hieuluat

Thông báo 281/TB-VPCP phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:281/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Nguyễn Duy Hưng
    Ngày ban hành:06/08/2019Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:06/08/2019Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

    -----------------

    Số: 281/TB-VPCP

     

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    -----------------

    Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2019

     

     

    THÔNG BÁO

    Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
    tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019,
    phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 138/CP
    và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

     

    Ngày 25 tháng 7 năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, bàn phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tham dự Hội nghị có đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí là Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kết luận như sau:

    I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

    6 tháng đầu năm 2019, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thuận lợi song cũng đặt ra nhiều thách thức về an ninh đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong nước, với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, quốc phòng - an ninh được củng cố.

    Về công tác phòng, chống tội phạm, các cấp, các ngành, nòng cốt là lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, làm giảm 0,99% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2018; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 82,25%, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,16%, vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra; đặc biệt đã phát hiện, điều tra triệt phá nhiều vụ vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

    Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 86 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 6 nghìn tỷ đồng, khởi tố 1300 vụ án, với hơn 1500 đối tượng. Đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động quyết liệt, cụ thể, như: Kế hoạch giám sát hàng hóa tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; kế hoạch chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới Tây Nam.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác phối hợp của một số Bộ, ngành với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và tiến độ phê duyệt, triển khai một số đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm chưa bảo đảm yêu cầu; hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội chưa cao; công tác trấn áp tội phạm một số nơi thiếu quyết liệt; tội phạm hình sự diễn biến rất phức tạp, ở một số địa phương tỷ lệ điều tra khám phá án còn thấp, không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hảng giả tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ,... có chiều hướng gia tăng nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

    Nguyên nhân chủ yếu do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ; kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc chưa nghiêm, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; một số quy định pháp luật liên quan công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở.

    II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

    Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

    1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phù, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo kết quả lênTrưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

    2. Các Bộ, ngành thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực các Ban Chỉ đạo và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm; các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục sơ hở, yếu kém để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

    3. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện nghiêm túc việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

    4. Thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, “tín dụng đen”, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, than, cát sỏi, buôn lậu, nhất, là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại, sản xuất, kinh doanh hàng giả... cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

    5. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44/TW-KL ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới.

    6. Tiếp tục rà roát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác. Mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

    III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ:

    1. Bộ Công an làm tốt nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo 138/CP, thực hiện nghiêm quy định về thông tin, báo cáo theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị và tổng kết Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 để xây dựng Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025; thành lập các Đoàn liên ngành kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương trọng điểm để nắm tình hình phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo các mặt công tác phòng, chống tội phạm. Các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin, số liệu tình hình phục vụ công tác thông tin đối ngoại, để các nước có đánh giá đầy đủ, khách quan về kết quả công tác phòng chống mua bán ngưới ở nước ta hiện nay.

    2. Bộ Tài chính làm tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đảm bảo các điều kiện để Văn phòng Thường trực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ động phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo điều tra, xử lý một số vụ việc điển hình, dư luận quan tâm. Bộ trưởng - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giúp Trưởng Ban phụ trách các lĩnh vực: hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách; chỉ đạo xử lý, làm rõ thông tin báo chí, người dân phản ánh về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện các nhiệm vụ khác theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

    3. Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hóa quy trình; cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm đúng thời hạn quy định, không để nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định về xuất xứ hàng hóa, nơi sản xuất hàng hóa, tỷ lệ nội địa hóa để được công nhận là hàng hóa của Việt Nam, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, không để các đối tượng lợi dụng lừa dối người tiêu dùng, xuất khẩu sản phẩm ghi xuất xứ Việt Nam không đúng quy định để hưởng ưu đãi về thuế.

    4. Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, kho tàng, bến bãi, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, đảm bảo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, kiên quyết không để tình trạng vận chuyển hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, buôn lậu diễn ra trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường,... xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, các loại hàng hóa khác qua đường biển.

    5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về tình hình an ninh trật tự, về các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm và các điểm nóng về an ninh - trật tự.

    6. Tổng cục Hải quan đẩy mạnh việc giám sát hoạt động công vụ của công chức hải quan bằng camera và các biện pháp kỹ thuật khác; nghiên cứu, trang bị camera di động giám sát hoạt động công vụ khi công chức làm nhiệm vụ ở ngoài trụ sở. Tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan; củng cố, hoàn thiện phần mềm quản lý rủi ro, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, hàng hóa là quà biếu, quà tặng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước về Hải quan, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

    7. Tổng cục Thuế tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ; có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, khai báo gian dối về giá, chi phí để trốn thuế; nghiên cứu, trang bị camera di động giám sát hoạt động công vụ khi công chức làm nhiệm vụ ở ngoài trụ sở. Làm tốt công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan.

    8. Tổng cục Quản lý thị trường khẩn trương hoàn thiện tổ chức bộ máy; tập trung nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ công chức. Làm tốt công tác nắm tình hình; phối hợp lực lượng, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan; đề cao trách nhiệm người đứng đầu lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương, điều chuyển, bố trí công tác khác nếu địa bàn để xảy ra tình trạng bày bán, tàng trữ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc kéo dài. Nghiên cứu, trang bị camera di động giám sát hoạt động công vụ khi công chức làm nhiệm vụ ở ngoài trụ sở.

    9. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia:

    - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí theo dõi, kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban; tăng cường công tác nắm tình hình, thu thập thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, về hoạt động của các lực lượng chức năng để tham mưu, đề xuất Trưởng Ban có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

    - Tổng hợp kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có bất cập, sở hở, ảnh hưởng đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để báo cáo Phó Trưởng Ban Thường trực giao các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

    - Chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường và các cơ quan, lực lượng liên quan nghiên cứu, đề xuất các chuyên đề về ứng dụng khoa học, công nghệ, kết nối, chia sẻ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo dõi, giám sát việc thực thi công vụ của đội ngũ công chức.

    Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

     

    Nơi nhận:

    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Ban Nội chính Trung ưong;
    - Văn phòng Trung ương Đảng;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    Các cơ quan, đơn vị, BTL Bộ đội Biên phòng,
    BTL Cảnh sát biển, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát C03 (BCA),
    - Văn phòng BCĐ 389 quốc gia;
    - VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: NC, PL, KGVX, TH;
    - Lưu: VT, V.I (3). ĐVD

    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM

    PHÓ CHỦ NHIỆM

     

     

     

     

     

     

     (Đã ký)

     

     

     

     

    Nguyễn Duy Hưng

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, số 80/2015/QH13
    Ban hành: 22/06/2015 Hiệu lực: 01/07/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    02
    Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc
    Ban hành: 22/04/2019 Hiệu lực: 22/04/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông báo 281/TB-VPCP phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủ
    Số hiệu:281/TB-VPCP
    Loại văn bản:Thông báo
    Ngày ban hành:06/08/2019
    Hiệu lực:06/08/2019
    Lĩnh vực:Hành chính
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Nguyễn Duy Hưng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X