hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 05/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

04 điều cần lưu ý khi quảng cáo thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng là loại thực phẩm giúp hỗ trợ sức khỏe con người. Tuy nhiên đây không phải là thuốc và việc quảng cáo đối với thực phẩm chức năng phải tuân thủ các quy định của pháp luật đối với hàng hóa đặc biệt.

 
Mục lục bài viết
  • Thực phẩm chức năng là gì?
  • Quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng
  • * Điều kiện chung về quảng cáo sản phẩm
  • * Điều kiện về nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng
  • Hướng dẫn đăng ký quảng cáo thực phẩm chức năng 
Câu hỏi: Tôi muốn hỏi thực phẩm chức năng là gì, có phải thuốc không? Muốn quảng cáo thực phẩm chức năng cần đáp ứng những điều kiện gì? Thủ tục, hồ sơ đăng ký quảng cáo ra sao?

Thực phẩm chức năng là gì?

Theo khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010, thực phẩm chức năng được quy định như sau:

- Là thực phẩm;

- Có tác dụng hỗ trợ chức năng cơ thể con người;

- Tăng đền khác, tạo sự thoải mái cho cơ thể;

- Giảm nguy cơ mắc bệnh cho con người;

- Bao gồm các loại thực phẩm: thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Thực phẩm chức năng là gì?

Lưu ý: Hiện nay, các sản phẩm thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên yêu cầu về độ an toàn và hiệu quả không được như thuốc. Mặc dù hàm lượng dinh dưỡng, các chất hỗ trợ đều được công bố trên bao bì nhưng không nên lạm dụng quá mức, đồng thời không thể thay thế thuốc để điều trị các căn bệnh có liên quan.

Quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng là sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, nên được xem là hàng hóa đặc biệt. Khi quảng cáo thực phẩm chức năng cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

* Điều kiện chung về quảng cáo sản phẩm

Theo Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 điều kiện chung khi quảng cáo sản phẩm như sau:

- Phải có giấy phép đăng ký kinh doanh;

- Phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp quy, hợp chuẩn của sản phẩm theo quy định pháp luật;

- Đổi với tài sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu thì khi quảng cáo phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu tài sản.

Điều kiện quảng cáo thực phẩm chức năng

* Điều kiện về nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng

Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải phù hợp với Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy.

- Quảng cáo thực phẩm chức năng phải có các nội dung cơ bản sau:

+ Tên thực phẩm chức năng;

+ Tên, địa chỉ cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

+ Tác dụng của thực phẩm chức năng (cả tác dụng chính và phụ nếu có);

+ Dòng khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

- Quảng cáo trên báo hình, báo nói phải đọc rõ ràng nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng.

Lưu ý: Tuyệt đối không quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm là thuốc hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Hướng dẫn đăng ký quảng cáo thực phẩm chức năng 

Hướng dẫn đăng ký quảng cáo thực phẩm chức năng căn cứ dựa trên quy định tại Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-BYT và Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

* Hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng

- Giấy phép kinh doanh;

- Đơn đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng;

Đăng ký quảng cáo thực phẩm chức năng

- Bản công bố sản phẩm thực phẩm chức năng đã được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền (hoặc bản sao y có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

- Mẫu nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng;

- Kịch bản, mẫu nội dung dự kiến quảng cáo;

- Tài liệu khoa học chứng minh công dụng, tính năng của sản phẩm (trừ những thông tin đã có trong bản công bố);

- Các tài liệu khác có liên quan hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

* Thủ tục đăng ký quảng cáo thực phẩm chức năng

Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân cần quảng cáo thực phẩm chức năng gửi một bộ hồ sơ (như trên) về cơ quan cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo

Từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong 10 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận xem xét và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo theo Mẫu số 11 Phụ lục I Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Trường hợp không đồng ý hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung quảng cáo, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản nêu rõ lý do.

Bước 3: Công khai tên, sản phẩm được xác nhận nội dung quảng cáo lên website và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

Lưu ý: Tổ chức cá nhân phải nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định. Đồng thời chỉ được phép quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng khi đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và chỉ được quảng cáo phù hợp với nội dung đã được xác nhận.

Xử phạt quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm thành thuốc thế nào?

Theo quy định tại Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, trường hợp cá nhân quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm thành thuốc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Mức phạt đối với tổ chức có hành vi tương tự gấp đôi mức phạt đối với cá nhân.

Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm thành thuốc từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

Ngoài ra, buộc tổ chức, cá nhân phải cải chính thông tin về thực phẩm chức năng đã gây hiểu nhầm, thu hồi, tháo dỡ các sản phẩm quảng cáo đã thực hiện trước đó.

Trên đây là một số thông tin về những điều cần lưu ý khi quảng cáo thực phẩm chức năng theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc liên quan đến quảng cáo hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, nội dung và điều kiện quảng cáo, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

 
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X