hieuluat

Thông tư liên tịch 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủSố công báo:715 & 716 - 12/2010
    Số hiệu:19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCPNgày đăng công báo:08/12/2010
    Loại văn bản:Thông tư liên tịchNgười ký:Trần Đức Lượng, Đinh Trung Tụng, Đỗ Hoàng Anh Tuấn
    Ngày ban hành:26/11/2010Hết hiệu lực:28/01/2016
    Áp dụng:10/01/2011Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính
  • BỘ TƯ PHÁP-BỘ TÀI CHÍNH-THANH TRA CHÍNH PHỦ  
    --------------------
    Số: 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    --------------------
    Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2010
     
     
    THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
    HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC
    TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
     
     
    Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009;
    Căn cứ Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
    Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ thống nhất hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính như sau:
     
    Chương 1.
    XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC
    TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
     
    Điều 1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
    1. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;
    b) Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 13 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Luật);
    c) Có thiệt hại thực tế xảy ra;
    d) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
    2. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại; trường hợp người thi hành công vụ và người bị thiệt hại cùng có lỗi thì Nhà nước chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ.
    Điều 2. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ
    1. Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật.
    2. Quyết định xử lý tố cáo của cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
    3. Bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
    Điều 3. Xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường
    Việc xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường trong một số trường hợp cụ thể được thực hiện như sau:
    1. Áp dụng các biện pháp được quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 13 của Luật là việc người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại khi ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, thực hiện các biện pháp đó.
    2. Áp dụng thuế, phí, lệ phí quy định tại khoản 6 Điều 13 của Luật là việc người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại khi thực hiện các công việc sau:
    a) Xác định đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế;
    b) Xác định căn cứ tính thuế, phí, lệ phí;
    c) Miễn; giảm; hoàn; giãn nợ; xóa nợ thuế, phí, lệ phí.
    3. Áp dụng thủ tục hải quan quy định tại khoản 7 Điều 13 của Luật là việc người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại khi thực hiện các công việc sau:
    a) Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan;
    b) Kiểm tra hồ sơ; kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
    c) Thông quan hàng hóa, phương tiện vận tải.
    4. Giấy tờ có giá trị như giấy phép quy định tại khoản 5 và khoản 11 Điều 13 của Luật bao gồm: văn bản xác nhận, chấp thuận, phê duyệt; chứng chỉ hành nghề; giấy chứng nhận và các loại giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
    Điều 4. Thiệt hại thực tế
    Thiệt hại thực tế là thiệt hại có thực mà người bị thiệt hại phải gánh chịu do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Thiệt hại thực tế bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
    1. Thiệt hại về vật chất thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 45 của Luật; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút quy định tại Điều 46 của Luật; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết quy định tại Điều 48 của Luật; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe quy định tại Điều 49 của Luật.
    2. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính bao gồm: thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật; thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật; thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật.
     
    Chương 2.
    XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI ĐƯỢC BỒI THƯỜNG
     
