hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 02/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Khi nào cha mẹ không được quyền bán tài sản của con chưa thành niên?

Việc bán, tặng cho, chuyển nhượng…tài sản của con chưa thành niên trên thực tế hiện nay phát sinh rất nhiều tranh chấp, mâu thuẫn. Phần lớn trong những tranh chấp đó liên quan đến quyền định đoạt tài sản của người chưa thành niên và điều kiện để được mua bán, chuyển nhượng…tài sản của con chưa thành niên.

Câu hỏi: Mong Luật sư tư vấn cho tôi trường hợp về tài sản như sau: Tôi đã ly hôn, hiện giờ tôi đang nuôi 3 đứa con. Tôi có 3 căn nhà đứng tên của riêng tôi, được mua/tặng cho sau ly hôn.

Tôi lo lắng về việc lỡ như mình có mệnh hệ gì thì bố của 03 đứa con của tôi là người giám hộ tài sản vì con tôi còn nhỏ. Giờ tôi phải làm sao để đảm bảo tài sản của tôi chỉ tặng chỉ 03 đứa con của tôi được quyền sở hữu mà không có bất kỳ mối liên quan nào đến người giám hộ là bố của chúng.

Hi vọng Luật sư quan tâm và giải đáp, xin cảm ơn.

Chào bạn, với vấn đề liên quan đến tài sản của con chưa thành niên, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Người quản lý tài sản của người chưa thành niên là những ai?

Trước hết, với thông tin bạn cung cấp, bạn có 03 người con và đều còn nhỏ, chúng tôi tạm giả sử rằng độ tuổi các con của bạn đều là dưới 18. Theo Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định 03 người con dưới 18 tuổi này của bạn là những người chưa thành niên. Đồng thời, tài sản mà bạn có được sau hôn nhân đứng tên riêng của bạn, chúng tôi tạm nhận định rằng đây là tài sản riêng của bạn.

- Đối với người chưa thành niên là người được giám hộ theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015 thì người giám hộ là người có trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý di sản của họ (Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015). Trong đó, người được giám hộ là những người sau đây:

Điều 47. Người được giám hộ

1. Người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Đối với người chưa thành niên là người có cha mẹ là người đại diện theo pháp luật thì cha mẹ của trẻ là những người quản lý tài sản của các con (Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015).

Vậy nên, tùy thuộc từng trường hợp mà việc quản lý tài sản của người chưa thành niên có thể do cha mẹ của chúng hoặc người giám hộ (ông bà nội, ông bà ngoại, cô, dì, chú bác…) của trả thực hiện.

ban tai san cua con chua thanh nien


Định đoạt tài sản của người chưa thành niên thế nào?

Pháp luật dân sự cho phép người chưa thành niên có quyền có tài sản riêng cho mình thông qua các giao dịch như được thừa kế, tặng cho… và việc định đoạt tài sản riêng này phải tuân thủ quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Người chưa thành niên dưới 6 tuổi sẽ không được quyền tự mình tham gia các giao dịch mà do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện;

- Người chưa thành niên là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi được quyền xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự khi có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của họ, trừ những giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- Người chưa thành niên là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ những giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản (nhà đất,...), động sản phải đăng ký (ô tô, xe máy,...) và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Như vậy, có thể thấy, với mỗi độ tuổi thì pháp luật cho phép người chưa thành niên xác lập, thực hiện giao dịch theo các điều kiện khác nhau.

Theo quy định Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, cha mẹ có thể là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên. Do bạn chưa cung cấp cho chúng tôi cụ thể độ tuổi của các con bạn nên có thể có một số tình huống sau đây phát sinh tại thời điểm bạn chết/qua đời:

- Các con của bạn đều dưới 6 tuổi: Như vậy, toàn bộ các giao dịch liên quan đến tài sản riêng mà bạn để lại cho các con của mình đều do bố của các con bạn xác lập, thực hiện;

- Các con của bạn từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi: Lúc này, các con của bạn được quyền xác lập, thực hiện các giao dịch về đất đai hoặc liên quan đến đất đai (ví dụ như mua bán, tặng cho, thế chấp…) khi có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (tức bố các con của bạn), thường việc đồng ý này phải được lập thành văn bản.

