chéo, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện TTHC và tăng cường được sự giám sát của các bên liên quan. Đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch của TTHC, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

    c) Tồn tại, hạn chế

    - Về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật: Trong lĩnh vực di sản văn hóa đã được xây dựng, hoàn thiện, kiện toàn và ban hành thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, có giá trị pháp lý cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực này. Tạo điều kiện để hoạt động quản lý ngành ngày càng thuận lợi, đáp ứng được tình hình thực tiễn, góp phần định hướng, điều chỉnh sự phát triển, giúp kiểm soát sự tùy tiện, sai lệch khi thực thi, áp dụng các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa.

    - Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC: Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nguồn nhân lực thực hiện việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng cả cấp trung ương và địa phương còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hiện nay, chưa có bộ máy, nhân lực riêng cho hoạt động cung cấp DVHCC trong lĩnh vực di sản văn hóa, các cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này đều làm theo hình thức kiêm nhiệm nên gặp khó khăn về thời gian, kinh nghiệm trong việc xử lý, giải quyết, cung cấp DVHCC, do khối lượng công việc chuyên môn nhiều hơn so với nguồn nhân lực hiện có.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực di sản văn hóa về cung cấp DVHCC trong những năm qua ở cấp trung ương và địa phương đã được quan tâm, chú trọng đầu tư các trang thiết bị mới, hiện đại, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ việc ứng dụng công nghệ thuật tin vẫn chưa toàn diện. Kinh phí cho việc duy trì, nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa tương xứng với hiệu quả hoạt động. Hạ tầng công nghệ thông tin tại một số địa phương chưa đồng bộ, chưa được đảm bảo như hệ thống mạng dùng chung, máy tính, máy in, máy scan.

    - Về cơ chế tài chính: Kinh phí cấp cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, kinh phí cung cấp cho việc thực hiện các DVHCC nói riêng trong lĩnh vực di sản văn hóa nhìn chung còn thấp, nhất là kinh phí cho nhu cầu xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa nên hiệu quả đạt được chưa cao.

    II. NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

    Tổng số: 18 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 11 (phụ lục 3).

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 5.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 6.

    b) Cấp địa phương: 7 (phụ lục 4).

    - Cấp tỉnh: 07.

    - Cấp huyện: 0.

    - Cấp xã: 0.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Về quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC:

    + Toàn bộ các TTHC trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cấp trung ương và địa phương được niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố, đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử cucnghethuatbieudien.gov.vn.

    + Các TTHC đang triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được đăng tải đầy đủ trên hệ thống dichvucong.bvhttdl.gov.vn.

    Việc niêm yết, công khai TTHC thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Thông tư số 02/2017/TT- VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát TTHC, các văn bản hướng dẫn có liên quan và thực hiện việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo quy định.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong kỳ hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay): Đã tiếp nhận, xử lý 1.479 hồ sơ, trung bình tần suất tiếp nhận và xử lý 67 hồ sơ/tháng.

    - Cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    + Cấp trung ương: Cục Nghệ thuật biểu diễn bố trí 01 chuyên viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Đây là đầu mối tiếp nhận, kiểm soát tính hợp pháp của hồ sơ để chuyển đến lãnh đạo phụ trách xem xét phê duyệt và chuyển phòng chuyên môn xử lý theo quy định của pháp luật. Toàn bộ quy trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả có từ 04 đến 05 thành phần nhân lực tham gia giải quyết bao gồm: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, lãnh đạo phụ trách, phòng chuyên môn, bộ phận văn thư đóng dấu và bộ phận kế toán, tài chính tổ chức thu phí (nếu TTHC đó có thu phí).

    + Cấp địa phương: Tùy từng địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao sẽ bố trí từ 01 đến 02 công chức chuyên trách tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố hoặc công chức Văn phòng Sở kiêm nhiệm tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở, sau đó chuyển phòng chuyên môn xử lý và trình lãnh đạo phụ trách ký ban hành.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    + Cấp trung ương: Trong những năm gần đây, để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đạt hiệu quả cao, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng trong đó tập trung vào trang bị máy tính có cấu hình cao cho các chuyên viên phụ trách tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và các phòng chuyên môn, nâng cấp 01 đường truyền internet cáp đồng lên 02 đường truyền cáp quang 50MB, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ công việc của cán bộ, công chức và việc truy cập tìm hiểu thủ tục, nộp hồ sơ trực tuyến của người dân, doanh nghiệp.

    + Cấp địa phương: Công tác hiện đại hóa nền hành chính cung cấp DVHCC nói chung và DVHCC nói riêng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được các tỉnh/thành phố quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống mạng kết nối liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO v.v. góp phần tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức và hoạt động quản lý chuyên ngành.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: Hiện nay, việc thu phí, lệ phí thẩm định trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 288/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn, phí thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác, bên cạnh đó được thực hiện theo nguồn kinh phí sự nghiệp chung của đơn vị.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay:

    + Trong những năm qua, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng cung ứng DVHCC, coi đó là một khâu quan trọng trong thực hiện chương trình cải cách nền hành chính Nhà nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Cụ thể: Năm 2016 đã triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đối với 05/11 TTHC; đến năm 2017 triển khai toàn bộ 11 TTHC mức độ 3 và 01 TTHC mức độ 4: Tổng số hồ sơ phát sinh và giải quyết cho đến nay là: 536 hồ sơ.

    + Việc triển khai quyết liệt cung cấp DVHCC mức độ 3, mức độ 4 trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã có được những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý Nhà nước. Việc quản lý và đánh giá theo kết quả công việc khi thực hiện cung cấp DVHCC trong hoạt động cấp phép bắt buộc cơ quan quản lý phải thay đổi cách thức thực hiện từ vấn đề quy trình, thủ tục, trình tự thực hiện cụ thể sang sản phẩm đầu ra, để có thể tinh gọn tối đa quy trình triển khai. Bên cạnh đó cần đánh giá khách quan kết quả mà bộ máy hành chính Nhà nước đã làm được như số lượng, tần suất tiếp nhận, giải quyết hồ sơ DVHCC để từ đó tìm ra giải pháp phát huy hoặc sửa đổi cho phù hợp. Các thành phần tham gia vào quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC được trao quyền chủ động và linh hoạt hơn trong quá trình hoạt động để đạt được mục tiêu đã định. Mỗi một thành phần tham gia vào quy trình này đều phải chú ý đến phản hồi của các nhóm khác nhau để kịp thời điều chỉnh.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại:

    Khi triển khai cung cấp DVHCC mức độ 3, mức độ 4 trong hoạt động cấp phép thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thì hiệu quả kinh tế - xã hội đối với người dân và doanh nghiệp được thể hiện rõ nhất, cụ thể: Trước đây, việc gửi hồ sơ đề nghị cấp phép qua đường bưu điện đến cơ quan chuyên môn phải mất ít nhất từ 02 đến 03 ngày, thậm chí người dân, doanh nghiệp phải mang hồ sơ đến nộp trực tiếp gây mất thời gian và công sức đi lại. Nhưng hiện nay việc gửi hồ sơ đề nghị cấp phép, giám định qua Cổng dịch vụ công trực tuyến chỉ mất vài phút là cơ quan chuyên môn có thể tiếp nhận và giải quyết. Bên cạnh việc rút ngắn thời gian, công sức đi lại khi triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 thì hiệu quả kinh tế cũng mang lại không nhỏ cho người dân và doanh nghiệp là giảm chi phí đi lại, in ấn hồ sơ và các giấy tờ liên quan.

    c) Tồn tại, hạn chế

    - Về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật: Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay đang thực hiện theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ. Qua 05 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống các văn bản này đang nảy sinh một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần được điều chỉnh, cụ thể:

    + Quy định về đối tượng thực hiện TTHC đề nghị cấp giấy phép cho cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước biểu diễn chưa phù hợp với các chính sách cải cách TTHC hiện nay.

    + Công tác quản lý, cấp phép cho các thí sinh đại diện Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

    + Điều kiện liên quan đến thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đang gây ra nhiều vướng mắc cho các cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị tổ chức biểu diễn, ghi âm, ghi hình.

    + Quản lý các tác phẩm âm nhạc, sân khấu được sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam và được tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác phát sinh một số vấn đề bất cập: Việc cấp phép một số bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế có cần thiết hay không; Danh mục bài hát được phổ biến rộng rãi có phù hợp với thực tế hay không... vì vậy, đặt ra yêu cầu cần quy định lại nội dung quản lý đối với các bài hát sáng tác trong thời kỳ mới.

    - Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp dịch vụ công: Hiện nay, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở trung ương và địa phương được thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách cho hoạt động này, trong khi khối lượng công việc đảm nhiệm rất lớn. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, do đó, cơ hội, điều kiện để tuyển được cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin phục vụ cho cung cấp DVHCC còn khó khăn.

    - Về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin: Việc ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp DVHCC trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại cấp trung ương và địa phương trong những năm qua đã được chú trọng, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa toàn diện, đặc biệt là việc trang bị hệ thống mạng đường truyền tốc độ cao trong giải quyết DVHCC, hệ thống phần mềm diệt virus có bản quyền, hệ thống tường lửa, hệ thống máy chủ chưa có, nên việc an ninh, an toàn, bảo mật thông tin qua mạng không được đảm bảo. Kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp DVHCC chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa tương xứng với hiệu quả hoạt động.

    - Về cơ chế tài chính:

    + Kinh phí cấp cho hoạt động triển khai thực hiện các DVHCC nhìn chung còn thấp, nhất là kinh phí cho nhu cầu xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa.

    + Việc đầu tư triển khai cung cấp DVHCC mức độ 3, mức độ 4 vẫn sử dụng trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin cũ, lạc hậu nên việc xử lý hồ sơ trực tuyến còn chậm, gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

    + Cơ chế tài chính cho cán bộ, công chức tham gia hoạt động triển khai cung cấp DVHCC không có chế độ ưu đãi nào khác ngoài việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trong khi đó phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác cùng lúc.

    III. ĐIỆN ẢNH

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực điện ảnh

    Tổng số: 16 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 13 (phụ lục 5).

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 05.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 08.

    b) Cấp địa phương: 03 (phụ lục 6).

    - Cấp tỉnh: 03.

    - Cấp huyện: 0.

    - Cấp xã: 0.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động điện ảnh

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC: Các TTHC trong lĩnh vực điện ảnh được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo thời gian và thẩm quyền giải quyết theo quy định. Quy trình giải quyết TTHC được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố và niêm yết công khai tại Văn phòng Cục Điện ảnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong thời hạn khảo sát (từ năm 2017 đến nay): Tổng số 1005 hồ sơ, trung bình 42 hồ sơ/tháng.

    - Cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    Hồ sơ DVHCC trong lĩnh vực điện ảnh ở cấp trung ương được tiếp nhận trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến bộ phận Văn thư Cục Điện ảnh, ở cấp địa phương do cán bộ, công chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở tiếp nhận, xử lý hồ sơ và chuyển hồ sơ đến các phòng chuyên môn theo thẩm quyền giải quyết và theo chức năng, nhiệm vụ của từng phòng trong đơn vị. Hiện nay, Cục Điện ảnh có 01 công chức tiếp nhận hồ sơ và 06 công chức giải quyết hồ sơ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao thường bố trí từ 01 đến 02 công chức tiếp nhận hồ sơ và 02 đến 03 công chức xử lý, giải quyết DVHCC tại phòng chuyên môn.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    + Cấp trung ương: Cục Điện ảnh được trang bị phòng duyệt phim với máy chiếu kỹ thuật số được nối mạng theo tiêu chuẩn quốc tế để thẩm định phim, thực hiện TTHC về cấp phép phổ biến các thể loại phim. Các công chức giải quyết hồ sơ của phòng chuyên môn đều được trang bị đầy đủ thiết bị văn phòng, sử dụng mạng kết nối liên thông, phần mềm dùng chung phục vụ việc thực hiện DVHCC. Hiện nay, Cục Điện ảnh đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Số lượng đang được cung cấp trực tuyến là 10 TTHC, trong đó, đã phát sinh và giải quyết 23 hồ sơ.

    + Cấp địa phương: Tại các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, các công chức thực hiện nhiệm vụ phục vụ DVHCC trong lĩnh vực điện ảnh, thẩm định, giám định phim cũng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị máy tính, đầu máy có cấu hình cao để có thể đọc được các bản phim mã hóa, hay tải các hình ảnh và âm thanh được ghi trên các thiết bị điện tử hiện đại.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: Các hoạt động DVHCC trong lĩnh vực điện ảnh được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước và thu phí, lệ phí theo thông tư số 289/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực điện ảnh.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động điện ảnh thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay: Hồ sơ DVHCC được tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đúng quy trình và thời gian quy định, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện DVHCC tại Cục Điện ảnh và các Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Các DVHCC đang được thực hiện trong lĩnh vực điện ảnh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân khi đề nghị giám định, cấp phép phim nhập khẩu, rút ngắn thời gian và đầu mối cấp phép. Thông tin các quy trình, thủ tục DVHCC được cung cấp đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử đã giúp cho doanh nghiệp, cá nhân giảm chi phí về nhân lực và thời gian đi lại khi thực hiện TTHC. Các doanh nghiệp, cá nhân có thể chủ động lên kế hoạch kinh doanh thúc đẩy việc khai thác phòng chiếu và bản phim chiếu, qua đó tăng cường số lượng và chất lượng buổi chiếu, thu hút số lượng khán giả đến xem nhiều hơn, giúp đẩy mạnh doanh thu. Đông đảo tầng lớp khán giả được hưởng thụ nhiều dịch vụ điện ảnh tiện ích như phim 2D, 3D, 4D với nhiều sự lựa chọn về các loại phim hành động, tình cảm, hài, khoa học viễn tưởng … rất phong phú, đa dạng, đáp ứng được mọi nhu cầu về hưởng thụ văn hóa tinh thần của mọi người.

    c) Tồn tại, hạn chế

    - Về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật: Một số TTHC trong lĩnh vực điện ảnh còn rườm rà, phức tạp và chồng chéo làm cho đơn vị đôi lúc lúng túng, bị động khi áp dụng thực hiện. Riêng về thủ tục cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh có nội dung là phim điện ảnh, sau 03 tháng tiếp nhận thực hiện thủ tục này tại đơn vị theo Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2012/TT-BVHTTDl ngày 16/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, hiện cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh đang có một số vướng mắc về mặt pháp lý đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp như sau:

    + Luật Điện ảnh quy định các doanh nghiệp có rạp mới được phép nhập khẩu phim, tuy nhiên không có quy định đối với doanh nghiệp đứng ra nhập phim truyền hình khi chưa có đơn vị phát hành.

    + Chưa có quy định về việc cấp giấy phép nhập khẩu đối với các phim nhập để phát trên Internet (Youtube, các website....); các kênh truyền hình trả tiền (K+, truyền hình cáp....).

    - Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp dịch vụ công: Hiện nay, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC trong lĩnh vực điện ảnh còn thiếu ở cấp trung ương có 06 người, ở cấp địa phương có từ 01 đến 03 người tham gia thực hiện, hầu như đều theo hình thức làm việc kiêm nhiệm dẫn đến việc quá tải trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép, giám định của các doanh nghiệp, cá nhân.

