hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 05/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ai được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Những chủ thể nào được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản? Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản?... Những câu hỏi liên quan đến thủ tục, hồ sơ phá sản được nhiều người quan tâm được chúng tôi giải đáp trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu về quy trình phá sản của một doanh nghiệp. Luật sư có thể giải đáp cho tôi về chủ thể được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và tòa án nào có thẩm quyền giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản là tòa án nào không? Xin chân thành cảm ơn Luật sư đã giải đáp.

Chào bạn, liên quan đến vấn đề ai được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Chủ thể được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là ai?

Trước hết, Luật Phá sản 2014 quy định những chủ thể được giải quyết thủ tục phá sản là doanh nghiệp, hợp tác xã. Phá sản doanh nghiệp được thực hiện trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định tuyên bố phá sản theo quy định pháp luật.

Chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có thể bao gồm người lao động, người quản lý doanh nghiệp đó… Theo đó, khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định cụ thể về các chủ thể được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp gồm có:

Một là, chủ nợ không có bảo đảm/hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần

Đối tượng này được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu hết thời hạn 03 tháng (kể từ ngày khoản nợ đến hạn) mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Hai là, người lao động/công đoàn cơ sở/công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở cũng là những đối tượng được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản

Điều kiện để các đối tượng này được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương hoặc các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Ba là, người có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cũng có thể là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh

Khác với những đối tượng còn lại, đây là nhóm đối tượng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày đến hạn thanh toán).

Bốn là, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng cũng là đối tượng được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp

Điều kiện để đối tượng này có thể được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán.

Trường hợp riêng, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng là đối tượng được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp công ty cổ phần mất khả năng thanh toán nếu Điều lệ công ty có quy định. Nếu điều lệ công ty không quy định thì đối tượng này không được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản.

=> Theo quy định pháp luật đã nêu, người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp gồm có 4 đối tượng như chúng tôi đã liệt kê.

Kết luận: Phá sản doanh nghiệp là trường hợp doanh nghiệp không có khả năng thanh toán và bị tòa án có thẩm quyền quyết định tuyên bố phá sản theo quy định pháp luật. Có 4 nhóm đối tượng có quyền hoặc có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như chúng tôi đã nêu ở trên.

ai duoc nop don yeu cau mo thu tuc pha san


Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết phá sản doanh nghiệp?

Pháp luật quy định thẩm quyền được giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, tuyên bố doanh nghiệp phá sản thuộc về Tòa án nhân dân. Tuy vậy, không phải mọi tòa án đều có quyền được giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Điều 8 Luật Phá sản 2014 quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản là Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh tùy từng tình huống, cụ thể như sau:

Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Tòa án nhân dân cấp huyện

Giải quyết phá sản đối với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

- Vụ việc phá sản mà có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;

- Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được giải quyết phá sản có chi nhánh/văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau cũng thuộc trường hợp giải quyết phá sản của tòa án nhân dân cấp tỉnh

- Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được giải quyết phá sản có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

- Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện có tính chất phức tạp được Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

Được giải quyết phá sản đối với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi cấp huyện đó và không thuộc trường hợp được giải quyết bởi Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Như vậy, tùy từng trường hợp phá sản cụ thể của doanh nghiệp mà thẩm quyền giải quyết phá sản có thể là Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là giải đáp về ai được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Người gửi tiền được đền bù bao nhiêu nếu ngân hàng phá sản?

>> Lệ phí, chi phí phá sản là bao nhiêu?

Có thể bạn quan tâm

X