    Điều 5. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
    1. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được xác định theo Điều 45 của Luật. Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất thì thiệt hại được bồi thường được xác định theo quy định tại Điều 45 của Luật và các quy định của pháp luật có liên quan.
    2. Thời gian tính lãi đối với các khoản tiền quy định tại khoản 4 Điều 45 của Luật được tính từ ngày tiền được nộp vào ngân sách nhà nước; bị tịch thu; thi hành án; được đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền đến ngày ban hành quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án.
    Điều 6. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
    1. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức
    Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức quy định tại Điều 46 của Luật được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 2 năm liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại. Thu nhập của tổ chức được xác định theo báo cáo tài chính hợp pháp của tổ chức; trường hợp không có báo cáo tài chính, tổ chức có thể chứng minh thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút bằng các tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
    Trường hợp tổ chức được thành lập chưa đủ hai năm tính đến thời điểm xảy ra thiệt hại thì thu nhập thực tế của tổ chức được xác định trên cơ sở thu nhập bình quân trong thời gian hoạt động thực tế của tổ chức đó.
    2. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của cá nhân
    a) Thu nhập thực tế của cá nhân quy định tại Điều 46 của Luật được xác định như sau:
    Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của người đó trước khi xảy ra thiệt hại để xác định khoản thu nhập thực tế.
    Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt có việc làm và hàng tháng có thu nhập nhưng không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
    Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại là nông dân, ngư dân, người làm muối, người trồng rừng, người làm thuê, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, lao động khác có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
    b) Người bị thiệt hại (gồm cả trường hợp đã chết) được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút trong thời gian họ bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh và trong thời gian điều trị do sức khỏe bị xâm phạm. Trong thời gian này, người bị thiệt hại được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động đầy đủ theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không nhận được khoản tiền bồi thường tương ứng; nếu người bị thiệt hại được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công một phần thì phần còn lại được xác định là thu nhập thực tế bị giảm sút và họ được bồi thường khoản thu nhập bị giảm sút đó.
    Ví dụ 1:
    Ông A làm nghề bán báo tự do. Do bị đưa vào cơ sở chữa bệnh trái pháp luật nên trong thời gian này ông A không có thu nhập. Thu nhập của ông A trước khi bị đưa vào cơ sở chữa bệnh là không ổn định nhưng xác định được thu nhập của ông A trong 3 tháng trước khi bị thiệt hại lần lượt là 1.200.000 đồng, 1.000.000 đồng và 1.100.000 đồng. Thu nhập thực tế của ông A được xác định là mức thu nhập trung bình của 3 tháng liền kề trước khi xảy ra thiệt hại: 1.100.000 đồng. Trường hợp này, thu nhập thực tế của ông A bị mất và ông A được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất trong thời gian bị đưa vào cơ sở chữa bệnh mỗi tháng là 1.100.000 đồng.
    Ví dụ 2:
    Bà B làm cho một công ty tư vấn pháp luật. Thu nhập của bà B trước khi sức khỏe bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là 3.000.000 đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, bà B phải điều trị và trong thời gian điều trị công ty trả cho bà B 40% tiền lương là 1.200.000 đồng, Trường hợp này, thu nhập thực tế của bà B bị giảm sút mỗi tháng là 1.800.000 đồng nên bà B được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị giảm sút trong thời gian điều trị.
    Ví dụ 3:
    Ông C là công chức có thu nhập hàng tháng ổn định là 1.700.000 đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, ông C phải điều trị và trong thời gian điều trị cơ quan vẫn trả đầy đủ các khoản thu nhập cho ông C. Trường hợp này, thu nhập thực tế của ông C không bị mất nên ông C không được bồi thường khoản tiền này.
    Điều 7. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần
    1. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật được xác định như sau:
    a) Một ngày lương tối thiểu được xác định bằng việc lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường chia cho 22 là số ngày làm việc bình quân của mỗi tháng
    Ví dụ: Tại thời điểm ban hành Thông tư liên tịch này thì mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định là 730.000 đồng, do đó một ngày lương tối thiểu sẽ là: 730.000 đồng : 22 = 33.182 đồng.
    b) Số ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh được xác định theo số ngày thực tế mà người được bồi thường bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
    Ví dụ: Ông A bị đưa vào cơ sở chữa bệnh từ ngày 01/12/2010 và đến ngày 01/3/2011 thì được ra khỏi cơ sở chữa bệnh. Ngày 20/3/2011, cơ quan có thẩm quyền xác định ông A không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Trong trường hợp này, thiệt hại do tổn thất về tinh thần mà ông A được bồi thường được xác định như sau:
    Số ngày thực tế bị đưa vào cơ sở chữa bệnh là: 31 ngày của tháng 12/2010 + 31 ngày của tháng 01/2011 + 28 ngày của tháng 02/2011 = 90 ngày.
    Số ngày lương tính theo mức lương tối thiểu được bồi thường là:
    90 ngày x 2 = 180 ngày.
    Trong ví dụ này, số tiền mà ông A được Nhà nước bồi thường là:
    180 ngày x 33.182 đồng = 5.972.760 đồng.
    2. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật được xác định như sau:
    a) Nếu người bị thiệt hại chết trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà không phải do lỗi của chính họ hoặc không do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết thì thân nhân của họ được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần một khoản tiền là ba trăm sáu mươi tháng lương tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
    b) Nếu người bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh chết trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà do lỗi của chính họ hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết thì thân nhân của họ không được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật.
    c) Khoản tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần là khoản tiền bồi thường chung cho thân nhân của người bị thiệt hại (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại, người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại). Những người được bồi thường trong trường hợp này phải còn sống tại thời điểm người bị thiệt hại chết.
    Điều 8. Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết
    1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình của từng địa phương tại thời điểm chi, bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế; chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác trước khi người bị thiệt hại chết (nếu có).
    2. Chi phí cho việc mai táng người bị thiệt hại chết quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật được xác định theo mức trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.
    3. Chỉ bồi thường khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại khoản 3 Điều 48 của Luật nếu trước khi bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng trong thời gian tạm giữ hành chính, bị đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh bị chết. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng đó.
    Điều 9. Thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe
    1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật bao gồm: các chi phí được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ và các chi phí khác để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
    Nếu cơ quan nhà nước đã thanh toán toàn bộ các chi phí này thì người bị thiệt hại không được bồi thường; trường hợp cơ quan nhà nước đã thanh toán một phần các chi phí này thì người bị thiệt hại được bồi thường phần chi phí còn lại.
    2. Bồi thường chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật.
    a) Người bị thiệt hại chỉ được bồi thường chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại nếu việc chăm sóc đó là cần thiết hoặc do cơ sở y tế yêu cầu.
    b) Các chi phí hợp lý của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có).
    c) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định theo quy định tại Điều 46 của Luật và theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
    3. Người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc là người không còn khả năng thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại mất khả năng lao động quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật ở địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.
     