    - Về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin: Do tính chất đặc thù của lĩnh vực điện ảnh nên hầu hết hồ sơ của các TTHC trong lĩnh vực này được tiếp nhận trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua đường truyền, mà điều kiện hạ tầng về đường truyền, về tốc độ tiếp nhận, xử lý và thiết bị lưu trữ, thiết bị đọc còn chậm, ảnh hưởng đến quá trình xử lý hồ sơ.

    - Về cơ chế tài chính: Hiện nay, các hoạt động DVHCC trong lĩnh vực điện ảnh một phần trích từ nguồn ngân sách Nhà nước, còn lại là từ nguồn thu phí, lệ phí theo quy định. Nguồn kinh phí trích từ nguồn ngân sách Nhà nước cung cấp cho việc thực hiện DVHCC không có quy chế riêng, không đủ để đầu tư về cơ sở vật chất, bổ sung, lắp đặt trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin nên chưa đủ điều kiện để đáp ứng tốt nhu cầu thực tế.

    IV. MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH VÀ TRIỂN LÃM

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

    Tổng số: 19 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 10 (phụ lục 7).

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 0.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 10.

    b) Cấp địa phương: 09 (phụ lục 8).

    - Cấp tỉnh: 09.

    - Cấp huyện: 0.

    - Cấp xã: 0.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC:

    + Các TTHC trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được niêm yết công khai tại trụ sở Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Phục vụ hành chính công và đăng tải đầy đủ thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, các tỉnh/thành phố. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cấp giấy phép đối với TTHC cấp trung ương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao cấp giấy phép đối với các TTHC các tỉnh/thành phố.

    + Tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (đối với TTHC cấp trung ương), đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao (đối với TTHC cấp tỉnh/thành phố). Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Sau khi được cấp phép, nếu có thay đổi về nội dung, thời gian, địa điểm ghi trong giấy phép, thông báo thì tổ chức, cá nhân phải làm lại thủ tục đề nghị cấp phép.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong thời hạn khảo sát (từ năm 2017 đến nay): Tổng số 503 hồ sơ, trung bình 21 hồ sơ/tháng.

    - Cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    + Cấp trung ương: Hiện nay, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm gồm có 06 cán bộ (Phòng chuyên môn, cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC, cán bộ Bộ phận một cửa). Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện việc tham mưu cho Lãnh đạo Cục ban hành giấy phép triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Đảm bảo việc công bố, phổ biến tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh theo đúng đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

    + Cấp địa phương: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận TTHC của các tổ chức, cá nhân tại Bộ phận một cửa của Sở, sau đó chuyển hồ sơ cho phòng chuyên môn hoặc phòng quản lý nghiệp vụ của Sở thụ lý, giải quyết và trình lãnh đạo Sở ký ban hành giấy phép triển lãm, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Đảm bảo việc đưa đến người xem và xã hội những tác phẩm có nội dung định hướng tư tưởng tốt, lành mạnh.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện DVHCC:

    Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện DVHCC trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, ở cấp trung ương đang thực hiện ứng dụng dịch vụ công mức độ 3 với 04 TTHC và ứng dụng dịch vụ công mức độ 4 với 04 TTHC trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Năm 2017, ở cấp trung ương mới cung cấp 03 TTHC mức độ 3, 02 TTHC mức độ 4, đã tiếp nhận, giải quyết 33 hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Năm 2018 đã tiếp nhận, giải quyết 131 hồ sơ triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh ứng dụng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Ở cấp địa phương, tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công một số tỉnh/thành phố cũng đang ứng dụng cung cấp trực tuyến dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trong tất cả các lĩnh vực nói chung, trong đó có lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm nói riêng, đã tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện DVHCC.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    Trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm không có cơ chế tài chính riêng cho việc thực hiện DVHCC. Ở cấp trung ương và địa phương có 19 TTHC, trong đó có 17 thủ tục không thu phí, 02 thủ tục có thu phí là thủ tục phê duyệt nội dung tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh (cấp trung ương và địa phương) được thực hiện theo Thông tư số 260/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung văn hóa phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay:

    + Công tác cấp giấy phép các triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh, giấy phép xây dựng tượng đài tranh hoành tráng, giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc, giấy phép sao chép tác phẩm mỹ thuật là hoạt động thường xuyên, hằng ngày của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao trong cả nước. Công tác cấp phép các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh được thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo sự nghiêm túc trong nội dung các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh theo đúng đường lối văn hóa, tư tưởng của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Công tác quản lý cấp giấy phép đã ngăn chặn loại bỏ được những tác phẩm không phù hợp về chính trị, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam. Đảm bảo việc đưa đến người xem và xã hội những tác phẩm có nội dung định hướng tốt.

    + Công tác cấp phép xây dựng các công trình tượng đài, tranh hoành tráng thực hiện theo Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ được phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép xây dựng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị thẩm định hồ sơ, tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng. Về cơ bản công tác cấp phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng đảm bảo được chất lượng, thẩm mỹ của công trình tượng đài, tranh hoành tráng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của nhân dân.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại:

    Hiện nay, hoạt động triển lãm với nhiều nội dung và quy mô khác nhau diễn ra thường xuyên, liên tục, có xu hướng gia tăng cả về số lượng, nội dung và hình thức triển lãm. Tính trung bình hàng năm, trên cả nước có khoảng 500 cuộc triển lãm với các nội dung và hình thức khác nhau, các hoạt động triển lãm đã góp phần cung cấp thông tin, giới thiệu, quảng bá, nâng cao hiểu biết về mọi mặt, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong việc công bố, phổ biến tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, kết nối các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo yêu cầu và xu thế chung phải xây dựng một nền hành chính hiện đại, chính quy, lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 08 TTHC và tới đây tiếp tục rà soát, đề xuất thêm các TTHC thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí… nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính khi thực hiện DVHCC tại các cấp có thẩm quyền.

    c) Tồn tại, hạn chế

    - Về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật:

    + Một số địa phương hiểu chưa đúng, chưa rõ về các quy định của Nghị định, Thông tư, các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm và lúng túng trong việc phân cấp quản lý, cấp phép giữa Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao. Một số tỉnh còn buông lỏng quản lý trong cấp phép xây dựng tượng đài có nội dung tôn giáo, xây dựng tượng ngoài trời ở nơi công cộng không có giấy phép, không đạt yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ, một số phòng quản lý nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao chưa xác định đúng vai trò, trách nhiệm quản lý của mình trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.

    + Công tác hậu kiểm tại nhiều địa phương chưa làm tốt, chưa thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, vẫn còn một số triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh không xin phép hay triển lãm không đúng với nội dung đề nghị cấp phép, … hiện tượng tranh giả, tranh nhái vẫn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao cấp giấy phép triển lãm như: Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”; Triển lãm “Bí ẩn của cơ thể người” ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc thẩm định trước khi cấp phép không cẩn thận, không sát sao, còn chủ quan.

    + Qua thực tế kiểm tra công tác cấp giấy phép các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh hiện nay, đề nghị các địa phương cần phải kiểm tra chặt chẽ, thực hiện chế độ hậu kiểm các triển lãm đúng quy trình quy định để đảm bảo việc công bố, phổ biến các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đến với công chúng đúng với chỉ đạo của Đảng về nội dung tư tưởng, hình ảnh, đường lối văn hóa, văn nghệ, phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Đặc biệt là những hoạt động triển lãm ở các thành phố lớn, những trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam và Việt Nam tại nước ngoài. Các triển lãm có yếu tố nước ngoài cần có sự kiểm tra, hậu kiểm chặt chẽ, thường xuyên.

    + Việc báo cáo cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương về tổ chức các cuộc thi, liên hoan mỹ thuật, nhiếp ảnh chưa được thực hiện nghiêm túc. Vẫn còn có cuộc thi mỹ thuật, nhiếp ảnh không báo cáo về nội dung, thể lệ của cuộc thi cho cơ quan quản lý. Việc thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép triển lãm, đồng ý hay không đồng ý cho tổ chức các cuộc thi, liên hoan về mỹ thuật, nhiếp ảnh là công tác quản lý Nhà nước hàng ngày, thường xuyên của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, vì vậy, cần được quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự tận tâm của cán bộ, công chức phòng chuyên môn, quản lý nghiệp vụ và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm để hoạt động này đi vào nề nếp, đúng pháp luật.

    - Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp dịch vụ công: Hiện nay, cán bộ, công chức phục vụ DVHCC ở Bộ phận một cửa, cán bộ, công chức ở các phòng chuyên môn, phòng quản lý nghiệp vụ ở Trung ương và địa phương thực hiện theo cơ chế kiêm nhiệm. Đặc biệt là cán bộ làm công tác hậu kiểm còn mỏng và thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc mà công tác DVHCC yêu cầu phải thực hiện thường xuyên theo số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đúng thời gian quy định.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin: Hạ tầng công nghệ thông tin ứng dụng cho DVHCC trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm chưa đồng bộ, cơ sở vật chất để thực hiện DVHCC còn thiếu, hệ thống cấu hình máy tính chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc chuyên môn.

    - Về cơ chế tài chính: Nguồn kinh phí để thực hiện DVHCC còn hạn hẹp, chủ yếu từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị. Nguồn kinh phí phục vụ cho việc thẩm định, cấp phép, hậu kiểm, thuê chuyên gia các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế.

    V. QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan

    Tổng số: 12 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 12 (phụ lục 9).

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 0.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 12.

    b) Cấp địa phương: 0.

    - Cấp tỉnh:

    - Cấp huyện:

    - Cấp xã:

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động quyền tác giả, quyền liên quan

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC: Trong lĩnh vực về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan gồm có 12 TTHC cấp trung ương và không có TTHC cấp địa phương. Các TTHC được quy định cụ thể, rõ ràng và được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và trên Website của Cục Bản quyền tác giả.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC (từ năm 2017 đến nay):

    + Tổng số hồ sơ DVHCC được tiếp nhận năm 2017: 6782 hồ sơ; tương đương: 565 hồ sơ/tháng; Tổng số hồ sơ DVHCC được giải quyết năm 2017: 6579 hồ sơ; tương đương: 548 hồ sơ/tháng.

    + Tổng số hồ sơ DVHCC được tiếp nhận năm 2018: 6210 hồ sơ; tương đương: 591 hồ sơ/tháng; Tổng số hồ sơ DVHCC được giải quyết năm 2018: 6008 hồ sơ; tương đương: 572 hồ sơ/tháng.

    - Cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC: Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả điều hành chung, 01 Cục phó phụ trách đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và 06 công chức thuộc phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (04 công chức tại trụ sở của Cục; 01 công chức tại thành phố Hồ Chí Minh; 01 công chức tại thành phố Đà Nẵng) thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các tổ chức, cá nhân.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC: Trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đã triển khai các phần mềm, mạng dùng chung được triển khai tích hợp với nhau nhằm giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị. Hiện nay, đơn vị đang áp dụng phần mềm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Cán bộ, công chức thực hiện cung cấp DVHCC được cung cấp đầy đủ trang thiết bị máy tính, máy in thiết yếu đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: Các hoạt động DVHCC trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan do ngân sách Nhà nước cấp. Tổ chức, cá nhân khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan phải nộp phí theo quy định tại Thông tư số 211/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động quyền tác giả, quyền liên quan thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay:

    + Việc đăng ký là quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực này đã đáp ứng tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân khi tham gia DVHCC tại cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền giải quyết, đảm bảo thực hiện theo đúng quy trình và thời gian quy định.

    + Công chức thực hiện DVHCC có trình độ chuyên môn, luôn có thái độ tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân, thực hiện đầy đủ theo quy trình ISO nhanh gọn, đầy đủ, chính xác, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí thực hiện DVHCC.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại:

    + Hoạt động cung cấp DVHCC về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, là quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học do họ sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình trừ khi có chứng cứ ngược lại. Giúp cho người sáng tạo yên tâm hơn trong hoạt động sáng tạo, người sử dụng yên tâm khi khai thác sử dụng tác phẩm.

    + Mọi người dân có quyền ngang nhau trong việc tiếp nhận và sử dụng các DVHCC về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

    + Hoạt động cung cấp DVHCC về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan không nhằm mục đích lợi nhuận. Việc thu phí, lệ phí khi tổ chức, cá nhân đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được nộp vào ngân sách Nhà nước.

    c) Tồn tại, hạn chế

    Về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật: Các văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với quy định quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, vì đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan khác với đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp và giống cây trồng (một số đối tượng đăng ký mới được bảo hộ), nên cần bổ sung kịp thời các quan hệ pháp luật mới, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Đề nghị sửa Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, xây dựng và ban hành Luật Bản quyền độc lập vì cơ chế bảo hộ cũng như thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khác so với các đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp và giống cây trồng được quy định chung tại Luật Sở hữu trí tuệ.

    - Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC: Lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận này là các chuyên viên phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và Văn phòng của đơn vị.

    - Về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin: Trong việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa toàn diện. Hiện nay áp dụng phần mềm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; chưa có phần mềm giúp phát hiện sự trùng lắp về tác phẩm.

    - Về cơ chế tài chính: Đánh giá tồn tại, hạn chế mục này: Hoạt động DVHCC về bản quyền thực hiện theo cơ chế 100% ngân sách nhà nước cấp. Kinh phí cấp cho việc thực hiện các hoạt động DVHCC về bản quyền nhìn chung còn thấp, nhất là kinh phí cho nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cấp cấu hình máy tính, bổ sung trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa nên hiệu quả đạt được chưa cao.

    VI. THƯ VIỆN

    1. Thống kê DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực thư viện

    Tổng số: 03 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 0.

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 0.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 0.

    b) Cấp địa phương: 03 (phụ lục 10).

    - Cấp tỉnh: 01.

    - Cấp huyện: 01.

    - Cấp xã: 01.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động thư viện

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC trong lĩnh vực thư viện được quy định rõ ràng và niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử, Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố, tại trụ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

    * Về trình tự thực hiện các DVHCC trong lĩnh vực thư viện:

    + Người đứng tên thành lập thư viện gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cấp tỉnh), Phòng Văn hóa - Thông tin (cấp huyện), Ủy ban nhân dân cấp xã (cấp xã) nơi thư viện đặt trụ sở.

    + Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người đứng tên thành lập thư viện, cơ quan nhận hồ sơ đề nghị có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thư viện cho thư viện. Trong trường hợp từ chối phải có ý kiến bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    - Về thời gian thực hiện: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thư viện tư nhân.

    * Về thẩm quyền giải quyết:

    + Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với thư viện tư nhân có số bản sách từ 2.000 bản trở lên.

    + Phòng Văn hóa - Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với thư viện tư nhân có vốn sách ban đầu từ 1.000 đến 2.000 bản sách trở lên.

    + Ủy ban nhân dân cấp xã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với thư viện tư nhân có vốn sách ban đầu từ 500 đến 1.000 bản sách.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong kỳ hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay): Tổng số 02 hồ sơ (huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội và xã Long Đức, Thành phố Trà Vinh Tỉnh Trà Vinh).

