Con sinh ra được quyền khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền. Vậy ai được đi khai sinh cho con? Khai sinh theo hộ khẩu bố hay mẹ? Theo dõi ngay nội dung dưới đây để nắm được các quy định pháp luật về vấn đề này.
Ai được đi khai sinh cho con?
Khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 có quy định như sau:
"Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em."
Theo quy định này thì những người sau đây có thể đi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con:
- Cha;
- Mẹ;
- Nếu cha, mẹ của con không đi được thì: Ông nội, hoặc bà nội, hoặc ông ngoại, hoặc bà ngoại, hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em tiến hành đăng ký khai sinh.
Những người này đi đăng ký khai sinh cho trẻ thì không cần mang theo văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ. Tuy nhiên, các nội dung khai sinh cần đăng ký (họ, tên, chữ đệm, dân tộc, quốc tịch, nơi sinh, thông tin cha mẹ,...) phải được thống nhất với cha, mẹ của trẻ trước đó.
Nhận thấy, việc không yêu cầu giấy ủy quyền trong trường hợp này là phù hợp, giúp những người thân trong gia đình đi khai sinh cho trẻ một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Ngoài ra, việc khai sinh cần được thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra. Đăng ký khai sinh muộn hiện nay sẽ không bị xử phạt, tuy nhiên vẫn nên thực hiện trong thời hạn luật quy định để quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ được đảm bảo tốt nhất.
Khai sinh cho con theo hộ khẩu bố hay mẹ?
Hộ khẩu là hình thức quản lý nhân khẩu, hiện nay thông tin về hộ khẩu đã được cập nhật trong dữ liệu về cư trú của công dân và không sử dụng sổ hộ khẩu bản giấy.
Xem xét việc khai sinh cho con theo hộ khẩu bố hay mẹ, pháp luật có những quy định như sau:
- Điều 13 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh: "Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh."
- Điều 12 Luật cư trú 2020 xác định nơi cư trú của con chưa thành niên có thể là nơi cư trú của cha mẹ, nếu nơi cư trú của cha mẹ khác nhau thì xác định theo nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà con thường xuyên sinh sống; nếu không xác định được nơi nào thì sẽ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không thỏa thuận được thì sẽ do con quyết định.
- Điều 14 Luật Cư trú có nêu: Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật liên quan.
Như vậy, con có thể khai sinh theo hộ khẩu của bố hoặc mẹ tùy thuộc vào việc bố mẹ thỏa thuận, quyết định.
- Bố mẹ có cùng hộ khẩu (đã nhập khẩu khi đăng ký kết hôn) thì con sẽ có chung hộ khẩu với bố mẹ.
- Bố mẹ khác hộ khẩu thì hộ khẩu của con khi khai sinh sẽ do bố mẹ thỏa thuận.
Hộ khẩu của con theo bố hay mẹ đều không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của bố mẹ đối với con và ngược lại; cũng như các quyền lợi của con. Trên thực tế, với những cặp vợ chồng khác hộ khẩu, việc nhập khẩu cho con theo hộ khẩu bố hay mẹ sẽ được hai bên thống nhất, xem xét sao cho sau này con đi học được thuận lợi nhất.
Cần mang giấy tờ gì khi đăng ký khai sinh cho con?
Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn những giấy tờ cần mang theo khi đăng ký khai sinh cho con không có yếu tố nước ngoài.
- Những giấy tờ phải nộp cho cơ quan đăng ký khai sinh (ủy ban nhân dân xã) gồm có:
Tờ khai đăng ký khai sinh.
Tờ khai này được sử dụng theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP, thường sẽ được cung cấp ngay tại ủy ban, người đi khai sinh sẽ điền thông tin.
Giấy chứng sinh.
Khi sinh tại các cơ sở y tế (bệnh viện, trạm y tế,...) thì sẽ được cấp giấy chứng sinh. Người làm thủ tục khai sinh phải mang theo giấy này. Với những trường hợp trẻ không có giấy chứng sinh thì theo Điều 16 Luật Hộ tịch cần phải có văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh hoặc giấy cam đoan về việc sinh nếu không có người làm chứng.
- Những giấy tờ cần mang theo để xuất trình:
Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin có giá trị chứng minh về nhân thân của người đi đăng ký khai sinh cho trẻ.
Giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha, mẹ của trẻ đã kết hôn).
Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người yêu cầu làm Giấy khai sinh để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh. Áp dụng với thực tế việc quản lý cơ sở dữ liệu về cư trú hiện nay thì người đăng ký khai sinh không cần mang theo sổ hộ khẩu. Hiện tại các địa phương đang không sử dụng hộ khẩu bản giấy, thay vào đó thông tin sẽ được tích hợp, quản lý tại hệ thống dữ liệu chung.
Người đi đăng ký khai sinh cần mang theo đầy đủ những giấy tờ nêu trên để nhanh chóng hoàn thiện thủ tục khai sinh cho trẻ.
Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi Ai được đi khai sinh cho con? Khai sinh theo hộ khẩu bố hay mẹ? mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.