hieuluat
Chia sẻ email

Ai được trợ giúp pháp lý? Trợ giúp pháp lý là làm gì?

Ai được trợ giúp pháp lý? Cá nhân, tổ chức nào thực hiện trợ giúp pháp lý? Trợ giúp pháp lý là làm những công việc gì? … Thực tế hiện nay có rất nhiều người cần trợ giúp pháp lý nhưng không biết rằng mình cần tìm đến đâu, đến cơ quan nào để được nhận trợ giúp pháp lý cũng như không biết trợ giúp pháp lý là làm những công việc gì. Bài viết dưới đây của HieuLuat sẽ giải đáp phần nào thắc mắc pháp lý liên quan đến trợ giúp pháp lý.

 

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, tôi có đọc báo và có thấy thông tin về những trường hợp được trợ giúp pháp lý trong giải quyết vụ án tranh chấp đất đai. Tôi muốn HieuLuat giải đáp cho tôi được biết những đối tượng nào được nhận trợ giúp pháp lý và ai là người thực hiện trợ giúp pháp lý? Trợ giúp pháp lý là thực hiện những công việc gì? Chân thành cảm ơn HieuLuat đã lắng nghe và hỗ trợ.

Chào bạn, xoay quanh vấn đề ai được trợ giúp pháp lý và những việc làm cụ thể khi trợ giúp pháp lý mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Ai được trợ giúp pháp lý? 

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp miễn phí những dịch vụ pháp lý cho những đối tượng yếu thế, những người có khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý nhằm góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong việc tiếp cận công lý và tiến tới bình đẳng trước pháp luật (Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017).

Dựa trên những mục tiêu, ý nghĩa của việc trợ giúp pháp lý, chỉ có một số đối tượng được nhận trợ giúp pháp lý và không phải ai cũng có thể thực hiện trợ giúp pháp lý cho những đối tượng được nhận. Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và các văn bản có liên quan quy định về những trường hợp được nhận trợ giúp pháp lý và người có khả năng và được quyền thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

Người được trợ giúp pháp lý

Người được thực hiện trợ giúp pháp lý

Đối tượng

- Người có công với cách mạng;

- Người thuộc hộ nghèo;

- Trẻ em;

- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Người bị buộc tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (áp dụng đối với mọi loại tội phạm);

- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo (phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc đối tượng hộ cận nghèo);

- Hoặc người được trợ giúp pháp lý thuộc một trong các đối tượng sau đây mà có khó khăn về tài chính:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ (cần có giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc đối tượng này);

+ Người nhiễm chất độc da cam;

+ Người cao tuổi (là người có độ tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên);

+ Người khuyết tật (người khuyết tật nghe, khuyết tật nhìn…);

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự (áp dụng đối với mọi loại tội phạm);

+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011;

+ Người nhiễm HIV;

- Các cơ quan, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý:

+ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước: Là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp;

+ Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, bao gồm: Tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp với Sở Tư pháp theo quy định pháp luật;

- Các cá nhân của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

+ Luật sư;

+ Trợ giúp viên pháp lý;

+ Tư vấn viên pháp luật có kinh nghiệm tư vấn pháp luật tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý từ 2 năm trở lên;

+ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý;

Căn cứ pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý 2017

Như vậy, người được trợ giúp pháp lý là những đối tượng được Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định, những người được quyền trợ giúp pháp lý là những cá nhân có chuyên môn về pháp lý thuộc các cơ quan, tổ chức được thực hiện trợ giúp pháp lý như chúng tôi đã nêu ở trên.

ai duoc tro giup phap ly


Trợ giúp pháp lý là làm những công việc cụ thể gì?

Thực hiện trợ giúp pháp lý là tổng hợp các công việc mà người được quyền trợ giúp pháp lý thực hiện theo quy định pháp luật. Khoản 2 Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về những hình thức trợ giúp pháp lý mà người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện gồm:

+ Tham gia tố tụng: Đây là hình thức mà người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia vụ việc hành chính, dân sự, hình sự với tư cách là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Ví dụ là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự,...;

+ Tư vấn pháp luật: Đây là hình thức trợ giúp pháp lý rất phổ biến, được các tổ chức trợ giúp pháp lý tổ chức thường xuyên. Thông thường, tại các tổ chức hành nghề Luật sư, các đối tượng thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý là những đối tượng được miễn chi phí tư vấn pháp lý, được hỗ trợ giải quyết vụ việc với nhiều ưu đãi;

+ Đại diện ngoài tố tụng: Trong các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự… người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể là đại diện theo ủy quyền của người được trợ giúp pháp lý để xác lập, thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Như vậy, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua 3 hình thức là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý có thể liên hệ với các trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước hoặc các cơ quan ký hợp đồng trợ giúp pháp lý khác như tổ chức hành nghề Luật sư (các văn phòng luật, công ty luật…) để được nhận sự trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật.

Trên đây là giải đáp về ai được trợ giúp pháp lý​? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Lựa chọn luật sư bào chữa như thế nào trong tố tụng hình sự?

>> Người bị bắt từ chối thì luật sư có được bào chữa không?

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X