hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 16/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bảo hiểm thất nghiệp ai đóng? Đối tượng nào không cần đóng?

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế định bắt buộc của Nhà nước. Vậy bảo hiểm thất nghiệp ai đóng? Cùng Hieuluat giải đáp câu hỏi qua bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Bảo hiểm thất nghiệp ai đóng?
  • Đối với người lao động
  • Đối với người sử dụng lao động
  • Những đối tượng không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?
  • Người lao động nghỉ hưu
Câu hỏi: Chào Luật sư, liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, tôi muốn hỏi ai phải tham gia loại bảo hiểm này?

Có phải chỉ có người lao động làm việc tại doanh nghiệp mới cần phải đóng?

Xin chào bạn, để giải đáp thắc mắc xung quanh việc bảo hiểm thất nghiệp ai đóng theo quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra ý kiến như sau:

Bảo hiểm thất nghiệp ai đóng?

Theo quy định hiện nay, cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó:

Đối với người lao động

Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm chỉ rõ, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, bao gồm:

- Hợp đồng không xác định thời hạn;

- Hợp đồng xác định thời hạn;

- Hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Đối với người sử dụng lao động

Theo khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm 2013, người sử dụng lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân;

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

Ví dụ: Anh A ký hợp đồng làm nhân viên IT tại doanh nghiệp B từ 01/7/2022 đến 30/6/2023, vì vậy cả anh A và doanh nghiệp B đều phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp ai đóng? Đối tượng nào không cần đóng?Theo quy định hiện hành, bảo hiểm thất nghiệp ai đóng?

Những đối tượng không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Mặc dù bảo hiểm thất nghiệp được xem là chế định bắt buộc đối với người lao động, tuy nhiên có một số trường hợp sau đây không cần tham gia, cụ thể:

Người lao động nghỉ hưu

Theo khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm, khi người lao động đang nhận lương hưu thì không cần đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Người giúp việc gia đình

Căn cứ nội dung Điều 161 và 162 Bộ Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm ký hợp đồng với người làm việc trong các hộ gia đình (chăm trẻ, làm vườn, quản gia, nội trợ…).

Tuy nhiên, cũng tại khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm, dù đã có hợp đồng thì đối tượng này không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Công chức

Theo khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, công chức không thực hiện công việc theo hợp đồng lao động hay hợp đồng làm việc mà được tuyển dụng theo quyết định của Nhà nước.

Do vậy, công chức cũng không bắt buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Hiệu trưởng có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng không?

Câu hỏi: Tôi là Hiệu trưởng trường đại học công lập vừa mới được bổ nhiệm năm nay, vậy tôi có cần đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng không?

Chào Anh/Chị, chúng tôi xin trả lời câu hỏi này như sau:

Theo khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung 2019 thì kể từ ngày 01/7/2020, Hiệu trưởng trường công lập không còn là công chức mà trở thành viên chức quản lý được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.

Viên chức được định nghĩa tại khoản 2 Luật Viên chức 2010 là người Việt Nam được tuyển dụng theo hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối chiếu với khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm, Hiệu trưởng trường công lập phải trích đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Hiệu trưởng trường công lập có cần đóng bảo hiểm thất nghiệp?Hiệu trưởng trường công lập có cần đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Người nước ngoài có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp không?

Câu hỏi: Công ty tôi có 01 người nước ngoài làm phiên dịch viên tiếng Ả-rập. Vậy người nước ngoài có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam không?

Chào bạn, chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Điều 43 Luật Việc làm 2013 chỉ ra rằng, người lao động ký hợp đồng hợp đồng mùa vụ từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng hoặc hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc sẽ phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên cũng tại khoản 1 Điều 3 Luật này, người lao động được nêu ở đây phải là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, do vậy, phiên dịch viên người nước ngoài làm việc cho công ty bạn không cần tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Giám đốc có bắt buộc đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Câu hỏi: Em vừa mới thành lập công ty TNHH một thành viên và kiêm luôn chức vụ Giám đốc. Vậy em có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp không?

Chào bạn, chúng tôi sẽ giải đáp vấn đề của bạn như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm, người lao động ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thời vụ từ đủ 03 đến dưới 12 tháng là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Dựa vào thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng bạn đang là chủ sở hữu và đồng thời là người quản lý của công ty TNHH một thành viên. Do đó bạn không cần trích đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng.

Trên đây là phần giải đáp xung quanh vấn đề bảo hiểm thất nghiệp ai đóng. Nếu còn câu hỏi khác, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ chi tiết hơn.
Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X