hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 30/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thất nghiệp, được hỗ trợ học lái xe ô tô như thế nào?

Học nghề (đặc biệt là học lái ô tô) là nhu cầu chính đáng và được nhiều người quan tâm. Vậy khi thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ học lái ô tô như thế nào?

Mục lục bài viết
  • Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ học lái ô tô như thế nào?
  • Những ngành nghề được học khi thất nghiệp là gì?
  • Để được hỗ trợ học nghề, người lao động cần làm hồ sơ, thủ tục gì?

Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ học lái ô tô như thế nào?

Câu hỏi: Tôi chưa từng biết lái xe nên sau khi nghỉ việc tại công ty, tôi đã xin tư vấn và đăng ký học nghề lái ô tô. Vậy cơ quan bảo hiểm xã hội có hỗ trợ tôi học nghề lái xe không? Hỗ trợ thế nào?

Chào bạn, liên quan đến vấn đề bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ học lái ô tô như thế nào, chúng tôi xin đưa ra ý kiến phản hồi như sau:

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm, hỗ trợ học nghề là một trong những cách mà nhà nước tạo điều kiện cho người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng bị mất việc làm.

Điều kiện học lái ô tô

Để được hỗ trợ học lái ô tô, bạn phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 55 Luật Việc làm như sau:

- Đã chấm dứt hợp đồng với công ty, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

- Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng;

- Chưa có việc sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm, trừ khi người lao động:

  • Đi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
  • Đi học từ đủ 12 tháng trở lên.
  • Bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;
  • Bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù;
  • Đi xuất khẩu lao động hoặc ra nước ngoài định cư;
  • Chết.

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng với công ty.

Nếu trung tâm dịch vụ việc làm nơi bạn nộp hồ sơ có liên kết với các cơ sở dạy lái xe thì bạn hoàn toàn có thể đăng ký học.

Tiền trợ cấp học nghề

Mức hỗ trợ được quy định chi tiết tại Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, cụ thể như sau:

- Người tham gia khóa đào tạo nghề lái ô tô trong thời gian tối đa 03 tháng: Mức hỗ trợ được tính dựa theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa là 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

- Người lao động thất nghiệp có thời gian học trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng không vượt quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, thời gian đi học lái ô tô của người lao động bị lẻ không đủ tháng thì lẻ từ 01 - 14 ngày sẽ tính là 0,5 tháng còn lẻ từ 15 ngày trở lên sẽ coi là 01 tháng.

Về thời gian hỗ trợ kinh phí: Tại nội dung khoản 1 Điều 56 Luật Việc làm 2013 quy định, thời gian hỗ trợ học lái xe của người lao động sẽ tính theo thực tế, song cũng chỉ được tối đa là 06 tháng.

Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ học lái ô tô cho người lao động như thế nào?
Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ học lái ô tô cho người lao động như thế nào?

Những ngành nghề được học khi thất nghiệp là gì?

Câu hỏi: Các anh chị có thể giải đáp giúp tôi xem khi thất nghiệp thì được theo học ngành nghề gì không ạ? Xin cảm ơn!

Hiện tại, Luật Việc làm cũng như các văn bản hướng dẫn hiện hành không quy định ngành nghề cụ thể nào người lao động có thể chọn học khi thất nghiệp. Cho nên, bất kể nghề nào thuộc danh mục nghề theo pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, không vi phạm điều cấm của pháp luật, thời gian đào tạo phù hợp…thì người lao động đều được hỗ trợ.

Ngoài ra, tùy từng giai đoạn mà các trung tâm dịch vụ việc làm liên kết, có chỉ tiêu tuyển dụng từ những đơn vị khác nhau, do vậy bạn có thể lựa chọn theo năng lực, sở thích, tình trạng sức khỏe…của mình

Ví dụ: lái ô tô, pha chế, nấu ăn, cơ khí, làm tóc…

Bạn có thể chọn một số ngành nghề để học khi thất nghiệp: làm bánh, lái xe...Bạn có thể chọn một số ngành nghề để học khi thất nghiệp: làm bánh, lái xe...

Để được hỗ trợ học nghề, người lao động cần làm hồ sơ, thủ tục gì?

Câu hỏi: Hồ sơ đăng ký học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm gồm những giấy tờ gì hả anh chị? Các bước thực hiện thế nào ạ? Mong anh chị giải đáp, em cảm ơn!

Chào bạn, dưới đây là trình tự và hồ sơ cần thực hiện để bạn có thể được hỗ trợ học nghề bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm:

Bước 1: Chuẩn bị đủ hồ sơ

Căn cứ nội dung Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP), bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề (Mẫu 03 kèm theo Nghị định 61/2020);

- Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (nên nộp bản sao có chứng thực, có thể nộp bản sao kèm bản chính);

- Sổ bảo hiểm xã hội.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Bạn phải gửi hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn.

Bước 3: Lấy giấy hẹn trả kết quả tại cơ quan bảo hiểm xã hội (Lưu ý: Giữ giấy hẹn nguyên vẹn, cẩn thận, không được làm rách, cháy, hỏng…)

Bước 4: Đến nhận Quyết định hỗ trợ học nghề đúng hẹn.

Bạn cần chú ý, theo khoản 5 Điều 25 Nghị định 28/2015 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 61/2020) thì trong 03 ngày làm việc trên phiếu hẹn trả kết quả, nếu không đến hoặc ủy quyền cho người khác nhận Quyết định mà không thông báo lý do không đến trực tiếp cho Trung tâm biết thì được coi là không có nhu cầu hỗ trợ học nghề.

Trên đây là phần giải đáp xung quanh vấn đề bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ học lái ô tô, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn chi tiết hơn.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X