hieuluat
Chia sẻ email

Bán mỹ phẩm online cần giấy phép gì theo quy định mới nhất năm 2023

Sự phát triển của thương mại điện tử làm cho thức bán hàng online ngày càng phát triển. Hoạt động bán mỹ phẩm online cũng không phải là ngoại lệ. Vậy, bán mỹ phẩm online cần giấy phép gì theo quy định mới nhất năm 2023?

 
Mục lục bài viết
  • Có được bán mỹ phẩm online không?
  • Bán mỹ phẩm online cần giấy phép gì? 
  • Các hình thức bán mỹ phẩm online
  • Thủ tục để kinh doanh mỹ phẩm online
Câu hỏi: Em ở Hà Nội, em đang có dự định bán mỹ phẩm online trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Vì vậy, em muốn hỏi bán mỹ phẩm online cần giấy phép gì theo quy định mới nhất năm 2023?

Có được bán mỹ phẩm online không?

Trước hết việc bán mỹ phẩm là ngành nghề được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. 

Cùng với sự phát triển của hình thức kinh doanh online, pháp luật cũng đưa ra các khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này như Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử hoặc Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử….Theo đó, việc bán mỹ phẩm online không bị hạn chế nào bởi pháp luật. 

Hiện nay, pháp luật chủ yếu điều chỉnh và quản lý các sản thương mại điện tử hoặc các trang mạng xã hội. 

Tất cả các sàn thương mại điện tử, các trang website được sử dụng để bán hàng hay các trang mạng xã hội đều phải xin phép và đạt các tiêu chuẩn theo quy định mới được cấp phép. 

Thông thường, khi nhắc đến việc kinh doanh online nói chung và việc bán mỹ phẩm online nói riêng, thì hình thức phổ biến nhất là bán hàng trên các nền tảng của các bên trung gian kể trên. Vì vậy, việc bán hàng mỹ phẩm online là hoàn toàn được phép.

Tuy nhiên, người bán cũng phải tuân thủ một số quy định khi bán hàng trên sàn giao dịch điện tử. Theo Điều 37 Nghị định 52/2023/NĐ-CP, thì người bán hàng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ sau:

- Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin theo quy định của mình cho bên cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử;

- Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà mình bán hoặc cung ứng cho bên cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử (TMĐT);

- Thực hiện giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn TMĐT;

- Cung cấp các thông tin về tình hình kinh doanh khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

- Tuân thủ quy định pháp luật về các vấn đề thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, sở hữu trí tuệ, quyền lợi người tiêu dùng và các quy định pháp luật liên quan khác;

- Tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ về thuế.

Bán mỹ phẩm online cần giấy phép gì? 

Bán mỹ phẩm online cần giấy phép gì?

Theo quy định tại Nghị định 52/2023/NĐ-CP, pháp luật chỉ quy định việc các tổ chức, thương nhân thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thì phải đăng ký tên miền và phải được phê duyệt trước khi cung cấp dịch vụ đến người dùng. 

Như cũng nói ở trên, việc hoạt động bán hàng online chủ yếu sẽ thông qua bên trung gian thứ ba là các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Người bán hàng trên các không gian mạng này sẽ không phải xin bất kỳ giấy phép nào để có thể kinh doanh. 

Trách nhiệm của người bán hàng là cần phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc của hàng hóa thông qua việc cung cấp được các giấy tờ theo quy định để lưu hành trên thị trường, hoặc các giấy tờ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu khi mỹ phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài ra, hoạt động bán hàng online còn có một hình thức khác đó là tự xây dựng website để tiến hành phục vụ cho hoạt động xúc tiến thương mại và bán hàng. 

Khi đó theo điều 27 Nghị định 52/2013, thì chủ sở hữu website sẽ phải thông báo đến Bộ Công thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng. 

Như vậy, nếu kinh doanh online theo phương thức này thì người bán sẽ phải thông báo website mình sử dụng bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Các hình thức bán mỹ phẩm online

Việc bán hàng online được hiểu là việc kinh doanh sản phẩm dịch vụ trên môi trường internet, hoạt động trao đổi mua bán sẽ được thực hiện mà hai bên mua và bán không phải gặp mặt trực tiếp. 

Hình thức kinh doanh này có rất nhiều ưu điểm vì vậy ngày càng nhiều cá nhân và tổ chức áp dụng hình thức kinh doanh này. Mỹ phẩm là một trong các mặt hàng được kinh doanh online phổ biến. Các hình thức bán mỹ phẩm online có thể kể đến đó là:

Thứ nhất, Bán hàng online thông qua việc sử dụng dịch vụ của bên thứ ba. Cụ thể đó là các sàn thương mại điện tử hoặc các trang mạng xã hội:

- Đối với việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử: người bán sẽ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với bên nhà cung cấp. Nhà cung cấp sẽ cung cấp không gian bán hàng trên nền tảng, cũng như cung cấp các dịch về đặt hàng, vận chuyển, thanh toán cho người bán hàng, giúp người bán hàng tiếp cận được khách hàng. Đây được coi là hình thức bán hàng online phổ biến và chuyên nghiệp nhất hiện nay;

- Đối với việc bán hàng trên mạng xã hội: hầu hết các mạng xã hội hiện nay tại Việt Nam đều được sử dụng miễn phí. Người bán sử dụng tính năng đăng bài viết miễn phí để giới thiệu các sản phẩm và sử dụng các chức năng quảng cáo có trả phí ở các trang mạng xã hội này để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. 

