hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 09/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bác sĩ nào được mở phòng khám ngoài giờ? Thủ tục mở như thế nào?

Bác sĩ mở phòng khám ngoài giờ là khá phổ biến, tuy nhiên, việc này cần tuân thủ theo quy định của pháp luật. Theo đó, bác sĩ nào được mở phòng khám ngoài giờ?

Mục lục bài viết
  • Bác sĩ nào được mở phòng khám ngoài giờ? 
  • Điều kiện mở phòng khám ngoài giờ
  • Điều kiện về cơ sở vật chất 
  • Điều kiện về trang thiết bị
  • Điều kiện về nhân sự  
Câu hỏi: Tôi hiện đang làm bác sĩ da liễu ở bệnh viện công lập tuyến Trung ương và mong muốn được mở phòng khám da liễu tư nhân hoạt động vào buổi tối. Vậy cho tôi hỏi bác sĩ nào được mở phòng khám ngoài giờ? Thủ tục mở như thế nào?

Bác sĩ nào được mở phòng khám ngoài giờ? 

Theo khoản 2 Điều 27 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định:

“2. Trường hợp người hành nghề đang làm việc với vị trí người hành nghề toàn thời gian tại một bệnh viện hoặc là người phụ trách một bộ phận chuyên môn của bệnh viện hoặc là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện thì được đăng ký hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo một trong các trường hợp sau đây:

a) Là người hành nghề của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác không cùng thời gian hoạt động hành chính;

b) Là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác không cùng thời gian hoạt động hành chính.”

Thêm vào đó, theo quy định tại Luật Viên chức 2010, bác sĩ là viên chức khi làm việc tại các bệnh viện Nhà nước không được phép đứng tên, đăng ký, điều hành, thành lập phòng khám ngoài giờ. 

Tuy nhiên nếu bác sĩ chỉ làm tại bệnh viện công lập dưới dạng hợp đồng lao động mà không phải là viên chức thì có thể thành lập, đứng tên, điều hành phòng khám ngoài giờ dưới hình thức công ty hoặc hộ kinh doanh.

Trong trường hợp bác sĩ bệnh viện tư và bác sĩ bệnh viện công lập làm việc dưới dạng hợp đồng là người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng thời là người hành nghề thì được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ cần đảm bảo không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

Như vậy, bác sĩ bệnh viện tư và bác sĩ bệnh viện công lập làm việc dưới dạng hợp đồng được phép mở phòng khám ngoài giờ.

Bác sĩ nào được mở phòng khám ngoài giờ

Bác sĩ nào được mở phòng khám ngoài giờ

Điều kiện mở phòng khám ngoài giờ

Theo quy định tại Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, điều kiện mở phòng khám ngoài giờ được quy định cụ thể như sau: 

Điều kiện về cơ sở vật chất 

- Quy mô của phòng khám phải đảm bảo phù hợp với hình thức tổ chức của cơ sở khám, chữa bệnh.

- Phải có địa điểm phòng khám cố định đáp ứng được theo quy định theo pháp luật về an toàn, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn,…

- Có biển hiệu, sơ đồ, biển chỉ dẫn, biển tên các khoa, các phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính.

Điều kiện về trang thiết bị

- Phải có và đảm bảo về các trang thiết bị y tế phù hợp với danh mục chuyên môn kỹ thuật và phù hợp với phạm vi hoạt động đã đăng ký.

Điều kiện về nhân sự  

- Phải đảm bảo đủ người hành nghề theo quy mô của phóng khám.

- Phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn, là người hành nghề toàn thời gian, có phạm vi hành nghề phù hợp với phòng khám, có thời gian hành nghề tối thiểu 36 tháng.

- Người phụ trách bộ phận chuyên môn cũng phải đáp ứng được quy định về giấy phép chuyên môn.

- Người hành nghề phải được phân công trong phạm vi công việc hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Kỹ thuật y với phạm vi hành nghề xét nghiệm y học có trình độ đại học được học và ký kết quả xét nghiệm.

- Kỹ thuật y với phạm vi hành nghề hình ảnh y học có trình độ đại học được học và mô tả hình ảnh chẩn đoán.

- Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám chữa bệnh không cần có giấy phép hành nghề khi thực hiện các hoạt động chuyên môn theo phân công của người chịu trách nhiệm.

Các điều kiện khác

- Phải có đầy đủ các ban, các bộ phận, nhân lực, thiết bị để có thể khám và phát hiện tình trạng sức khỏe theo đúng tiêu chuẩn sức khỏe, mẫu sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe.

- Đảm bảo sự liên thông giữa dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe với (i) Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám, chữa bệnh; hoặc (ii) cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; hoặc (iii) cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. 

Thủ tục mở phòng khám ngoài giờ

Thủ tục mở phòng khám ngoài giờ

Thủ tục mở phòng khám ngoài giờ

Hồ sơ xin mở phòng khám ngoài giờ

Theo quy định tại Điều 60 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động phòng khám bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động phòng khám;

- Quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - Bản sao

- Giấy phép hành nghề và giấy xác nhận hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh ngoài giờ;

- Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận hành nghề của người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh ngoài giờ - Bản sao 

- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, danh sách nhân sự;

- Danh sách họ tên, giấy phép hành nghề của từng người hành nghề đăng ký hành nghề tại phòng khám ngoài giờ;

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về điều lệ tổ chức và hoạt động của phòng khám ngoài giờ. 

- Danh mục các chuyên môn kỹ thuật của phòng khám. 

Thủ tục xin mở phòng khám ngoài giờ

Theo quy định tại Điều 61 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, thủ tục xin cấp mới giấy phép hoạt động phòng khám ngoài giờ được thực hiện theo trình tự sau đây:

Bước 1. Nộp hồ sơ và phí, lệ phí

Cơ quan cấp giấy phép: Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền về cấp mới giấy phép hoạt động đối với phòng khám ngoài giờ trên địa bàn quản lý.

Bước 2: Cấp giấy phép 

- Trường hợp hồ sơ không yêu cầu sửa đổi, bổ sung: 

+ Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan cấp giấy phép hoạt động tổ chức thẩm định điều kiện hoạt động và danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động phòng khám và lập biên bản thẩm định.

+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành biên bản thẩm định, Cơ quan có thẩm quyền cấp mới Giấy phép hoạt động và ban hành Quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động phòng khám. 

- Trường hợp hồ sơ yêu cầu sửa đổi, bổ sung:  

+ Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép gửi văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung hồ sơ;

+ Sau khi nhận hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp giấy phép tiến hành thẩm định và cấp Giấy phép như quy trình bên trên.

Bước 3. Công bố thông tin

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy phép hoạt động phòng khám ngoài giờ, cơ quan cấp giấy phép công bố thông tin của phòng khám trên cổng thông tin điện tử và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Trên đây là câu trả lời cho vấn đề bác sĩ nào được mở phòng khám ngoài giờ. Nếu cần hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục mở được phòng khám ngoài giờ, vui lòng liên hệ chúng tôi qua số điện thoại  19006192
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X