    Chương 3.
    THỦ TỤC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG
     
    Điều 10. Xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ
    1. Khi tổ chức, cá nhân cho rằng mình bị thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính của người thi hành công vụ gây ra và muốn được Nhà nước bồi thường thì phải thực hiện thủ tục khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại để yêu cầu người có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
    2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thực hiện việc giải quyết khiếu nại đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong quyết định giải quyết khiếu nại phải xác định rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hay không trái pháp luật.
    Điều 11. Hồ sơ yêu cầu bồi thường
    Hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm:
    a) Đơn yêu cầu bồi thường theo Mẫu số 01a; 01b hoặc 01c ban hành kèm theo Thông tư này;
    b) Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
    c) Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
    Điều 12. Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường
    1. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường bằng một trong các hình thức sau đây:
    a) Trực tiếp gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
    b) Gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông qua hệ thống bưu chính viễn thông.
    2. Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ, tài liệu kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bồi thường bổ sung.
    Đối với những văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà người yêu cầu bồi thường không có khả năng cung cấp thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường có trách nhiệm thu thập những văn bản đó.
    3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người yêu cầu bồi thường; trường hợp cơ quan nhận đơn cho rằng vụ việc không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu bồi thường gửi đơn đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường để được xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Nghị định số 16/2010/NĐ-CP).
    Điều 13. Tổ chức việc giải quyết bồi thường
    Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường (sau đây gọi là người đại diện) theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
    Điều 14. Xác minh thiệt hại
    Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp. Trong trường hợp cần thiết theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 của Luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản, giám định thiệt hại về sức khỏe hoặc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về việc giải quyết bồi thường.
    Thời hạn xác minh thiệt hại là 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường; trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.
    Điều 15. Thương lượng việc bồi thường
    Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, người đại diện phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại.
    Thời hạn thực hiện việc thương lượng là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài thêm nhưng không quá 45 ngày.
    Thành phần thương lượng, địa điểm thương lượng, nội dung biên bản thương lượng được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 19 của Luật. Biên bản thương lượng thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
    Điều 16. Ban hành quyết định giải quyết bồi thường
    Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét, ký ban hành quyết định giải quyết bồi thường. Quyết định giải quyết bồi thường thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
    Điều 17. Chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường
    Người đại diện tổ chức việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường theo thủ tục quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
    Điều 18. Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường
    Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây:
    1. Người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật.
    2. Hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan giải quyết bồi thường không ra quyết định bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật.
    Ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 22 của Luật được xác định là ngày thứ 11, kể từ ngày người đại diện cơ quan giải quyết bồi thường và người bị thiệt hại ký biên bản thương lượng.
    Điều 19. Yêu cầu bồi thường trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính
    1. Trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính mà người khởi kiện cho rằng, hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính thực hiện việc giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 24, Điều 25 của Luật này.
    2. Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường không tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị thiệt hại có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
    Điều 20. Chi trả tiền bồi thường
    Căn cứ vào quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Chương VI của Luật.
     
