Học sinh, sinh viên là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mức đóng và hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat, vấn đề của bạn chúng tôi xin được thông tin như sau:
1. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Theo khoản 4, điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và điều 4, Nghị định số 146/2018 của Chính phủ quy định đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và không thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Theo đó, học sinh sinh viên là các đối tượng đang học tại các trường và cơ sở giáo dục và đào tạo (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm khác theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT).
2. Mức đóng BHYT học sinh sinh viên
Theo thông tin từ BHYT Việt Nam, trong năm học này, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên không có sự thay đổi so với năm học trước.
Cụ thể, mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%, học sinh sinh viên tự đóng 70%.
Cụ thể:
Mức đóng = 4,5% x 1.490.000 đồng x 12 tháng = 804.600 đồng/năm.
Trong đó, số tiền học sinh, sinh viên thực đóng là 563.220 đồng/năm (số tiền còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%).
Ngoài việc được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2022-2023, nhiều tỉnh, thành tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV từ ngân sách địa phương, do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi học sinh sinh viên so với mức trên tiếp tục được giảm.
Ví dụ một số tỉnh, thành còn có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho học sinh, sinh viên tỉnh nhà như:
Hà Giang (hỗ trợ thêm 70%); Hưng Yên (30%); An Giang hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT cho HSSV dân tộc thiểu số; Lâm Đồng: 70% cho HSSV DTTS không sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…
3. Mức hưởng BHYT của học sinh sinh viên
Căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên khám, chữa bệnh (KCB) tại cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế:
- Được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh: nếu đúng tuyến và thực hiện đầy đủ thủ tục
- Nếu không đúng tuyến và không có giấy chuyển tuyến mà xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán như sau:
+ 100%: khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện
+ 100%: khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến huyện, tỉnh
+ 40%: khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến Trung ương.
Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng quy định nếu học sinh, sinh viên không xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho các trường hợp:
- Nếu KCB ngoại trú: hưởng tối đa 0,15 lần mức lương cơ sở, tương đương 223.500 đồng.
- KCB nội trú: hưởng tối đa 0,5 lần mức lương cơ sở, tương đương 745.000 đồng.
- KCB ngoại trú bệnh viện tuyến huyện: hưởng tối đa 0,15 lần mức lương cơ sở, tương đương 223.500 đồng.
- KCB nội trú bệnh viện tuyến huyện: hưởng tối đa 0,5 lần mức lương cơ sở, tương đương 745.000 đồng.
- KCB nội trú bệnh viện tuyến tỉnh: hưởng tối đa 1 lần mức lương cơ sở, tương đương 1.490.000 đồng.
- KCB nội trú bệnh viện tuyến Trung ương: hưởng tối đa 2,5 lần mức lương cơ sở, tương đương 3.725.000 đồng.
Trường hợp cấp cứu, học sinh sinh viên được KCB tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế cùng giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi Bảo hiểm y tế theo quy định.
4. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT của học sinh, sinh viên
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì thời hạn sử dụng thẻ BHYT của học sinh, sinh viên được quy định như sau:
- Thẻ BHYT được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông
+ Giá trị sử dụng thẻ BHYT của học sinh lớp 1 bắt đầu từ ngày 1-10 năm đầu tiên của cấp tiểu học.
+ Giá trị sử dụng thẻ BHYT của học sinh lớp 12 là đến hết ngày 30-9 của năm học.
- Thẻ BHYT được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho học sinh sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục dạy nghề.
+ Giá trị sử dụng thẻ BHYT của sinh viên năm nhất là khi nhập học (trừ trường hợp thẻ của HS lớp 12 đang còn giá trị sử dụng)
- Giá trị sử dụng thẻ BHYT của sinh viên năm cuối là đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
5. Cách tra cứu hạn sử dụng thẻ BHYT học sinh, sinh viên
Học sinh, sinh viên cũng như các phụ huynh có thể tự tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo 04 cách sau:
- Cách 1: Truy cập vào Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the- bhyt.aspx
- Cách 2: Nhắn tin theo cú pháp: BH THE “Mã thẻ BHYT” gửi 8079.
- Cách 3: Gọi điện đến Tổng đài 1900.9068 của BHXH Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ.
- Cách 4: Cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số” để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHYT.
HieuLuat vừa thông tin về bảo hiểm y tế học sinh sinh viên, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Bảo hiểm y tế sinh viên hết hạn, gia hạn được không?