Khi bán hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ, người bán phải lập và xuất hoá đơn. Vậy trường hợp bán hàng dưới 200.000 đồng có phải xuất hoá đơn không? Bài viết dưới đây sẽ gửi đến bạn đọc thông tin về vấn đề này.
Bán hàng dưới 200.000 đồng có phải xuất hóa đơn không?
Theo quy định, hiện nay bán hàng hoá, sản phẩm và dịch vụ dù có giá trị bao nhiêu tiền, người bán vẫn phải xuất hoá đơn cho người mua.
Bán hàng dưới 200.000 đồng có phải xuất hóa đơn không?
Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế năm 2019, người bán phải lập hoá đơn điện tử cho người mua khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, theo đúng chuẩn và đầy đủ nội dung theo quy định về thuế, kế toán mà không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hoá.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020 của Chính phủ, mọi trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều phải lập hóa đơn giao cho người mua trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục sản xuất.
Còn trước đây, theo quy định cũ, tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 39/2014/TT-BTC, người bán hàng, cung cấp dịch vụ có giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng thì không phải lập hoá đơn trừ khi khách hàng yêu cầu (áp dụng đối với hoá đơn giấy).
Như vậy, đối với hoá đơn điện tử thì không phân biệt giá trị từng lần thanh toán, người bán vẫn phải lập và xuất hoá đơn.
Do đó, hiện nay dù bán hàng dưới 200.000 đồng thì người bán vẫn phải xuất hoá đơn cho người mua đầy đủ.
Trường hợp nào không phải xuất hoá đơn?
Như đã trình bày ở trên, hiện nay dù bán hàng dưới 200.000 đồng thì vẫn phải lập và xuất hoá đơn cho người mua, trừ trường hợp hàng hoá luân chuyển trong nội bộ để áp dụng cho quá trình sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, khi bán hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ, người bán phải lập hoá đơn cho người mua, áp dụng kể cả trong các trường hợp khuyến mại hàng hoá dịch vụ, quảng cáo hàng mẫu, cho, biếu, tặng, trao đổi, thay trả lương, và tiêu dùng nội bộ, trừ trường hợp hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
Trong đó, hàng luân chuyển nội bộ có thể hiểu là hàng hoá được xuất đi, chuyển đi trong kho nội bộ để phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm trong cùng cơ sở sản xuất, kinh doanh đó, phục vụ cho hoạt động kinh doanh của cơ sở.
Như vậy, hiện nay trong mọi trường hợp, đều phải lập và xuất hoá đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, người sử dụng dịch vụ, trừ trường hợp đối với hàng luân chuyển nội bộ phục vụ quá trình sản xuất.
Bán hàng không xuất hoá đơn bị xử phạt thế nào?
Tổ chức, cá nhân buôn bán hàng hoá, dịch vụ mà không xuất hoá đơn cho khách hàng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
Bán hàng không xuất hoá đơn bị xử phạt thế nào?
Hành vi không xuất hoá đơn:
Theo Khoản 2 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, người bán hàng hoá không lập hoá đơn sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng nếu có hành vi:
- Không lập hóa đơn tổng hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định
- Không lập hóa đơn với các hàng hóa, dịch vụ khuyến mại/quảng cáo/ hàng mẫu; cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương (trừ trường hợp hàng hóa nội bộ luân chuyển để tiếp tục quá trình sản xuất).
Ngoài ra, theo Khoản 5 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng với hành vi không lập hóa đơn cho người mua, khách hàng khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức/doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì áp dụng mức phạt gấp đôi so với mức phạt của cá nhân.
Hành vi không xuất hoá đơn nhằm trốn thuế:
Nếu việc không xuất hoá đơn nhằm mục đích trốn thuế với cơ quan thuế, người bán có thể bị xử phạt thêm hành vi trốn thực hiện nghĩa vụ thuế theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP:
Mức phạt tiền | Hành vi tương ứng |
1 lần giá trị số thuế trốn | Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có 01 tình tiết giảm nhẹ, |
1,5 lần giá trị số thuế trốn | Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ không có tình tiết giảm nhẹ/tăng nặng |
2 lần giá trị số thuế trốn | Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có 01 tình tiết tăng nặng |
2,5 lần giá trị số thuế trốn | Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có 02 tình tiết tăng nặng |
3 lần giá trị số thuế trốn | Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có trên 03 tình tiết tăng nặng |
Ngoài ra, còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả:
- Nộp đủ số tiền đã trốn thuế
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
Bài viết đã giải đáp câu hỏi về bán hàng dưới 200.000 đồng có phải xuất hóa đơn không? Bán hàng không xuất hoá đơn bị xử phạt thế nào? Nếu cần thêm các giải đáp về vấn đề pháp lý liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài theo hotline 19006192 để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng nhất.