    - Cơ cấu, tổ chức bộ máy nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC: Trong lĩnh vực thư viện không có cán bộ chuyên trách thực hiện việc cấp giấy phép, để thực hiện tốt việc cung cấp DVHCC, tại cấp tỉnh, huyện, xã đã bố trí từ 01 đến 02 công chức phòng chuyên môn hoặc công chức kiêm nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa - Thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và chuyển các phòng nghiệp vụ, chức năng để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền quy định.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC: Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện DVHCC tại các địa phương được quan tâm, bố trí đủ nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị máy tính, hệ thống phần mềm dùng chung, kết nối mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo yêu cầu cho cung cấp DVHCC. Tại nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng các Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các TTHC, việc triển khai cấp chứng nhận đăng ký hoạt động cho thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tại một số địa phương đã được thực hiện trên hệ thống điện tử, dưới hình thức dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: Các TTHC trong lĩnh vực thư viện được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước, Luật đầu tư công và nguồn chi ngân sách thường xuyên của đơn vị các cấp.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động thư viện thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay: Việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thư viện đối với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 06/01/2009 của Chính phủ. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa chính sách xã hội hóa của Nhà nước đối với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nói chung và trong lĩnh vực thư viện nói riêng, thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia vào hoạt động phát triển thư viện, tạo ra nguồn lực thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển tại địa phương.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Tính đến nay cả nước đã có 63 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có đăng ký hoạt động và triển khai cung cấp trực tiếp các dịch vụ phục vụ người sử dụng có hiệu quả tại cơ sở, hỗ trợ hiệu quả cho mạng lưới thư viện công cộng các cấp. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập, giảm gánh nặng từ ngân sách Nhà nước.

    c) Tồn tại, hạn chế

    Hiện nay, các tổ chức, cá nhân đã mở các phòng đọc, không gian đọc hoạt động theo mô hình thư viện tư nhân được nhân rộng, triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, số lượng thư viện đăng ký hoạt động ít hơn so với thực tế. Hiện tượng này do việc thực thi quy định còn bất cập trên thực tiễn như: Quy định về điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ thư viện của người đăng ký hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (theo Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 06/01/2009 của Chính phủ), các chính sách ưu đãi, xã hội hóa còn chung chung khiến các chủ thư viện tư nhân chưa ý thức đầy đủ về lợi ích của việc đăng ký nên chưa khuyến khích được người dân, dẫn đến tình trạng né tránh đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó là việc tổ chức thực hiện ở địa phương nhiều nơi chưa kịp thời, chậm triển khai các hoạt động hỗ trợ mở các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho người có nhu cầu. Tại nhiều địa phương, việc đăng ký hoạt động thư viện chưa được các cấp có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc, cơ chế, thủ tục chưa thông thoáng, tuyên truyền phổ biến pháp luật về thủ tục này chưa được quan tâm. Cán bộ địa phương chưa thực sự nắm rõ quy định để hướng dẫn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị thành lập thư viện. Vì vậy, các hoạt động thư viện tư nhân hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi những người yêu nghề, tâm huyết, thiện nguyện, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tự thành lập nên không có tính bền vững. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước loại hình thư viện này sẽ khó hoạt động được lâu dài.

    VII. VĂN HÓA CƠ SỞ

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực văn hóa cơ sở

    Tổng số: 16 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 04 (phụ lục 11).

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 01.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 03.

    b) Cấp địa phương: 12 (phụ lục 12).

    - Cấp tỉnh: 05.

    - Cấp huyện: 05.

    - Cấp xã: 02.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động văn hóa cơ sở

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết 04 TTHC cấp trung ương và 12 TTHC cấp địa phương đã được quy định cụ thể, rõ ràng, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, trên Website của Cục Văn hóa cơ sở và cơ quan có thẩm quyền tại địa phương là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Trong thời gian qua, việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực văn hóa cơ sở được thực hiện đúng quy trình, trong thời gian quy định, phù hợp với thẩm quyền được phân cấp, ủy quyền và thực hiện theo quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong kỳ hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay): Tổng số 24 hồ sơ, trung bình 01 hồ sơ/tháng.

    - Cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    + Cấp trung ương: Bộ máy nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có bộ máy nhân lực chuyên trách. Bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại Văn phòng Cục Văn hóa cơ sở, việc thực hiện các TTHC liên quan đến lĩnh vực nào sẽ do chuyên viên tại các phòng chuyên môn kiêm nhiệm giải quyết.

    + Cấp địa phương: Thường bố trí từ 01 đến 02 cán bộ, công chức kiêm nhiệm thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả việc giải quyết TTHC, trong đó có các TTHC lĩnh vực văn hóa cơ sở tại Bộ phận một cửa của Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

    - Cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin: Đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ cho quá trình giải quyết các TTHC trong lĩnh vực văn hóa cơ sở được cung cấp đầy đủ về cơ sở vật chất, các trang thiết bị máy tính, kết nối mạng liên thông các phương tiện kỹ thuật chuyên ngành để thẩm định, cấp phép và hệ thống máy móc trên cơ sở hiện có của đơn vị. Hiện nay, lĩnh vực văn hóa cơ sở cấp trung ương đã triển khai 01 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 nhưng chưa phát sinh hồ sơ, do các DVHCC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp trung ương hầu hết mới được ban hành.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: Trong lĩnh vực văn hóa cơ sở có 04 TTHC cấp trung ương và 10 TTHC cấp địa phương không thực hiện thu phí, lệ phí. Chỉ thực hiện thu phí, lệ phí đối với DVHCC cấp tỉnh là thủ tục cấp phép kinh doanh vũ trường và thủ tục cấp phép kinh doanh karaoke. Hiện nay, chưa có cơ chế tài chính riêng thực hiện DVHCC, các chi phí phục vụ công việc này do ngân sách Nhà nước đảm bảo từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động văn hóa cơ sở thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay: Việc thực hiện cung cấp DVHCC trong thời gian qua trong lĩnh vực văn hóa cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý Nhà nước các cấp, đồng thời tạo nhiều thuận lợi, cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện DVHCC hay các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể khi có nhu cầu kinh doanh cũng được hưởng nhiều điều kiện khi môi trường đầu tư được mở rộng, tạo thuận lợi khi các chính sách kinh doanh được cải thiện, bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Việc thực hiện các TTHC trong lĩnh vực văn hóa cơ sở với quy trình thủ tục, thời gian rõ ràng, được niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, của Sở, tại trụ sở Cục Văn hóa cơ sở, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đã đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý Nhà nước và góp phần bảo đảm sự thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC theo đúng trình tự và thời gian. Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã góp phần rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện DVHCC.

    c) Tồn tại, hạn chế

    - Về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật: Trong lĩnh vực văn hóa cơ sở các điều khoản quy định về việc thực hiện DVHCC tương đối đầy đủ, tuy nhiên chưa tập trung, vẫn còn nhiều văn bản quy định.

    - Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC: Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở nói chung, nguồn nhân lực thực hiện việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực văn hóa cơ sở nói riêng còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hiện nay chưa có bộ máy, nhân lực riêng cho hoạt động cung cấp DVHCC, các cán bộ thực hiện nhiệm vụ này đều làm theo hình thức kiêm nhiệm do đó gặp khó khăn về thời gian trong việc xử lý, cung cấp DVHCC, do khối lượng công việc chuyên môn nhiều so với nguồn lực hiện có.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin: Trong lĩnh vực văn hóa cơ sở, việc ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp DVHCC đã được chú trọng đầu tư, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thuật tin vẫn chưa toàn diện, đặc biệt là việc trang bị các hệ thống phần mềm dùng chung trong giải quyết công việc. Kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, chưa tương xứng với hiệu quả hoạt động. Hạ tầng công nghệ thông tin tại một số địa phương còn chưa được đảm bảo như hệ thống mạng, máy tính, máy in, máy scan chưa đồng bộ.

    - Về cơ chế tài chính: Kinh phí cấp cho việc thực hiện các DVHCC trong lĩnh vực văn hóa cơ sở nhìn chung còn thấp, nhất là kinh phí cho nhu cầu xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cấp cấu hình máy tính, bổ sung trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa nên hiệu quả đạt được chưa cao.

    VIII. THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng

    Tổng số: 07 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 07 (phụ lục 13).

    - (06 DVHCC do Hội đồng cấp Nhà nước quyết định)

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 0.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 1.

    b) Cấp địa phương: 0.

    - Cấp tỉnh:

    - Cấp huyện:

    - Cấp xã:

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động thi đua, khen thưởng

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC: Các TTHC trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng được quy định cụ thể và niêm yết công khai tại trụ sở cấp trung ương là Vụ Thi đua, khen thưởng, cấp địa phương là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố và đăng tải đầy đủ thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố. Các TTHC được thực hiện theo từng bước tại các cấp có thẩm quyền theo quy định, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn liên quan.

    - Về trình tự thực hiện:

    * Cấp địa phương:

    + Thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng, thành lập Hội đồng xét tặng cấp địa phương chọn ra các cá nhân, tập thể đủ điều kiện được phong tặng các danh hiệu.

    + Gửi tờ trình và các hồ sơ, giấy tờ của các cá nhân, tập thể đủ điều kiện xét tặng lên cấp trung ương.

    * Cấp trung ương:

    + Thẩm định lại hồ sơ đề nghị xét tặng, thành lập Hội đồng xét tặng chọn ra các cá nhân, tập thể đủ điều kiện được phong tặng các danh hiệu.

    + Gửi tờ trình và danh sách các cá nhân, tập thể đủ điều kiện xét tặng lên các cơ quan chức năng có liên quan và đề nghị Chủ tịch nước phong tặng.

    - Về thời gian thực hiện: Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và đề xuất trình cấp lãnh đạo phê duyệt.

    - Về thẩm quyền giải quyết:

    + Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố.

    + Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng có liên quan.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong kỳ hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay): Tổng số 1500 hồ sơ, trung bình 62.5 hồ sơ/tháng.

    - Cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC: Ở cấp trung ương bố trí 01 công chức kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Văn phòng Vụ Thi đua, khen thưởng, hồ sơ đề nghị xét tặng các danh hiệu được chuyển tới lãnh đạo, công chức phụ trách xử lý hồ sơ từng danh hiệu của đơn vị. Ở cấp địa phương, bố trí từ 01 đến 02 cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận một cửa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh/thành phố tiếp nhận, xử lý hồ sơ và chuyển phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở giải quyết.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC: Đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, lắp đặt trang thiết bị máy tính, máy in cho cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ phục vụ DVHCC. Các DVHCC trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng được ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng liên thông, sử dụng phần mềm đi, đến trong giải quyết TTHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ cá nhân, tập thể và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tập thể khi tham gia thực hiện DVHCC tại các cấp có thẩm quyền.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: 07 TTHC trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng không thu phí và lệ phí. Việc thực hiện DVHCC theo quy định của pháp luật quy định về khen thưởng trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng và ngân sách Nhà nước đảm bảo.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động thi đua, khen thưởng thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay: Với việc thực hiện đúng quy trình, trình tự, đúng theo từng cấp có thẩm quyền các TTHC về xét tặng các danh hiệu trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng được tổ chức hàng năm hoặc định kỳ theo quy định của mỗi danh hiệu đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, công tâm ngay từ mỗi cấp thực hiện, từ hội đồng cấp cơ sở, hội đồng cấp trung ương đến hội đồng cấp Nhà nước. Cán bộ, công chức phục vụ DVHCC trong lĩnh vực này thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và tình cảm trân trọng tới các văn nghệ sĩ, những cán bộ công tác lâu năm trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Việc xét tặng các danh hiệu là sự ghi nhận các tác phẩm, tài năng, sự sáng tạo và những đóng góp to lớn của các nghệ sĩ và người làm công tác nghệ thuật trong lĩnh vực văn hóa đối với đất nước, với ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Việc xét tặng danh hiệu cho các văn nghệ sĩ, những cán bộ công tác lâu năm trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng với phần thưởng theo quy định của Nhà nước là sự ghi nhận, tôn vinh và là động lực, sự động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân trong quá trình lao động sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, những món ăn tinh thần có giá trị, có sức lan tỏa, định hướng suy nghĩ, hành động trong giới trẻ, đồng thời là cơ hội giao lưu, học hỏi, hội nhập với các nền văn hóa truyền thống, tiên tiến khác trên thế giới. Đó cũng là cách các văn nghệ sĩ khẳng định mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

    c) Tồn tại, hạn chế

    - Về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong việc xét tặng các danh hiệu, thực tế thời gian qua cho thấy còn một số khúc mắc. Một số quy định trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng chưa hợp lý dẫn tới sự chưa đồng thuận, nhất trí cao khiến dư luận không khỏi băn khoăn, bức xúc. Điều đó đặc biệt đã ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của văn nghệ sĩ về tiêu chí xét tặng và số lượng huy chương, giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan quy mô toàn quốc cũng như thời gian cống hiến của nghệ sĩ hoạt động trong nhiều loại hình, bộ môn nghệ thuật khác nhau. Các quy định về độ tuổi, quá trình cống hiến và cả giai đoạn lịch sử, dẫn đến việc một số nghệ sĩ tài năng đang ở độ tuổi trung niên, cao niên đã ghi dấu ấn trong nhiều thế hệ khán giả của nghệ thuật nói chung, của loại hình nghệ thuật mà nghệ sĩ hoạt động nói riêng có nhiều tác phẩm, nhiều cống hiến nhưng lại không đủ điều kiện, tiêu chí xét tặng.

    - Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC: Các TTHC trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng rất đặc biệt, có danh hiệu được xét tặng thường xuyên hàng năm, có danh hiệu được xét tặng theo đợt 3 năm hoặc 5 năm một lần. Vì vậy, vào mỗi đợt xét tặng số lượng hồ sơ đề nghị rất lớn, mà đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ DVHCC là kiêm nhiệm nên còn gặp khó khăn về việc bố trí thời gian phối hợp với các bên liên quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ của các cá nhân, tổ chức đề nghị xét tặng các danh hiệu để kịp tiến độ, thời gian trình duyệt hội đồng cấp trên theo đúng kế hoạch đã định.

    - Về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin: Cùng với sự phát triển của xã hội trong thời đại kỹ thuật số, công nghệ thông tin hiện nay, cần nâng cao hệ thống máy tính cấu hình cao và các thiết bị đồng bộ để có thể triển khai, đáp ứng tốt hơn nữa việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, bởi theo yêu cầu hiện nay thì hoạt động DVHCC ngày càng mang tính phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, phải đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện DVHCC ở các cơ quan quản lý Nhà nước.

    - Về cơ chế tài chính: Hiện nay, trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng không có cơ chế tài chính riêng cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thực hiện DVHCC thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, các chi phí thực hiện DVHCC theo nguồn chi thường xuyên của đơn vị.

    IX. XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm

    Tổng số: 03 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 02 (phụ lục 14).

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 0.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 02.

    b) Cấp địa phương: 01 (phụ lục 14).

    - Cấp tỉnh: 01.

    - Cấp huyện: 0.

