hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 11/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng: Đối tượng, thời hạn và nguyên tắc bồi thường

Xây dựng là một nghề vất vả và nguy hiểm. Vì vậy, pháp luật quy định cho công nhân xây dựng phải được mua bảo hiểm tai nạn. Bài viết này sẽ giới thiệu về đối tượng, thời hạn và nguyên tắc bồi thường thiệt hại của loại bảo hiểm này.

 
Mục lục bài viết
  • Bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng là gì?
  • Đối tượng và phạm vi của bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng
  • Đối tượng bảo hiểm 
  • Phạm vi bảo hiểm 
  • Bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng có thời hạn bao lâu?
Câu hỏi: Tôi nghe nói làm công nhân xây dựng tại công trường sẽ được chủ đầu tư mua cho bảo hiểm tai nạn, điều này có đúng không? Trong trường hợp xảy ra tai nạn thì bảo hiểm tai nạn đó bồi thường như thế nào?

Bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng là gì?

Trong quá trình xây dựng các công trình, việc xảy ra tai nạn lao động là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người lao động trước những tổn thất do tai nạn và hỗ trợ rủi ro cho chủ đầu tư pháp luật quy định chủ đầu tư công trình phải mua bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng.

Bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng

Bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng

Bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng là bảo hiểm nhà thầu phải mua cho công nhân xây dựng công trình. 

Bảo hiểm này sẽ bồi thường cho công nhân xây dựng trong trường hợp công nhân bị thương tật, bệnh nghề nghiệp hoặc công nhân bị chết do tai nạn lao động,...

Đối tượng và phạm vi của bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng

Đối tượng và phạm vi của bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng được quy định cụ thể tại Điều 48 và 49 Nghị định 67/2023/NĐ-CP. Cụ thể:

Đối tượng bảo hiểm 

Đối tượng bảo hiểm tai nạn cho công nhân thi công trên công trường là trách nhiệm dân sự của nhà thầu đối với công nhân thi công trên công trường theo quy định.

Đối tượng bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng

Đối tượng bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng

Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là 100 triệu đồng/công nhân/vụ.

Phạm vi bảo hiểm 

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà thầu những khoản tiền mà nhà thầu bồi thường cho công nhận bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thi công công trình xây dựng.

Trách nhiệm bồi thường sẽ được loại trừ trong các trường hợp sau:

  • Tổn thất phát sinh do chiến tranh, bạo loạn, các thế lực thù địch,...; tổn thất phát sinh do khủng bố; tổn thất do phản ứng, phóng xạ hạt nhân, nhiễm phóng xạ; tổn thất hoặc thiệt hại của bên mua và người được bảo hiểm có tên trong danh sách cấm vận; 

Tổn thất, thiệt hại có liên quan đến dịch bệnh; tổn thất do bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm; tổn thất do ngừng công việc thi công xây dựng hoặc tổn thất do hậu quả của việc ngừng đó; tổn thất đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.

  • Tổn thất liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có amiăng.

  • Tổn thất do mâu thuẫn của chính công nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc thi công công trường.

  • Tổn thất do công nhân cố ý tự hủy hoại sức khỏe.

  • Tổn thất phát sinh do công nhân sử dụng chất gây nghiện, ma túy (trừ trường hợp thuốc được kê để điều trị bệnh).

  • Tổn thất từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm (trừ trường hợp tự vệ, cứu người, cứu tài sản hoặc sử dụng các chất kích thích để điều trị theo chỉ định).

Bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng có thời hạn bao lâu?

Điều 50 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về thời hạn bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng như sau:

Thứ nhất, thời hạn bảo hiểm bắt đầu kể từ ngày thực hiện thi công công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định.

Thứ hai, việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với công nhân căn cứ vào hợp đồng lao động và văn bản xác nhận của nhà thầu về thời gian công nhân làm việc thực tế trên công trường.

Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng

Về nguyên tắc bồi thường bảo hiểm, Điều 52 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc bồi thường bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Theo đó,

Khi công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên công trường, chủ đầu tư và doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp bồi thường bảo hiểm như sau:

  • Chủ đầu tư lập tức thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện trên chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

  • Hai bên phối hợp thực hiện mọi biện pháp trong khả năng để hạn chế tối đa thiệt hại.

  • Thực hiện, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng sau khi bồi thường thiệt hại.

Khi công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên công trường, doanh nghiệp bảo hiểm hướng dẫn nhà thầu, phối hợp với nhà thầu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập tài liệu để lập hồ sơ bồi thường, xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

Khi công nhân bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu và công nhân (trong trường hợp công nhân đã chết thì thỏa thuận với người đại diện), bao gồm các khoản chi trả sau:

  • Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị (căn cứ vào mức tiền lương theo hợp đồng lao động) nhưng không vượt quá 6 tháng lương trong một sự kiện bảo hiểm.

  • Chi phí y tế thực tế: chi phí cấp cứu, điều trị nội, ngoại trú cần thiết và hợp lý.

  • Nếu công nhân bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%, mức bồi thường cụ thể xác định theo Phụ lục VII Nghị định 67/2023/NĐ-CP.

  • Nếu công nhân chết hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả 100 triệu đồng/công nhân/vụ.

Nếu tai nạn lao động xảy ra hoặc bệnh nghề nghiệp phát sinh gây thương tật cho công nhân và thương tật này bị làm trầm trọng thêm bởi các thương tật hoặc bệnh tật trước đó, doanh nghiệp bảo hiểm không cần bồi thường cho phần bị làm trầm trọng thêm đó.

Phần trên đây là nội dung liên quan đến đối tượng, thời hạn và nguyên tắc bồi thường thiệt hại của bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.

 
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X