TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ------- Số: 254/TANDTC-PC V/v: Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của BLTTHS | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2018 |
Kính gửi: | - Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp; - Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao. |
Thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận được phản ánh của một số Tòa án về trường hợp vụ án đã được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người đã yêu cầu khởi tố rút lại yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Về vấn đề này, sau khi xin ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm phán và trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Khác với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 20031, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã không giới hạn về thời điểm mà người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu. Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà các Tòa án giải quyết như sau:
Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Tòa án phải hướng dẫn họ làm đơn kháng cáo để Tòa án cấp phúc phẩm xem xét giải quyết việc rút yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm.
Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án nghiên cứu, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh ngay cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận: - Như trên; - Chánh án TANDTC (để báo cáo); - Các Phó Chánh án TANDTC (để p/h chỉ đạo); - Các Thẩm phán TANDTC; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (để p/h chỉ đạo); - Bộ Công an; - Vụ Giám đốc kiểm tra I (để thực hiện); - Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải); - Lưu: VT, PC&QLKH. | KT. CHÁNH ÁN PHÓ CHÁNH ÁN Nguyễn Trí Tuệ |
1 Khoản 2 Điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định “2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”