    - Cấp xã: 0.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC: Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm các TTHC được quy định rõ ràng và niêm yết công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử, Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao. Các TTHC được thực hiện theo các căn cứ pháp lý quy định tại các cam kết quốc tế của Việt Nam về mua bán hàng hóa quốc tế, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hải quan, Luật, Nghị định chuyên ngành văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    + Thủ tục xác nhận danh mục sản phẩm nghe nhìn có nội dung vui chơi giải trí nhập khẩu: Thực hiện theo Điều 8 Khoản 3 Thông tư số 26/2018/TT- BVHTTDL, Quyết định số 580A/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố TTHC và các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan.

    + Thủ tục xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu máy trò chơi điện tử có cài đặt chương trình trả thưởng dành cho người nước ngoài và thiết bị chuyên dùng cho trò chơi ở sòng bạc: thực hiện theo Điều 10 Thông tư số 26/2018/TT- BVHTTDL, Quyết định số 580A/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố TTHC và các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong thời hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay):

    + Đối với thủ tục xác nhận danh mục sản phẩm nghe nhìn có nội dung vui chơi giải trí nhập khẩu: Cấp trung ương: Đã tiếp nhận và giải quyết tổng số 24 lượt hồ sơ, trung bình 01 lượt hồ sơ/tháng; Cấp địa phương: Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên cả nước 168 lượt hồ sơ, trung bình: 07 lượt hồ sơ/tháng.

    + Đối với thủ tục xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu máy trò chơi điện tử có cài đặt chương trình trả thưởng dành cho người nước ngoài và thiết bị chuyên dùng cho trò chơi ở sòng bạc: Đã tiếp nhận và giải quyết 43 lượt hồ sơ, trung bình 1,8 lượt hồ sơ/tháng.

    - Cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC: 02 TTHC cấp trung ương do lãnh đạo Vụ Kế hoạch, tài chính phân công Phòng Đầu tư kinh doanh và Thương mại tham mưu, đề xuất giải quyết trả lời thương nhân. Đối với cấp địa phương do Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao hoặc cán bộ, công chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố tiếp nhận, xử lý hồ sơ và chuyển phòng chuyên môn của Sở giải quyết.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC: Cán bộ, công chức phục vụ DVHCC sử dụng máy tính, máy in do cơ quan trang bị phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được phân công đảm nhiệm. Các DVHCC trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm được cập nhật lên phần mềm Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử. Việc tiếp nhận và trả kết quả thực hiện theo quy định về hành chính văn thư và qua dịch vụ bưu điện.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: Các TTHC trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không thu bất kỳ khoản phí, lệ phí nào từ thương nhân nhập khẩu hàng hóa khi tham gia thực hiện TTHC cấp trung ương. Không có cơ chế tài chính riêng phục vụ cho việc thực hiện DVHCC. Đối với cán bộ, công chức, văn phòng phẩm được khoán 100.000đ/người để phục vụ toàn bộ các công việc liên quan, không có các khoản chi phí riêng cho việc thực hiện phục vụ DVHCC. Lương của cán bộ, công chức thực hiện theo quy định của Luật Lao động, Luật cán bộ, công chức.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay: Các DVHCC trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm được cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương và địa phương giải quyết theo đúng quy trình, quy định, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa văn hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, góp phần đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân, du khách, từ đó đóng góp cho nguồn thu ngân sách của Nhà nước thông qua thu thuế từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử và các dịch vụ gián tiếp liên quan trong lĩnh vực này.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Thực hiện cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giải quyết DVHCC, các TTHC được đơn giản hóa, các điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm và giảm bớt những phiền hà, nhũng nhiễu, tạo thuận lợi về thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước.

    c) Tồn tại, hạn chế

    Cho đến nay, chưa có vướng mắc, tồn tại, hạn chế nào về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như cơ chế tài chính đối với các DVHCC trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của tổ chức, cá nhân.

    B. LĨNH VỰC GIA ĐÌNH

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực gia đình

    Tổng số: 18 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 0.

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 0.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 0.

    b) Cấp địa phương: 18 (phụ lục 15).

    - Cấp tỉnh: 12.

    - Cấp huyện: 06.

    - Cấp xã: 0.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động gia đình

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian thẩm quyền giải quyết DVHCC:

    Các TTHC trong lĩnh vực gia đình được niêm yết công khai thông tin trên Cổng dịch vụ công, Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao.

    Các TTHC trong lĩnh vực gia đình thực hiện theo Thông tư số 23/2014/TT- BVHTTDL ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng chống bạo lực gia đình, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015 đã rút gọn quy trình, giảm thời gian giải quyết DVHCC, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện DVHCC.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong thời hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay): Ở cấp trung ương, từ năm 2017 đến nay không có hoạt động tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình.

    - Cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC: Ở cấp trung ương và địa phương không có tổ chức bộ máy, nhân lực riêng khi thực hiện cung cấp phục vụ DVHCC trong lĩnh vực gia đình, các cán bộ, công chức thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ phục vụ DVHCC trong lĩnh vực gia đình, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản trị hệ thống mạng, tin học hóa công tác quản lý, xử lý hồ sơ giải quyết các DVHCC, tổng hợp kết quả giải quyết của các cơ quan. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã cung cấp các tiện ích cho cá nhân, tổ chức như: Tra cứu thủ tục, tra cứu hồ sơ, theo dõi tiến độ giải quyết.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện DVHCC trong lĩnh vực gia đình theo chế độ kiêm nhiệm nhưng không có phụ cấp riêng cho chế độ kiêm nhiệm, các hoạt động phục vụ DVHCC không có cơ chế tài chính riêng, không thu phí, lệ phí với tất cả các TTHC trong lĩnh vực này mà thực hiện theo nguồn chi ngân sách thường xuyên của đơn vị.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động gia đình thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay: Lĩnh vực gia đình có đầy đủ các văn bản pháp luật quy định cụ thể quy trình, thủ tục phục vụ DVHCC, định hướng nội dung tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa, về công tác gia đình, qua đó tăng cường nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, giúp mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác thu thập các chỉ số về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cũng được triển khai hàng năm, phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực gia đình.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Các DVHCC trong lĩnh vực gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng có ý nghĩa lớn trong việc phục vụ an sinh xã hội, là loại hình không mang lại lợi ích kinh doanh, tuy nhiên, công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng luôn được địa phương quan tâm. Trên cả nước có nhiều câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình và hệ thống câu lạc bộ này được chú ý phát triển và duy trì hoạt động đều đặn với nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, phổ biến những kiến thức cần thiết tới mọi người dân. Vì vậy, DVHCC trong lĩnh vực này mang ý nghĩa phúc lợi là chủ đạo, nếu Nhà nước không thực hiện thì khó có tổ chức, cá nhân nào khác đứng ra tiếp nhận, thực hiện. Những DVHCC hiện hành chủ yếu mang lại tính chính danh và chuẩn hóa cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

    c) Tồn tại, hạn chế

    Trong quá trình triển khai, thực hiện DVHCC trong lĩnh vực gia đình chưa có vướng mắc, tồn tại, hạn chế nào về các quy định tại văn bản pháp luật, cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như cơ chế tài chính. Do lĩnh vực gia đình không mang lại lợi ích kinh doanh, nên DVHCC trong lĩnh vực này chưa được quan tâm, đầu tư và thực hiện rộng rãi.

    C. LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ THAO

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực thể dục thể thao

    Tổng số: 31 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 03 (Phụ lục 16).

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 03.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 0.

    b) Cấp địa phương: 28 (Phụ lục 17).

    - Cấp tỉnh: 27.

    - Cấp huyện: 0.

    - Cấp xã: 01.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC:

    Các TTHC trong lĩnh vực thể dục thể thao được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trung ương (Tổng cục Thể dục thể thao) và địa phương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao; Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã). Đối với hồ sơ nộp trực tuyến, các DVHCC được đăng tải đầy đủ thông tin, quy trình thủ tục trên Cổng dịch vụ công của Bộ, Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố theo từng cấp có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết.

    * Thời gian giải quyết:

    - Cấp trung ương:

    + Hình thức nộp trực tiếp: 30 ngày

    + Hình thức nộp qua dịch vụ công mức độ 3: Thủ tục đăng cai Giải thi đấu vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao: 9 ngày; Công nhận Ban vận động thành lập hội thể thao quốc gia: 17 ngày.

    - Cấp tỉnh: Hình thức nộp trực tiếp: 07 ngày.

    * Thẩm quyền giải quyết:

    - Cấp trung ương:

    + Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai tổ chức Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới; giải vô địch từng môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam; Đại hội thể thao toàn quốc.

    + Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép đăng cai giải thi đấu vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao.

    + Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Ban vận động thành lập hội thể thao quốc gia.

    - Cấp tỉnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trong trường hợp được ủy quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao.

    - Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận câu lạc bộ thể thao cơ sở.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong kỳ hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay):

    + Cấp trung ương:

    ++ Đối với thủ tục đăng cai đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới; giải vô địch từng môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam; Đại hội thể thao toàn quốc: Tổng số 49 hồ sơ, trung bình 2,04 hồ sơ/tháng.

    ++ Đối với thủ tục đăng cai giải thi đấu vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao: Tổng số 323 hồ sơ, trung bình 13,5 hồ sơ/tháng.

    ++ Thủ tục công nhận Ban vận động thành lập hội thể thao quốc gia: Tổng số 03 hồ sơ, trung bình 0,13 hồ sơ/tháng.

    + Cấp địa phương: Trực tiếp tiếp nhận và giải quyết.

    - Cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    + Cấp trung ương: Việc cung cấp DVHCC tại Tổng cục Thể dục thể thao không thiết lập bộ phận giải quyết riêng biệt mà nhiệm vụ này được giao cho các Vụ, đơn vị có TTHC cử cán bộ giải quyết. Cơ chế thực hiện của cán bộ tiếp nhận giải quyết TTHC theo chế độ kiêm nhiệm, khi có nhiệm vụ thì tham gia giải quyết hoặc phối hợp giải quyết.

    + Cấp địa phương: Thường bố trí từ 01 đến 02 cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố. Tại các phòng chuyên môn cũng có từ 03 đến 04 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ phục vụ DVHCC theo các bộ môn thể thao.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    Hiện nay, lĩnh vực thể dục thể thao cấp trung ương đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 02 TTHC, tuy nhiên, đến nay, 02 TTHC này chưa phát sinh hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Trong năm 2018, đã đề xuất 01 TTHC còn lại để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tổng cục Thể dục thể thao cũng đã hoàn tất các thông tin về chức danh từ cấp phó phòng trở lên để tiến hành xây dựng chữ ký điện tử phục vụ hoạt động quản lý điều hành nói chung và hoạt động cung cấp DVHCC nói riêng.

    - Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp trung ương trong lĩnh vực thể dục thể thao không thu phí, lệ phí, nguồn kinh phí thực hiện giải quyết TTHC không được bố trí riêng. Hiện nay, cơ chế tài chính phục vụ thực hiện DVHCC chưa đầy đủ, các cán bộ làm công tác này là làm kiêm nhiệm nhưng chế độ phụ cấp không có. Riêng đối với nội dung kiểm soát TTHC, chế độ hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 167/2012/TT-BTC ngày 10/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC và văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định theo Thông tư.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao thông qua việc cung cấp DVHCC: Thực hiện nhiệm vụ cung cấp DVHCC trong lĩnh vực thể dục thể thao tương đối hiệu quả, các TTHC đều được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử. Quy trình và thời gian giải quyết rõ ràng, cụ thể. Hình thức cung cấp và giải quyết DVHCC đa dạng (giải quyết trực tiếp, giải quyết trên môi trường mạng qua dịch vụ công mức độ 3 và giải quyết qua bưu chính công ích). Cán bộ thực hiện nhiệm vụ nắm bắt rõ quy trình và cách thức triển khai, trực tiếp thực hiện và tham mưu cung cấp DVHCC thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành thể dục thể thao.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Thông qua các hình thức giải quyết TTHC, người dân và doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và lựa chọn hình thức thực hiện. Đặc biệt, hiện nay việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã được Tổng cục Thể dục thể thao triển khai đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính điện tử. Hoạt động này góp phần giảm chi phí đi lại, chi phí thời gian cho cá nhân, tổ chức khi giải quyết TTHC.

    c) Tồn tại, hạn chế

    - Về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật: Sự thay đổi liên tục của văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, dẫn đến hoạt động xây dựng, ban hành các quy trình giải quyết TTHC gặp khó khăn, người dân và doanh nghiệp chưa bắt kịp với sự thay đổi của chính sách này.

    - Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp dịch vụ: Hiện nay chưa có bộ máy, nhân lực riêng cho hoạt động cung cấp DVHCC, các cán bộ thực hiện nhiệm vụ này đều làm theo hình thức kiêm nhiệm do đó gặp khó khăn về thời gian trong công tác xử lý, cung cấp DVHCC.

    - Về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC còn gặp nhiều khó khăn do việc triển khai ứng dụng và hạ tầng cơ sở chưa thống nhất, chưa đồng bộ, việc triển khai chữ ký số vẫn chưa hoàn thành.

    - Về cơ chế tài chính: Mức hỗ trợ thực hiện công tác kiểm soát TTHC còn thấp. Chưa có chính sách hỗ trợ cán bộ giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC.

    D. LĨNH VỰC DU LỊCH

    1. Thống kê các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực du lịch

    Tổng số: 34 DVHCC, trong đó:

    a) Cấp trung ương: 08 (phụ lục 18).

    - DVHCC thực hiện theo ủy quyền: 0.

    - DVHCC thực hiện theo phân cấp: 08.

    b) Cấp địa phương: 26 (phụ lục 19).

    - Cấp tỉnh: 26.

    - Cấp huyện: 0.

    - Cấp xã: 0.

    2. Tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng việc cung cấp DVHCC trong lĩnh vực hoạt động du lịch

    a) Việc cung cấp DVHCC

    - Quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết DVHCC:

    + Các TTHC trong lĩnh vực du lịch được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo thời gian và thẩm quyền giải quyết theo quy định. Các TTHC được đăng tải đầy đủ thông tin trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, Cổng thông tin điện tử, Trung tâm Phục vụ hành chính công và niêm yết công khai tại trụ sở Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch các tỉnh/thành phố theo đúng quy định của Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát TTHC, đảm bảo thông tin các TTHC đầy đủ, rõ ràng và dễ thực hiện.

    + Từ ngày 01/01/2018, các TTHC trong lĩnh vực du lịch được thực hiện theo quy định của Luật Du lịch 2017 và các văn bản quy định chi tiết Luật. So với Luật Du lịch 2005, TTHC được quy định rõ ràng, đầy đủ hơn, đảm bảo đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện. Thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch 3 sao được phân cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch. Về cơ bản, thời gian thực hiện các TTHC trong lĩnh vực du lịch được quy định khác nhau ở mỗi thủ tục khác nhau, nhưng đều bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

    - Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong kỳ hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay): Tổng số 1079 hồ sơ, trung bình 45 hồ sơ/tháng.

    - Về cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    + Cấp trung ương: Tại Tổng cục Du lịch đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó, có 02 cán bộ, công chức của Văn phòng Tổng cục, 05 cán bộ, công chức của Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn và Vụ Hợp tác quốc tế, bên cạnh đó, Tổng cục đã bố trí 01 kế toán theo dõi việc nộp phí, lệ phí. Hồ sơ được tiếp nhận sẽ chuyển về các Vụ chuyên môn để thẩm định, xử lý theo quy định.

