Ngày 07 tháng 7 năm 2014, Bộ Công an ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BCA quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân.
Theo đó, Nguyên tắc hoạt động điều tra trong Công an nhân dân bao gồm:
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Tôn trọng sự thật, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện; phát hiện làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người có hành vi phạm tội; không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
3. Chỉ Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Thông tư này được tiến hành điều tra các vụ án hình sự.
4. Cơ quan điều tra cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cơ quan điều tra cấp trên.
5. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về mọi hành vi và quyết định của mình.
6. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được xác định theo thẩm quyền điều tra.
Đáng chú ý, thông tư quy định nghiêm cấm điều tra viên gặp riêng gia đình bị can.
Theo đó, trước, trong và sau quá trình điều tra, Điều tra viên phải tuân thủ quy định:
- Nghiêm cấm để lọt bí mật đìều tra; chỉ tiết lộ thông tin về vụ án khi có sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng CQĐT.
- Không tiếp thân nhân bị can/người bị tạm giữ hoặc người có liên quan bên ngoài trụ sở chính, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ được Thủ trưởng/Phó thủ trưởng CQĐT đồng ý;
- Lập biên bản, báo cáo Thủ trưởng/Phó thủ trưởng CQĐT khi phát hiện luật sư/ trợ giúp viên pháp lý xúi giục người khác khai báo gian dối, tiết lộ bí mật, khiếu nại không có căn cứ…
- Nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/08/2014.