hieuluat

Thông báo 322/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:322/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Cao Huy
    Ngày ban hành:09/09/2020Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:09/09/2020Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    _________

    Số: 322/TB-VPCP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    _______________________

    Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2020

     

     

     

    THÔNG BÁO

    Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh

    __________

     

    Ngày 31 tháng 8 năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và công tác phòng, chống dịch COVID-19, giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

    I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

    Trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới sáng tạo, đoàn kết, khắc phục khó khăn, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Bắc: Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, Tỉnh đã kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm qua (2015 - 2020) đạt 10,7%/năm. Thu ngân sách nội địa tăng 94%, luôn nằm trong nhóm các địa phương có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương. Trong 8 tháng đầu năm 2020, tuy chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế (GRDP) vẫn đạt 5,7%, xuất khẩu tăng 5,2%, thu ngân sách tăng 4%.

    Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp ngành than; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết về hạ tầng, nguồn nhân lực để đón đầu làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư sau đại dịch Covid-19. Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước 98,73%, vượt xa cùng kỳ năm 2019; trong đó, giải ngân vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt tỷ lệ khá cao 79,94%, là một trong số ít các địa phương dẫn đầu cả nước.

    Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và công tác quản lý tại cửa khẩu, tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường mòn, bến bãi tự phát được tăng cường. Các lực lượng chức năng của Tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc (xử lý hơn 2.600 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 23,31 tỷ đồng. Xử lý hình sự 30 vụ với 34 đối tượng); đã kiểm soát biên giới để ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp.

    Tỉnh đã làm tốt công tác cải cách hành chính, Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước về triển khai thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền số (các chỉ số PCI, PAR Index trong các năm 2017, 2018, 2019 đứng đầu cả nước; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) luôn đứng trong nhóm dẫn đầu và đứng thứ nhất năm 2019. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ vị trí 62 năm 2016, đã vươn lên đứng thứ 3 năm 2019).

    Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị gắn với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 0,36%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 85% (thuộc nhóm dẫn đầu cả nước). Tỷ lệ bác sỹ, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri được các cấp, các ngành tập trung giải quyết. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững.

    Những kết quả đạt được Quảng Ninh trong nhiệm kỳ qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, Quảng Ninh còn một số tồn tại cần sớm khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; giải phóng mặt bằng dự án động lực gặp khó khăn và chậm tiến độ; phối hợp công tác giữa Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển và Quản lý thị trường kết quả chưa cao. Quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường còn bất cập; giải quyết đơn thư khiếu nại phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn hạn chế.

    II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

    1. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nắm bắt thời cơ, khắc phục những tồn tại, tháo gỡ “điểm nghẽn” cản trở quá trình phát triển, khơi thông nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm tiếp theo, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân.

    2. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tập trung điều tra, triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, kinh doanh hàng giả; truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, thuốc lá, rượu ngoại tái xuất thẩm lậu, quay vòng vào nội địa. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    3. Chú trọng phát triển mạnh dịch vụ du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch di sản. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch giá rẻ, các chuyến du lịch “0 đồng”. Phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo việc làm cho người dân, giúp người dân có cuộc sống ổn định, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Phát động phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến các cơ quan có thẩm quyền.

    4. Tăng cường phòng ngừa tội phạm, quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Xác lập các chuyên án đấu tranh với các băng nhóm tội phạm, tập trung vào địa bàn trọng điểm, tuyến trọng yếu để phục vụ cho đấu tranh chống buôn lậu, tội phạm; có sự kết nối và sử dụng hệ thống camera để phục vụ công tác quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tội phạm, lưu ý đến yếu tố bảo mật. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cơ sở đoàn kết, hữu nghị để nắm bắt tình hình, chia sẻ thông tin và phối hợp lực lượng đấu tranh chống buôn lậu.

    5. Chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa phương, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, phức tạp từ cơ sở, không để phát sinh khiếu kiện đông người và hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, không để khiếu kiện vượt cấp, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

    6. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020. Thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; xử lý các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

    7. Chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2020, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

    III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

    1. Về việc thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp ý kiến các bộ, cơ quan hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 20 tháng 9 năm 2020.

    2. Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp Việt Hưng và phát triển khu công nghiệp Việt Hưng thành khu công nghiệp hỗ trợ: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẩn trương hoàn thiện Đề án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

    3. Về chủ trương đầu tư Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp có casino tại Khu kinh tế Vân Đồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3703/BKHĐT-QLKKT ngày 08 tháng 6 năm 2020, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 9 năm 2020 để thẩm định, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 30 tháng 9 năm 2020.

    4. Về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 197/TB-VPCP ngày 5 tháng 6 năm 2020: Giao các Bộ, cơ quan: Công an, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành khẩn trương thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2020.

    5. Về việc điều chỉnh kế hoạch vốn ODA trung ương cấp phát, điều chỉnh kế hoạch vốn ODA vay lại năm 2020:

    - Các Bộ: Tư pháp, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1247/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2020 về việc phê duyệt nội dung Dự thảo Thỏa thuận vay lần 2 cho Dự án “Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long” sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

    - Bộ Tài chính hoàn thành việc ký Thỏa thuận vay với phía Nhật Bản trước ngày 15 tháng 9 năm 2020; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh sớm triển khai thủ tục ký hợp đồng vay lại vốn vay ODA để đảm bảo nhu cầu vốn và tiến độ dự án.

    - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kịp thời bố trí phần vốn nước ngoài được ngân sách trung ương cấp phát cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm (nguồn vốn nước ngoài) theo đúng quy định, để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án.

    Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các Bộ, cơ quan liên quan

     

    Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ: Công an, Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp;
    - Ủy ban Quản lý vốn NN và DN;
    - Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN;
    - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, PTTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, TH, PL, V.I, KGVX, CN, NN, QHQT, Cục KSTT;
    - Lưu: VT, QHĐP (03) Huyền

    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM




    Cao Huy

     

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Thông báo 322/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh (.pdf)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

    Thông báo 322/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X