    + Cấp địa phương: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch bố trí từ 01 đến 02 cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa của Văn phòng Sở hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh/thành phố. Việc giải quyết hồ sơ theo từng lĩnh vực sẽ do cán bộ, công chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị thực hiện.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong lĩnh vực du lịch được xây dựng tương đối đồng bộ, cán bộ công chức làm nhiệm vụ phục vụ DVHCC được cung cấp đầy đủ máy tính có cấu hình phù hợp, mạng kết nối liên thông để có thể thao tác thực hiện các bước TTHC nhanh, chính xác, phục vụ nhu cầu kết nối internet, tiếp cận thông tin nhanh chóng, đồng thời sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu dùng chung của ngành du lịch để quản lý, thu thập, chia sẻ, tích hợp dữ liệu theo một cơ chế thống nhất từ trung ương đến địa phương.

    - Về cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC:

    Trong lĩnh vực du lịch, DVHCC cấp trung ương có 04 TTHC thu phí và 04 TTHC không thu phí; cấp địa phương có 19 TTHC thu phí và 07 TTHC không thu phí. Trước đây, Tổng cục Du lịch chỉ áp dụng hình thức thu phí thông qua giao dịch tại ngân hàng (tổ chức, cá nhân đến ngân hàng, thực hiện giao dịch để chuyển phí vào tài khoản của Văn phòng Tổng cục Du lịch tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội). Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ, từ tháng 12 năm 2018, Tổng cục Du lịch đã bổ sung thêm hình thức thu phí trực tiếp tại Tổng cục. Theo đó, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn nộp phí trực tiếp bằng tiền mặt tại Tổng cục Du lịch hoặc chuyển phí thông qua ngân hàng. Nguồn kinh phí thực hiện DVHCC trong lĩnh vực du lịch được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BTC và Thông tư số 34/2018/TT- BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

    b) Những kết quả đạt được

    - Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động du lịch thông qua việc cung cấp DVHCC:

    * Lĩnh vực lữ hành:

    + “Trình tự, thủ tục công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp tỉnh được quy định rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC.

    + “Thành phần hồ sơ được đơn giản hóa thông qua việc bỏ phương án kinh doanh lữ hành, chương trình du lịch cho khách quốc tế; bỏ bản sao thẻ hướng dẫn viên và hợp đồng của hướng dẫn viên với doanh nghiệp lữ hành”.

    + Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế được đơn giản hóa. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế sẽ gửi hồ sơ trực tiếp đến Tổng cục Du lịch thay vì phải gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch để thẩm định bước đầu như trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC.

    + Thời gian thực hiện một số TTHC được quy định giảm đáng kể, từ 20 ngày làm việc xuống còn 10 ngày đối với thủ tục cấp mới và từ 10 ngày làm việc xuống còn 05 ngày làm việc đối với thủ tục cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

    + Quy định thời gian đăng tải trên Cổng thông tin điện tử về việc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trước khi giải tỏa tiền ký quỹ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để khách du lịch và các đối tác của doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép tiếp cận thông tin, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể này khi thu hồi giấy phép của doanh nghiệp.

    * Hướng dẫn viên du lịch:

    + Thời hạn của thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế được kéo dài, từ 3 năm thành 5 năm; thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày đối với thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ.

    + Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm được quy định cụ thể, minh bạch và linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho hướng dẫn viên tại điểm, người có nhu cầu được cấp thẻ cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

    + Cá nhân được cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch, chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khi đạt kỳ thi kiểm tra nghiệp vụ, không bắt buộc phải tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ. Theo Thông tư số 89/2008/TT- BVHTTDL ngày 30/1/2/2008 quy định: Cá nhân tốt nghiệp chuyên ngành khác với chuyên ngành hướng dẫn du lịch phải tham gia khóa đào tạo và đạt kỳ kiểm tra do các cơ sở đào tạo nghiệp vụ có thẩm quyền tổ chức mới được cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.

    + Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 đã điều chỉnh vấn đề này theo hướng người tốt nghiệp chuyên ngành khác không phải là chuyên ngành hướng dẫn du lịch không nhất thiết phải tham gia các lớp bồi dưỡng mà có thể tự học và sẽ được cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch, chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khi đạt kết quả trong kỳ thi do các cơ sở đào tạo trên tổ chức. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người muốn hành nghề hướng dẫn du lịch.

    * Lĩnh vực lưu trú du lịch:

    + Trình tự, thủ tục được đơn giản hóa theo hướng bỏ quy trình thẩm định hai cấp đối với thủ tục công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch 4 - 5 sao; thời gian thực hiện các TTHC được rút ngắn từ 2 tháng xuống còn 30 ngày.”

    + Việc xếp hạng được thực hiện trên cơ sở đăng ký tự nguyện của cơ sở lưu trú. Đây là một trong những điểm thay đổi cơ bản của Luật Du lịch, theo đó, cơ sở lưu trú du lịch có thể kinh doanh mà không bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký để được xếp hạng như quy định của Luật Du lịch 2005, nhưng phải bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định. Theo Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, việc kiểm tra điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được thực hiện theo cơ chế hậu kiểm. Tuy nhiên, cơ sở lưu trú du lịch không phải xếp hạng không có nghĩa là được tự ý công bố hạng sao. Nếu có nhu cầu được xếp hạng thì cơ sở lưu trú du lịch phải gửi hồ sơ để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng. Sau khi được công nhận thì cơ sở lưu trú được quyền quảng bá thương hiệu theo loại, hạng đã được công nhận.

    * Về dịch vụ du lịch khác:

    + Theo Luật Du lịch 2017, việc công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch được áp dụng rộng rãi trên cơ sở đăng ký tự nguyện, không bị giới hạn trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch như quy định trong Luật Du lịch 2005. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được quy định cụ thể đối với từng loại cơ sở kinh doanh dịch vụ khác, bao gồm các dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe thay vì chỉ có tiêu chuẩn đối với dịch vụ ăn uống, mua sắm như quy định trước đây

    + Thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan du lịch nước ngoài, tổ chức du lịch quốc tế và khu vực: Luật Du lịch 2017 đã quy định rõ ràng và đầy đủ về TTHC này, bảo đảm đơn giản, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện để các tổ chức chủ động thực hiện TTHC.

    + Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 với nhiều thay đổi trong các quy định về hướng dẫn viên du lịch. Để hỗ trợ cơ quan quản lý du lịch các cấp, hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở đào tạo và khách du lịch trong việc thi hành Luật Du lịch 2017, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý, hành nghề, kinh doanh, đào tạo liên quan hướng dẫn viên du lịch, Tổng cục Du lịch đã nâng cấp, xây dựng bổ sung cơ sở dữ liệu trực tuyến hướng dẫn viên du lịch. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến hướng dẫn viên du lịch đã được thiết kế, xây dựng mới hệ thống cơ sở dữ liệu hướng dẫn viên tại điểm, hệ thống cơ sở dữ liệu mã QR gắn với từng hướng dẫn viên được cấp thẻ, bổ sung tính năng bảo mật thông tin của hướng dẫn viên thông qua ứng dụng công nghệ mã QR, bổ sung tính năng điều chỉnh giao diện phù hợp với phương tiện sử dụng (điện thoại thông minh) và nhiều tính năng khác.

    + Việc nâng cấp và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu hướng dẫn viên du lịch Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu Ngành, cung cấp tiện ích tra cứu, tổng hợp, thống kê phục vụ công tác quản lý Ngành mà còn tạo môi trường giao tiếp hiện đại, thân thiện cho hướng dẫn viên và doanh nghiệp sử dụng hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, ở cấp trung ương, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ để xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 08 dịch vụ công của Tổng cục trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

    - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển, lượng khách quốc tế đến cũng như khách du lịch nội địa ngày càng tăng. Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế, du lịch đang ngày càng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Chất lượng và tính cạnh tranh của ngành du lịch ngày càng được nâng cao, được đánh giá qua các chỉ số chính như: tốc độ tăng trưởng khách, độ dài lưu trú bình quân của khách, chi tiêu bình quân của khách, đóng góp của du lịch vào cơ cấu GDP, đó là hiệu quả từ việc xây dựng chính sách phát triển ngành và sự cải cách, đơn giản hóa thủ tục, cách thức thực hiện DVHCC đã tạo điều kiện và sự thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện DVHCC trong lĩnh vực du lịch.

    c) Tồn tại, hạn chế

    - Về các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật: Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lĩnh vực du lịch xét thấy còn một số nội dung chưa được quy định rõ và một số nội dung khó triển khai trong thực tế liên quan đến lữ hành và quản lý hướng dẫn viên du lịch. Cụ thể:

    + Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết chuyên ngành về lữ hành gồm 7 nhóm ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch. Nội dung này được quy định căn cứ trên Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, Thông tư số 24/2017/TT-BGDDT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục giáo dục và đào tạo cấp IV trình độ đại học và Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục, ngành nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

    Tuy nhiên, trên thực tế từ trước năm 2009, có một số ngành/chuyên ngành đào tạo có liên quan đến lĩnh vực du lịch, lữ hành đã được các cơ sở đào tạo áp dụng trong thực tế đào tạo và đã cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau, không trùng với tên các ngành đào tạo hiện tại được quy định tại các Quyết định, Thông tư và được dẫn chiếu tại Thông tư số 06/2017/TT- BVHTTDL ngày 15/12/2017. Do vậy, để phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho những người đã có văn bằng liên quan đến du lịch từ trước khi có quy định về ngành/nghề đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đề nghị sửa đổi, bổ sung danh mục các ngành/chuyên ngành đào tạo liên quan đến du lịch, lữ hành đã được các cơ sở đào tạo du lịch đào tạo trước khi có quy định của Chính phủ về các ngành đào tạo trong lĩnh vực du lịch.

    + Khoản 3 Điều 3, khoản 2 Điều 13 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định: “Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Quy định này cần được sửa đổi vì lý do văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định tại Thông tư số 17/2017/TT-BGDĐT ngày 13/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 34/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

    ++ Đối với các chứng chỉ, giấy chứng nhận chứng minh trình độ ngoại ngữ: Đề nghị sửa lại theo hướng các chứng chỉ, giấy chứng nhận phải được cấp bởi các đơn vị đã đăng ký và Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

    ++ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ công nhận bằng đối với người Việt Nam được các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng, chưa có quy định về việc công nhận văn bằng của người nước ngoài được cơ sở đào tạo nước ngoài cấp nhưng lao động tại Việt Nam với tư cách là người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành tại doanh nghiệp lữ hành.

    + Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 chưa quy định thời hạn nên được hiểu là có giá trị vĩnh viễn, tuy nhiên theo quy định bằng mới có giá trị vĩnh viễn, còn chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch chỉ sử dụng khi cấp thẻ hướng dẫn viên. Khi hết thời hạn trên thẻ hướng dẫn viên thì hướng dẫn viên cần phải trải qua lớp cập nhật kiến thức để được cấp lại thẻ.

    + Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định Tổng cục Du lịch là cơ quan tiếp nhận thông báo kèm đề án tổ chức thi, kết quả tổ chức thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch và hướng dẫn du lịch của các cơ sở đào tạo và chỉ yêu cầu các cơ sở đào tạo không được tổ chức thi khi chưa đủ tiêu chí tổ chức thi. Tuy nhiên, Thông tư chưa quy định rõ nội dung (ví dụ: ngân hàng câu hỏi), thời hạn Tổng cục Du lịch sẽ phải xem xét đi đến quyết định yêu cầu các cơ sở đào tạo không được tổ chức thi nếu cơ sở đào tạo không đáp ứng tiêu chí tổ chức thi; thời hạn để các trường hoàn thiện tiêu chí khi đã bị yêu cầu dừng do không đáp ứng các tiêu chí như quy định, chưa quy định Tổng cục Du lịch có cần làm công văn trả lời thông báo của trường hay không, nếu có thì chỉ đợt đầu hay tất cả các đợt thi. Tổng cục Du lịch tiếp nhận nhiều thắc mắc của cơ sở đào tạo và học viên đăng ký thi về cơ sở xác nhận cơ sở đào tạo đã đủ điều kiện tổ chức thi cấp chứng chỉ khi chưa có trả lời của cơ quan quản lý.

    + Hiện nay thông tư mới chưa quy định nội dung thông tin (bằng chữ) trên giấy phép chưa có quy định thống nhất về màu sắc, loại hoa văn... nên các cơ sở lúng túng trong việc ban hành giấy phép lữ hành nội địa.

    - Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC: Bộ phận một cửa cấp trung ương trong lĩnh vực du lịch mới được thành lập với thành viên là những cán bộ, công chức chưa có kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận, trả kết quả TTHC. Bên cạnh đó, có 5/7 thành viên là công chức thuộc biên chế của các Vụ chuyên môn, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC.

    - Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin: Trong lĩnh vực du lịch hệ thống công nghệ thông tin đã được nâng cấp, triển khai đồng bộ hệ thống máy móc để phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước, nhất là các phương tiện máy móc, phần mềm áp dụng tiếp nhận, giải quyết DVHCC hoặc tiếp thu kiến nghị của các tổ chức, cá nhân.

    - Về cơ chế tài chính: Mức hỗ trợ cho đội ngũ thực hiện công tác phục vụ DVHCC, kiểm soát TTHC trong lĩnh vực du lịch còn thấp. Chưa có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức giải quyết TTHC và cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận một cửa.

     

    Phần III. ĐỀ XUẤT CHUYỂN MỘT SỐ DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG KHÔNG NHẤT THIẾT NHÀ NƯỚC PHẢI THỰC HIỆN

     

    MỤC 1. ĐỀ XUẤT CHUYỂN MỘT SỐ DVHCC KHÔNG NHẤT THIẾT NHÀ NƯỚC PHẢI THỰC HIỆN

    A. LĨNH VỰC VĂN HÓA

    I. DI SẢN VĂN HÓA

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên 13 TTHC cấp Trung ương và 14 TTHC cấp tỉnh/thành phố trong lĩnh vực di sản văn hóa.

    Lý do: Quy trình giải quyết các TTHC trong lĩnh vực di sản văn hóa về cơ bản đòi hỏi yêu cầu về chuyên môn trong việc thẩm định hồ sơ, giám định hiện vật. Mặt khác, nhiều TTHC còn có thành phần hồ sơ yêu cầu bảo mật. Vì vậy, trước mắt lĩnh vực di sản văn hóa không đề xuất chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

    II. NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    Lý do: Việc rà soát chuyển DVHCC không nhất thiết phải do Nhà nước đảm nhiệm đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2016 khi thực hiện xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 79/2012/NĐ-CP nhằm thực hiện chủ trương đơn giản hóa TTHC và tạo cơ chế tự chịu trách nhiệm, chủ động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất bản ghi âm, ghi hình của các doanh nghiệp, qua đó đã bãi bỏ thủ tục cấp nhãn kiểm soát dán trên bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, giao cho các doanh nghiệp sản xuất chủ động thực hiện dán tem kiểm soát sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước cấp quyết định phê duyệt nội dung, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong khâu lưu hành.

