hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 25/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công an xã có được tạm giữ người không?

Tạm giữ là một biện pháp ngăn chặn được áp dụng trong quá trình thực hiện tố tụng hình sự và thủ tục hành chính. Vậy cá nhân, tổ chức nào có thẩm quyền được tạm giữ người? Công an xã có được tạm giữ người không?

 
Mục lục bài viết
  • Ai được tạm giữ người?
  • Công an xã có được tạm giữ người không?
  • Công an có quyền bắt người khi nào?
  • Nhiệm vụ của công an xã hiện nay được quy định thế nào?

Ai được tạm giữ người?

Ai có quyền tạm giữ người?

Ai có quyền tạm giữ người?

Hiện nay, tạm giữ người được hiểu là việc tạm thời tách người đó với xã hội để ngăn chặn người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Tạm giữ người là một biện pháp ngăn chặn được áp dụng trong cả thủ tục tố tụng hình sự và thủ tục hành chính. Ở mỗi loại thủ tục thì thẩm quyền tạm giữ người được quy định khác nhau, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của người có thẩm quyền. Cụ thể:

Thứ nhất, thẩm quyền tạm giữ người theo quy định về thủ tục hành chính:

  • Chủ tịch UBND cấp xã;

  • Trưởng Công an xã/ phường, thị trấn đối với địa phường có tổ chức công an chính quy;

  • Trưởng Công an cấp huyện;

  • Trưởng phòng nghiệp thuộc các đơn vị như Cục CSGT, Cục Quản lý XNC, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TT-XH, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao…;

  • Trưởng Công an cửa khẩu thuộc các Cảng hàng không quốc tế;

  • Thủ trưởng Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên;

  • Chi cục trưởng, Đội trưởng thuộc cơ quan hải quan các cấp;

  • Đội trưởng các đội Điều tra hình sự, kiểm soát chống buôn lậu…

Trên đây là một số cá nhân có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, còn rất nhiều cá nhân khác có thẩm quyền giữ người và được quy định cụ thể, chi tiết tại khoản 1 Điều 123 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Thứ hai, thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ theo thủ tục Tố tụng Hình sự:

  • Thủ trưởng/ Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ điều tra;

  • Chỉ huy các đơn vị như: đơn vị quân đội độc lập thuộc cấp Trung đoàn và tương đương; đồn biên phòng thuộc khu vực hải đảo, biên giới; tàu biển, tàu bay khi rời khỏi sân bay, bến cảng;

  • Chỉ huy trưởng thuộc Cảnh sát biển.

Như vậy, nếu so về thẩm quyền tạm giữ người được áp dụng trong thủ tục hành chính và thủ tục tố tụng hình sự thì có sự khác nhau. Đặc biệt là thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ trong tố tụng hình sự hạn chế hơn nhiều so với trong thủ tục hành chính, chủ yếu là những cơ quan có thẩm quyền điều tra thì sẽ được thực hiện thẩm quyền này.

Công an xã có được tạm giữ người không?

Công an xã có được tạm giữ người không?

Công an xã có được tạm giữ người không?

“Công an xã có quyền tạm giữ người hay không?” là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất. Việc công an xã có quyền tạm giữ người hay không cần phải xét theo thủ tục hành chính hay tố tụng hình sự mà công an xã thực hiện.

Đối với áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ trong tố tụng hình sự, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc ra lệnh tạm giữ người thuộc thẩm quyền của Cơ quan đièu tra từ cấp huyện trở lên.

Theo đó mà Công an xã không có thẩm quyền trong việc tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì khi Công an xã phát hiện hoặc tiếp nhận người phạm tội quả tang thì có quyền lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường xảy ra hành vi phạm tội, thu giữ hoặc tạm giữ hung khí, các tài liệu ban đầu có liên quan đến hanh vi phạm tội rồi báo ngay cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên.

Theo quy định này thì Công an xã chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ ban đầu cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền mà không phải là cơ quan có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự.

Đối với việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì Trưởng Công an xã/ phường/ thị trấn tại địa phương có tổ chức hệ thống công an chính quy theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính đã nêu trên có quyền tạm giữ người theo quy định.

Công an có quyền bắt người khi nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 thì

Không an bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

Theo quy định này thì Công an chỉ có quyền bắt người trong các trường hợp sau:

  • Bắt người trong trường hợp khẩn cấp;

  • Bắt người phạm tội quả tang;

  • Bắt người đang bị phát lệnh truy nã;

  • Bắt bị can, bị cáo để tạm giam theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, khi xảy ra một trong các trường hợp trên thì cơ quan Công an có thẩm quyền sẽ được phép thực hiện bắt người và việc bắt người phải được thực hiện theo đúng trình tự tố tụng hình sự.

Nhiệm vụ của công an xã hiện nay được quy định thế nào?

Nhiệm vụ của công an xã

Nhiệm vụ của công an xã

Theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP thì Công an xã không phải là một chức danh công chức cấp xã mà được xác định là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Theo đó, hiện nay nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định khác đối với Công an xã được điều chỉnh chủ yếu tại Pháp lệnh công an xã năm 2008. Theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh này thì Công an xã hiện nay cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, đề xuất với cấp ủy Đảng, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Công an cấp trên về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch, biện pháp đó.

2. Làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo thẩm quyền.

3. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, giáo dục các đối tượng phải chấp hành hình phạt quản chế, cải tạo không giam giữ, người bị kết án tù nhưng được hưởng án treo cư trú trên địa bàn xã; quản lý người được đặc xá, người sau cai nghiện ma túy và người chấp hành xong hình phạt tù thuộc diện phải tiếp tục quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức và lực lượng khác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã.

5. Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.

6. Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an; cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý vụ việc.

7. Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp.

8. Xử phạt vi phạm hành chính; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.

9. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin và thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

10. Trong trường hợp cấp thiết, để cấp cứu người bị nạn, cứu hộ, cứu nạn, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm, được huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân và phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống chấm dứt và báo cáo ngay với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Trường hợp có thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước.

11. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và thực hiện một số biện pháp công tác công an theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an để bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

12. Tham gia thực hiện công tác tuyển sinh, tuyển dụng vào lực lượng vũ trang nhân dân; luyện tập, diễn tập thực hiện các phương án quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố nghiêm trọng khác.

13. Xây dựng lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh về chính trị, tổ chức và nghiệp vụ.

14. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, Công an xã cần thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên và dù thực hiện ở nhiệm vụ nào thì cũng hướng đến mục đích chung là bảo vệ trật tự, an ninh xã hội và giúp đỡ nhân dân trên địa bàn xã/ phường mà Công an xã công tác.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi cho câu hỏi “Công an xã có được tạm giữ người không?”. Nếu có thắc mắc về quy định trên, vui lòng liên hệ ngay tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời và nhanh chóng.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X