    Chương 4.
    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
     
    Điều 21. Hiệu lực thi hành
    1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký
    2. Bãi bỏ Thông tư số 49/2008/TT-BTC ngày 12 tháng 6 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế, người khai hải quan do hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, cán bộ, công chức hải quan trong khi thi hành công vụ gây ra.
    Điều 22. Tổ chức thực hiện
    Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cá nhân, tổ chức phản ánh về Bộ Tư pháp để phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, giải quyết.
     

    KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
    THỨ TRƯỞNG




    Đỗ Hoàng Anh Tuấn
    KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
    THỨ TRƯỞNG




    Đinh Trung Tụng
     
    KT. TỔNG THANH TRA
    PHÓ TỔNG THANH TRA




    Trần Đức Lượng
    Nơi nhận:
    - Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Văn phòng Trung ương Đảng;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
    - Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ;
    - Công báo Văn phòng Chính phủ (để đăng công báo);
    - Website Chính phủ;
    - Lưu: VT BTP, VT BTC, VT TTCP. (350b)
     
     
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Thông tư 49/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế, người khai hải quan do hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, cán bộ, công chức hải quan trong khi thi hành công vụ gây ra
    Ban hành: 12/06/2008 Hiệu lực: 13/07/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    02
    Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BTP-BTC-TTCP của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
    Ban hành: 14/12/2015 Hiệu lực: 28/01/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    03
    Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, số 35/2009/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 18/06/2009 Hiệu lực: 01/01/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    04
    Nghị định 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
    Ban hành: 03/03/2010 Hiệu lực: 20/04/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    05
    Thông tư liên tịch 08/2013/TTLT-BTP-BTC-TTCP của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26/11/2010 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
    Ban hành: 27/02/2013 Hiệu lực: 14/04/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    06
    Thông báo 5467/TB-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về Danh mục các Văn bản quy phạm pháp luật cần đọc từ ngày 20/10/2010 đến ngày 26/11/2010
    Ban hành: 13/12/2010 Hiệu lực: 13/12/2010 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Quyết định 3877/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp
    Ban hành: 17/12/2012 Hiệu lực: 17/12/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Quyết định 339/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp năm 2013
    Ban hành: 12/02/2014 Hiệu lực: 12/02/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Quyết định 1615/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 535/QĐ-BTP ngày 26/03/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phân công các đơn vị xây dựng văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp hoặc liên tịch ban hành năm 2015
    Ban hành: 31/08/2015 Hiệu lực: 31/08/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Quyết định 86/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp năm 2016
    Ban hành: 20/01/2017 Hiệu lực: 20/01/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Quyết định 156/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp kỳ 2014-2018
    Ban hành: 28/01/2019 Hiệu lực: 28/01/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    12
    Văn bản hợp nhất 7353/VBHN-BTP năm 2013 do Bộ Tư pháp ban hành hợp nhất Thông tư liên tịch về việc hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
    Xác thực: 23/10/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hợp nhất
    13
    Quyết định 156/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp kỳ 2014-2018
    Ban hành: 28/01/2019 Hiệu lực: 28/01/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Thông tư liên tịch 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ
    Số hiệu:19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP
    Loại văn bản:Thông tư liên tịch
    Ngày ban hành:26/11/2010
    Hiệu lực:10/01/2011
    Lĩnh vực:Hành chính
    Ngày công báo:08/12/2010
    Số công báo:715 & 716 - 12/2010
    Người ký:Trần Đức Lượng, Đinh Trung Tụng, Đỗ Hoàng Anh Tuấn
    Ngày hết hiệu lực:28/01/2016
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X