    Vì vậy, cho đến nay, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không còn DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

    Lý do: Hiện nay, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang điều chỉnh bởi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn gồm Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL ngày 19/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL, việc các DVHCC trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước đảm nhiệm dựa trên các lý do sau:

    - Đối với nhóm thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu:

    + Bảo đảm sự ổn định trong các quy định quản lý Nhà nước. Đảm bảo các hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật phù hợp với giá trị đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống dân tộc.

    + Tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để các tổ chức, cá nhân hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thực hiện; bảo đảm các quy định của pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh.

    + Chọn lọc và hạn chế tình trạng “loạn” danh hiệu sắc đẹp gây bức xúc trong dư luận xã hội và tình trạng bất chấp vi phạm quy định pháp luật để ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu.

    + Đảm bảo quản lý được hình ảnh, hoạt động nghề nghiệp của các cá nhân thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu.

    - Đối với nhóm thủ tục cấp phép cho đoàn ra, đoàn vào:

    + Đảm bảo biện pháp quản lý Nhà nước đối với nghệ sĩ nước ngoài, nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật và nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn là người, kịp thời định hướng hoạt động nghề nghiệp của họ phù hợp với giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục dân tộc và pháp luật của Nhà nước.

    + Kiểm soát được hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ, có thể tạm dừng, đình chỉ hoạt động biểu diễn khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, hành vi đi ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và lợi ích dân tộc.

    + Tạo cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ.

    - Đối với nhóm thủ tục cấp phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975, bài hát do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác và lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu:

    + Thống nhất xác định rõ những tác phẩm phù hợp với giá trị đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục dân tộc và chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được lưu hành, sử dụng.

    + Đảm bảo hoạt động quản lý đối với các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, kịp thời ngăn chặn tác phẩm có nội dung, tư tưởng không phù hợp với chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước.

    + Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước căn cứ, áp dụng trong quá trình cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật hoặc cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

    III. ĐIỆN ẢNH

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực điện ảnh.

    Lý do: Với thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, sự du nhập của phim ảnh nước ngoài vào Việt Nam với nhiều hình thức, phương tiện ngày càng tăng và phim Việt Nam được sản xuất ngày càng nhiều. Để kiểm soát chặt chẽ các nội dung, hình ảnh phim nhập khẩu, các hình thức liên kết, nội dung phim sản xuất tại Việt Nam thì cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh phải thực hiện các TTHC trong lĩnh vực này, đó là giải pháp cần thiết để kiểm soát nội dung, hình ảnh phim, vừa đảm bảo tăng nguồn thu, đa dạng hóa nội dung, vừa đảm bảo đúng với xu hướng và phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

    IV. MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH VÀ TRIỂN LÃM

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.

    Lý do: Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là lĩnh vực đặc thù liên quan đến văn hóa tư tưởng và chính trị, cơ quan quản lý Nhà nước phải thực hiện các TTHC trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh và các hình thức triển lãm có nội dung chủ đề đúng với đường lối văn hóa, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

    V. QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

    Lý do: Các DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực hoạt động quyền tác giả, quyền liên quan gắn liền với thẩm quyền hành chính pháp lý do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện và do ngân sách Nhà nước cấp. Các tổ chức, cá nhân có quyền ngang nhau trong việc tiếp cận và sử dụng các DVHCC này. Vì vậy, Cục Bản quyền tác giả không đề xuất chuyển một số DVHCC trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

    VI. THƯ VIỆN

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực thư viện.

    Lý do: Xuất phát từ thực tiễn quản lý Nhà nước về hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và báo cáo của địa phương, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện DVHCC trong cấp giấy phép đăng ký hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; do:

    Thứ nhất, hoạt động thư viện với chức năng thu thập, lưu giữ tài liệu là một trong những công cụ hữu hiệu truyền bá tư tưởng, văn hóa có khả năng tác động mạnh mẽ đến xã hội, dễ bị các thế lực xấu lợi dụng để tuyên truyền các tư tưởng xấu ảnh hưởng đến chính trị và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước nhất thiết phải thực hiện DVHCC này nhằm quản lý, kiểm soát nội dung các sản phẩm và dịch vụ mà thư viện tư nhân cung cấp đến cộng đồng.

    Thứ hai, mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng sau 10 năm kể từ khi Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 06/01/2009 được ban hành (2009 - 2018) mặc dù đã được hình thành và phát triển, tuy nhiên hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là các hoạt động mang tính thiện nguyện, công ích nên nguồn lực để duy trì hoạt động của mô hình này còn nhiều hạn chế dẫn đến việc một số thư viện sau thời gian hoạt động phải đóng cửa, điều này đặt ra yêu cầu có sự tham gia hỗ trợ nguồn lực của toàn xã hội đặc biệt là định hướng phát triển của cơ quan quản lý Nhà nước.

    Thứ ba, các tổ chức, đơn vị trong xã hội ít quan tâm đến hoạt động thư viện, do tính công ích, xã hội cao; các tổ chức xã hội nghề nghiệp (lớn nhất là Hội Thư viện Việt Nam) qua nghiên cứu, đánh giá, chưa có tổ chức nào có đủ năng lực, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực để đảm bảo cho việc đảm nhận thực hiện DVHCC này.

    VII. VĂN HÓA CƠ SỞ

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực văn hóa cơ sở.

    Lý do: Các DVHCC thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện vì đều là các DVHCC có tính chất quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là một trong những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, cần có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước và được quy định tại Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014. Do vậy, các DVHCC thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở phải do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện.

    VIII. THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng.

    Lý do: Trong số 07 DVHCC đang được cung cấp trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng không có DVHCC nào có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thực hiện, do đây là những giải thưởng cao quý được Nhà nước phong tặng, vì thế không thể chuyển giao cho các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm, mà phải do các cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện, kiểm định và giám sát theo đúng quy trình, quy định của pháp luật thì mới đảm bảo về chuyên môn cũng như tính trung thực, khách quan trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ.

    IX. XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.

    Lý do: Căn cứ cam kết trong các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế, Việt Nam có nghĩa vụ phân công cho các cơ quan văn hóa có thẩm quyền xét duyệt danh mục hàng hóa đủ điều kiện, kiểm soát chặt chẽ nội dung hàng hóa nước ngoài khi nhập khẩu vào Việt Nam vì đây là hàng hóa nhạy cảm. Các nước khi tham gia thương mại quốc tế có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ bản sắc văn hóa quốc gia mình, các nước có thể chế chính trị, xã hội đặc thù, nhất là trong bối cảnh xung đột quan điểm, sắc tộc, chính trị ngày càng gia tăng khi toàn cầu hóa sâu rộng trên toàn thế giới.

    Do vậy, đề nghị không chuyển các DVHCC trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

    B. LĨNH VỰC GIA ĐÌNH

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Đề xuất chuyển 03 DVHCC cấp tỉnh:

    a) Cấp Giấy chứng nhận nghiệp vụ về chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình.

    b) Cấp thẻ nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình.

    c) Cấp lại thẻ nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình.

    Lý do: Về cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình phù hợp với chuyên môn về chăm sóc sức khỏe y tế và cũng phù hợp với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có chức năng chuyên môn về chăm sóc sức khỏe y tế, do vậy việc cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực gia đình chỉ quản lý chung không nhất thiết phải thực hiện DVHCC này.

    Từ việc chuyển giao cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình dẫn đến việc chuyển giao cấp, cấp lại thẻ nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm là phù hợp với nhóm DVHCC trong lĩnh vực gia đình. Việc chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm sẽ được phân cấp thực hiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên 08 DVHCC cấp tỉnh và 06 DVHCC cấp huyện trong lĩnh vực gia đình.

    Lý do: Các DVHCC này là về chuyên môn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực gia đình và thuộc chức năng, nhiệm vụ của công tác gia đình tại cấp tỉnh và cấp huyện, vì vậy các DVHCC này nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện.

    C. LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ THAO

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    - Lý do: DVHCC trong lĩnh vực thể dục thể thao chủ yếu là cho phép đăng cai các giải thi đấu thể thao, công nhận ban vận động thành lập hội thể thao quốc gia, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, đây là lĩnh vực khó, phức tạp và yêu cầu chuyên môn cao trong quá trình thẩm định, kiểm tra giải quyết TTHC. Hơn nữa, kinh doanh hoạt động thể dục thể thao là ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân, do đó cần phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành.

    - Thuận lợi, hiệu quả, khó khăn, vướng mắc nếu chuyển giao (về nhân sự, tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, chi phí thi hành...)

    Nếu chuyển giao giải quyết các DVHCC trong lĩnh vực thể dục thể thao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm sẽ không đảm bảo chất lượng chuyên môn trong quá trình thẩm định, kiểm tra, rà soát. Đặc biệt là các DVHCC liên quan đến đăng cai tổ chức các giải thể thao, công nhận ban vận động thành lập hội thể thao quốc gia. Các thủ tục này hiện nay chưa có tổ chức nào có khả năng đảm nhận, hơn nữa liên quan đến an ninh, trật tự, quản lý tổ chức giải thể thao và quản lý nhân sự của ban vận động thành lập hội cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh hoạt động lợi dụng hoạt động thể thao để tuyên truyền, tụ tập làm mất an ninh trật tự.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực thể dục thể thao.

    - Lý do:

    + TTHC trong lĩnh vực thể dục thể thao và thẩm quyền giải quyết TTHC đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Thể dục thể thao, Nghị định hướng dẫn Luật Thể dục thể thao, Nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thể dục thể thao và Nghị định quy định quản lý hội thể thao.

    + TTHC trong lĩnh vực thể dục thể thao lĩnh vực khó, phức tạp và yêu cầu chuyên môn trong quá trình thẩm định, kiểm tra giải quyết TTHC. Hơn nữa, kinh doanh hoạt động thể dục thể thao là ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân, do đó cần phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành.

    + Nếu chuyển giao giải quyết các TTHC trong lĩnh vực thể dục thể thao hiện nay cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội sẽ không đảm bảo chất lượng chuyên môn trong quá trình thẩm định, kiểm tra, rà soát. Đặc biệt là các TTHC trong lĩnh vực thể dục thể thao hiện nay chưa có tổ chức nào có khả năng đảm nhận, cụ thể trong hoạt động cấp phép tổ chức giải thể thao và công nhận Ban vận động thành lập hội thể thao quốc gia vì 02 TTHC này liên quan đến quá trình điều hành, tổ chức giải sau khi được cấp phép về an ninh, trật tự và quản lý nhân sự. Cần có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước, tránh lợi dụng hoạt động thể thao để tuyên truyền, tụ tập làm mất an ninh trật tự, “lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người. Hoạt động thể dục thể thao trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc” (Điểm a khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao).

    - Khó khăn, vướng mắc, thuận lợi, hiệu quả khi tiếp tục thực hiện cung cấp DVHCC (về nhân sự, tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, chi phí thi hành...)

    + Khó khăn, vướng mắc:

    ++ Do không có tổ chức, bộ mày riêng cho hoạt động cung cấp DVHCC trong lĩnh vực thể dục thể thao nên hoạt động này được giao cho cán bộ, công chức thực hiện công tác kiêm nhiệm.

    ++ Chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động cung cấp DVHCC.

    ++ Hoạt động tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ cung cấp DVHCC gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền.

    + Thuận lợi:

    ++ Các văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC trong lĩnh vực thể dục thể thao tương đối đầy đủ, chặt chẽ, thể hiện rõ được các yêu cầu về một TTHC hoàn chỉnh.

    ++ Cán bộ giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC cơ bản đáp ứng tốt chuyên môn, nắm tương đối rõ các quy trình, quy định, mặc dù kiêm nhiệm nhưng làm việc có trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn sâu và am hiểu lĩnh vực được phân công giải quyết.

    D. LĨNH VỰC DU LỊCH

    1. Đề xuất DVHCC chuyển giao cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm

    Không đề xuất.

    2. Đề xuất DVHCC nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện

    Đề xuất giữ nguyên tất cả các DVHCC trong lĩnh vực du lịch.

    Lý do: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, các hoạt động du lịch mang tính chất động (luôn luôn biến động và theo xu thế phát triển), nhiều sự vụ xảy ra phức tạp liên quan đến tính mạng con người, nếu không quản lý tốt sẽ gây hệ lụy không tốt, mặt khác du lịch có tính lan tỏa nhiều đến các ngành kinh tế - xã hội khác, vì vậy, phải có sự phối hợp liên ngành để quản lý, đặc biệt là an ninh chính trị và an toàn xã hội. Do đó, cần phải có sự quản lý của Nhà nước trong các hoạt động quản lý du lịch, nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện.

    - Khó khăn, vướng mắc: Hiện nay, chưa có bộ máy, nhân sự riêng thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC, cán bộ làm nhiệm vụ chủ yếu là theo hình thức kiêm nhiệm, quá trình giải quyết phân tán do liên quan đến đơn vị nào thì đơn vị đó trực tiếp xử lý. Chế độ hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi giải quyết nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp.

    - Thuận lợi: Cán bộ giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC đều nắm rõ các quy trình, quy định khi thực hiện, mặc dù kiêm nhiệm nhưng đội ngũ cán bộ, công chức làm việc có trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn sâu và am hiểu lĩnh vực được phân công giải quyết.

    MỤC II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

    1. Giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật

    - Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng chỉ quy định các TTHC từ Nghị định trở lên, đồng thời quy định rõ TTHC trong các văn bản quy phạm pháp luật này đảm bảo các yếu tố cấu thành của một TTHC hoàn chỉnh để cơ quan, tổ chức khi tiến hành cấp giấy chứng nhận hoặc cung cấp DVHCC cho người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, hiệu quả.

    - Hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản văn hóa, tiếp tục thực hiện việc phân cấp cho các địa phương trong việc thực hiện các DVHCC trong lĩnh vực di sản văn hóa.

    - Hiện tại các quy định thể hiện trong Văn bản hợp nhất số 370/VBHN- BVHTTDL ngày 02/02/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đều đang mở để cho nhiều cơ quan có thể tham gia tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng. Tuy nhiên, để chuyển giao thẩm quyền Cấp Giấy chứng nhận và Thẻ nghiệp vụ về chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình theo đề xuất, cần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2010 quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về PCBLGĐ; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng chống bạo lực gia đình và Thông tư số 23/2014/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2010.

    - Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó tập trung xây dựng Nghị định mới của Chính phủ quy định về nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 nhằm đơn giản hóa TTHC, phù hợp với thực tiễn đời sống nghệ thuật, đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

    - Cần phải bổ sung, hoàn thiện văn bản nội dung về ưu đãi, ưu tiên, phương thức kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước trong thời gian tới.

    2. Giải pháp về tổ chức, bộ máy và nguồn nhân lực

    - Sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc thực hiện các DVHCC.

    - Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ khoa học cho đội ngũ công chức làm công tác cải cách hành chính nói chung và công chức trực tiếp thực hiện các DVHCC nói riêng.

    - Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác cải cách hành chính nói chung và cán bộ trực tiếp cung cấp DVHCC nói riêng để tăng cường nghiệp vụ chuyên môn trong quá trình giải quyết nhiệm vụ được giao.

    - Bổ sung nhân lực, đặc biệt là các công chức có chuyên môn, kinh nghiệm trong giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC cho các bộ phận trực tiếp thực hiện.