Thứ 2, tự xây dựng website bán hàng trực tuyến: Hình thức này sẽ được sử dụng nhiều bởi các nhà sản xuất kinh doanh mỹ phẩm chuyên, hoặc các công ty bán mỹ phẩm lớn. 

Bản thân người bán sẽ tự xây dựng website bán hàng mà không phải thông qua bên thứ ba. Website cũng có đầy đủ các tính năng về đặt hàng, vận chuyển và thanh toán.

Các hình thức bán mỹ phẩm online

Thủ tục để kinh doanh mỹ phẩm online

Để thực hiện việc kinh doanh mỹ phẩm online thì cần phải thực hiện hai bước chính: Một là đăng ký kinh doanh; Hai là lựa chọn hình thức kinh doanh online.

(1) Đăng ký kinh doanh mỹ phẩm

Theo điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, có quy định một số trường hợp không phải đăng ký kinh doanh bao gồm hộ gia đình nông lâm, ngư nghiệp, làm muối; người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến; người kinh doanh lưu động; kinh doanh thời vụ; người có thu nhập thấp (trừ trường hợp kinh doanh ngành nghề có điều kiện). 

Vì vậy, việc kinh doanh mỹ phẩm nếu không thuộc trường hợp này thì sẽ phải tiến hành đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tùy thuộc vào quy mô kinh doanh mà người bán có thể lựa chọn thành lập hộ kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp:

- Thành lập hộ kinh doanh: Hình thức này phù hợp với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ. Để thực hiện thành lập hộ kinh doanh người bán cần thực hiện các bước sau:

+ Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (thường là phòng kinh tế cấp huyện). Để có thể nộp hồ sơ thì người bán cần chuẩn bị các thông tin về địa điểm kinh doanh, thông tin chủ hộ kinh doanh, ngành nghề kinh doanh và số vốn kinh doanh;

+ Bước 2: Nhận giấy biên nhận và đợi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong vòng 03 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ người bán sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Sau khi được cấp giấy đăng ký kinh doanh, người bán có thể bắt đầu kinh doanh.

- Thành lập doanh nghiệp: Đối với quy mô kinh doanh lớn hơn thì người bán hàng có thể thành lập doanh nghiệp. Để thành lập doanh nghiệp, người bán cần phải các định được loại hình doanh nghiệp muốn thành lập, vốn điều lệ, người tham gia góp vốn thành lập, ngành nghề kinh doanh, địa điểm đặt trụ sở….Sau đó thực hiện các bước sau:

+ Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

+ Bước 2: Nộp phí và nhận giấy biên nhận hẹn trả kết quả

+Bước 3: Trong vòng 03 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ người bán sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu không hợp lệ, thì người bán phải sửa đổi bổ sung hồ sơ theo yêu cầu và nộp lại. Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp xong, người bán có thể tiến hành hoạt động kinh doanh của mình.

(2) Người bán lựa chọn hình thức kinh doanh online:

- Nếu lựa chọn kinh doanh thông qua việc sử dụng dịch vụ cung cấp sàn thương mại điện tử thì người bán sẽ tiến hành chọn sàn thương mại điện tử và ký kết hợp đồng dịch vụ;

- Nếu người bán tự xây dựng trang web để bán hàng thì người bán sẽ xây dựng và tiến hành thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BTC, Các bước để thông báo website bán hàng bao gồm:

+ Bước 1: Đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống trên website http://online.gov.vn/. Tại đây người bán cần phải cung cấp các thông tin về tên của người bán; số đăng ký kinh doanh đối với tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân đối với cá nhân; lĩnh vực kinh doanh; địa chỉ trụ sở hoặc địa chỉ thường trú đối với cá nhân; các thông tin liên hệ khác.

+ Bước 2: Trong vòng 3 ngày làm việc, nếu tờ khai hợp lệ thì Bộ Công thương sẽ cấp tài khoản đăng nhập hệ thống cho người bán.

+ Bước 3: Đăng nhập vào tài khoản đã được cấp và kê khai hồ sơ theo mẫu.

+ Bước 4: Nếu hồ sơ hợp lệ, người bán sẽ được cấp một đoạn mã để gắn lên website thể hiện là website đã được thông báo với Bộ Công thương qua email đăng ký. 

Mong rằng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết về các điều kiện để kinh doanh mỹ phẩm online cũng như giải đáp cho các độc giả vấn đề “Bán mỹ phẩm online cần giấy phép gì theo quy định mới nhất năm 2023”. Nếu các bạn cần được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn về vấn đề này thì có thể liên hệ tổng đài 1900.6199 để được hỗ trợ. 

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X