hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 05/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Dính nợ xấu có đi nước ngoài được không?

Bị vướng nợ xấu có đi nước ngoài được không là vấn đề được khá nhiều người quan tâm. Tại bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn đọc các thông tin liên quan đến việc này.

 
Mục lục bài viết
  • Nợ xấu có làm Passport được không?
  • Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh
  • Dính nợ xấu có được đi nước ngoài không?
Câu hỏi: Trước đây tôi có nợ một khoản tiền khoảng 300 triệu dù đã quá thời hạn nhưng tôi chưa thể trả nợ với mức lương 8 triệu tại Việt Nam, tôi còn khá trẻ và muốn đi xuất khẩu lao động Tại Đài Loan để có mức lương cao hơn để trả nợ và xây dựng lại cuộc sống. Luật sư cho tôi hỏi, dính nợ xấu có đi nước ngoài được không? Xin cảm ơn Luật sư.

Nợ xấu có làm Passport được không?

Nợ xấu có làm Passport được không?Nợ xấu có làm Passport được không?

Việc bị nợ xấu không ảnh hưởng đến việc cấp hộ chiếu, cho nên người bị nợ xấu vẫn có thể làm passport (hộ chiếu) như bình thường.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, hộ chiếu là giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho công dân Việt Nam, cụ thể là cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an Cấp tỉnh, cấp cho người dân sử dụng cho việc xuất cảnh/ nhập cảnh và chứng minh nhân thân.

Theo đó, đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông là công dân Việt Nam trừ trường hợp:

- Chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi thực hiện các hành vi bị cấm theo Điều 4 Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019:

- Thuộc các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh;

- Vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

Như vậy, việc bị nợ xấu không ảnh hưởng đến việc làm hộ chiếu/passport của người vay. Cơ quan nhà nước vẫn sẽ thực hiện và cấp hộ chiếu cho người yêu cầu nếu cung cấp đầy đủ hồ sơ và giấy tờ cần thiết theo quy định.

Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh

Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh được quy định chi tiết tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, gồm các trường hợp sau:

“1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn/tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

3. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

4. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

5. Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.

9. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.”

Tóm lại, các trường hợp bị tạm hoãn việc xuất cảnh chỉ xảy ra khi việc xuất cảnh của cá nhân đó có khả năng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác, hay nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan nhà nước.

Dính nợ xấu có được đi nước ngoài không?

Việc bị nợ xấu không ảnh hưởng đến việc đi nước ngoài, bạn vẫn có thể đi nước ngoài nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được phép xuất cảnh khỏi Việt Nam và nhập cảnh ở quốc gia khác.

Theo Điều 33 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 sửa đổi, bổ sung năm 2023, các điều kiện cần thiết để công dân Việt Nam được phép xuất cảnh như sau:

- Giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn và trong thời hạn sử dụng;

- Có thị thực/visa/giấy tờ chứng minh quốc gia đó cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn visa/thị thực;

- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh như đã phân tích ở trên.

Ngoài ra, đối với người mất năng lực hành vi dân sự; người gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi; người dưới 14 tuổi phải có người đại diện hợp pháp khi xuất cảnh ra nước ngoài

Dính nợ xấu có được đi nước ngoài không?
Dính nợ xấu có đi nước ngoài được không?

Tóm lại, việc nợ xấu không liên quan đến điều kiện hay thủ tục xuất nhập cảnh của công dân. Tuy nhiên, trong trường hợp nợ xấu bị Ngân hàng khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ, dẫn đến xảy ra tranh chấp thì trong quá trình này Tòa án vẫn có thể xem xét và ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi giải quyết xong tranh chấp.

Như vậy, để tránh các vấn đề khó khăn hoặc xung đột có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến việc xuất cảnh ra nước ngoài, hãy thông báo cho ngân hàng về kế hoạch xuất cảnh của bạn và xem xét việc ủy quyền cho người thân để quản lý tài sản và thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến trả nợ như trả lãi, trả nợ gốc đúng hạn.

Bài viết đã cung cấp cho quý bạn đọc các thông tin liên quan đến vấn đề nợ xấu có đi nước ngoài được không. Nếu có thêm thắc mắc cần tư vấn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài trực tuyến theo hotline  19006192 để được hỗ trợ và giải đáp một cách nhanh chóng nhất.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X