hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 20/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Làm thế nào để bán tài sản riêng trước hôn nhân?

Tài sản được tặng cho trước thời điểm đăng ký kết hôn là tài sản riêng hay tài sản chung? Khi bán tài sản này thì có cần chữ ký của vợ/chồng không và được thực hiện theo cách nào?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư. Tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau:

Năm 2017, tôi được bố mẹ tặng cho một thửa đất (thửa đất này đã được cấp Giấy chứng nhận mang tên của tôi ngay sau khi tôi được bố mẹ tặng cho). Năm 2018, tôi lấy vợ. Hiện nay, do cần tiền để làm ăn nên tôi muốn bán thửa đất mà bố mẹ tôi tặng cho tôi vào năm 2017.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi, khi bán thửa đất này, tôi có cần chữ ký của vợ tôi không? Và trình tự, thủ tục để bán thửa đất này như thế nào? Xin cảm ơn Luật sư đã giải đáp.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với thông tin bạn cung cấp và căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Chồng bán tài sản riêng trước hôn nhân có cần chữ ký của vợ không?

Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được quy định như sau:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Theo đó, tài sản là thửa đất mà bố mẹ bạn tặng cho bạn trước khi bạn kết hôn là tài sản riêng của bạn. Do đó, theo Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, bạn sẽ có toàn quyền định đoạt tài sản riêng của mình.

Điều này đồng nghĩa với việc, vợ của bạn không có quyền định đoạt (mua bán, tặng cho...) đối với thửa đất này của bạn. Vì vậy, việc bán/chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất được bố mẹ bạn tặng cho trước hôn nhân không cần có chữ ký của vợ bạn.

ban tai rieng truoc hon nhan

Bán tài sản riêng trước hôn nhân thực hiện theo trình tự nào?

Bán tài sản là quyền sử dụng đất thì bạn cần phải lập hợp đồng có công chứng/chứng thực (khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013). Để bán được tài sản này, bạn có thể thực hiện theo các bước chúng tôi hướng dẫn dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ bạn cần chuẩn bị gồm:

- Giấy chứng nhận (sổ đỏ/sổ hồng) bản chính;

- Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng.

- Giấy tờ chứng minh nơi ở (sổ hộ khẩu...) còn giá trị hiệu lực;

- Ngoài ra, có thể bạn cần chuẩn bị thêm Giấy chứng nhận kết hôn.

- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch do văn phòng công chứng/phòng công chứng lập (nếu văn phòng công chứng/phòng công chứng cung cấp trước cho bạn);

- Hợp đồng dự thảo mà bạn và bên mua đã thỏa thuận trước (nếu có);

- Các giấy tờ hợp pháp khác nếu công chứng viên có yêu cầu.

Hồ sơ bên mua cần chuẩn bị:

- Giấy tờ tùy thân còn thời hạn;

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú còn hiệu lực (sổ hộ khẩu...);

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn) hoặc Giấy chứng nhận kết hôn (nếu đã kết hôn);

- Văn bản cam đoan/cam kết tài sản riêng của vợ/chồng (nếu bên mua là vợ chồng và đây là tài sản mua riêng của vợ/chồng);

- Các giấy tờ hợp pháp khác nếu công chứng viên có yêu cầu.

Lưu ý: Nếu bạn chỉ tách một phần thửa đất để bán thì cần phải tiến hành thủ tục tách thửa trước khi ký hợp đồng mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Xem thêm: Thủ tục tách thửa đất hiện nay thế nào?

Bước 2: Ký hợp đồng mua bán/chuyển nhượng

Bạn có thể lựa chọn ký kết hợp đồng được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất (Nghị định 23/2015/NĐ-CP) hoặc văn phòng công chứng/phòng công chứng có trụ sở tại tỉnh nơi có đất.

Theo đó, khi ký hợp đồng, các bên phải cùng có mặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã/văn phòng công chứng/phòng công chứng và cùng ký tên/điểm chỉ trước mặt người có thẩm quyền chứng thực hợp đồng tại Ủy ban nhân dân cấp xã/công chứng viên.

Việc ký kết hợp đồng chỉ được thực hiện khi công chứng viên/người có thẩm quyền chứng thực hợp đồng tại Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra và đã thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Bước 3: Thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai

Bên bán nhận ủy quyền của bạn hoặc cả hai bên cùng thực hiện nộp hồ sơ đề nghị sang tên/đăng ký biến động theo quy định tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất/bộ phận một cửa nếu địa phương bạn đã xây dựng (bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính)

Hồ sơ cần có để thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai gồm:

- Đơn đăng ký biến động mẫu 09/ĐK (ban hành theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT);

- Các tờ khai ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC gồm:

+ Tờ khai lệ phí trước bạ mẫu 01/LPTB (bên mua kê khai và nộp);

+ Tờ khai thuế thu nhập cá nhân mẫu số 03/BĐS-TNCN (bên bán kê khai, ký và nộp);

+ Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp mẫu số 04/TK-SDDPNN;

- Bản sao/bản trích lục giấy khai sinh của con bạn;

- Giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (02 bản sao y mỗi loại);

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân/Giấy chứng nhận kết hôn của bên nhận chuyển nhượng (bản sao y);

- Văn bản cam đoan/cam kết tài sản riêng của vợ/chồng (nếu có) (bản chính);

- Giấy ủy quyền (nếu có);

- Giấy chứng nhận (sổ đỏ/sổ hồng) bản chính.

Bước 4: Đóng nộp thuế, phí, lệ phí và nhận kết quả

Các bên đóng nộp thuế, phí, lệ phí theo thông báo. Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, bên mua nhận sổ đỏ tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động.

Lưu ý: Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký biến động khi mua bán/chuyển nhượng là không quá 10 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ (hồ sơ đầy đủ các tài liệu, chứng từ), các xã thuộc miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện thủ tục tách thả là không quá 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.

Thời gian thực hiện thủ tục này không bao gồm thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật (nếu có), thời gian trưng cầu giám định theo quy định pháp luật (nếu có).
Trên đây là giải đáp thắc mắc về bán tài sản riêng trước hôn nhân, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Tài sản được cho trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hay tài sản riêng?

>> Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X