hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 19/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mức bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp đóng bao nhiêu phần trăm?

Đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là nghĩa vụ của người lao động mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp. Vậy theo quy định hiện nay, mức bảo hiểm doanh nghiệp phải đóng là bao nhiêu? Nếu không thực hiện, doanh nghiệp có bị phạt không?

Mục lục bài viết
  • Bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp đóng bao nhiêu phần trăm mỗi tháng?
  • Trường hợp nào được giảm bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp?
  • Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có bị phạt không?

Bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp đóng bao nhiêu phần trăm mỗi tháng?

Câu hỏi: Tôi chuẩn bị thành lập công ty sản xuất vào tháng 6/2023. Cho hỏi hiện nay mức đóng bảo hiểm thất nghiệp mà công ty tôi phải chi trả được quy định thế nào ạ? Cảm ơn Hieuluat!

Chào bạn, đối với với vấn đề mức tiền bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp đóng bao nhiêu, chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo Điều 57 Luật Việc làm 2013, hiện nay mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng được ấn định như sau:

- Người lao động: đóng 1% tiền lương tháng;

- Người sử dụng lao động (ví dụ: doanh nghiệp, tổ chức…): trích 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

- Nhà nước: hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đối với những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ bởi nhà nước và được bảo đảm bởi ngân sách trung ương.

Ví dụ: Công ty bạn có 200 công nhân tham gia bảo hiểm thất nghiệp với quỹ lương là 1,2 tỷ/tháng thì số tiền trích đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động này bằng: 1% x 1,2 tỷ = 12 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, mức đóng này có thể thay đổi trong trường hợp có văn bản mới điều chỉnh, do vậy bạn nên thường xuyên cập nhật các quy định mới để thực hiện đúng.

Mức bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp đóng bao nhiêu mỗi tháng?

Mức bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp đóng bao nhiêu là đúng quy định?

Trường hợp nào được giảm bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp?

Câu hỏi: Đầu năm 2022, công ty tôi (Thái Nguyên) có thuê một nhân sự 66 tuổi về làm việc. Nghe nói từ 1/10/2021-30/9/2022 doanh nghiệp được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 0% theo Nghị quyết số 116/NQ-CP nên công ty tôi đã không đóng cho bác ấy. Công ty tôi làm như vậy là đúng hay sai?

Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 được ban hành đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bằng cách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng đối với những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.

Trong đó, theo Điều 43 Luật Việc làm, người lao động được nhắc đến trong nội dung Nghị quyết được xác định là những cá nhân ký:

  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
  • Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

(Trừ trường hợp người lao động làm giúp việc gia đình hoặc đang hưởng lương hưu).

Như vậy, công ty bạn sẽ thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 trong trường hợp bác nhân viên 66 tuổi đó không có lương hưu và tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giảm mức đóng cho công ty bạn trong khoảng thời gian 1/10/2021 đến hết 30/9/2022.

Trường hợp nào được giảm bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp?

Việc giảm bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp diễn ra trong trường hợp nào?

Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có bị phạt không?

Câu hỏi: Hiện nay, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có bị phạt không ạ?

Không đóng bảo hiểm (ví dụ: trốn đóng) là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cho nên đóng bảo hiểm thất nghiệp định kỳ hàng tháng là trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Khi bị phát hiện ra hành vi vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho từ 200 người hoặc hoặc mức trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1 tỷ đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu hình sự về tội Trốn đóng bảo hiểm tại Khoản 5 Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Do vậy để tránh bị phạt, công ty cần chủ động đóng đầy đủ và đúng hạn các khoản bảo hiểm đối với người lao động, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp.

Trên đây là một số nội dung giải đáp về vấn đề bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp đóng bao nhiêu. Nếu còn câu hỏi khác, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ chi tiết hơn.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X