Tham gia BHYT sẽ giúp người dân giảm bớt chi phí khi khám, chữa bệnh, đặc biệt là đối với người tham gia liên tục trong thời gian dài. Cụ thể, những người đóng BHYT 5 năm liên tục được quyền lợi gì?
Cụ thể thế nào mong Hieuluat giải đáp giúp em ạ.
Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể BHYT 05 năm liên tục là gì. Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP chỉ quy định, thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.
Như vậy, có thể hiểu, BHYT 5 năm liên tục là khi người tham gia BHYT có thời gian đóng 05 năm liên tiếp và được phép gián đoạn tối đa 03 tháng.
Hiện nay, trên thẻ BHYT đã ghi nhận thông tin thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên.
Theo Quyết định 1666/QĐ-BHXH năm 2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc ghi nhận thời gian 05 năm liên tục được quy định như sau:
- Người đã có đủ 05 năm tham gia BHYT liên tục tính đến ngày 01/01/2015 thì in từ ngày 01/01/2015.
- Từ ngày 01/01/2015 trở đi, người tham gia BHYT chưa đủ hoặc bắt đầu đủ 05 năm liên tục thì in từ ngày đầu tiên của năm thứ sáu.
Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục là gì?
Đóng BHYT 5 năm liên tục được quyền lợi gì? Cần đáp ứng điều kiện gì?
Đóng BHYT 5 năm liên tục được quyền lợi gì là thắc mắc chung của nhiều người khi tham gia loại hình bảo hiểm này.
Trước tiên, cần nắm rõ thế nào là “thời gian tham gia BHYT liên tục”. Cụ thể, theo nội dung khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người đóng BHYT 5 năm liên tục năm 2023 là người:
- Có thời gian tham gia BHYT từ 05 năm trở lên;
- Có thể gián đoạn quá trình đóng loại bảo hiểm này nhưng không được vượt quá 03 tháng.
Đối tượng này sẽ được hưởng 100% chi phí trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT khi đáp ứng được cả 02 điều kiện nêu tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi Luật bảo hiểm y tế ban hành năm 2014:
Điều kiện 1: Người đó đi khám, chữa bệnh đúng tuyến
Theo Điều 6 Thông tư 30/2020/TT-BYT, người bệnh thuộc một trong các trường hợp sau thì được coi là khám, chữa bệnh đúng tuyến:
- Đi khám tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.
- Người đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở tuyến xã, phòng khám đa khoa/bệnh viện tuyến huyện đi khám tại các cơ sở có cấp độ tương đương trong cùng địa bàn tỉnh;
- Người đang tham gia BHYT phải đi cấp cứu (tại bất kì bệnh viện, cơ sở khám-chữa nào trên toàn quốc);
- Người có thẻ BHYT được chuyển tuyến khám, chữa bệnh;
- Người đi khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở khám, chữa bệnh đã đăng ký trong trường hợp đi công tác, đào tạo tập trung…(có giấy tờ chứng minh);
- Người tham gia BHYT có giấy hẹn tái khám của bác sĩ trong trường hợp đã được chuyển tuyến;
- Người đã hiến bộ phận cơ thể (hiến mô, tạng…) phải điều trị ngay sau khi hiến.
Đóng BHYT 5 năm liên tục được quyền lợi gì? Cần đáp ứng được điều kiện gì?
Điều kiện 2: Số tiền đồng chi trả khi khám, chữa bệnh trong năm vượt quá 06 tháng lương cơ sở
Số tiền đồng chi trả ở đây có thể hiểu là khoản tiền mà người đang tham gia BHYT phải cùng chi trả với cơ quan bảo hiểm dựa theo % mức hưởng của thẻ BHYT.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng và nâng lên thành 1,8 triệu đồng từ 01/7/2023, cho nên 06 tháng lương cơ sở tương đương với 8,94 triệu đồng và 10,8 triệu đồng từ 01/7.
Ngoài việc khám đúng tuyến, nếu xét thấy mức đồng chi trả khi khám chữa bệnh của bản thân vượt quá con số nêu trên, người tham gia BHYT 05 năm liên tục sẽ được giải quyết chế độ, cụ thể tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
- Trường hợp người bệnh có số tiền đồng chi trả 01 lần hoặc nhiều lần lớn hơn 06 tháng lương cơ sở: nơi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ không thu số tiền cùng chi trả đó; đồng thời cung cấp hóa đơn để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
- Trường hợp người bệnh có số tiền đồng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau hoặc cùng 01 cơ sở khám, chữa bệnh vượt quá 06 tháng lương cơ sở: người dân lấy toàn bộ chứng từ từ (các) cơ sở khám, chữa bệnh nộp cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền nói trên và nhận Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm đó.
- Nếu số tiền cùng chi trả vượt trên 6 tháng lương cơ sở được tính từ ngày 01/01, người bệnh sẽ được chi trả 100% tiền khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng tính từ thời điểm người đó đóng đủ 5 năm liên tục đến hết 31/12 của năm đó.
Lưu ý: Người có BHYT mà tự đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện để khám, chữa bệnh thì sẽ không được tính vào chi phí đồng chi trả để giải quyết quyền lợi BHYT 5 năm liên tục (Căn cứ: điểm a Mục 3 Công văn 627/BYT-BH ban hành ngày 27/01/2021).
Thủ tục hưởng chế độ khi đóng BHYT 5 năm liên tục
Để được giải quyết chế độ khi có đủ 05 năm liên tục trở lên tham gia BHYT, người dân cần cung cấp những giấy tờ theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 146/2018 và Thông báo số 2298/TB-BHXH, bao gồm:
- Thẻ Bảo hiểm y tế còn giá trị sử dụng/Xác nhận tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục;
- Chứng từ, hóa đơn viện phí khi đi khám, chữa bệnh (trong cùng năm tài chính);
- Giấy tờ tùy thân có ảnh (bản sao).
Trên đây là thông tin giải đáp đóng BHYT 5 năm liên tục được quyền lợi gì. Nếu còn thắc mắc khác, xin mời độc giả liên hệ hotline 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp thêm.