hieuluat
Chia sẻ email

Bán que test nhanh Covid không rõ nguồn gốc, phạt bao nhiêu?

Liên tục những ngày qua, số ca nhiễm Covid không ngừng tăng lên ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là tại Hà Nội. Các mặt hàng như test nhanh, thuốc điều trị Covid cũng “loạn giá”, thậm chí có nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc cũng có "cơ hội" ra thị trường.

Câu hỏi: Sau Tết, số ca nhiễm Covid tăng cao đột biến đặc biệt tại Hà Nội. Tôi thấy hiện trên thị trường bán rất nhiều loại kit test nhanh, một số không thuộc trong danh sách được Bộ Y tế cấp phép. Cho tôi hỏi, nếu bán que test nhanh Covid không rõ nguồn gốc bị phạt thế nào?

Chào bạn, tất cả những hành vi buôn bán những mặt hàng nói chung không rõ nguồn gốc xuất xứ đều bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Để rõ hơn, mời bạn theo dõi nội dung sau của Hieuluat:

Bán test nhanh không rõ nguồn gốc sẽ bị xử lý nghiêm

Gần đây nhất, trong ngày 25/02, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 đã phát hiện thu giữ hơn 5.000 que test Covid-19 và 600 máy đo nồng độ ô xy trong máu có dấu hiệu vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ sở hữu lô hàng có xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ, tuy nhiên trên sản phẩm lại không có đầy đủ nhãn phụ theo quy định của pháp luật và đã bị tiến hành làm thủ tục tạm giữ toàn bộ lô hàng

Trước thực trạng có một số đối tượng buôn bán mặt hàng kit test Covid và các sản phẩm thuốc điều trị Covid chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tại Công văn số 235/TCQLTT-CNV, ban hành ngày 22/2/2022 đã yêu cầu xử lý nghiêm hành vi bán kit test không rõ nguồn gốc.

Theo đó, để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc hỗ trợ điều trị Covid, chỉ đạo các Đội QLTT chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit test, thuốc điều trị Covid không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

ban que test nhanh covid khong ro nguon goc bi phat the nao

Bán que test nhanh Covid không rõ nguồn gốc bị phạt thế nào?

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Đoàn luật sư TP Hà Nội khi trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, nếu cơ quan chức năng phát hiện ra những loại hàng hóa không có nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ số hàng hóa này sẽ bị niêm phong, thu giữ để làm rõ nguồn gốc, chất lượng,… để xử lý.

Sau đó, sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ tiến hành xử phạt hành chính hoặc là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với hành vi là mua bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020 của Chính phủ.

Cụ thể với hàng hóa mà không rõ nguồn gốc, không chứng minh được nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ tùy theo giá trị hàng hóa mà cá nhận bị phạt từ 500.000 đồng - 100 triệu đồng đối với cá nhân và phạt từ 1 triệu - 200 triệu đồng đối với tổ chức.

- Nếu có bằng chứng cho thấy hàng hóa được vận chuyển trái phép qua biên giới và giá trị hàng hóa từ 20 triệu đồng trở lên thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội buôn lậu có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 20 năm tù (theo Điều 188  Bộ luật hình sự)

Nếu cơ quan chức năng xác định là hàng giả về nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, chất lượng, bao bì... với các loại kit test nhanh Covid thì cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, bị phạt tiền từ 100 triệu đồng – 1 tỷ đồng hoặc phạt từ 1 – 5 năm tù, cao nhất là 15 năm tù. (theo Điều 192, Bộ luật Hình sự)

- Đối với thuốc điều trị Covid, nếu cơ quan chức năng xác định được hành vi buôn lậu hoặc là sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Tội danh này có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất có thể là tù chung thân, thậm chí là tử hình.

(theo Điều 194 Bộ Luật hình sự 2015)

Ngoài ra, cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, các cá nhân bán hàng trên mạng xã hội, quảng cáo hàng xách tay hoặc tự mua đi bán lại cũng là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nghiệm hình sự tùy mức độ vi phạm.

Hieuluat vừa thông tin về việc bán que test nhanh Covid không rõ nguồn gốc bị phạt thế nào? Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với tổng đài  19006199 của chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X