hieuluat
Chia sẻ email

Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào? Tính thời gian, mức đóng thế nào cho chuẩn?

Bảo hiểm thất nghiệp là phương thức giúp người lao động duy trì, vượt qua thời kì khó khăn do không có việc làm. Vậy bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào? Tính thời gian, mức đóng thế nào cho chuẩn?

Mục lục bài viết
  • Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào?
  • Cách tính thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chuẩn, đơn giản?
  • Đi làm từ trước 2009 có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
  • Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa của người lao động là bao nhiêu?

Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào?

Các quy định về bảo hiểm thất nghiệp xuất hiện lần đầu tiên tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2007). Nội dung khoản 1 Điều 140 Luật này cũng đã nêu rõ thời điểm áp dụng quy định về bảo hiểm thất nghiệp như sau:

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007; riêng đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, đối với bảo hiểm thất nghiệp thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Vậy là từ 01/01/2009, chế độ này mới được được đưa vào áp dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc, những người đi làm trước năm 2009 không tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp có thể nói là một chế độ an sinh, là “bệ đỡ” an toàn cho người lao động khi bị mất việc làm. Ngoài việc hỗ trợ tài chính trong lúc khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp còn tạo điều kiện cho người lao động học nghề, tìm kiếm công việc mới để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Cách tính thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chuẩn, đơn giản?

Để tính thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp một cách đơn giản, ta căn cứ vào nội dung khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013.

Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính bằng tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm trên thực tế (có thể liên tục hoặc ngắt quãng) kể từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm và kết thúc khi chấm dứt hợp đồng mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ví dụ: Sau 6 tháng làm việc chính thức tại công ty X tính từ tháng 11/2021, anh A chuyển sang làm việc tại công ty B thêm 3 tháng từ tháng 3/2022. Do chưa từng được đóng bảo hiểm trước đó, nên tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của A là 9 tháng.

Tìm ra khoản thời gian chính xác đã đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp người lao động có kế hoạch làm việc phù hợp để hưởng quyền lợi một cách chính đáng.

Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm, đóng bảo hiểm đủ thời gian là một trong những yêu cầu bắt buộc để người lao động được lĩnh trợ cấp, cụ thể:

- Đối với người ký hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn: Đóng từ đủ 12 – 24 tháng;

- Đối với người ký hợp đồng thời vụ hoặc công việc khác từ đủ 03 – dưới 12 tháng: Đóng từ đủ 12 – 36 tháng.

Ví dụ: Anh H muốn nghỉ việc từ tháng 6/2022 nhưng tính đến thời điểm đó, anh mới chỉ có 9 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp và chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp sau khi chấm dứt hợp đồng. Sau khi cân nhắc, anh H quyết định tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm hằng tháng theo đúng quy định.

Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào?Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào? Cách tính thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chuẩn?

Đi làm từ trước 2009 có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Câu hỏi: Bố tôi ký hợp đồng làm nhân viên chính thức với công ty T từ 01/01/2004, tuy nhiên do công ty làm ăn thua lỗ kéo dài, không có kinh phí duy trì nên phải sáp nhập vào công ty Z. Bố tôi thuộc diện phải chấm dứt hợp đồng nên đã nghỉ việc từ 01/6/2021. Mức lương bình quân 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của ông là 20 triệu/tháng. Vậy trường hợp của bố tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Từ ngày 01/01/2009, những quy định về trợ cấp thất nghiệp chính thức được áp dụng, do vậy đối với thắc mắc về giải quyết chế độ cho người lao động đi làm trước khoảng thời gian này, chúng tôi xin đưa ra lý giải như sau:

Theo Điều 47 của Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc trên 12 tháng mà bị mất việc do rơi vào một trong những trường hợp dưới đây thì sẽ được hưởng trợ cấp mất việc, cụ thể:

- Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (Nhà nước cơ cấu lại nền kinh tế, suy thoái);

- Doanh nghiệp tiến hành chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

Khi đó, mỗi năm làm việc sẽ được trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm bằng thời gian làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

*Lưu ý: Tiền lương tính trợ cấp thôi việc là mức tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ.

Khi bố bạn nghỉ việc, bác sẽ được nhận những khoản tiền sau:

- Trợ cấp mất việc làm: cơ quan bảo hiểm chi trả trợ cấp cho 05 năm tính từ 01/01/2004 đến 31/12/2008, mỗi năm tương ứng với 01 tháng lương bình quân, nghĩa là bố bạn sẽ được nhận: 05 x 20 triệu đồng = 100 triệu đồng.

- Trợ cấp thất nghiệp: Tính từ 01/01/2009 đến ngày 01/6/2021, bố bạn được hưởng 60% mức lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ (theo Điều 50 Luật Việc làm 2013), nghĩa là bằng 20 triệu đồng x 60% = 12 triệu đồng/tháng.

Đi làm trước năm 2009 có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Người lao động đi làm trước năm 2009 có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa của người lao động là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 57 Luật việc làm, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính bằng 1% tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động (theo Điều 58 của Luật này) chính là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ví dụ: Anh M. có mức lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là 08 triệu đồng/tháng, suy ra mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của anh M. hằng tháng là 80.000 đồng.

Vậy người lao động phải làm thế nào để tính ra mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa?

Theo Điều 58 Luật Việc làm, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa được chia thành hai trường hợp:

- Trường hợp người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Nếu mức tiền lương tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp vượt trên 20 tháng lương cơ sở, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng loại bảo hiểm này.

Ví dụ: Anh X là viên chức từ tháng 6/2019. Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì từ 01/7/2019, mức lương cơ sở của anh được nâng lên thành 1,49 triệu/tháng, như vậy tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa của anh X là 29,8 triệu đồng/tháng.

- Trường hợp người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:

Căn cứ khoản 2 Điều này, khi mức tiền lương tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 20 lần tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng loại bảo hiểm này.

Ví dụ: Chị L. ở Hà Nội, làm nhân viên văn phòng từ 2019 đến nay. Kể từ tháng 7/2022 thì mức lương tối thiểu vùng của chị là 4,68 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP), do đó mức tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa của chị là 93,6 triệu đồng/tháng.

Trên đây là một số nội dung giải đáp về vấn đề bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào. Nếu còn câu hỏi khác, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết hơn.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X