Tuy nhiên, nếu bạn lo sợ bố các con của bạn có thể có những hành vi nhằm gây tổn thất hoặc tẩu tán tài sản của bạn cho các con thì bạn có thể thực hiện các thủ tục nhằm hạn chế quyền của bố các con của bạn. Tức là không để bố các con của bạn là người đại diện theo pháp luật của chúng. Cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định hạn chế quyền đối với bố các con của bạn hoặc xác nhận bố các con của bạn không có điều kiện chăm sóc, giáo dục cho con

Tại đây, trước khi bố các con của bạn có cơ hội để quản lý, định đoạt tài sản của các con bạn thì bạn hoặc gia đình bạn (bố mẹ của bạn, …) có thể đề nghị Tòa án tuyên bố, quyết định:

+ Hạn chế quyền đối với các con của bạn, đồng thời có yêu cầu người giám hộ (căn cứ để hạn chế quyền có thể là do có lối sống đồi trụy, xúi giục/ép buộc con làm những việc trái pháp luật…theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014);

+ Hoặc xác nhận về việc bố các con của bạn không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

Nếu yêu cầu được chấp thuận thì theo quy định pháp luật, người giám hộ (cũng là người đại diện theo pháp luật) cho các con của bạn là ông bà nội/ông bà ngoại (hoặc thỏa thuận một trong những người này) hoặc bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột của các cháu lần lượt theo liệt kê (Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015).

=> Theo đó, tài sản của bạn sẽ do người giám hộ các con của bạn quản lý và có sự giám sát của người giám sát việc giám hộ (người được những người thân thích của con bạn thỏa thuận, thống nhất lựa chọn). Khi các con của bạn thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) thì chúng có quyền tự định đoạt tài sản của mình.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận định rằng, nếu bố các con của bạn không vi phạm pháp luật, không có các điều kiện để bị tuyên bố hạn chế quyền với các con thì bạn cũng không thể tước bỏ quyền quản lý tài sản của bố các con của bạn được.

Trường hợp 2: Nếu bạn không thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền loại trừ quyền là người đại diện theo pháp luật của bố các con của bạn (không thực hiện theo trường hợp 1 được)

Lúc này, bạn có thể cân nhắc, lựa chọn, tin tưởng những người thân trong gia đình mình để chuyển quyền sở hữu tài sản là nhà ở cho họ bằng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho…Sau khi các con của bạn thành niên thì họ sẽ tặng cho lại/chuyển nhượng lại cho các con của bạn.

Dưới góc độ pháp lý, việc bạn tự nguyện chuyển quyền sở hữu nhà ở cho người thân của mình là đã chấm dứt việc sở hữu đối với tài sản đó kể từ thời điểm bên nhận chuyển quyền được đăng ký thông tin tại Sổ địa chính, thể hiện trên sổ đỏ/sổ hồng. Vậy nên, nếu sau này họ không chuyển nhượng lại hoặc tặng cho lại các con của bạn thì các con của bạn cũng không có căn cứ để đòi lại số tài sản đó.

Như vậy, dù là theo cách thức nào thì vẫn tiềm ẩn những rắc rối hoặc những khó khăn trong quá trình giải quyết. Có thể bạn không thể loại trừ hoàn toàn sự hiện diện của bố các con của bạn trong quá trình trưởng thành của con cũng như là không thể có phương án tuyệt đối loại trừ mọi rủi ro theo ý muốn của bạn được. Dựa trên những giải đáp sơ bộ trên của chúng tôi, bạn lựa chọn cách thức xử lý phù hợp với mình.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về bán tài sản của con chưa thành niên, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Lập di chúc để lại tài sản cho con chưa thành niên được không?

>> Có được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X