    - Hiện nay, không có tổ chức bộ máy, nhân sự riêng phục vụ các DVHCC trong lĩnh vực gia đình nên vấn đề tinh giản biên chế không được đặt ra, chỉ là tăng tính quản lý Nhà nước của bộ máy cán bộ đối với việc thực hiện các DVHCC này.

    3. Giải pháp về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin

    - Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đưa các TTHC thực dịch vụ công trực tuyến cấp độ cấp độ 3 và cấp độ 4. Tiến tới việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường mạng internet, góp phần thực hiện chủ trương Chính phủ điện tử, cải cách TTHC, cắt giảm chi phí thực hiện TTHC.

    - Nâng cấp và kiện toàn hạ tầng mạng phục vụ hoạt động quản lý nói chung và hoạt động cung cấp DVHCC nói riêng.

    - Tích cực nghiên cứu, đề xuất xây dựng các phần mền điện tử phục vụ cho hoạt động quản lý, giải quyết TTHC.

    - Hoàn thiện xây dựng đăng ký chữ ký số phục vụ hoạt động chuyển giao văn bản bằng file điện tử.

    - Ở trung ương, nếu chuyển giao về các cơ sở đào tạo, thì có thể tận dụng được cơ sở vật chất, CNTT sẵn có của các cơ sở này, không cần đầu tư thêm.

    4. Giải pháp về cơ chế tài chính

    - Cần tăng cường hơn nữa việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới về chế độ, chính sách cho đội ngũ làm công tác thực hiện DVHCC tại các đơn vị trực thuộc Bộ nhằm tạo động lực, cũng như động viên tinh thần cho cán bộ, công chức khi phải thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ giải quyết TTHC.

    - Cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về chế độ tài chính, tăng mức hỗ trợ cho cán bộ làm công tác cải cách hành chính, kiểm soát TTHC.

    - Do các DVHCC này mang tính phúc lợi xã hội và phục vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực gia đình nên Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí, có cơ chế thu - chi phi lợi nhuận, phù hợp với các quy định hiện hành về cung cấp dịch vụ công.

    5. Giải pháp về tuyên truyền, phổ biến

    - Tổ chức các cuộc thi, bài viết về tìm hiểu về công tác cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan, đơn vị.

    - Cung cấp các tin, bài, phóng sự về những mô hình, cách thức làm của các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt trong công tác cải cách hành chính.

    - Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có TTHC với các cơ quan báo, đài lớn trong nước nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác thông tin, truyền thông.

    - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về việc cung cấp các DVHCC trong lĩnh vực gia đình để đảm bảo tính hiệu quả và tính an sinh xã hội trong công tác quản lý Nhà nước đối với các DVHCC này.

    - Hàng năm tổ chức các Lớp tập huấn, Hội nghị phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật đến các cơ quan quản lý Nhà nước; các Hội nghề nghiệp chuyên ngành; các tổ chức, cá nhân hoạt động về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao, và du lịch nắm bắt và thực hiện.

     

    Phần IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    I. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

    Chánh Văn phòng Bộ, thủ trưởng các Tổng Cục, Cục, Vụ, tổ chức trực thuộc có nhiệm vụ tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện các bước nghiên cứu, đề xuất các DVHCC không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm; rà soát, tổng hợp báo cáo; đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện trong những năm sắp tới.

    II. LỘ TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

    1. Đơn vị có DVHCC chuyển giao cần căn cứ tình hình thực tế để xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện, bao gồm lộ trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, thành lập kiện toàn tổ chức, bộ máy hoạt động khi chuyển giao.

    2. Tiếp tục rà soát các DVHCC trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, tổ chức họp, tham vấn, hội nghị, hội thảo và khảo sát, lấy ý kiến người dân về những DVHCC chưa được chuyển giao và các DVHCC chưa được thống kê, rà soát trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

    3. Trên cơ sở rà soát, đánh giá các DVHCC sẽ tiếp tục đề xuất chuyển các DVHCC khác trên cơ sở thực tế đáp ứng các yêu cầu về tinh gọn bộ máy trong công tác quản lý Nhà nước.

    III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

    Các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào các giải pháp nêu tại Đề án “Rà soát chuyển một số dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch không nhất thiết Nhà nước phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm” để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nội dung của Đề án và dự kiến kinh phí thực hiện trình Bộ trưởng phê duyệt./.

     

    PHẦN PHỤ LỤC

    Phụ lục 1: DVHCC cấp trung ương trong lĩnh vực di sản văn hóa.

    Phụ lục 2: DVHCC cấp địa phương trong lĩnh vực di sản văn hóa.

    Phụ lục 3: DVHCC cấp trung ương trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

    Phụ lục 4: DVHCC cấp địa phương trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

    Phụ lục 5: DVHCC cấp trung ương trong lĩnh vực điện ảnh.

    Phụ lục 6: DVHCC cấp địa phương trong lĩnh vực điện ảnh.

    Phụ lục 7: DVHCC cấp trung ương trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.

    Phụ lục 8: DVHCC cấp địa phương trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.

    Phụ lục 9: DVHCC cấp trung ương trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

    Phụ lục 10: DVHCC cấp địa phương trong lĩnh vực thư viện.

    Phụ lục 11: DVHCC cấp trung ương trong lĩnh vực văn hóa cơ sở.

    Phụ lục 12: DVHCC cấp địa phương trong lĩnh vực văn hóa cơ sở.

    Phụ lục 13: DVHCC cấp trung ương trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng.

    Phụ lục 14: DVHCC cấp trung ương và địa phương trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.

    Phụ lục 15: DVHCC cấp địa phương trong lĩnh vực gia đình.

    Phụ lục 16: DVHCC cấp trung ương trong lĩnh vực thể dục thể thao.

    Phụ lục 17: DVHCC cấp địa phương trong lĩnh vực thể dục thể thao.

    Phụ lục 18: DVHCC cấp trung ương trong lĩnh vực du lịch.

    Phụ lục 19: DVHCC cấp địa phương trong lĩnh vực du lịch.

     

    PHỤ LỤC 1

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG TRONG LĨNH VỰC DI SẢN VĂN HÓA

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC thực hiện theo ủy quyền

    1.

    Cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ

    Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL 07/6/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    2.

    Cấp giấy phép mang di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ra nước ngoài

    Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ; Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ.

    3.

    Cấp phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên

    Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ; Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ.

    4.

    Công nhận bảo vật quốc gia đối với bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương

    Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    5.

    Công nhận bảo vật quốc gia đối với bảo tàng chuyên ngành thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương

    Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    6.

    Công nhận bảo vật quốc gia đối với bảo tàng quốc gia

    Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    7.

    Thủ tục đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài phục vụ hoạt động đối ngoại cấp nhà nước

    Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

    8.

    Thủ tục đưa bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng quốc gia ra nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam

    Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

    9.

    Thủ tục đưa bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng chuyên ngành ra nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam

    Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

    10.

    Thủ tục đưa bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng ngoài công lập và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu bảo vật quốc gia ra nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam

    Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

    11.

    Thủ tục đưa bảo vật quốc gia đang được bảo vệ và phát huy giá trị tại di tích do Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương quản lý ra nước ngoài theo kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản

    Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

    12.

    12. Thủ tục đưa bảo vật quốc gia đang được bảo vệ và phát huy giá trị tại di tích do tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý ra nước ngoài theo kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản

    Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

    II. DVHCC thực hiện theo phân cấp

    13.

    Thủ tục cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm là di vật, cổ vật không nhằm mục đích kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

     

    PHỤ LỤC 2

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC DI SẢN VĂN HÓA

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    DVHCC cấp tỉnh

    1.

    Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

    Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    2.

    Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

    Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    3.

    Cấp Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

    Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

    4.

    Cấp lại Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

    Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

    5.

    Cấp giấy phép khai quật khẩn cấp

    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18/6/2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ; Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ.

    6.

    Cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập

    Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ; Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ.

    7.

    Xác nhận đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động đối với bảo tàng ngoài công lập

    Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ; Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ.

    8.

    Đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

    Thông tư số 07/TT-BVHTT ngày 19/02/2004 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    9.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật

    Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    10.

    Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật

    Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

    11.

    Cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

    Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    12.

    Công nhận bảo vật quốc gia đối với bảo tàng cấp tỉnh, ban hoặc trung tâm quản lý di tích

    Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    13.

    Công nhận bảo vật quốc gia đối với bảo tàng ngoài công lập, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc đang quản lý hợp pháp hiện vật

    Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    14.

    Cấp phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương

    Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ; Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ.

     

    PHỤ LỤC 3

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG TRONG LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC thực hiện theo ủy quyền

    1.

    Cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc cơ quan Trung ương ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

    - Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ; Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ- CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL ngày 19/10/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    2.

    Cấp giấy phép cho tổ chức thuộc cơ quan Trung ương mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

    3.

    Cấp giấy phép cho doanh nghiệp mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc không trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi thành lập doanh nghiệp

    4.

    Cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp quy mô toàn quốc (cuộc thi Hoa hậu toàn quốc)

    5.

    Cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp quốc tế, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam

    II. DVHCC thực hiện theo phân cấp

    6.

    Cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho các tổ chức thuộc Trung ương

    - Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ; Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ- CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL ngày 19/10/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    7.

    Cấp giấy phép cho đối tượng mời cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

    8.

    Cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp quy mô vùng, ngành, đoàn thể Trung ương và người mẫu quy mô toàn quốc

    9.

    Cấp giấy phép đưa thí sinh đi tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế

    10.

    Cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu cho các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương

    11.

    Cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài

     

    PHỤ LỤC 4

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC thực hiện theo ủy quyền

    1.

    Cấp giấy phép cho phép tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc địa phương ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

    - Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ; Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ- CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL ngày 19/10/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    2.

    Cấp giấy phép cho đối tượng thuộc địa phương mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại địa phương

    3.

    Cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu trong phạm vi địa phương

    4.

    Chấp thuận địa điểm đăng cai vòng chung kết cuộc thi người đẹp, người mẫu

    II. DVHCC thực hiện theo phân cấp

    5.

    Cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho các tổ chức thuộc địa phương

    - Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ; Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ- CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL ngày 19/10/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    6.

    Cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu cho các tổ chức thuộc địa phương

    7.

    Thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu

     

    PHỤ LỤC 5

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN ẢNH

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC thực hiện theo ủy quyền

    1.

    Cấp giấy phép cho tổ chức trong nước hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim truyện với tổ chức, cá nhân nước ngoài

    Luật Điện ảnh; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Thông tư số 289/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    2.

    Tổ chức những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài

    Luật Điện ảnh; Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    3.

    Cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam

    Luật Điện ảnh; Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Thông tư số 289/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    4.

    Cho phép thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài

    Luật Điện ảnh; Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    5.

    Cho phép tổ chức liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề

    Luật Điện ảnh; Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    II. DVHCC thực hiện theo phân cấp

    6.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim

    Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Nghị định 54/2010/NĐ-CP; Nghị định 142/2018/NĐ-CP; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    7.

    Cấp giấy phép cho tổ chức trong nước hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim ngắn (tài liệu, khoa học, hoạt hình) với tổ chức, cá nhân nước ngoài

    Luật Điện ảnh; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Thông tư số 289/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    8.

    Tổ chức chiếu, giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam

    Luật Điện ảnh; Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Thông tư số 289/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    9.

    Cấp giấy phép phổ biến phim

    (- Phim truyện do cơ sở điện ảnh trong cả nước sản xuất hoặc nhập khẩu (trừ trường hợp do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép theo khoản 3 Điều 18 Nghị định số 54/2010/N Đ-CP);

    - Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh thuộc Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu;

    - Phim được sản xuất từ việc hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất, liên doanh sản xuất với tổ chức, cá nhân nước ngoài)

    Luật Điện ảnh; Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 09/7/2008; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Thông tư số 289/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    10.

    Cấp giấy phép phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim (do các cơ sở điện ảnh thuộc Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu)

    Luật Điện ảnh; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Thông tư số 20/2013/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2013; Thông tư số 289/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    11.

    Cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm có nội dung là phim

    Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012; Thông tư số 07/2012/TT-BVHTTDL ngày 16/7/2012; Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    12.

    Cấp phép xuất khẩu văn hóa phẩm có nội dung là phim

    13.

    Thủ tục phê duyệt nội dung tác phẩm điện ảnh nhập khẩu

    - Phim truyện do cơ sở điện ảnh trong cả nước nhập khẩu, trừ trường hợp phim truyện của các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương đáp ứng được các điều kiện về sản xuất và nhập khẩu phim theo quy định.

    - Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh thuộc Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu.

    Luật Điện ảnh; Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014; Thông tư số 26/2018/TT-BVHTTDL ngày 11/9/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

     

    PHỤ LỤC 6

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN ẢNH

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    1.

    Cấp giấy phép phổ biến phim

    (- Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu;

    - Cấp giấy phép phổ biến phim truyện khi năm trước liền kề, các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương đáp ứng các điều kiện:

    + Sản xuất ít nhất 10 phim truyện nhựa được phép phổ biến;

    + Nhập khẩu ít nhất 40 phim truyện nhựa được phép phổ biến)

    Luật Điện ảnh; Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 09/7/2008; Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011; Thông tư số 289/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016; Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    2.

    Cấp giấy phép phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim (do các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu)

    3.

    Thủ tục phê duyệt nội dung tác phẩm điện ảnh nhập khẩu

    - Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu.

    - Cấp giấy phép phổ biến phim truyện khi năm trước liền kề, các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương đáp ứng các điều kiện:

    + Sản xuất ít nhất 10 phim truyện nhựa được phép phổ biến;

    + Nhập khẩu ít nhất 40 phim truyện nhựa được phép phổ biến.

    Luật Điện ảnh; Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014; Thông tư số 26/2018/TT-BVHTTDL ngày 11/9/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

     

    PHỤ LỤC 7

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG TRONG LĨNH VỰC MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH VÀ TRIỂN LÃM

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    1.

    Tiếp nhận thông báo tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật

    Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

    2.

    Cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật

    3.

    Thỏa thuận cấp phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (công trình cấp quốc gia, công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh,; công trình khu di tích đã được Nhà nước xếp hạng)

    4.

    Cấp giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc

    5.

    Thông báo đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan

    Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh.

    6.

    Cấp giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam

    7.

    Cấp giấy phép đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm

    8.

    Thủ tục phê duyệt nội dung tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh nhằm mục đích kinh doanh

    Thông tư số 26/2018/TT-BVHTTDL ngày 11/9/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    9.

    Cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm là tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh không nhằm mục đích kinh doanh thuộc

    Nghị định số 32/NĐ-CP ngày 12/4/2012; Thông tư số 07/TT-BVHTTDL ngày 16/7/2012; Thông tư số 22/2018/TT- BVHTTDL ngày 29/6/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    10.

    Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để trưng bày, triển lãm văn hóa nghệ thuật chuyển Bộ Công An cấp phép

    Thông tư số 06/2015/TT-BVHTTDL ngày 08/7/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

     

    PHỤ LỤC 8

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH VÀ TRIỂN LÃM

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép

    1.

    Cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng

    Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

    Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa và Thể thao cấp phép

    2.

    Cấp giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam

    Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh.

    3.

    Cấp giấy phép đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm

    4.

    Tiếp nhận thông báo tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật

    Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

    5.

    Cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật

    6.

    Cấp giấy phép sao chép tác phẩm mỹ thuật về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ

    7.

    Giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc

    8.

    Thủ tục phê duyệt nội dung tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh

    Thông tư số 26/2018/TT-BVHTTDL ngày 11/9/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    9.

    Cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm là tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh không nhằm mục đích kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

     

    PHỤ LỤC 9

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG TRONG LĨNH VỰC QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    DVHCC thực hiện theo phân cấp (đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan)

    1.

    Thủ tục Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

    - Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005.

    - Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009.

    - Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

    - Thông tư số 08/2016/QĐ-BVHTT ngày 02/7/2016 quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

    - Thông tư số 211/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả.

    2.

    Thủ tục Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

    3.

    Thủ tục Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

    4.

    Thủ tục Cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

    5.

    Thủ tục Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

    6.

    Thủ tục Cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

    7.

    Hủy bỏ hiệu lực Giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

    DVHCC thực hiện theo phân cấp (về giám định)

    8.

    Thủ tục Cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan

    - Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005.

    - Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009.

    - Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

    - Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL ngày 13/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    - Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL; Thông tư số 07/2012/TT-VHTTDL; Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL và Thông tư số 05/2013/TT- BVHTTDL.

    9.

    Thủ tục Cấp lại Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan

    10.

    Thủ tục Cấp bản đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ giám định

    11.

    Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận tổ chức hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan

    12.

    Thủ tục Cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan

     

    PHỤ LỤC 10

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC THƯ VIỆN

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC cấp tỉnh

    1.

    Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thư viện tư nhân có số bản sách ban đầu từ 2.000 bản trở lên.

    - Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 09/01/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

    - Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch .

    - Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố TTHC chuẩn hóa năm 2016 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    II. DVHCC cấp huyện

    2.

    Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thư viện tư nhân có số bản sách ban đầu từ 1.000 đến dưới 2.000 bản.

    - Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 09/01/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

    - Nghị định sô 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    - Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố TTHC chuẩn hóa năm 2016 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    III. DVHCC cấp xã

    3.

    Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thư viện tư nhân có số bản sách ban đầu từ 500 đến dưới 1.000 bản.

    - Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 09/01/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

    - Nghị định sô 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    - Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố TTHC chuẩn hóa năm 2016 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

     

    PHỤ LỤC 11

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA CƠ SỞ

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC thực hiện theo ủy quyền

    1.

    Thủ tục thẩm định sản phẩm quảng cáo

    Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21/6/2012; Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    II. DVHCC thực hiện theo phân cấp

    2.

    Thủ tục đăng ký tổ chức lễ hội cấp Trung ương

    Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

    3.

    Thủ tục Thông báo tổ chức lễ hội cấp Trung ương

    4.

    Thủ tục tiếp nhận và thẩm định Hồ sơ đề nghị công nhận ngày truyền thống của bộ, ngành, địa phương

    Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương.

     

    PHỤ LỤC 12

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA CƠ SỞ

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC cấp tỉnh

    1.

    Thủ tục tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng

    Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21/6/2012; Thông tư số 10/2013/TT- BVHTTDL ngày 06/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    2.

    Thủ tục đăng ký tổ chức lễ hội cấp tỉnh

    Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

    3.

    Thủ tục thông báo tổ chức lễ hội cấp tỉnh

    4.

    Thủ tục cấp phép kinh doanh vũ trường

    Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của chính phủ; Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/10/2012 của chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ- CP ngày 9/10/2018 của chính phủ; Thông tư số 212/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính.

    5.

    Thủ tục cấp phép kinh doanh karaoke

    II. DVHCC cấp huyện

    6.

    Thủ tục đăng ký tổ chức lễ hội cấp huyện

    Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

    7.

    Thủ tục thông báo tổ chức lễ hội cấp huyện

    8.

    Thủ tục xét tặng danh hiệu Khu dân cư văn hóa

    Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa"; "Làng văn hóa"; "Ấp văn hóa"; "Bản văn hóa"; "Tổ dân phố văn hóa".

    9.

    Thủ tục xét tặng Giấy khen Khu dân cư văn hóa

    10.

    Thủ tục cấp phép kinh doanh karaoke

    Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của chính phủ; Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/10/2012 của chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ- CP ngày 9/10/2018 của chính phủ; Thông tư số 212/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính.

    III. DVHCC cấp xã

    11.

    Thủ tục xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa

    Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa"; "Làng văn hóa"; "Ấp văn hóa"; "Bản văn hóa"; "Tổ dân phố văn hóa".

    12.

    Thủ tục xét tặng Giấy khen Gia đình văn hóa

     

    PHỤ LỤC 13

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG TRONG LĨNH VỰC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    1.

    Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”

    Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.

    2.

    Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”

    3.

    Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”

    Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”.

    4.

    Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”

    5.

    Thủ tục xét tặng danh hiệu “Giải thưởng Hồ Chí Minh”

    - Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

    - Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ.

    6.

    Thủ tục xét tặng danh hiệu “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”

    7.

    Xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch”

    Thông tư số 11/2014/TT-BVHTTDL ngày 01/10/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

     

    PHỤ LỤC 14

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC cấp trung ương

    1.

    Thủ tục xác nhận danh mục sản phẩm nghe nhìn có nội dung vui chơi giải trí nhập khẩu

    - Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017.

    - Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014.

    - Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    - Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    - Thông tư số 26/2018/TT-BVHTTDL ngày 11/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014.

    - Thông tư số 260/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung văn hóa phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

    2.

    Thủ tục xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu máy trò chơi điện tử có cài đặt chương trình trả thưởng dành cho người nước ngoài và thiết bị chuyên dùng cho trò chơi ở sòng bạc

    II. DVHCC cấp tỉnh

    3.

    Thủ tục xác nhận danh mục sản phẩm nghe nhìn có nội dung vui chơi giải trí nhập khẩu

    - Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017.

    - Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014.

    - Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    - Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    - Thông tư số 26/2018/TT-BVHTTDL ngày 11/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014.

    - Thông tư số 260/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung văn hóa phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

     

    PHỤ LỤC 15

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC GIA ĐÌNH

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC cấp tỉnh

    1.

    Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

    - Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2010 quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về PCBLGĐ; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn PCBLGĐ.

    - Thông tư số 23/2014/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2010.

    - Văn bản hợp nhất số 370/VBHN-BVHTTDL ngày 02/02/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

    2.

    Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

    3.

    Đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

    4.

    Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình

    5.

    Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình

    6.

    Đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình

    7.

    Cấp Giấy chứng nhận nghiệp vụ về chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình

    8.

    Cấp Giấy chứng nhận nghiệp vụ tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình

    9.

    Cấp Thẻ nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình

    10.

    Cấp lại Thẻ nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình

    11.

    Cấp Thẻ nhân viên tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình

    12.

    Cấp lại Thẻ nhân viên tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình

    II. DVHCC cấp huyện

    13.

    Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

    - Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2010 quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về PCBLGĐ; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn PCBLGĐ.

    - Thông tư số 23/2014/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2010.

    - Văn bản hợp nhất số 370/VBHN-BVHTTDL ngày 02/02/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

    14.

    Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

    15.

    Đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

    16.

    Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình

    17.

    Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình

    18.

    Đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình

     

    PHỤ LỤC 16

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ THAO

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    DVHCC thực hiện theo ủy quyền

    1.

    Cho phép tổ chức Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới; giải vô địch từng môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam; Đại hội thể thao toàn quốc

    Luật Thể dục thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29/11/2006.

    2.

    Cho phép tổ chức Giải thi đấu vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao

    3.

    Công nhận Ban vận động thành lập hội thể thao quốc gia

     

    PHỤ LỤC 17

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ THAO

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    I. DVHCC cấp tỉnh

    1.

    Đăng cai tổ chức Giải thi đấu vô địch từng môn thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

    Luật Thể dục thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29/11/2006.

    2.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp

    - Luật Thể dục thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29/11/2006.

    - Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TDTT.

    3.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể

    thao

    Luật Thể dục thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29/11/2006.

    - Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ; Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    4.

    Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao trong trường hợp thay đổi nội dung ghi trong giấy chứng nhận

    Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.

    5.

    Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng

    Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.

    6.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Yoga

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 11/2016/TT-BVHTTDL ngày 08/11/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu Yoga.

    7.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Golf

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 12/2016/TT-BVHTTDL ngày 05/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu Golf.

    8.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Cầu lông

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 09/2017/TT-BVHTTDL ngày 29/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Cầu long.

    9.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Taekwondo

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 10/2017/TT-BVHTTDL ngày 29/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Taekwondo.

    10.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Karate

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 02/2018/TT-BVHTTDL ngày 19/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Karate.

    11.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Bơi, Lặn

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Bơi, Lặn.

    12.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Billards & Snooker

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 04/2018/TT-BVHTTDL ngày 22/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Billards & Snooker.

    13.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Bóng bàn

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 05/2018/TT-BVHTTDL ngày 22/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Bóng bàn.

    14.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Dù lượn và Diều bay

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 06/2018/TT-BVHTTDL ngày 30/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Dù lượn và Diều bay.

    15.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Khiêu vũ thể thao

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 07/2018/TT-BVHTTDL ngày 30/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Khiêu vũ thể thao.

    16.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Thể dục thẩm mỹ

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 08/2018/TT-BVHTTDL ngày 31/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Thể dục thẩm mỹ.

    17.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Judo

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 09/2018/TT-BVHTTDL ngày 31/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Judo.

    18.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Thể dục thể hình và Fitness

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 10/2018/TT-BVHTTDL ngày 31/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Thể dục thể hình và Fitness.

    19.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Lân Sư Rồng

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 11/2018/TT-BVHTTDL ngày 31/01/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Lân Sư rồng.

    20.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Vũ đạo thể thao giải trí

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 12/2018/TT-BVHTTDL ngày 07/02/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Vũ đạo thể thao giải trí.

    21.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Quyền anh

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 13/2018/TT-BVHTTDL ngày 08/02/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Quyền anh.

    22.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Võ cổ truyền, Vovinam

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 14/2018/TT-BVHTTDL ngày 09/3/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Võ cổ truyền, Vovinam.

    23.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Mô tô nước trên biển

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 17/2018/TT-BVHTTDL ngày 13/3/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Mô tô nước trên biển.

    24.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Bóng đá

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 18/2018/TT-BVHTTDL ngày 20/3/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Bóng đá.

    25.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Quần vợt

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 19/2018/TT-BVHTTDL ngày 20/3/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Quần vợt.

    26.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Patin

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 20/2018/TT-BVHTTDL ngày 02/4/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Patin.

    27.

    Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn Lặn biển thể thao giải trí

    - Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ.

    - Thông tư số 21/2018/TT-BVHTTDL ngày 04/4/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Lặn biển thể thao giải trí.

    II. DVHCC cấp xã

    28.

    Công nhận câu lạc bộ thể thao cơ sở

    Thông tư số 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở.

     

    PHỤ LỤC 18

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TRUNG ƯƠNG TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    DVHCC thực hiện theo phân cấp

    1.

    Thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan du lịch nước ngoài, tổ chức du lịch quốc tế và khu vực

    - Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017.

    - Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

    - Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

    - Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp Giấy phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.

    - Thông tư số 34/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh

    2.

    Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

    3.

    Thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

    4.

    Thủ tục cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

    5.

    Thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành

    6.

    Thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trong trường hợp doanh nghiệp giải thể

    7.

    Thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trong trường hợp doanh nghiệp phá sản

    8.

    Thủ tục công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng 4 sao, 5 sao đối với khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

     

    PHỤ LỤC 19

    DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH

     

    STT

    Tên dịch vụ hành chính công

    Tên VBQPPL quy định DVHCC

    DVHCC cấp tỉnh

    1.

    Thủ tục công nhận điểm du lịch

    - Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017.

    - Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

    - Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

    - Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp Giấy phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.

    - Thông tư số 34/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

    2.

    Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

    3.

    Thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

    4.

    Thủ tục cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

    5.

    Thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành

    6.

    Thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa trong trường hợp doanh nghiệp giải thể

    7.

    Thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa trong trường hợp doanh nghiệp phá sản

    8.

    Thủ tục cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài

    9.

    Thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài trong trường hợp chuyển địa điểm đặt trụ sở của văn phòng đại diện

    10.

    Thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài trong trường hợp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy

    11.

    Thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài

    12.

    Thủ tục gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài

    13.

    Thủ tục chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài

    14.

    Thủ tục cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế

    15.

    Thủ tục cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa

    16.

    Thủ tục cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm

    17.

    Thủ tục cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa

    18.

    Thủ tục cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch

    19.

    Thủ tục cấp Giấy chứng nhận khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế

    20.

    Thủ tục công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng 1 sao, 2 sao, 3 sao đối với khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch

    21.

    Thủ tục công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch

    22.

    Thủ tục công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch

    23.

    Thủ tục công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch

    24.

    Thủ tục công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch

    25.

    Thủ tục công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch

    26.

    Thủ tục công nhận khu du lịch cấp tỉnh

     

     

     

     

    1 Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước.

     

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 79/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
    Ban hành: 17/07/2017 Hiệu lực: 17/07/2017 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
    Ban hành: 28/12/2000 Hiệu lực: 01/04/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    03
    Luật về di sản văn hoá số 28/2001/QH10 của Quốc hội
    Ban hành: 29/06/2001 Hiệu lực: 01/01/2002 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2005 Hiệu lực: 01/07/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/06/2006 Hiệu lực: 01/01/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Nghị định 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
    Ban hành: 22/09/2006 Hiệu lực: 21/10/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Luật Thể dục, Thể thao số 77/2006/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2006 Hiệu lực: 01/07/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Nghị định 112/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thể dục, thể thao
    Ban hành: 26/06/2007 Hiệu lực: 03/08/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Luật phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 21/11/2007 Hiệu lực: 01/07/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về kinh doanh lữ hành, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hướng dẫn du lịch và xúc tiến du lịch
    Ban hành: 30/12/2008 Hiệu lực: 30/01/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Quyết định 86/2008/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ
    Ban hành: 30/12/2008 Hiệu lực: 29/01/2009 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản dẫn chiếu
    12
    Nghị định 02/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng
    Ban hành: 06/01/2009 Hiệu lực: 08/03/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    13
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, số 32/2009/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 18/06/2009 Hiệu lực: 01/01/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    14
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, số 31/2009/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 18/06/2009 Hiệu lực: 01/10/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    15
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, số 36/2009/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 19/06/2009 Hiệu lực: 01/01/2010 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản dẫn chiếu
    16
    Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
    Ban hành: 06/11/2009 Hiệu lực: 01/01/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    17
    Nghị định 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12
    Ban hành: 21/05/2010 Hiệu lực: 07/07/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    18
    Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính
    Ban hành: 08/06/2010 Hiệu lực: 14/10/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    19
    Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa
    Ban hành: 21/09/2010 Hiệu lực: 06/11/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    20
    Nghị định 119/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
    Ban hành: 30/12/2010 Hiệu lực: 20/02/2011 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 4920/QĐ-BVHTTDL Rà soát chuyển một số dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp và tổ chức xã hội đảm nhiệm

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
    Số hiệu:4920/QĐ-BVHTTDL
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:27/12/2018
    Hiệu lực:27/12/2018
    Lĩnh vực:Hành chính, Văn hóa-Thể thao-Du lịch
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Nguyễn Ngọc Thiện
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu (98)
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X